Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cùng các cơ quan Trung ương, Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô Hà Nội, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh đi đến thống nhất Tổ quốc. Lực lượng Công an nhân dân đã phối hợp với Quân đội nhân dân và các lực lượng liên quan triển khai bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao “về lại Thủ đô”.

don bac
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân dân Hà Nội mừng Chính phủ về Thủ đô (Bắc Bộ phủ ngày 16/10/1954)

Kế hoạch bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp quản Thủ đô được Trung ương chỉ đạo thống nhất và hết sức chặt chẽ. Trung ương giao cho đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương, thành lập một tổ công tác tiền trạm để gấp rút tiến hành những công việc chuẩn bị đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ­ương, Chính phủ về Hà Nội. Đồng chí Lê Thanh Nghị trực tiếp chỉ định những đồng chí trong tổ công tác tiền trạm gồm: Đồng chí Phan Văn Xoàn, đồng chí Quách Quý Hợi (Cục Cảnh vệ), đồng chí Nông Đức Chiến (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), đồng chí Tạ Đình Hiểu, Chính ủy Trung đoàn 600 thuộc Đại đoàn 350, Bộ Quốc phòng và giao cho đồng chí Tạ Quang Chiến công tác tại Văn phòng Phủ Thủ tướng làm Tổ trưởng. Tổ công tác tiền trạm khẩn trương khảo sát, xây dựng kế hoạch bảo vệ trên đường về, tính toán từng trạm nghỉ dừng chân trên đường, phối hợp với Ban Tài chính Quản trị Trung ương lo địa điểm nơi ở và làm việc của Bác, bố trí lực lượng trinh sát và phối hợp với lực lượng quân đội, công an và chính quyền địa phương có liên quan phối hợp bảo vệ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tổ công tác tiền trạm được lệnh quay lại chiến khu Việt Bắc để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Đoàn bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí Thường vụ Trung ư­ơng Đảng ngay từ đầu tháng 8 năm 1954 đã chuyển địa điểm từ Yên Sơn (Tuyên Quang) về thôn Vai Cầy, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên theo đường mà tổ công tác tiền trạm đã chuẩn bị trước. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập toàn bộ cán bộ, chiến sỹ bảo vệ và phục vụ để căn dặn trước khi về thủ đô Hà Nội. Như người cha dặn dò con cháu khi đến công tác tại một môi trường, địa bàn mới. Người nói: "Bác cháu ta cùng quen chịu đựng gian khổ, nay về Hà Nội địch chiếm đóng lâu năm đầy rẫy cảnh sống xa hoa, trụy lạc nên dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các cô, các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước "viên đạn bọc đường”. Lời dạy của Bác có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn với lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các lực lượng liên quan về tiếp quản Thủ đô.

Trong những ngày lưu lại ở Vai Cầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đền Hùng tại xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong (tức Sư đoàn 308 - đơn vị chủ lực về tiếp quản Thủ đô). Người đã căn dặn cán bộ, chiến sỹ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Sau Buổi nói chuyện, Người trở lại Vai Cầy, nơi dừng chân cuối cùng ở căn cứ địa Việt Bắc trước khi trở về tiếp quản Thủ đô.

Ở Thủ đô Hà Nội, những ngày đầu tháng 10, quân và dân ta tiến sát vành đai của thủ đô Hà Nội như Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai,… để chuẩn bị chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô.

16 giờ ngày 09/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên. Quân và dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị Quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội.

Nhân dân và chính quyền Hà Nội cùng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của Pháp ở Hà Nội như: Sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, khu Đồn Thủy,… những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó có 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học,… trong đó có Phủ Toàn quyền cũ, Bắc Bộ Phủ, Sở mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não trọng yếu của Pháp.

8 giờ ngày 10/10/1954, quân đội ta từ phía Tây xuất phát từ khu Quần Ngựa (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng - anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị, tiến vào các đường phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang,… Đến 9 giờ 45 phút thì vào đóng trong thành cổ Hà Nội.

8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc 2 Trung đoàn 88 và Trung đoàn 36 xuất phát từ Việt Nam học xá (nay là khu vực Đại học Bách Khoa), tiến qua phố Bạch Mai, Phố Huế,… vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm rồi trở lại theo 2 hướng Đông và Tây của phố Trần Hưng Đạo và đóng quân ở khu vực Đồn Thủy (Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và Đấu Xảo (Cung Văn hóa Hữu Nghị).

9 giờ 30 phút, đoàn cơ giới và pháo binh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng thành phố Hà Nội dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, qua Ngã Tư Vọng theo đường Bạch Mai, Phố Huế, qua bờ hồ Hoàn Kiếm, vào Hàng Ngang, Hàng Đào, qua chợ Đồng Xuân lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu vào Thành cổ.

15 giờ ngày 10/10, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính Thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa chính thức được kéo lên tại cột cờ Hà Nội. Còi Nhà hát lớn Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột cờ. Tại buổi lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng:

“8 năm qua, Chính phủ phải rời xa Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về với Thủ đô, với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết…”.

Ngày 12/10/1954, lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân đã phối hợp với các đơn vị liên quan bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Đại Từ (Thái Nguyên) về thị xã Sơn Tây. Tại thị xã Sơn Tây, Người ở và làm việc tại một trạm thuỷ lợi ngay chân đê thuộc thôn Phù Xa, xã Viên Sơn. Địa điểm này là ngôi nhà cấp bốn nhưng rất thoáng mát, bảo vệ tiếp cận Bác gồm đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Long Văn Nhất, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Nền (Phạm Văn Nền kiêm lái xe).

Ngày 14/10/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh rời thị xã Sơn Tây về Hà Nội. Không khí những ngày Thủ đô mới được tiếp quản thật náo nhiệt, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ đỏ rực các đường phố Hà Nội. Những ngày đầu về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà trong nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ư­ơng Quân đội 108). Người ở và làm việc tại một gian đầu hồi trên tầng hai có cửa sổ nhìn xuống cổng phía đường Trần Khánh Dư, ở vị trí này rất dễ quan sát khi có động tĩnh lại thoáng mát. Vì là địa điểm được Tổ công tác tiền trạm chuẩn bị trước nên công tác bảo vệ không những đảm bảo chặt chẽ mà còn có nhiều thuận lợi. Lực lượng vũ trang của Trung đoàn 600 có một trung đội bảo vệ vòng ngoài, các lối đi, cổng ra vào đều bố trí trạm canh gác, tuần tra, bên trong do lực lượng bảo vệ tiếp cận của Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) canh gác thường xuyên 24/24 giờ.

  Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà thương Đồn Thủy đến ngày 19/12/1954, đúng 8 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trung ương mời Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Phủ Chủ tịch được sửa sang tu bổ lại để Bác tiện chủ trì các cuộc họp Chính phủ, tiếp khách trong nước và nước ngoài. Khi nghe Trung ương báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem, Người khen ngôi nhà to và đẹp, nhưng đề nghị tu sửa lại căn nhà ba gian gần bờ ao cách Phủ Chủ tịch khoảng 300m để ở. Căn nhà này vốn là nơi ở của người thợ điện làm việc cho chế độ cũ nay bỏ không. Người nói: "Một mình Bác ở như vậy là vừa rồi, lại gần Phủ Chủ tịch khi hội họp tiếp khách đi bộ sang cũng tiện". Công tác bảo vệ Bác tại đây có nhiều thuận lợi, lực lượng vũ trang của Trung đoàn 600, Bộ Quốc phòng bảo vệ vòng ngoài; vòng trong Cục Cảnh vệ lập các trạm gác hóa trang ngày đêm bảo vệ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc.

Mặc dù tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở Thủ đô Hà Nội những ngày mới giải phóng hết sức phức tạp, bọn phản động tay sai đế quốc như Việt Nam quốc dân đảng, Phục quốc... ra sức chống phá cách mạng, tìm cách cài lại bọn tay sai để thực hiện âm mưu phá hoại, nhất là tìm cách ám hại Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các tệ nạn xã hội như mại dâm, nghiện hút, trộm cắp, tàn dư của chế độ cũ để lại rất nặng nề; điều kiện cuộc sống ở Thủ đô hoàn toàn khác với môi trường rừng núi nhưng với sự chỉ đạo thống nhất và chặt chẽ của Trung ư­ơng và trực tiếp là Bộ Công an, lực lượng Cảnh vệ đã phối hợp với lực lượng quân đội và các lực lượng có liên quan triển khai đồng bộ các mặt công tác, ổn định nơi ăn ở, kiện toàn tổ chức, xây dựng phương án bảo vệ theo từng khu vực, bố trí lực lượng bảo vệ khép kín bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước những ngày về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.                                             

Nguyễn Đức Quý (tổng hợp)

Bài viết khác: