Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng, lúc nào chúng ta thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo Bác một cách đúng đắn, thực chất thì chúng ta thành công. Điều này đúng ngay cả trong việc thực hiện các chỉ thị - từ Chỉ thị 06, Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW
của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh” Cụm các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam, ngày 26/3/2019.
(Ảnh minh họa).
SỰ RA ĐỜI CỦA CHỈ THỊ 06
Tháng 12/2005, tôi được điều chuyển từ Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng sang làm Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Về Vụ, tôi tiếp cận ngay công việc trọng tâm lúc đó là chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị và các tài liệu phục vụ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là một chủ trương lớn của Đảng do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đề xuất và được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa IX, tháng 8/2005. Kết luận của Hội nghị Trung ương (Kết luận số 39-KL/TW ngày 30/8/2005) nêu rõ: “Triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để Bộ Chính trị ra chỉ thị tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về chủ đề này ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng”. Đồng chí Trưởng ban Nguyễn Khoa Điềm trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi cùng anh em trong Vụ chuẩn bị nội dung Chỉ thị và tài liệu phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Cuộc vận động). Tiếp tục các công việc Vụ đã làm, tôi cùng anh em triển khai các công việc tiếp theo, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Doãn Hợp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Chúng tôi dự thảo văn bản Chỉ thị và hai tài liệu là: Chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay” và tài liệu đọc “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để thực hiện công việc này, Vụ Nghiên cứu, giáo dục Lý luận chính trị có sự giúp đỡ của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trực tiếp là GS. Song Thành.
Thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 12 khóa IX, đầu năm 2006, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức làm điểm Cuộc vận động tại 3 tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương và 3 đảng ủy ở Trung ương là Đảng ủy Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy Khối Kinh tế Trung ương và Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại các nơi làm điểm, Cuộc vận động được thực hiện ở tất cả các cấp từ dưới lên, bắt đầu từ chi bộ, đảng bộ cơ sở (xã, phường) đến cấp huyện và cấp tỉnh. Tài liệu gồm Báo cáo chuyên đề và cuốn sách “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đang ở dạng dự thảo, nhưng được in và cấp đến tận cơ sở, phục vụ làm điểm.
Tại các nơi làm điểm, cán bộ, đảng viên tham gia rất tích cực, sôi nổi và hồ hởi. Tôi nhớ mãi câu chuyện do đồng chí Khuất Hữu Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, lúc đó là Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương kể, khi đem cuốn “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về nhà, vợ đồng chí đọc thấy rất hay, nói chưa bao giờ được đọc các câu chuyện về Bác Hồ sinh động đến vậy. Chị mang cho mọi người trong tổ hưu cùng đọc. Đồng chí Khuất Hữu Sơn xin chúng tôi cho thêm một quyển nữa vì quyển kia đang chuyền tay nhau đọc, hiện chưa biết ở đâu!
Sau đợt làm điểm, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương xây dựng báo cáo kết quả triển khai làm điểm, trình Bộ Chính trị khóa X.
Sau Đại hội X, tại phiên họp ngày 8/6/2006, Bộ Chính trị thảo luận Tờ trình của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về dự thảo Chỉ thị. Tôi được theo đồng chí Lê Doãn Hợp, thay mặt Lãnh đạo Ban dự họp Bộ Chính trị thảo luận về Tờ trình của Ban. Các ý kiến tại cuộc họp đều đồng tình phải tổ chức một cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân; thời gian tiến hành cuộc vận động kéo dài đến hết nhiệm kỳ khóa X.
Ngày 7/11/2006, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 06). Thời điểm phát động Cuộc vận động vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng 3/2/2007. Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương, giao Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương làm Thường trực Ban Chỉ đạo. Tôi được giao làm Tổng Thư ký của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Sau Lễ phát động là các công việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 ở Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc, triển khai và tập huấn cho cấp ủy và báo cáo viên các ngành, địa phương trực thuộc Trung ương. Hội nghị được tổ chức trong một ngày tại Hội trường lớn của Học viện, với khoảng 900 đại biểu.
Tài liệu dành cho việc triển khai Cuộc vận động được in tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Lúc đầu là khoảng 25 vạn bản, sau nối bản đến trên một triệu bản, chưa kể các nhà xuất bản khác cũng như các địa phương tự in và phát hành với số lượng khá lớn. Theo các đồng chí ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, chưa bao giờ có tài liệu học tập chính trị có số lượng in và phát hành nhiều đến vậy.
Để thúc đẩy việc triển khai Cuộc vận động, từ kinh nghiệm tổ chức Hội thi Báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh các năm 2004-2005, tôi đề nghị Lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được đồng ý. Nội dung thi là kể các câu chuyện có thật về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo cuốn “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuốn “117 mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng chuẩn bị và xuất bản. Hội thi được tổ chức qua 5 cấp: cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, hội thi khu vực (cả nước chia làm 4 khu vực) và chung khảo toàn quốc. Tổng hợp kết quả, cả nước đã tổ chức 19.097 hội thi với sự tham dự của 234.858 lượt “người kể chuyện” thuộc mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tôi có ấn tượng mãi về Hội thi làm điểm của Hà Nội tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình. Đồng chí Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm báo cáo viên, rất nhiệt tình, sôi nổi được người nghe vỗ tay hoan nghênh nhiều lần. Hội thi bắt đầu từ giữa năm 2008 và Hội thi chung khảo toàn quốc được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày 17 và 18/10/2008 với 1.200 người dự. Đêm bế mạc được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngày 25/1/2009, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động đã tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện, phương hướng triển khai năm 2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và trực tiếp trao thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động được lựa chọn từ các ngành, địa phương.
Trước Đại hội XI, ngày 12/12/2010 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị. Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động trình bày tại Hội nghị sau này được lưu hành là tài liệu chính thức của Đại hội XI. Tại Hội nghị, Bộ Chính trị đã tổ chức trao 59 Huân chương Lao động hạng Ba; 1.012 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân trong toàn quốc có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động. Các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội nghị đều khẳng định kết quả to lớn của Cuộc vận động, nhờ đó, lần đầu tiên trong toàn Đảng, toàn dân, mọi người được tuyên truyền sâu rộng, bài bản, chính thống bằng những hình thức rất sinh động về đạo đức, vai trò của đạo đức và đặc biệt là tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các kiến nghị tập trung đề nghị mở rộng nội dung, bao gồm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên.
ĐƯA VIỆC HỌC VÀ LÀM THEO BÁC TRỞ THÀNH THƯỜNG XUYÊN
Tháng 6/2010, tôi đến tuổi nghỉ hưu, nhưng được giữ lại giúp Lãnh đạo Ban trong thực hiện các công việc còn lại của Cuộc vận động. Tôi tập hợp tất cả các tư liệu của Cuộc vận động để in thành một cuốn sách dày gần 1.000 trang gửi đến tất cả các ngành, địa phương làm tư liệu; cùng Vụ Lý luận chính trị chuẩn bị Tờ trình Bộ Chính trị khóa XI.
Ngay sau Đại hội XI, đầu năm 2011, tôi được đi cùng đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương dự Hội nghị Bộ Chính trị khóa XI thảo luận Tờ trình của Ban về ban hành chỉ thị mới. Tôi nhớ hôm ấy, Bộ Chính trị dự kiến thảo luận 2 vấn đề, một là dự thảo Chỉ thị và hai là thảo luận Tờ trình của Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng. Nhưng Hội nghị bàn về nội dung thứ nhất rất kỹ và sôi nổi, nên đến giữa giờ nghỉ giải lao, Văn phòng Trung ương báo cho các đồng chí trong Bộ Xây dựng rằng nội dung bàn về vấn đề của Bộ hoãn đến chiều, để dành cả buổi sáng thảo luận về việc ban hành chỉ thị mới. Sau thảo luận, Bộ Chính trị có sự thống nhất rất cao là cần phải tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng không phải là cuộc vận động, mà phải trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng và hệ thống chính trị. Không thành lập Ban chỉ đạo như tiến hành Cuộc vận động, mà giao Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo, điều hành; thành lập Tổ giúp việc chuyên trách đặt tại Ban Tuyên giáo Trung ương. Là nhiệm vụ thường xuyên, nên nội dung học tập bao gồm cả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, ngày 14/5/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 03). Để triển khai thực hiện Chỉ thị, ngày 1/7/2011, Ban Bí thư khóa XI ban hành Kế hoạch 03-KH/TW, xác định những công việc chủ yếu triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn khóa.
Về nội dung, Chỉ thị 03 chỉ rõ, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, bao gồm cả tư tưởng Hồ Chí Minh và đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong kế hoạch thực hiện, Ban Bí thư xác định chủ đề của từng năm. Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu chuyên đề để đọc tại các buổi sinh hoạt chi bộ. Về hình thức, cách triển khai thực hiện Chỉ thị 03 vẫn là tổ chức học tập trong tổ chức đảng, đơn vị, đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương với các chủ đề cụ thể hằng tháng theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, Ban Bí thư tăng cường kiểm tra, tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 03, gắn với việc kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được phân công làm trưởng Đoàn kiểm tra thực hiện Chỉ thị 03 ở các địa phương, ngành. Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị 03 được tổ chức trực tuyến sáng 6/5/2016. Báo cáo chính và tham luận đều khẳng định việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 đã được làm một cách bài bản, phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị chưa được như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không ít cán bộ lãnh đạo các cấp chưa thực sự gương mẫu nói đi đôi với làm, nêu gương làm trước. Thực tế tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội chưa được ngăn chặn và đẩy lùi, ở cả lãnh đạo cấp Trung ương, cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW khóa XI về xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, đã tác động mạnh đến hiệu quả thực hiện Chỉ thị 03…
Trước Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị 03, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chuẩn bị dự thảo Chỉ thị mới trình Bộ Chính trị. Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ phận giúp việc đi cùng đồng chí Mai Văn Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực dự phiên họp Bộ Chính trị thảo luận về vấn đề này. Ngày 15/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05). Sau đó, ngày 25/7/2016, Ban Bí thư khóa XII ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW xác định chủ đề thực hiện Chỉ thị 05 trong từng năm. Điểm mới chính là gắn trọng tâm thực hiện Chỉ thị 05 với công tác xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Hằng năm, Ban Bí thư có tiến hành các đợt kiểm tra việc thực hiện, sơ kết đánh giá. Các hội nghị triển khai và sơ kết đa phần là thực hiện dưới hình thức trực tuyến. Theo quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương, nội dung giúp việc cho Ban Bí thư, trực tiếp là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nằm trong chức năng, nhiệm vụ của Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.
MỘT VÀI CẢM NHẬN
Trải qua 15 năm triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là người tham gia và chứng kiến sự ra đời, trực tiếp tham gia thực hiện liên tục 3 chỉ thị về học tập và làm theo Bác (Chỉ thị 06, Chỉ thị 03, Chỉ thị 05), tôi khẳng định sự cần thiết, tất yếu khách quan của việc học tập này.
Nhìn lại lịch sử Đảng 90 năm qua cho thấy vai trò quan trọng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong quá trình thành lập Đảng và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc là vai trò của việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện tập trung trong cuốn “Đường Kách mệnh” xuất bản từ năm 1927. Sau khi giành lại nền độc lập, trở thành Đảng cầm quyền là học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản tháng 10/1947. Sau khi Người qua đời, toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo Di chúc với khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; trong công cuộc đổi mới là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng, lúc nào chúng ta thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo Bác một cách đúng đắn, thực chất thì chúng ta thành công. Điều này đúng ngay cả trong việc thực hiện các chỉ thị - từ Chỉ thị 06, Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05. Kết quả rõ rệt trong phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội từ Đại hội XII đến nay đã tác động tích cực đến thực hiện Chỉ thị 05 trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng./.
PGS, TS. Ngô Văn Thạo
Nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị,
Ban Tuyên giáo Trung ương
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Huyền Anh (st)