Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi Văn bản Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc đi xa là tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa đối với dân tộc ta, văn kiện lịch sử này đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật của quốc gia để truyền giữ lại cho các thế hệ người Việt Nam.

di chuc van kien lich su 1

1. Di chúc là văn kiện lịch sử thể hiện tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí quyết tâm của nhân dân Việt Nam thực hiện lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết những lời dặn lại trong thời điểm lịch sử khi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đang đứng trước thử thách nghiêm trọng do cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra. Tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ đã ồ ạt cho không quân leo thang bắn phá miền Bắc; tháng 3 năm đó quân viễn chinh Mỹ bắt đầu đổ bộ vào Đà Nẵng. Cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ đã làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân miền Bắc, từ thời bình sang thời chiến vừa chiến đấu, vừa sản xuất và chi viện cho miền Nam. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người Việt Nam yêu nước.

Suy nghĩ, trăn trở trước thử thách nghiêm trọng của đất nước, tháng 5 năm 1965, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 75 Bác viết vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật”: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay…”. Đến tháng 5 năm 1969, khi viết lại đoạn mở đầu của tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, Bác nhắc lại: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”1.

Lời dặn lại nhẹ nhàng nhưng tha thiết, chứa đựng khát vọng ngàn đời của dân tộc, hòa cùng tiếng vang của lời thề ngày dựng nước: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”2; “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”3. Hơn hết lời Bác thể hiện niềm tin tuyệt đối của Người vào sức mạnh to lớn và ý chí quyết chiến quyết thắng của nhân dân Việt Nam vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.

di chuc van kien lich su 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 28/02/1969. Ảnh tư liệu: BTHCM

Cuộc đời Bác là biểu tượng cao đẹp của ý chí độc lập và thống nhất Tổ quốc. Người coi nhiệm vụ của mình chưa hoàn thành khi miền Nam chưa được giải phóng và vì thế đã hai lần Người từ chối nhận huân chương cao quý. Năm 1963, khi Quốc hội có ý định tặng Bác Huân chương Sao vàng Người đề nghị: “Tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy… Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, đồng bào miền Nam đang hàng ngày hàng giờ hy sinh xương máu, anh dũng đấu tranh, kiên quyết chống bọn cướp nước hại dân, để giành lấy quyền tự do sinh sống… Tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”4. Lần thứ hai Người từ chối nhận Huân chương Lênin khi Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô quyết định tặng, Người đã gửi điện cảm ơn và nói rằng: “Lúc này, giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ quốc Việt Nam chúng tôi… riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lênin thì lòng tôi không yên chút nào”5.

Di chúc Bác viết rằng đến ngày miền Nam giải phóng Người sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào cả nước. Nhưng khi viết như vậy Người biết rằng không thực hiện được mong muốn này. Gặp những người con từ miền Nam ra Bắc, Bác nói Người ra đi từ miền Nam và muốn được trở lại nơi ấy và rất vui khi sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hoàn thành, Người sẽ là người “đi đến nơi, về đến chốn”. Di chúc của Bác là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết, là lời hịch của cha ông, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam đối với muôn đời con cháu. Tại buổi lễ trọng thể truy điệu Người từ Quảng trường Ba Đình lịch sử, toàn thể nhân dân Việt Nam đã tuyên thề: “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”6. Đó là lời thề thiêng liêng nhất mà nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh.

Trong Di chúc Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”7. Bác là tượng trung cho tinh hoa của dân tộc, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam, nhưng trái tim, khối óc của Người cũng hướng về nhân dân toàn thế giới. Người thường nói: Một dân tộc yêu tự do, độc lập của dân tộc mình thì càng phải tôn trọng tự do, độc lập của các dân tộc khác. Người khẳng định thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam cũng chính là một đóng góp tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Văn bản cuối cùng để lại cho nhân dân ta vẫn sáng ngời tinh thần quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

di chuc van kien lich su 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek bên bờ Biển Đen, trên bán đảo Crimea, ngày 23/8/1957. Ảnh: TASS/TTXVN

2. Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” kết tinh tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân loại

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của một nhà cách mạng, một nhà văn hóa lớn. Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng loài người. Để hoàn thành sự nghiệp này Bác đã huy động sức mạnh của truyền thống 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam kết hợp với tinh thần văn hóa của thời đại. Đối với Bác, văn hóa và cách mạng là một, văn hóa nhằm mục đích phục vụ hoạt động cách mạng. Văn hóa trong con người Hồ Chí Minh đã làm cho Người có một sức thu hút mạnh mẽ, một khả năng cảm hóa đặc biệt đối với mọi người, không kể người đó từ đâu tới và thuộc hệ tư tưởng nào. Thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã giành lại cho nhân dân ta quyền làm người, quyền được sống một cuộc sống xứng đáng với con người và mặt khác thắng lợi đó cũng có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đối với việc khẳng định bản sắc văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Chính vì thế Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Người hai danh hiệu Anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa lớn.

