Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người vĩ đại, một nhân cách lớn được cả thế giới ngưỡng mộ mà lúc nào cũng giản dị, gần gũi và rất đỗi yêu thương. Sinh thời, Người luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... Người đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về công cuộc giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền... đã được thể hiện rõ trong nhiều bài nói, bài viết của Người, là kim chỉ nam cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

Trên con đường đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, tình cảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc bị áp bức là nỗi đau trăn trở đối với Bác. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, ở chương XI “Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ", Người khẳng định: “Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng nền văn minh - dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do, công lý v.v.., được tượng trưng bằng hình ảnh dịu hiền của một người phụ nữ và được một hạng người tự cho là phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ bằng xương, bằng thịt và xúc phạm tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ một cách cực kỳ vô liêm sỉ”1. Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Lơ Paria (Người cùng khổ) ngày 01-8-1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”2. Người gọi chế độ thực dân là chế độ “ăn cướp và hiếp dâm”. Do đó, chỉ khi nào đánh đuổi được bọn thực dân cướp nước, giành độc lập dân tộc, người phụ nữ mới được giải phóng. Vậy nên, sự nghiệp giải phóng phụ nữ trước hết phải gắn liền với giải phóng dân tộc.

Phải giải phóng phụ nữ còn bởi lẽ trong xã hội Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng phong kiến phương Bắc do hậu quả của nghìn năm Bắc thuộc, đặc biệt là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” được chủ nghĩa thực dân biện bạch là hợp lý, là không thay đổi được. Những phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ, đạo đức phong kiến “Tam tòng tứ đức” được khuyến khích duy trì để trói buộc đày đọa, chà đạp lên tình cảm của phụ nữ. Vì vậy, người phụ nữ không những bị hành hạ, thiếu thốn về vật chất mà còn cả tinh thần, tình duyên dang dở, chịu cảnh lẻ mọn làm thiếp, bị gia đình chồng ngược đãi, đánh đập. Giai cấp thống trị còn ra sức đặt thêm nhiều luật lệ duy trì những tập quán hủ bại để ngăn cấm chị em tham gia hoạt động chính trị, xã hội. Chúng cấm chị em không cho tham gia bộ máy chính quyền các cấp, hạn chế việc học tập, đào tạo nghề cho phụ nữ, kìm hãm sự phát triển trí tuệ, tài năng của họ. Chúng muốn biến phụ nữ thành lớp người u mê đần độn để dễ dàng sai bảo và tự do bóc lột sức lao động của họ.

Người đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận: “Ông Các Mác nói rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào?”. Ông Lênin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”3. Quán triệt và vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò và tính tất yếu phải giải phóng phụ nữ, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy khả năng cách mạng to lớn của phụ nữ, vì phụ nữ là một lực lượng cơ bản trong xã hội, sự tham gia của họ là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của cả dân tộc. Khi bàn tới vấn đề giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định giải phóng phụ nữ là một mục tiêu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người, sự nghiệp đó được mở ra từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917: “Hôm nay, chúng tôi ở đây để làm lễ kỷ niệm cuộc Cách mạng vĩ đại nhất mà lịch sử đã chứng kiến: Cuộc Cách mạng Nga. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà cơ sở của quyền tự do chân chính và quyền bình đẳng thực sự đã được đặt ra cho loài người. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà sự giải phóng phụ nữ sẽ có giá trị và có những ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn”4.

Vấn đề này, ở Việt Nam được Người khẳng định trong tác phẩm Đường cách mệnh: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo”. Người chứng minh bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam: “Đây Bác nói về các cháu gái. Trong chiến đấu, các cháu gan lắm... Bây giờ ở miền Nam có bà Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng là người đảng viên rất tốt. Riêng ở miền Bắc, các cô, các chú thấy lúc bắn máy bay, các cháu gái rất gan, các cháu 17, 18 tuổi gan lắm, lại mưu trí nữa. Đây là nói chiến đấu, còn sản xuất cũng có rất nhiều gương tốt. Có chỗ ông chủ nhiệm đi bộ đội, công việc do cháu gái làm, làm lại tốt hơn trước kia, nhưng óc trọng nam khinh nữ chưa phải đã hết. Tinh thần tự ti vẫn còn không phải ít”5.Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân. Cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”6.

Vì vậy, theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ được coi là thước đo của trình độ phát triển xã hội. Bởi, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa7. Đồng thời, Người chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa yêu cầu phát triển xã hội với vấn đề giải phóng phụ nữ. Công cuộc giải phóng phụ nữ không chỉ đơn thuần là coi trọng nữ giới với tư cách là lực lượng cách mạng “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, tất cả vì con người, lấy con người làm điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi tư tưởng, mọi hành động. Và Người coi đây là vấn đề quan trọng: “Một điểm quan trọng nữa là vấn đề giải phóng phụ nữ. Kinh tế của ta càng phát triển, nhà ăn công cộng càng thêm nhiều, thì phụ nữ sẽ rảnh rang để tham gia lao động. Như vậy, phụ nữ mới thật được giải phóng, nam nữ mới thật là bình quyền”8.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra quan điểm về mục tiêu giải phóng phụ nữ là giải phóng một cách toàn diện. Người đi sâu vào chỉ rõ giải phóng con người, vì con người là mục tiêu cao cả của cuộc cách mạng vô sản, mà ở đó phụ nữ là điểm trung tâm. Có thể thấy, vị trí, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, thể hiện ở cả vai trò duy trì nòi giống và cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Người đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”. Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1966), Bác Hồ nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”9. Trong Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ 08-3-1952, Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”10. Người khẳng định vai trò của phụ nữ đồng thời Người muốn hướng tới mục tiêu đưa phụ nữ Việt Nam ta đến với việc giải phóng toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay

Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Có thể nói, mục tiêu bình đẳng giới hiện là mối lưu tâm hàng đầu của các quốc gia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Ngay từ thời điểm năm 1955, Liên hợp quốc đã thống nhất quan điểm và thông qua Chương trình hành động giới, lồng ghép giới tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ, lần thứ tư tại Bắc Kinh (Trung Quốc); vào năm 1979 tiếp tục thông qua Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và mục tiêu thiên niên kỷ thứ ba cũng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã quyết định đặt ra nhiều ngày lễ quốc tế, nhiều sự kiện trọng đại vì mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điều này cho thấy sự ưu tiên đặc biệt của cộng đồng quốc tế về vấn đề bình đẳng giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa quan điểm, tư tưởng bình đẳng giới vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa bằng pháp luật. Cụ thể, trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp năm 1946, tại Điều 9 đã đề cập thẳng đến quyền bình đẳng nam nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”. Đặc biệt, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27-4-2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước xác định: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”, thể hiện cụ thể trong việc xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, Người cũng trăn trở về vai trò và vị trí của người phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.

Thực hiện những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã bằng các việc làm, hành động cụ thể. Và vấn đề này đã được thể chế hóa thành các văn bản luật như Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 hay ban hành các chương trình hành động như: Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020... Triong đó, Luật Bình đẳng giới (2006) xác định: Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàndiện, phát huy vai trò trong xã hội. Bộ luật nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới và xác định 8 lĩnh vực cần tập trung thực hiện bình đẳng giới là: Chính trị, kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, gia đình, khoa học và công nghệ, văn hóa thông tin, thể dục thể thao. Trong đó, bình đẳng giới trong chính trị (Điều 11) gồm: Bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, hoạt động xã hội; trong tham gia xây dựng và thực hiện quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; trong việc tự ứng cử đại biểu quốc hội, HĐND, ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức.

Tiếp đó, ngày 21/11/2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng được Quốc hội thông qua. Luật gồm 6 chương, 46 điều, xác định rõ các hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Các điều khoản của luật hướng tới mục tiêu tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình, tiến tới xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, với sự tiến bộ của phụ nữ.

Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành đã góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; khắc phục tình trạng phân biệt đối xử về giới và những khoảng cách giới trong thực tế. Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng,chống bạo lực gia đình ra đời là thành tựu quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, là công cụ pháp lý hữu hiệu thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phấn đấu thực hiện Bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây cũng là sự tiếp tục khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, hội nhập khu vực và quốc tế.

Bộ máy quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam gồm có: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nhóm Nữ nghị sĩ Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện công tác này để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, y tế và ngay chính trong gia đình của họ.

Hiện nay, phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ Trung ương đến địa phương và ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Có 20 trong số 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là nữ (đạt tỷ lệ 10%), gồm 17 ủy viên chính thức và 03 ủy viên dự khuyết; tỉ lệ nữ ủy viên chính thức đạt 9,44%, tăng 0,87% so với nhiệm kỳ XI (8.57%) và tăng 1.31 % so với nhiệm kỳ X (8,13%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 1997 - 2002 là 26,2%, nhiệm kỳ 2002 - 2007 là 27,3%, nhiệm kỳ 2007 - 2011 là 25,8% (cao thứ 31 trên thế giới), nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 24,4% (cao thứ 2 trong khu vực và thứ 43 trên thế giới), nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 26,72 % với 133 nữ đại biểu Quốc hội trên tổng số 496 đại biểu. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến chúng ta có 01 nữ Chủ tịch Quốc hội. Ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của người phụ nữ như giáo dục, dệt, may mặc, dịch vụ. Phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên từng chặng đường phát triển. Đại hội XII của Đảng cũng đã khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ”11.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, phụ nữ Việt nam đã được giải phóng và bình quyền và ngày càng phát triển, đồng thời nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua của dân tộc để cảm thấy tự hào về những gì mà phụ nữ Việt Nam đã làm, cống hiến xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội... Trong những phong trào cách mạng đó, phụ nữ Việt nam đã có nhiều tấm gương anh hùng chiến đấu, lao động sản xuất, những chiến sỹ thi đua, những tấm huân chương, những giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà. Để từ đó nhận thức và xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu, phụ nữ Việt Nam ngày càng nhận rõ vinh dự, vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn và mọi mặt đời sống, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".     

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình

Chú thích:

1, 3, 4, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.118; tr.313; tr.7
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, tr.115
5, 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập , tập 15, tr.21; tr.72;
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.300; tr.705; tr.301
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.152
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, tr. 148
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.152
11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2016, tr.163.

 

Bài viết khác: