Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm, từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969. Đây là khu vực có nhiều điểm di tích liên quan đến cuộc sống đời thường của một vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong một ngôi nhà nhỏ của người công nhân điện cạnh bờ ao. Từ ngày 17/5/1958, Người chuyển sang ở ngôi Nhà sàn phía bờ ao đối diện. Ngôi nhà gỗ nhỏ này có hai tầng. Tầng dưới ngôi Nhà sàn để thoáng, xung quanh có mấy chiếc mành bằng tre, ở giữa có 10 chiếc ghế đặt quanh chiếc bàn họp lớn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc mùa hè, họp với Bộ Chính trị hoặc tiếp khách. Góc nhà còn đặt thêm chiếc bể cá vàng dành cho các cháu thiếu nhi thêm vui mỗi khi vào thăm Người. Tầng trên có hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng chừng 10m2. Phòng làm việc có vách ngăn phòng đồng thời là giá sách để chiếc máy chữ, các tác phẩm của tác giả trong nước và quốc tế gửi tặng Người. Trên bàn làm việc đối diện với khung cửa sổ còn cuốn lịch, chiếc bát thủy tinh để thả hoa nhài. Phòng nghỉ của Người có một số vật dụng cá nhân thường ngày: Chiếc chổi tre phất muỗi, quạt lá cọ, chiếc mũ cát, chiếc đài bán dẫn. Ngôi Nhà sàn lịch sử này đã chứng kiến những năm tháng làm việc và cống hiến quên mình của Người để phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân trong giai đoạn sôi động của cách mạng Việt Nam: Vừa tiến hành đồng thời công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam nhằm thống nhất đất nước và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới. Điểm đặc biệt nhất là cũng chính tại ngôi Nhà sàn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Đạo đức cách mạng, Không có gì quý hơn độc lập tự do, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân... trong đó có bản Di chúc lịch sử mà lúc đầu Người đặt tên là tài liệu Tuyệt đối bí mật.

Nhưng để xác định nơi nào trong ngôi Nhà sàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn để soạn thảo nội dung và chỉnh sửa nhiều lần bản Di chúc thì đã có ý kiến nêu ra dựa trên nhận định về thời gian viết phù hợp với địa điểm làm việc của Người như sau: Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn thời điểm viết, sửa bản Di chúc là vào các mùa hè, (từ ngày 10/5 đến 19/5 hàng năm từ 1965 đến 1969) cho nên tất nhiên theo thông lệ làm việc theo mùa (mùa đông Người thường làm việc trên Nhà sàn) thì Người sẽ ngồi viết, sửa bản Di chúc ở tầng dưới Nhà sàn vì đây là nơi thoáng mát, rộng rãi, bên cạnh có ao, có vườn cây và các khóm hoa thơm! Tuy nhiên, nếu như chúng ta nghiên cứu kỹ các chi tiết liên quan đến quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có thể khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngồi viết, chỉnh sửa hay đánh máy bản Di chúc ở tầng dưới Nhà sàn vì những lý do như sau:

1. Dựa vào lập luận theo tính chất sự kiện: Trong giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc đang diễn ra ngày một ác liệt, để tránh làm ảnh hưởng, xáo trộn tinh thần, tư tưởng, tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn để cho mọi người biết việc Người đã bắt đầu viết những lời căn dặn cuối cùng nên khi khởi thảo Di chúc, Người viết tránh đi là tài liệu Tuyệt đối bí mật. Và đã là tài liệu rất quan trọng và bí mật thì khi viết sẽ đòi hỏi cách bố trí thời gian thư thái, cần tập trung cao về tinh thần, trí tuệ và sự tỉ mỉ, cẩn thận từng câu, từ để hoàn thành nội dung một cách tốt nhất, do vậy Người phải chọn nơi có bàn làm việc thoải mái, thoáng đãng, yên tĩnh, ít có người qua lại để không bị ngắt quãng luồng suy nghĩ. Tầng 1 Nhà sàn tuy là nơi Người thường làm việc mùa hè nhưng vẫn có bàn điện thoại, anh em phục vụ, bảo vệ xung quanh và rất có thể các đồng chí trong Trung ương, Bộ Chính trị bất chợt xin vào gặp Người báo cáo công việc! Còn phòng làm việc ở trên tầng 2 Nhà sàn hoàn toàn là nơi đảm bảo mọi yếu tố cần thiết đã nêu (vì là phòng riêng, kín đáo và vẫn có gió thoáng mát, ánh sáng, hương hoa vườn...).

