1. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 29/7/2020 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19
Thông báo nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đã nhiều ngày liền xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại Thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố, chưa xác định được nguồn lây và có nguy cơ lây nhiễm tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn và các tỉnh lân cận Thành phố Đà Nẵng.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, ngành, liên quan, lãnh đạo các địa phương đề cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó có Điện ngày 28/7/2020 của Thường trực Ban Bí thư), các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe nhân dân; đề nghị các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Ảnh minh họa/ Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn...
- Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao Thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã triển khai kịp thời, đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trên phạm vi toàn Thành phố Đà Nẵng, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội trên toàn thành phố, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
UBND Thành phố Đà Nẵng và các bộ liên quan tiếp tục tăng tốc truy vết nguồn lây, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ. Bộ Quốc phòng, nhất là Quân khu 5 khẩn trương tổ chức hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc cách ly các trường hợp thuộc diện phải cách ly tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
- Các Bộ: Y tế, Tài chính và các địa phương phải bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, trước hết là công cụ, phương tiện, vật tư phục vụ cho xét nghiệm trên diện rộng và cán bộ, lực lượng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
- Tiếp tục tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng trước hết tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng.
Đối với người đã tiếp xúc người bệnh cần cách ly ngay, đồng thời theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ, Bộ Y tế có phương án cụ thể đối với các đối tượng này. Đối với người đã có biểu hiện ho, sốt cần được xét nghiệm ngay.
Các Bộ: Y tế, Quốc phòng tăng cường cán bộ, phương tiện, công cụ, sinh phẩm, vật tư phục vụ xét nghiệm trên diện rộng, tăng tốc việc xét nghiệm tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương liên quan; chú trọng xét nghiệm các trường hợp đã có biểu hiện ho, sốt, đã đến các địa điểm đã bị cách ly, phong tỏa, khu vực có các ca nhiễm bệnh theo thông báo của Bộ Y tế.
Bộ Y tế khẩn trương rà soát, dự báo nhu cầu xét nghiệm; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, chỉ đạo mua sắm sinh phẩm, vật tư đáp ứng nhu cầu xét nghiệm; sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề chi trả chi phí xét nghiệm.
- Đồng ý phương án tăng cường năng lực điều trị, huy động các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện quân đội, các bệnh viện ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế tham gia điều trị bệnh nhân ở Thành phố Đà Nẵng. Bộ Y tế phân công cụ thể việc này, không để bị động.
- Tùy diễn biến dịch, Chủ tịch UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng mức nguy cơ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và 19/CT-TTg ngày 24/4/2020. Tất cả các địa phương đều phải khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống dịch của địa phương mình, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới; trước mắt, các địa phương có ca nhiễm cộng đồng xem xét quyết định việc tạm dừng tổ chức sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Tăng cường công tác quản lý không để thiếu hàng, sốt giá và các hoạt động gây mất trật tự, trị an trên địa bàn.
- Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo quản lý chặt chẽ biên giới, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ty tập trung.
- Ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương có phương án tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, bảo đảm an toàn.
2. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 257/TB-VPCP ngày 27/7/2020 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19
Theo Thông báo, trong mấy ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại Thành phố Đà Nẵng, đã ghi nhận trên 10 ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng trong đó có cả nhân viên y tế song chưa tìm được nguồn lây; chủng vi rút được ghi nhận có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh; nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn thuộc Thành phố Đà Nẵng là rất cao và xuất hiện nguy cơ lây lan dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ và chính quyền Thành phố Đà Nẵng coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong thời điểm hiện nay, tiếp tục tập trung cao độ, chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp, phản ứng nhanh, tăng tốc truy vết, xét nghiệm trên diện rộng nhằm ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra toàn Thành phố và các tỉnh, thành phố khác.
UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để phòng, chống dịch trên phạm vi toàn Thành phố trong ít nhất 14 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7/2020. Đối với các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao (như tại 3 bệnh viện, một số nơi các bệnh nhân đã đến), cần phải phong tỏa, cách ly và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020. Đối với các khu vực, địa bàn còn lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020.
Tùy diễn biến dịch, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, quyết định mức nguy cơ và biện pháp phù hợp, kịp thời để phòng, chống dịch đối với từng khu vực, địa bàn trên phạm vi thành phố.
- Đối với xử lý dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng:
+ Các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an tiếp tục hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng phòng, chống dịch, nhất là trong việc truy vết, tìm nguồn lây, tăng cường năng lực và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trên diện rộng, xác định mức nguy cơ đối với từng khu vực, địa bàn.
+ Bộ Y tế chỉ đạo và tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư... hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng xét nghiệm nhanh, truy vết, điều trị các bệnh nhân, không để xảy ra trường hợp tử vong; lưu ý bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng chức năng, kể cả phóng viên tác nghiệp về phòng, chống dịch. Bộ Y tế chỉ đạo Thành phố Đà Nẵng thành lập bệnh viện dã chiến và sử dụng thêm một số cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam đáp ứng kịp thời yêu cầu điều trị khi dịch bùng phát.
+ Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng các địa điểm, khu vực bị cách ly, phong tỏa tại Thành phố Đà Nẵng.
+ Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tăng cường phương tiện và hoạt động vận tải để đưa khách du lịch rời Thành phố Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất có thể.
+ Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo phát huy hiệu quả truyền thông và công nghệ, kể cả hệ thống truyền thông cơ sở, nhắn tin mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch; hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng truy vết nguồn lây và người có nguy cơ lây nhiễm bệnh trên diện rộng.
- Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan chỉ đạo:
+ Khuyến cáo người đã đến Thành phố Đà Nẵng và trở về địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 08 tháng 7 đến nay thực hiện khai báo y tế điện tử, tự theo dõi sức khỏe; đối với người đã đến các khu vực có nguy cơ cao bị cách ly, phong tỏa, hoặc có biểu hiện ho, sốt thì yêu cầu thực hiện ngay việc xét nghiệm.
+ Kiểm tra các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
- Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới (giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia) tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Bộ Quốc phòng rà soát việc kiểm soát nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là qua các tuyến đường mòn, lối mở; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong quản lý biên giới.
- Bộ Công an tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc nhập cảnh trái phép; chỉ đạo rà soát, kiểm tra các trường hợp nhập cảnh tại Thành phố Đà Nẵng, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Trung, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp ngành y tế tổ chức xét nghiệm đối với người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian gần đây; có biện pháp điều tra tìm nguyên nhân cụ thể.
- Các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chuẩn bị, bảo đảm sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung, kể cả bệnh viện dã chiến, cơ sở lưu trú, khách sạn để sử dụng kịp thời khi cần thiết, nhất là tại Thành phố Đà Nẵng. Tại các thành phố lớn, phải bảo đảm cung ứng đầy đủ các hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn...
- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế; lưu ý đề phòng, ngăn chặn các âm mưu, hành động lợi dụng tình hình dịch bệnh tiến hành phá hoại, gây mất an ninh trật tự.
Chính phủ kiên quyết triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Chính phủ đề nghị các nhà đầu tư và nhân dân tin tưởng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
- Các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.
- Ngành y tế phát động toàn ngành, tập trung mọi lực lượng phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời chú ý phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, không để bùng phát, lan rộng tại các địa phương.
- Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Các địa phương đều phải có phương án phù hợp, bảo đảm an toàn.
- Đồng ý chủ trương tiếp tục duy trì một số hoạt động trực tuyến (như khám bệnh từ xa, giáo dục từ xa, thực hiện thủ tục hành chính...).
3. Bộ Y tế: Công điện số 1196/CĐ-BYT ngày 01/8/2020 về việc tiếp tục khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Bộ Y tế đề nghị UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, phát huy trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Khẩn trương, tăng tốc hơn nữa việc thực hiện truy vết các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng từ 01/7/2020 đến 28/7/2020 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe.
- Mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở y tế có khả năng thưc̣ hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân để triển khai xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; chuẩn bi ̣sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bi ̣đảm bảo cho việc thu dung, điều tri ̣các trường hợp̣ mắc bệnh; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế, thực hiện điều tri ̣hiệu quả và tăng cường phối hợp̣, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều tri ̣bệnh nhân COVID-19.
- Kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm. Giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào cộng đồng; phối hợp với các lực lượng công an, y tế thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng với tất cả các trường hợp̣ có nguy coơ mắc bệnh không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
4. Bộ Y tế: Công văn số 4109/BYT-DP ngày 01/8/2020 về việc thực hiện xét nghiệm COVID-19
Theo Công văn, UBND tỉnh, thành phố Trung ương tiếp tục chỉ đạo các đơn trị trực thuộc trong và ngoài ngành y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán vi rút SAR-CoV-2 tại chỗ; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm.
Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện:
- Theo hướng dẫn tại Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế.
- Các đơn vị có đủ năng lực thì phải thực hiện xét nghiệm mà không chờ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đánh giá, thẩm định.
- Các đơn vị muốn thực hiện xét nghiệm khẳng định thì liên hệ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được đánh giá, xác nhận.
- Các phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế hoặc Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định thì không cần gửi mẫu đến các phòng xét nghiệm khác để khẳng định lại trong trường hợp kết quả dương tính.
UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn quản lý phối hợp với các đơn vị y tế thuộc tuyến Trung ương, các Bộ ngành khác để lấy mẫu, tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2. Huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực xét nghiệm phải tiến hành xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.
5. Bộ Y tế: Công điện số 1183/CĐ-BYT ngày 31/7/2020 về việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát năng lực xét nghiệm tại địa phương, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực xét nghiệm tại chỗ bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II tiến hành lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tất cả các trường hợp theo hướng dẫn tại Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế; Đầu tư nâng cấp phòng xét nghiệm và các phương tiện, thiết bị, bổ sung sinh phẩm trong trường hợp cần thiết để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bảo đảm hiệu quả, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị Quân Y có phòng xét nghiệm đủ năng lực để hỗ trợ các đơn vị địa phương ngành y tế trong việc triển khai xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, tiếp tục phối hợp với y tế địa phương lấy mẫu cho các đối tượng trong khu tập trung tại các cơ sở quân đội và gửi ngay mẫu để tiến hành xét nghiệm. Độc biệt là các đơn vi quân y các bệnh viện trực thuộc đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đủ năng lực xét nghiệm COVID-19 đảm bảo đủ điều kiện về công cụ, phương tiện, vật tư, phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế xét nghiệm trên diện rộng trong trường hợp cần thiết.
Các cơ sở y tế thực hiện việc thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
6. Bộ Y tế: Công điện số 1182/CĐ-BYT ngày 31/7/2020 về việc điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, thành phố
Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng; Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia điện và đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo triển khai một số nội dung công tác sau:
- Tiếp tục điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, thực hiện cách ly và lấy mẫu xét nghiệm (bao gồm: người thân, người tiếp xúc gần,...) để tiến hành xét nghiệm khẳng định.
- Tổ chức cách ly, quản lý, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo phòng chống lây nhiễm, không để lây nhiễm trong cơ sở điều trị.
- Tổ chức giám sát chặt chẽ hàng ngày tình hình sức khỏe của tất cả người tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát trọng điểm COVID-19, giám sát dựa vào sự kiện (EBS) nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch trong động đồng.
- Tiếp tục thực hiện việc rà soát (đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng), lập danh sách tất cả các đối tượng đến Đà Nẵng từ ngày 01/7/2020 trở về địa phương, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có trên địa bàn, tổ chức cách ly, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tiến hành ngay việc xử lý, phun khử trùng triệt để môi trường tại nơi bệnh nhân thường trú; các nơi địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan khác theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
- Báo cáo hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, phòng chống dịch COVID-19 về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) theo quy định.
7. Bộ Y tế: Công văn số 4071/BYT-KCB ngày 31/7/2020 về việc đảm bảo năng lực chẩn đoán, điều trị đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19
Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Y tế ngành, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát và bảo đảm đáp ứng về phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu trong phòng, chống dịch COVID-19 theo diễn biến tình hình dịch COVID-19. Trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng của đơn vị, đề nghị có báo cáo đề xuất Bộ Y tế kịp thời.
Khẩn trương cập nhật báo cáo về năng lực đáp ứng với dịch COVID-19 theo công văn số 471/BYT-KH-TC và 473/BYT-KH-TC ngày 05/02/2020 của Bộ Y tế.
8. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế: Công văn số 12006/QLD-KD ngày 31/7/2020 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc:
- Nghiêm túc, chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo cung ứng thuốc tại các công văn số 862/QLD-KD ngày 31/01/2020, 939/QLD-KD ngày 05/02/2020 và 1488/QLD-KD ngày 14/02/2020 của Cục Quản lý Dược để chủ động đảm bảo cung ứng đủ thuốc và bình ổn giá, tránh hiện tượng găm hàng tăng giá thuốc.
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Tăng cường chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung công văn số 2329/BYT-CNTT ngày 27/4/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra và công văn số 3669/QLD-KD ngày 10/4/2020 của Cục Quản lý dược và về việc phòng chống lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.
Trường hợp người dân đến mua thuốc để điều trị các bệnh về đường hô hấp hoặc có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... cần phải hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử (qua ứng dụng NCOVI hoặc Vietnam Health Declaration) hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc báo cáo cho cơ quan y tế chức năng trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19 để tiến hành theo dõi, giám sát.
+ Tiếp tục đẩy mạnh việc liên thông kết nối nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn theo chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 và phải thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm việc duy trì thực hiện Nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, việc thực hiện các chỉ đạo của cơ quan chức năng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
- Các đơn vị sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc:
Cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin về số lượng tồn kho, tình hình sản xuất, nhập khẩu thuốc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên hệ thống trực tuyến của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ https://duocquocgia.com.vn theo yêu cầu và hướng dẫn tại Công văn số 2510/QLD-KD ngày 17/3/2020.
9. Bộ Y tế: Công văn số 4051/BYT-KHTC ngày 30/7/2020 về việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tạm thời thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 như sau:
- Thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 đối với người có thẻ BHYT trong các trường hợp sau:
+ Người bệnh phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm COVID-19 đang khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
+ Các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
- Về mức giá: Áp dụng mức giá quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp:
- Dịch vụ số 1735: Xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng Realtime PCR (734.000 đồng/1 mẫu nghiệm) đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR
- Dịch vụ số 1736: xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng test nhanh (238.000 đồng/1 mẫu nghiệm) đối với trường hợp thực hiện test nhanh.
10. Bộ Y tế: Công điện số 1176/CĐ-BYT ngày 30/7/2020 về việc khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị UBND Thành phố Đà Nẵng chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:
- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố.
- Khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe. Phối hợp chặt chẽ với Quân khu 5 để tổ chức thực hiện nghiêm việc cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm và giám sát y tế.
- Đẩy mạnh việc tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng; đảm bảo cung ứng đầy đủ công cụ, phương tiện, vật tư để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đồng thời tiếp tục triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất có các trường hợp có các biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp để phát hiện sớm và kịp thời.
11. Bộ Y tế: Công điện số 1167/CĐ-BYT ngày 29/7/2020 về việc khẩn trương rà soát, quản lý, thực hiện cách ly trường hợp đi đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng tăng tốc, khẩn trương tiến hành rà soát lập danh sách tất cả các trường hợp trên địa bàn đã từng đi đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 01/7/2020 đến 28/7/2020 để sàng lọc, xác minh các trường hợp có nguy cơ, tổ chức cách ly y tết phù hợp theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và yêu cầu tất cả các trường hợp này thực hiện ngay việc khai báo y tế, giám sát, cập nhật tình hình sức khỏe.
Các trường hợp là bệnh nhân nội trú, người nhà bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân, người từng làm việc, thực tập tại Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã trở về địa phương, yêu cầu cách ly y tế tập trung. Các trường hợp đã từng đi đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao khác trong các thông báo khẩn của Bộ Y tế, yêu cầu cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nói trên và lập danh sách các trường hợp có tiếp xúc gần để thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly phù hợp kịp thời.
Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan y tế khẩn trương rà soát, sàng lọc, xác minh tất cả các trường hợp trên địa bàn tỉnh, thành phố, từ ngày 01/7/2020 đến 28/7/2020 đã từng đi đến thành phố Đà Nẵng và phối hợp giám sát việc thực hiện cách ly, theo dõi sức khoẻ không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.
12. Bộ Y tế: Quyết định số 3351/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2)
"Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2)” được ban hành kèm theo Quyết định này sẽ thay thế “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19)” ban hành kèm theo Quyết định số 1344/QĐ-BYT ngày 25/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo Hướng dẫn, trường hợp bệnh nghi ngờ, bao gồm:
“A. Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác.
1. Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào VÀ có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ* có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng HOẶC tiếp xúc gần (**) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
* Vùng dịch tễ: được xác định là những quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa, hoặc nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam theo “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” của Bộ Y tế và được cập nhật bởi Cục Y tế dự phòng.
** Tiếp xúc gần, bao gồm:
- Tiếp xúc tại các cơ sở y tế, bao gồm: trực tiếp chăm sóc người bệnh COVID-19; làm việc cùng với nhân viên y tế mắc COVID-19; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc COVID-19.
- Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.
- Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.
- Cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
- Cùng nhóm: Du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp ... với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
- Di chuyển trên cùng phương tiện (ngồi cùng hàng, trước hoặc sau hai hàng ghế) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh”.
Trường hợp bệnh xác định: Là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.
Triệu chứng lâm sàng như sau:
- Thời gian ủ bệnh: Từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày.
- Khởi phát: Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
- Diễn biến:
+ Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
+ Khoảng 14% số bệnh nhân diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái,…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
+ Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày.
+ Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Ở người lớn, các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng SOFA cao khi nhập viện và nồng độ D-dimer > 1 μg/L.
- Thời kỳ hồi phục: Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có ARDS bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
- Chưa có bằng chứng khác biệt về các biểu hiện lâm sàng của COVID-19 ở phụ nữ mang thai.
- Ở trẻ em, đa số trẻ mắc COVID-19 có các các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi. Tuy nhiên một số trẻ mắc COVID-19 có tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
13. Bộ Y tế: Công văn số 3982/BYT-DP ngày 27/7/2020 về việc thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-Cov-2
Bộ Y tế đề nghị đồng chí Giám đốc các Sở Y tế tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các nội dung sau:
- Rà soát năng lực xét nghiệm tại địa phương, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực xét nghiệm tại chỗ bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp 11 để kịp thời xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn tại Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế; Đầu tư nâng cấp phòng xét nghiệm và các phương tiện, thiết bị bổ sung sinh phẩm trong trường hợp cần thiết để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bảo đảm hiệu quả, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực.
- Chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các cơ sở có phòng xét nghiệm đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và an toàn sinh học tiếp tục liên lạc với các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được tập huấn, tập huấn lại về kỹ thuật xét nghiệm, hỗ trợ, chia sẻ sinh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 để thực hiện xét nghiệm kịp thời; Liên hệ đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được đánh giá, xác nhận năng lực phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 trong trường hợp cần thiết; Chủ động phối hợp với các các đơn vị, địa phương khác trong việc thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.
14. Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Công văn số 2418/BHXH-CSYT ngày 30/7/2020 về việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu, BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên địa bàn thực hiện, kịp thời giám định và thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 đối với người có thẻ BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 4051/BYT-KHTC.
Đồng thời, đề nghị BHXH các tỉnh tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã hướng dẫn tại Công văn số 2146/BYT-BH ngày 17/4/2020 và Công văn số 2276/BYT-BH ngày 24/4/2020 của Bộ Y tế về việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
15. Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Công văn số 2388/BHXH-TCKT ngày 28/7/2020 về phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng trong thời gian tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh báo cáo UBND tỉnh phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp tháng 8/2020 và các tháng tiếp theo, đề xuất các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm chi trả và thời gian chi trả phù hợp với từng địa bàn có nguy cơ cao, địa bàn có nguy cơ và địa bàn có mức nguy cơ thấp. Riêng địa bàn có nguy cơ cao phải thực hiện giãn cách xã hội thì phải xây dựng phương án tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng.
Hai ngành phải tuyên truyền sâu rộng cho người hưởng biết sự thay đổi về phương thức, thời gian, địa điểm chi trả. Khi đến điểm chi trả, nhân viên chi trả và người hưởng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo các Bưu điện tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với BHXH tỉnh, sớm thông báo cho người hưởng về những thay đổi; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm chi trả; bố trí thêm nhân viên, thêm bàn chi trả để tránh tập trung đông người, giảm thời gian chờ đợi...
Thu Hiền (tổng hợp)