1. Thông tư số 02/2020/TT-BXD ngày 20/7/2020 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Thông tư có liên quan đến quản lý chi phí xây dựng đầu tư, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2020.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6:
“2. Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP. Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thẩm quyền thẩm định thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 1 và điểm a khoản 2 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 như sau:
“2. Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, một số nội dung được quy định cụ thể như sau:
a) Đối với dự toán gói thầu chìa khóa trao tay và gói thầu hỗn hợp (EPC, EC, EP, PC) thì dự toán gói thầu phải được Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt trước khi lựa chọn nhà thầu.
b) Trường hợp cần thiết, Người quyết định đầu tư xem xét ủy quyền để Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí khảo sát cùng với nhiệm vụ khảo sát.
c) Đối với dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) hoặc bằng dự toán chi tiết theo quy định và đã được thẩm định, phê duyệt trong tổng mức đầu tư thì không phải thẩm định, phê duyệt lại.”.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 10/2019/TT-BXD tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, ví dụ như:
Sửa đổi, bổ sung thuyết minh của một số Chương và công tác như sau:
1. Thay thế nội dung “* Định mức vận chuyển với cự ly L > 5km = Đm1 + Đm2 x (L-1) + Đm3 x (L-5)” bằng nội dung “* Định mức vận chuyển với cự ly L > 5km = Đm1 + Đm2 x 4 + Đm3 x (L-5)” tại mục 2 phần thuyết minh chương II.
2. Sửa đổi, bổ sung mục 2 thuyết minh áp dụng Chương XII như sau:
“2. Vận chuyển
- Định mức dự toán vận chuyển các loại vật liệu và cấu kiện xây dựng bằng ô tô tự đổ, ô tô vận tải thùng phù hợp với tính chất và đặc điểm của nhóm, loại vật liệu và cấu kiện xây dựng, cự ly, tải trọng phương tiện vận chuyển và được tính trên phương tiện vận chuyển và không bao gồm chi phí bốc, xếp lên và xuống phương tiện vận chuyển.
- Định mức vận chuyển đất, đá bằng ôtô tự đổ tính cho 1m3 đất, đá đo trên ôtô vận chuyển.
- Định mức dự toán vận chuyển được quy định cho các cự ly của đường loại 3 (L-theo quy định hiện hành về phân loại đường). Trường hợp vận chuyển trên các loại đường khác được điều chỉnh hệ số theo bảng sau:
Loại đường (L) L1 L2 L3 L4 L5 L6
Hệ số điều chỉnh (k) K1=0,57 k2=0,68 k3=1,00 k4=1,35 k5=1,50 k6=1,80
- Công tác vận chuyển vật liệu và cấu kiện xây dựng bằng ô tô được định mức cho các phạm vi vận chuyển ≤ 1km, ≤ 10km và ≤ 60km, được áp dụng như sau:
- Vận chuyển trong phạm vi: 1 ≤ 1km = Đm1 x , trong đó
- Vận chuyển với cự ly: 1 ≤ 10km = trong đó
Trong đó:
Đm1: Định mức vận chuyển trong phạm vi ≤ 1 km;
Đm2: Định mức vận chuyển 1 km tiếp theo phạm vi ≤ 10 km;
Đm3: Định mức vận chuyển 1 km tiếp theo phạm vi ≤ 60km;
Ki,j,h: Hệ số điều chỉnh định mức theo loại đường tương ứng với các cự ly vận chuyển;
li,j,h: Cự ly vận chyển tương ứng với loại đường thứ L
i, j, h: Các đoạn đường trong cự ly vận chuyển được tính cùng một định mức.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4:
“2. Giá ca máy chưa bao gồm chi phí cho các loại công tác xây dựng nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, nước, khí nén và các loại công tác xây dựng thực hiện tại hiện trường phục vụ cho việc lắp đặt, vận hành thử của một số loại máy như trạm trộn bê tông xi măng, trạm trộn bê tông nhựa, cần trục di chuyển trên ray và các loại thiết bị tương tự. Các chi phí này được lập dự toán riêng theo biện pháp thi công và tính vào chi phí khác của dự toán công trình.”.
- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các Phụ lục số 1, 2 ban hành kèm theo Thông tư số 11/2019/TT-BXD tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng như sau:
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7: “2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn của Thông tư này chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khảo sát hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo khung đơn giá nhân công xây dựng bình quân do Bộ Xây dựng công bố để công bố hoặc ủy quyền công bố đơn giá nhân công xây dựng định kỳ hàng tháng, hoặc quý hoặc khi có sự thay đổi về giá nhân công trên thị trường xây dựng làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.”.
2. Thông tư số 03/2020/TT-BNV ngày 21/7/2020 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2020.
Theo Thông tư, bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.
Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ:
- Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
- Tổ chức, đơn vị làm công tác tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân và các tổ chức khác cùng cấp trong việc thực hiện bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
Biện pháp bảo vệ được quy định như sau:
- Biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo.
- Không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp sau:
+ Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
+ Được sự đồng ý của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
+ Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
- Không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.
3. Thông tư số 67/2020/TT-BTC ngày10/7/2020 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2020.
Thông tư này hướng dẫn mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tham chiếu trong việc xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ. Các đơn vị không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này được khuyến khích xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ trên cơ sở tham chiếu mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ quy định tại Phụ lục Thông tư này.
Thông tư quy định: Quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị phải bao gồm các nội dung tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 05/2019/NĐ-CP. Các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này tham chiếu mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ tại Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 Thông tư này để xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ, đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ, các quy định pháp luật hiện hành và cơ cấu tổ chức, hoạt động của đơn vị.
4. Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2020.
Thông tư này hướng dẫn thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh và việc gia hạn, hủy bỏ, giải tỏa quyết định tạm hoãn xuất cảnh; giải tỏa quyết định chưa cho nhập cảnh. Thông tư này không điều chỉnh đối với trường hợp quy định tại Điều 25 Luật Tương trợ tư pháp, khoản 12 Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo Thông tư, hình thức trao đổi được quy định như sau:
- Quyết định, đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh và gia hạn, hủy bỏ, giải tỏa quyết định tạm hoãn xuất cảnh; giải tỏa quyết định chưa cho nhập cảnh của cơ quan, người có thẩm quyền gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh bằng một trong các hình thức sau: trực tiếp, qua đường công văn, chuyển phát nhanh; phải thực hiện quy định về bảo mật thông tin, tài liệu.
- Quyết định, đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh và gia hạn, hủy bỏ, giải tỏa phải là bản chính, đầy đủ thông tin theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) bao gồm: Văn bản quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Thông tư này, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và các tài liệu khác có liên quan.
5. Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2020.
Theo Quyết định này, mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương quy định như sau:
- Mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương là chuỗi ký tự có độ dài tối đa là 35 ký tự và được chia thành các nhóm ký tự. Các ký tự gồm: dấu chấm (.), các chữ số từ 0 đến 9 và các chữ cái từ A đến Z (dạng viết hoa trong bảng chữ cái tiếng Anh). Mỗi nhóm ký tự được sử dụng để xác định các cơ quan, tổ chức tại cấp tương ứng; các nhóm ký tự được phát triển từ trái qua phải và được phân tách với nhau bằng dấu chấm.
Ảnh minh họa: Internet
- Nhóm ký tự thứ nhất, ở vị trí ngoài cùng bên trái trong Mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương quy định tại khoản 1 Điều này để xác định các cơ quan, tổ chức cấp 1 (gọi là Mã cấp 1). Mã cấp 1 có dạng MX1X2, trong đó: M là chữ cái trong phạm vi từ A đến Y; X1, X2 nhận giá trị là một trong các chữ số từ 0 đến 9. Quy định chi tiết cơ quan, tổ chức cấp 1 và Mã cấp 1 của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức đặc thù tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.
- Các nhóm ký tự nối tiếp sau Mã cấp 1 trong Mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này lần lượt xác định các cơ quan, tổ chức từ cấp 2 trở đi; cơ quan, tổ chức tại một cấp nhất định trừ cấp 1 là các đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan, tổ chức cấp liền trước.
Xây dựng lược đồ định danh:
- Nhóm các cơ quan, tổ chức thuộc quy định tại Điều 6 Quyết định này khi kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng lược đồ định danh cho nhóm cơ quan, tổ chức mình bao gồm các thành phần quy định tại khoản 2 Điều 7 và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, công bố, bảo đảm mã xác định lược đồ định danh không bị trùng lặp.
- Các thành phần của lược đồ định danh gồm có:
+ Mã xác định lược đồ định danh.
+ Tên của hệ thống mã định danh điện tử.
+ Mục đích và phạm vi áp dụng.
+ Cơ quan, tổ chức phát hành.
+ Cấu trúc mã xác định cơ quan, tổ chức trong lược đồ định danh.
+ Mô tả các cơ quan, tổ chức thuộc lược đồ định danh.
+ Lưu ý khi sử dụng mã định danh điện tử.
+ Ngày cấp mã xác định lược đồ định danh.
+ Những ghi chú khác (nếu có) dành cho trường hợp cơ quan, tổ chức xây dựng lược đồ định danh cần mô tả thêm, ngoài các nội dung quy định từ điểm a đến h khoản 2 Điều 7.
- Các lược đồ định danh được xây dựng mới phải bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Sử dụng mã xác định lược đồ định danh tiếp theo mã xác định lược đồ định danh mới nhất do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
+ Thông tin về cơ quan, tổ chức phát hành phải bao gồm tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại liên hệ.
+ Nội dung về cấu trúc mã xác định cơ quan, tổ chức trong lược đồ định danh phải xác định số ký tự và ý nghĩa của chúng, các ký tự kiểm tra (nếu có) và các yêu cầu hiển thị (nếu có).
+ Nội dung mô tả các cơ quan, tổ chức thuộc lược đồ định danh không quá 100 từ.
- Mẫu lược đồ định danh được mô tả trong Phụ lục II Quyết định này.
Khánh Linh (tổng hợp)