2. Dựa vào hồi ký của nhân chứng: Đồng chí thư ký Vũ Kỳ là người chứng kiến và cũng là người duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn để giao cho việc lưu giữ các bản thảo trong quá trình Người viết Di chúc. Trong hồi ký kể lại những lần viết, sửa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh in trong cuốn Thư ký Bác Hồ kể chuyện do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phối hợp với Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ấn hành và tái bản vào những năm 2005, 2008, 2009, đồng chí Vũ Kỳ có một lần đầu tiên nói rõ địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc là tại phòng làm việc trên tầng 2 Nhà sàn, còn những lần sau đồng chí chỉ mô tả địa điểm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc từ tháng 5/1965 đến tháng 5/1969 như sau:

a, “... Đó là buổi sáng thứ hai ngày 10/5/1965 không thể nào quên. Tôi theo Bác lên Nhà sàn, báo cáo công việc chính trong ngày. Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã được suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên Nhà sàn càng yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn. Đúng 10 giờ. Một giờ đã qua. Bác gấp những tờ giấy Tuyệt đối bí mật lại, cẩn thận cho vào phong bì rồi để vào ngăn trên giá sách (trang 487- 490). “Bác đánh máy xong tài liệu Tuyệt đối bí mật vào lúc 16 giờ ngày 14/5/1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1965 trước chữ ký Hồ Chí Minh. 19 giờ 30, Bác đến dự mít tinh của thiếu nhi Thủ đô)... 21 giờ Bác về tới Phủ Chủ tịch... Tôi im lặng đi bên Bác, đưa Bác lên Nhà sàn. Bác giao chiếc phong bì to cho tôi và dặn: Chú cất giữa cẩn thận, sang năm mùng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác.” (trang 507-508).

b, “Ngày 12/5/1968 là ngày Chủ nhật. Gần 9 giờ khi tôi lên để chuẩn bị tài liệu cho Bác thì cũng là lúc Bác tiễn anh Tô và anh Ngô Minh Loan ra về. Đúng 9 giờ, Bác quay lại Nhà sàn, đọc tài liệu, suy nghĩ, sửa chữa.” (trang 549)

c, “Ngày 19/5/1969. Khi chúng tôi đến Nhà sàn, Bác đã dậy và đang luyện tập. Đúng 9 giờ Bác ngồi vào bàn làm việc với bản Di chúc trước mặt. Bên ngoài nắng đã lên cao. Một làn gió mát rượu ùa vào khung cửa sổ làm bay bay những sợi tóc bạc của Bác. Bác ngồi đó, tựa lưng vào thành ghế thoải mái, ung dung, nét suy tư hiện lên trên vầng trán rộng…” (trang 581).

3. Địa điểm khác: Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chữa bệnh ở Tùng Hóa (Quảng Châu) từ ngày 14/4 đến ngày 30/6 mới trở về Hà Nội nên năm đó Người không chỉnh sửa tài liệu Tuyệt đối bí mật. Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa tài liệu Tuyệt đối bí mật ở tại Nhà sàn và khu nhà nghỉ Trung ương ở Hồ Tây. Đồng chí Vũ Kỳ kể: “Ngày 18/5/1968, cơm chiều xong Bác và tôi bí mật rời Phủ Chủ tịch. Ngày 19/5, hôm nay tại Hồ Tây, từ 9 giờ đến 10 giờ, Bác vẫn đem tài liệu ra xem lại và sửa chữa… Bác ngồi trên chiếc ghế mây. Sáng nay tôi được nhìn Bác Hồ ngồi viết Di chúc” (trang 554-555). Như vậy, qua lập luận lôgic của sự kiện, qua cách mô tả địa điểm và thông tin được trích từ hồi ký của đồng chí thư ký Vũ Kỳ, với những danh từ, động từ và trạng từ chỉ địa điểm như: phòng làm việc trên nhà sàn, lên nhà sàn, ngăn giá sách, khung cửa sổ (những kết cấu, vật dụng không có ở tầng 1 ngôi Nhà sàn). Chúng ta có thể kết luận chắc chắn rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và hoàn thành việc soạn thảo, đánh máy, chỉnh sửa, bổ sung các bản thảo Di chúc tại phòng làm việc trên tầng 2 ngôi Nhà sàn từ ngày 10 đến ngày 19 trong các tháng 5 của bốn năm: 1965, 1966, 1968 và 1969.

Đỗ Hoàng Linh
Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo
http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: