Thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật nhằm thay đổi bản chất hệ thống pháp luật nước ta, từ đó chuyển hóa chế độ chính trị. Vì vậy, cần cảnh giác và đấu tranh, ngăn chặn hoạt động thâm độc này.
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị; công cụ sắc bén để thực hiện quyền lực nhà nước, duy trì địa vị và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Pháp luật do nhà nước, đại diện chính thức của toàn xã hội ban hành nên nó còn mang tính chất xã hội; đồng thời, là phương tiện có hiệu lực nhất để điều chỉnh các mối quan hệ, điều hòa lợi ích, nhu cầu của các giai cấp, tầng lớp xã hội và bảo vệ trật tự xã hội, đời sống cộng đồng, v.v. Vì thế, pháp luật luôn có sự kế thừa các chế định pháp lý riêng biệt, kỹ thuật lập pháp, các khái niệm, thuật ngữ pháp lý đã có trong các kiểu pháp luật trước đó. Pháp luật xã hội chủ nghĩa cũng không ngoại lệ, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ở Việt Nam, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước nhiệm vụ cấp thiết phải xóa bỏ hệ thống pháp luật hà khắc của chế độ thực dân - phong kiến, xây dựng hệ thống pháp luật mới để quản lý xã hội, giữ vững nền độc lập dân tộc. Nhưng xây dựng hệ thống pháp luật mới không phải là công việc có thể thực hiện một sớm, một chiều. Vì thế, cùng với việc khẩn trương xây dựng những văn bản pháp luật mới, Nhà nước ta đã tạm thời áp dụng các quy định của pháp luật cũ có nội dung không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hòa. Nhờ cách làm đó, pháp luật kiểu mới ở nước ta vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và không ngừng kế thừa, tiếp thu có chọn lọc pháp luật tiến bộ để ngày càng phát triển, hoàn thiện, nhất là trong thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế. Điều đó, không chỉ đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, mà còn góp phần tạo nên những thành tựu ấn tượng cho hệ thống pháp luật Việt Nam trong hơn ba mươi năm qua. Hành lang pháp lý chặt chẽ, mở rộng đã và đang giúp cho các thành phần kinh tế phát triển nhanh, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực to lớn để thực hiện việc mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội; quyền làm chủ của nhân dân lao động được phát huy mạnh mẽ về mọi mặt. Đồng thời, giải quyết thành công nhiều vấn đề xã hội cấp bách, như: việc làm, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, phòng, chống tệ nạn xã hội, v.v.
Các đại biểu dự lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 10 (tổ chức tại Lào, ngày 12-10-2018) chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: TTXVN)
Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách, đổi mới, phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi chúng ta phải tích cực hơn nữa trong việc học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực của các đối tác nước ngoài vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này thời gian qua cho thấy, nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng việc hợp tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp để tuyên truyền quan điểm pháp lý tư sản, tư tưởng đa nguyên, đa đảng, nhằm chuyển hóa quan điểm lập pháp của Đảng, làm chệch mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thông qua tài trợ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, họ tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan thể chế chính trị, kinh tế, quyền con người ở Việt Nam. Điển hình, khi chúng ta tiến hành sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, họ tỏ vẻ quan tâm khuyến nghị nên bỏ một số điều khoản trong Chương Các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật này và tích cực hỗ trợ các cơ quan chức năng của ta soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin, nhằm tạo điều kiện, môi trường chính trị xã hội, pháp lý cho việc hình thành đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam. Không những thế, họ còn đề nghị ta sửa đổi, hủy bỏ các điều luật về an ninh quốc gia vì có nội dung còn “mơ hồ”, hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội,… trái với Luật Nhân quyền quốc tế. Một số tổ chức phi chính phủ sốt sắng triển khai nhiều dự án hợp tác xây dựng pháp luật với Việt Nam nhằm phát triển “xã hội dân sự”, hình thành tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam. Lợi dụng tổ chức hội thảo, tập huấn hỗ trợ xây dựng văn bản pháp luật cho các cơ quan chức năng của ta để họ tác động vào việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người ở nước ta. Hơn thế nữa, họ còn tìm cách xâm nhập nội bộ, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, đảng viên cơ quan chức năng trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật để cài cắm nội gián, v.v. Đặc biệt, các tổ chức phi chính phủ ở một số nước lấy danh nghĩa tài trợ cho giới luật gia Việt Nam, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho luật sư trong nước để tác động, khuyến khích họ phát biểu, phê phán hệ thống pháp luật Việt Nam; lôi kéo số luật gia có uy tín, nhưng có tư tưởng đa nguyên ra nước ngoài đào tạo hoặc mời cán bộ thuộc các cơ quan lập pháp, tư pháp của Việt Nam đi tham quan, nghiên cứu mô hình hệ thống tư pháp ở nước ngoài và vấn đề tư pháp độc lập để tác động làm thay đổi quan điểm, tư tưởng, thậm chí tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước.
Trong khi đó, công tác nắm tình hình về âm mưu, thủ đoạn lợi dụng hoạt động hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật để xâm phạm an ninh nước ta có lúc, có nơi còn lúng túng, thụ động; công tác phòng ngừa, đấu tranh thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhận thức về âm mưu, hoạt động lợi dụng hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật để “diễn biến hòa bình” đối với nước ta còn hạn chế. Việc thẩm định, xét duyệt một số chương trình, dự án thiếu chặt chẽ, thống nhất, chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý những chương trình, dự án tài trợ trái quan điểm, chủ trương của Đảng hoặc vi phạm pháp luật Việt Nam. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động của các đối tác, tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn mang tính sự vụ, chưa thực sự chủ động và thiếu kế hoạch tổng thể, v.v. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật để chống phá cách mạng nước ta, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào những nội dung trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị có liên quan đến công tác tư pháp. Đó là Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị 39-CT/TW ngày 09-12-2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; Nghị định 113/2014/NĐ-CP, ngày 26-11-2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật, quy định việc hợp tác quốc tế của các cơ quan, tổ chức Việt Nam với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật, v.v. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần phát huy tốt vai trò tham mưu và làm nòng cốt trong hoạt động hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc trên lĩnh vực xây dựng pháp luật. Trong đó, tập trung tuyên truyền làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đã và sẽ có thể tiếp tục lợi dụng việc hợp tác trong lĩnh vực này để chống phá Việt Nam; đồng thời, giáo dục để họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức tốt; luôn đề cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, bảo vệ bí mật nhà nước; tích cực đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện sai trái, vi phạm luật pháp Việt Nam. Cùng với đó, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu để có đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật.
Ba là, thường xuyên nắm chắc động thái của các cơ quan hữu quan, tổ chức phi chính phủ ở những nước có hợp tác với ta trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Các cơ quan chuyên trách cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, nhằm phát hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá để kịp thời có biện pháp đấu tranh phòng, chống hiệu quả. Tăng cường biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp giấy phép hoạt động cho các văn phòng đại diện, văn phòng dự án và xét duyệt dự án thực hiện ở trong nước; chú ý đến những dị biệt về văn hóa, tâm lý, tình cảm; chú trọng bảo mật dự án ngay từ giai đoạn khảo sát. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp làm lộ, lọt bí mật nhà nước, hoặc cung cấp thông tin để đối tác nước ngoài tác động, hướng lái đường lối, chính sách, pháp luật, nhằm chuyển hóa chính trị ở Việt Nam.
Bốn là, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật. Các bộ, ban, ngành và địa phương tiến hành rà soát, đề nghị sửa đổi, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, không tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về tiếp nhận, quản lý, sử dụng các chương trình, dự án nước ngoài tài trợ, nhất là trên lĩnh vực xây dựng pháp luật. Đối với các chương trình, dự án hợp tác do nước ngoài tài trợ, cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước từ khâu thẩm định, xét chọn các chương trình, dự án để tiếp nhận và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.
Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về cải cách tư pháp và xây dựng pháp luật, bảo vệ bí mật nhà nước… đến mọi đối tượng đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, nhất là các đối tác nước ngoài có hoạt động hợp tác với nước ta về xây dựng pháp luật. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia giám sát của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, hạn chế vi phạm do thiếu hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác trong hợp tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta.
Những năm tới, đất nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; đó cũng là xu thế tất yếu của sự phát triển. Do vậy, cần tiếp tục tận dụng những thuận lợi trong hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển đất nước một cách bền vững; đồng thời, tích cực đấu tranh làm thất bại mưu đồ lợi dụng sự hợp tác quốc tế về xây dựng luật để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tân Long, Bộ Công an
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Đức Lâm (st)