Nói đến giá trị văn hóa của tài liệu “Tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói đến đạo đức của Người. Với ý nghĩa là gốc của văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện trong suốt cuộc đời đầy sóng gió của Người ở mọi nơi, trên thế giới cũng như ở trong nước. Đó là phẩm chất cao quý của một người chiến sỹ cách mạng, tất cả vì nước vì dân, vì sự nghiệp lớn trong sáng, thanh bạch và vô cùng đẹp đẽ. Dưới ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh gần một thế kỷ qua dân tộc Việt Nam ta đã đạt được những thành tựu kỳ diệu. Đó là một Tổ quốc độc lập, thống nhất vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; một Đảng Cộng sản kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; một nhà nước của dân, do dân, vì dân với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy trong đời sống xã hội; một lực lượng vũ trang cách mạng, trung với Đảng, hiếu với dân nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; một mặt trận dân tộc thống nhất tiêu biểu cho đại đoàn kết toàn dân; một tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Những thành quả đó đã ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh mà chính Người là hiện thân tiêu biểu. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa, khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại.

Trong Di chúc Bác đã viết về cuộc hành trình 79 mùa Xuân bằng một đoạn rất ngắn gọn: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…”. “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân…”8. Bác viết về việc riêng của mình? Không phải, đó là việc chung cho hôm nay và cho cả mai sau.

Giá trị văn hóa trong Di chúc còn thể hiện rất rõ ở việc Bác mong muốn mỗi người Việt Nam phấn đấu trở thành những người có văn hóa để xây dựng một xã hội văn hóa. Người chỉ rõ để làm việc này thì trước hết phải xây dựng văn hóa của người lãnh đạo. Đọc Di chúc việc Bác nói về Đảng chúng ta lại nhớ đến việc Bác bồi dưỡng lớp cán bộ đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ngay từ thời đó Bác đã nêu lên những nguyên tắc cơ bản để xây dựng con người cách mạng chân chính để từ đó xây dựng một chính Đảng cách mạng. Người viết: Người cách mạng phải “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo…”9. Đảng nhất thiết phải bao gồm những con người như thế mới xứng đáng là đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Một bài học lớn Bác nhắc lại trong Di chúc là Đảng ta phải xứng đáng là một Đảng cầm quyền. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phả xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”10.

Hơn ai hết Bác Hồ thấy rõ việc xây dựng văn hóa của chính đảng cầm quyền là vô cùng quan trọng để giá trị của văn hóa được lan tỏa, hòa vào đời sống của nhân dân, thúc đẩy xã hội phát triển như Người đã khẳng định: Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi. “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”- là câu nói có ý nghĩa vô cùng sâu sắc về vai trò của Đảng ta đối với đất nước, dân tộc. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Câu đó phải được tất cả chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm từ trên xuống dưới trong bộ máy của Đảng và của Nhà nước suy nghĩ. Đó là quan điểm cách mạng vô sản, một luận điểm có ý nghĩa cơ bản và sâu sắc về quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của quần chúng.

Văn hóa lãnh đạo của Đảng quan trọng bậc nhất là văn hóa nêu gương. Nói cách khác nêu gương chính là giá trị đích thực của văn hóa. Vừa qua Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XII đã thông qua “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Quy định này là việc làm rất thiết thực của Đảng ta nhằm bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên và xây dựng Đảng nói chung theo gương Bác và theo Di chúc của Người.

Trong Di chúc Bác nói Người sẽ đi gặp Mác - Lênin. Không phải ngẫu nhiên mà Bác viết như vậy, Người muốn bày tỏ lòng biết ơn của dân tộc Việt Nam đối với cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do Người đã gặp được Mác - Lênin trong đường lối của Đảng, trong cuộc đấu tranh cách mạng. Đó cũng là thể hiện một tâm hồn cao đẹp, một nhân cách văn hóa lớn Hồ Chí Minh chuẩn bị lên đường gặp lại những ân nhân của mình. Từ câu nói đó của Bác, với tâm hồn của một nhà thơ lớn, Tố Hữu đã tưởng tượng cuộc gặp rất đẹp của Bác với Mác - Lênin và thế giới người hiền: “Bác đã lên đường, nhẹ bước tiên/ Mác - Lênin thế giới người hiền/ Ánh hào quang đỏ thêm sông núi/ Dắt chúng con cùng nhau tiến lên”11. Văn hóa Mác - Lênin, văn hóa Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta tiến về phía trước.

Với ý nghĩa đặc biệt về lịch sử và văn hóa, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà cho cả nhân loại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nhiều nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới cũng đã cho rằng: “Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là dành cho nhân dân Việt Nam mà cho tất cả các dân tộc”. Có nhà lãnh đạo không phải là cộng sản cũng nói lên niềm xúc động của mình và cho rằng: “Lời Di chúc của con người vĩ đại ấy là cho tất cả loài người, việc gì Người chưa làm, tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ tiếp tục làm”. Con người Bác trong mắt của thế giới là như vậy. Thật là một con người của thế kỷ, hơn nữa của thời đại”12.

Với ý nghĩa lịch sử và văn hóa, dân tộc và nhân loại, tài liệu “Tuyệt đối bí mật” sẽ mãi mãi trường tồn như một áng văn bất hủ.

TS. Nguyễn Thị Tình
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh 
Đức Lâm (st)

-----------------

1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999, tr. 26,34.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.587.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.534.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.79-80.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.400
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.627
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.614
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.613
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.280
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622
11. Tố Hữu: Bác ơi, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.228.
12. Võ Nguyên Giáp. Bài phát biểu tại cuộc Hội thảo khoa học Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh. Quê hương Nghệ Tĩnh với Bác Hồ. Sách Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Nxb. Nghệ Tĩnh 1990, tr.29

Bài viết khác: