Suốt gần 60 năm, từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bến cảng Nhà rồng ra đi tìm đường giải phóng dân tộc cho tới lúc Người đi xa, chưa một lần Người được quay lại gặp đồng bào thân yêu trên mảnh đất miền Nam đau thương và quật khởi. Tuy vậy, hình ảnh đồng bào và chiến sỹ miền Nam luôn luôn in đậm trong trái tim Người. Để nói về những tình cảm yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào và chiến sỹ miền Nam nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.

Đáp lại những tình cảm đó là sự yêu thương, kính trọng mà đồng bào miền Nam vẫn luôn dành cho Người: “Đồng bào miền Nam suốt bao năm tháng, đêm ngày dằng dặc, tuy cùng chung cảnh ngộ với người anh em ruột thịt miền Bắc, nhưng lại có những đau thương riêng và những hy sinh gian khổ, niềm tin, ước mơ của riêng mình. Vì vậy đồng bào miền Nam đã yêu thương, tôn kính mong đợi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc bằng những tình cảm, tâm trạng, ý nguyện và phong cách của riêng mình.

Càng trải nhiều hy sinh gian khổ thì miền Nam càng hiểu rõ giá trị cuộc đời vĩ đại của vị anh hùng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”1... Bởi vậy, mối quan hệ giữa Bác Hồ với miền Nam và miền Nam với Bác Hồ là sự hội tụ những gì đẹp nhất của mối quan hệ Bác với nhân dân Việt Nam và nhân dân Việt Nam với Bác, là tượng trưng cho ý chí thống nhất đất nước và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Kể từ cuối thế kỷ 19, khi những cuộc nổi dậy luôn bị dìm trong máu, những con đường cứu nước bị bế tắc, nhân dân ngày càng bị đọa đầy đau khổ bởi áp bức bóc lột, thì sự mong đợi một người dẫn đường đã trở thành nhu cầu cấp bách. Đặc biệt, đối với mảnh đất Nam Bộ, miền đất thuộc địa, người dân lại càng khao khát tự do, càng khát khao thực hiện nhu cầu đó. Trong hoàn cảnh như vậy, sự xuất hiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều kiện tất yếu của lịch sử gắn liền với sự ra đời của một tổ chức đó là Đảng Cộng sản, đây chính là định hướng cho niềm tin và hy vọng của đồng bào miền Nam. Đối với nhân dân miền Nam, Bác Hồ và Đảng là một. Đảng mà Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo đã đem lại ánh sáng cho nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng của mình. Từ thời điểm thực dân Pháp đổ bộ lần đầu tiên vào Đà Nẵng, rồi tấn công vào Gia Định - Định Tường, hơn 80 năm, nhân dân miền Nam đấu tranh không ngừng. Máu đổ xương rơi đã nhiều nhưng Cách mạng vẫn chưa thành công. Phải đến tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng thực hiện Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, miền Nam đã thấy được ánh sáng của thắng lợi. Rồi từ đó, dù đất nước bị chia cắt, dù chưa một lần được trực tiếp nhìn thấy Bác nhưng những lời dạy, những chủ trương, đường lối mà Bác và Đảng ta đề ra đã được nhân dân miền Nam tin tưởng thực hiện.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn dành cho đồng bào miền Nam “đi trước về sau” những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất. Trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của dân tộc, Người luôn theo sát từng bước đi của Cách mạng miền Nam và chia sẻ với đồng bào những đau thương mất mát mà họ phải gánh chịu. Chứng kiến nhân dân miền Nam vẫn anh dũng, kiên cường, Người khẳng định một niềm tin chắc chắn với toàn thể dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, “Đồng bào Nam Bộ là dân tộc nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”2. Từ năm 1954, dù hòa bình được lập lại trên miền Bắc nhưng trái tim Bác chưa phút nào yên, vì miền Nam còn bị quân thù giày xéo, vì sự nghiệp giải phóng đất nước vẫn còn chưa trọn vẹn. Lúc này, giải phóng miền Nam thống nhất non sông trở thành mục tiêu hàng đầu của mọi người Việt Nam yêu nước và đó cũng chính là quyết tâm không lay chuyển của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác thương nhớ miền Nam bao nhiêu thì miền Nam cũng luôn kính yêu, mong đợi được nhìn thấy Bác bấy nhiêu. Vì vậy, trong hai cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân miền Nam đã kiên cường anh dũng chiến đấu để Tổ quốc sớm thống nhất, sớm được đón Bác vào thăm, để thoả lòng mong ước. Nhưng mong muốn đó còn chưa được thực hiện, thì toàn thể nhân dân ta lại phải tiếp nhận một mất mát vô cùng to lớn. Những ngày đầu tháng 9-1969, tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã gây xúc động sâu sắc đến tình cảm của mọi người dân Việt Nam. “Tổn thất này thật là lớn lao, đau thương này thật là vô hạn”3, những lời Điếu văn được Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình đã thể hiện niềm đau xót của cả dân tộc. Trong giờ khắc đau thương đó, khắp nơi trên mảnh đất miền Nam ruột thịt, từ thành phố lớn Sài Gòn - Gia Định đang chịu sự kìm kẹp của kẻ thù cho đến các địa phương như Đồng Tháp, đất Mũi Cà Mau; từ nhà tù Chí Hòa, Côn Đảo đến chiến khu giải phóng, những người chiến sỹ cách mạng và nhân dân miền Nam, bất chấp bom đạn, hiểm nguy bằng nhiều hình thức khác nhau, đã tổ chức truy điệu để tưởng nhớ về Người với lòng kính yêu vô hạn.

Những câu chuyện được kể lại, những hồi ức được viết ra đã thể hiện nỗi đau của quân và dân miền Nam về những ngày tháng chín năm ấy. Ngày Bác đi xa, thành phố Sài Gòn - Gia Định đang trong thời điểm khó khăn gian khổ nhất. Quân dân Sài Gòn - Gia Định nén đau thương, anh hùng phấn đấu, quyết tâm vượt lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam. Với lòng tiếc thương vô hạn, nhiều đồng bào thành phố bất chấp sự theo dõi của địch đã tổ chức truy điệu cho Người. Những buổi lễ giản đơn nhưng trang nghiêm và đầy lòng thành kính được âm thầm diễn ra. Thanh niên, sinh viên thuộc đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn kính cẩn mặc niệm Người trong tiếng hát trang nghiêm của bài “Hồn tử sỹ”. Công nhân xe buýt dành cả ngày và đêm 9 tháng 9 làm lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại nhà lao Chí Hòa, anh chị em tù chính trị để tang Bác 7 ngày. Suốt tuần lễ tang, những người tù chính trị không ngừng hát Quốc ca và làm lễ tưởng niệm Người. Trên mảnh đất Hòa Hưng, 200 Phật tử, nhân sỹ trí thức, sinh viên học sinh tập trung về chùa Khánh Hưng. Đúng 2 giờ chiều ngày 09-9-1969, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau Lễ truy điệu Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), lễ truy điệu tại đây bắt đầu. Bên cạnh đó, nhiều gia đình trong thành phố đốt nhang trên bàn thờ làm lễ tang Bác, đón nghe các buổi phát thanh về Bác trên đài Hà Nội. Quân dân ngoại thành làm lễ truy điệu Bác ở nhà, ngoài căn cứ, dưới địa đạo, dưới những căn hầm bí mật.

Không chỉ ở thành thị mà ngay cả trên các chiến trường, nơi những người chiến sỹ đang vượt lên nỗi đau mất mát, trực tiếp cầm súng để thực hiện lời Bác dạy. Nếu ở miền Bắc, người dân được hy vọng, được theo dõi tình hình sức khỏe của Người thông qua sóng phát thanh, thì ở trên chiến trường bom đạn ác liệt những người chiến sỹ ấy lại phải tiếp nhận tình trạng của Bác qua sự thông báo từ kẻ thù. Vừa nghi ngờ đây là thông tin kẻ thù đưa ra để làm tan vỡ quyết tâm của phe ta nhưng cũng hy vọng đây không phải là thông tin chính xác. Trên một số chiến trường như chiến trường Quảng Trị, từ sau chiến dịch Mậu Thân, cuộc chiến nơi đây càng trở nên ác liệt hơn. Lúc này, kẻ địch tập trung hỏa lực mạnh, quyết đánh bật quân giải phóng về phía Bắc cầu Hiền Lương. Trước tình hình khó khăn đó, các chiến sỹ lại chờ đợi Tết Độc lập như niềm tin tất thắng vào cuộc chiến chống lại kẻ thù, trở thành động lực tinh thần vô cùng to lớn. Nhưng sau ngày vui lớn ấy là nỗi đau bất ngờ của cả dân tộc. Trong giờ phút đau thương, giữa chiến trường thiếu thốn nhưng bàn thờ Bác vẫn được thành kính lập ra. Đứng trước bức di ảnh của Người, những người chiến sỹ biến nước mắt thành quyết tâm, biến đau thương thành hành động cách mạng, biến đau đớn thành sức mạnh chiến đấu. Họ động viên nhau, củng cố cho nhau niềm tin vào Đảng, vào thắng lợi của chính nghĩa. Dường như những điều này mới giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn của toàn dân tộc. Ai cũng hiểu Bác đi xa là tổn thất vô cùng to lớn, sẽ ảnh hưởng tới tâm lý chiến đấu và niềm tin vào thắng lợi của toàn dân. Nhưng Đảng sẽ tiếp nối con đường đấu tranh mà Bác đã vạch ra. Đảng sẽ thay mặt Người lãnh đạo cuộc chiến đấu của nhân dân. Những con người ấy tự hứa với chính mình, hứa với Bác phải chiến đấu dũng cảm hơn để xứng đáng với niềm tin tưởng của Bác, để sớm giải phòng miền Nam, để đất nước sớm được thống nhất, Nam - Bắc xum họp một nhà.

Đặc biệt, bên trong những vùng bị địch chiếm đóng, nhân dân vẫn chịu sự giám sát của kẻ thù, bởi vậy nơi đây không có điều kiện để tổ chức truy điệu cho Người, nhưng mỗi người lại dùng cách của riêng mình để bày tỏ niềm thương tiếc, kính trọng và biết ơn đối với Bác. Những bàn thờ bằng cây được dựng lên trong những hõm rừng chỉ đủ mấy chục người đứng. Những bó nhang mua ngoài “ấp chiến lược”. Những dòng khẩu hiệu đơn giản “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” được treo phía trên bàn thờ thay cho tấm ảnh Bác. Mặc cho kẻ thù vẫn đang lùng sục khắp nơi, trong giờ khắc thiêng liêng ấy, mọi người đều trang nghiêm đứng cúi đầu tưởng nhớ đến Người, nỗi thương tiếc lan tỏa trong tâm tưởng, lắng đọng lại ở đáy lòng, quyết tâm làm tròn niềm hy vọng mà Bác vẫn đau đáu. Có thể nói, chính từ trong cuộc chiến đấu lâu dài, khốc liệt, gian khổ và anh hùng trên dải đất phía Nam Tổ quốc đã nảy sinh mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng hiếm thấy trong lịch sử các dân tộc và lịch sử các cuộc đấu tranh giải phóng. Quyết tâm đi theo con đường của Bác, từ những ngày đầu cách mạng cho tới ngày toàn thắng, quân và dân miền Nam vẫn kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, vẹn nguyên lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Từ trong mỗi thắng lợi và cả mất mát đau thương, nhân dân miền Nam luôn thấy Bác, Người chính là niềm tin, là điểm tựa, là động lực tình thần to lớn cho quân và dân miền Nam.

Đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng: “Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa con thuyền Tổ quốc vượt qua khỏi cơn sóng gió mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”4. Bởi vậy mà tới tận trước lúc đi xa, Bác vẫn chuẩn bị sẵn sàng để làm trọn vẹn trọng trách của mình. Người đã để lại Bản Di chúc với những tình cảm thương nhớ về Nam và khẳng định thắng lợi của dân tộc: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi... Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà...”5. Đây không chỉ là lời căn dặn cho toàn Đảng, toàn dân mà bên cạnh đó là nỗi canh cánh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về miền Nam. Để những suy nghĩ và tình cảm của Người đến được với nhân dân, ngay sau ngày Bác qua đời, Di chúc của Người đã được công bố. Ở miền Bắc tài liệu “Tuyệt đối bí mật” này đã được in và phát công khai trên các phương tiện thông tin để đồng bào cả nước biết về những lời dặn lại cuối cùng của Bác. Còn ở miền Nam, trong điều kiện khó khăn của chiến tranh nhưng Di chúc của Bác vẫn được bí mật gửi tới người dân dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính điều này đã trở thành sự cổ vũ, động viên vô cùng to lớn giúp nhân dân miền Nam vượt lên nỗi đau của toàn dân tộc, tiếp tục niềm tin vững chắc, quyết tâm đập tan âm mưu của kẻ thù.

Bác đã đi xa, mong ước của Người và nhân dân miền Nam còn chưa thực hiện được; đồng bào, chiến sỹ nơi đây chỉ còn được thấy Người qua những câu chuyện kể, những bức thư thăm hỏi, những lời động viên tinh thần khi Người còn sống. Dường như cảm nhận tất cả những tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân miền Nam càng thêm quyết tâm đền đáp lại tình cảm yêu thương, tin tưởng của Người. Đồng bào và chiến sỹ miền Nam luôn luôn khắc sâu hình ảnh Bác trong tim mình, làm theo những lời Bác dạy, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn, khó khăn, anh dũng chiến đấu. Và quả thật, những tình cảm của Bác với nhân dân miền Nam hay của đồng bào miền Nam với Bác Hồ là một trong những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.

Làm tròn trọng trách mà Bác đã giao phó, ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, mảnh đất miền Nam đã trở thành nơi kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ ngày đó, chiến tranh lùi xa về quá khứ, đất nước sạch bóng quân thù, cả dân tộc đến với ngày hòa bình, non sông thu về một mối, nhưng đây cũng là nỗi niềm tiếc nuối của nhân dân miền Nam, không còn cơ hội được đón Bác vào thăm như nguyện vọng của Người. Nhưng niềm vui và sự vinh dự đã đến với nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân Sài gòn - Gia Định nói riêng. Tháng 7-1976, Quốc hội Việt Nam chính thức đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh như chính mong muốn của nhân dân miền Nam năm nào “Xin Quốc hội và Chính phủ đổi tên thành phố Sài Gòn là tên thành phố Hồ Chí Minh để tượng trưng sự chiến đấu, hy sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam Bộ”. Sau 30 năm kể từ ngày Bản quyết nghị được các đại biểu Nam Bộ đề xuất với Quốc hội nay đã trở thành hiện thực. Đây là phần thưởng cao quý nhất, là sự khẳng định của lịch sử đối với những tình cảm, sự gắn bó giữa Bác Hồ với miền Nam và miền Nam với Bác Hồ.

Để xứng đáng với những điều Bác đã mong chờ, trong những năm qua, nhân dân miền Nam đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo; tạo ra sự biến đổi to lớn sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm nên diện mạo mới cho quê hương, đất nước như Bác Hồ kính yêu từng mong đợi.

 Nguyễn Vân Anh

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Đức Lâm (st)

Chú thích:

1. Trích trong cuốn “Vàng trong lửa”, năm 1990
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2011, t.4, tr.280
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2011, t.15, tr.625
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2011, t.4, tr.191
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2011, t.15, tr.623

Bài viết khác: