Ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Sau Chỉ thị của Đảng, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.

Thi đua không kể việc lớn, việc nhỏ

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” là một áng văn chương chính luận ngắn gọn, súc tích, nhưng mẫu mực. Tất cả chỉ có 415 chữ, giản dị, thiết thực, cô đọng, hàm súc, chặt chẽ, sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện từ một phong trào thi đua yêu nước, từ mục đích đến vai trò, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng, kết quả và sức lan tỏa của phong trào thi đua ái quốc.

thi dua ai quoc
 Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người được đăng trên báo Cứu quốc số 986
 (ra ngày 24/6/1948).

Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, đến mọi thành phần nhân dân: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”. Người phân tích:“Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”. Điều đó có nghĩa là việc thi đua ái quốc không kể việc lớn, việc nhỏ, bất cứ đóng góp nào, của bất cứ ai cho kháng chiến kiến quốc đều được ghi nhận và tôn vinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới “thành quả” của thi đua là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”.

 

Lời kêu gọi của Người đã phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, động viên đồng bào, chiến sỹ phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. Kết lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người đưa ra lời tiên đoán: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Cũng trong ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư biểu dương nhiều tấm gương tiêu biểu như chiến sĩ Trần Văn Diên là “anh hùng đánh địa lôi”; cụ Nguyễn Văn Đản, “người đã có tuổi, mà vẫn chịu khó học, thi đỗ nhất trong giới phụ lão”; chị Phạm Thị Phượng, người đã tích cực trong việc học bình dân học vụ; chị Phạm Thị Tỵ, người đã đứng thứ nhì trong kỳ thi quốc ngữ.

Món quà dâng Bác

Đúng một năm sau khi ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 11/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Cứu quốc. Đến câu hỏi về việc nhân dân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, Người nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc như: Bộ đội, dân quân thi đua giết giặc; đồng bào thi đua tăng gia sản xuất và học tập; các nhân viên chính quyền và đoàn thể thi đua sửa đổi lối làm việc; đồng bào điền chủ thi đua giảm địa tô và quyên ruộng; chị em phụ nữ thi đua tình nguyện góp quỹ tham gia kháng chiến; các cháu nhi đồng cũng hăng hái thi đua; đồng bào trong vùng địch thì thi đua kháng chiến một cách âm thầm nhưng oanh liệt; đồng bào hải ngoại cũng thi đua kháng chiến bằng nhiều hình thức … Nhưng tôi chắc món quà ấy mới là một phần nhỏ, đồng bào và chiến sĩ ta còn tiếp tục cố gắng, tôi sẽ nhận được món quà to hơn nhiều nữa, món quà đó tên là: Tổng phản công thắng lợi hoàn toàn”. Thực hiện mong mỏi của Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đoàn kết, chung sức, vượt qua mọi khó khăn, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần 55 năm Bác đã đi xa nhưng những lời kêu gọi thi đua của Người vẫn vẹn nguyên giá trị. Lời kêu gọi đã hiệu triệu, thôi thúc quân dân cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

cong an ha nam 4
Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các điển hình tiên tiến của
Đoàn đại biểu Công an tỉnh Hà Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những thành tích thi đua yêu nước chính là những món quà quý giá nhất, và nhân dân ta suốt 76 năm qua, vẫn luôn ra sức thi đua để dâng lên Bác Hồ kính yêu những rừng hoa thi đua đầy hương sắc. Hàng ngày, tại Quảng trường Ba Đình, các cơ quan, đơn vị, tổ chức… vẫn thầm lặng về bên Bác, tổ chức báo công, kính dâng lên Bác những thành tích vẻ vang. Trước Anh linh của Người, mỗi người đều nguyện hứa sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhất lời kêu gọi năm xưa, nỗ lực, cố gắng học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục gặt hái nhiều thành tích hơn nữa, cùng chung sức xây dựng một nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh.

Một điều đặc biệt khi các điển hình tiên tiến về bên Bác là sẽ có cơ hội được gắn lên ngực chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Tấm huy hiệu Bác Hồ tuy giản dị, nhưng là sự ghi nhận, là lời động viên, thôi thúc các đại biểu về báo công tiếp tục thi đua, xứng đáng hơn nữa với mong mỏi của Bác kính yêu. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng những tấm gương người tốt, việc tốt. Vì thế, cuối năm 1959, Người xin phép Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho Người được đặt ra và trực tiếp tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho những tấm gương người tốt, việc tốt. Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời, được Người tặng Huy hiệu.

 

DHTT vieng 1
Đoàn đại biểu dự Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn (2015 - 2020) của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thành kính dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Là đơn vị được vinh dự nhận trọng trách thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới, trong suốt gần 55 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sức thi đua, lập thành tích trong công tác, thực hiện nhiệm vụ. Phong trào thi đua trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo, tổ chức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức đợt thi đua, bảo đảm thường xuyên, liên tục, thực chất, hiệu quả; chú trọng phát hiện và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, khuyến khích toàn đơn vị tiến lên giành những thắng lợi mới, thành tích mới.

thi dua bqll
Các đại biểu tham dự Lễ phát động phong trào thi đua “Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tu bổ định kỳ năm 2024” của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 76 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024), cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, trách nhiệm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trực tiếp và trước mắt là các nhiệm vụ tu bổ định kỳ năm 2024, dâng lên Bác Hồ kính yêu những món quà thi đua mà Người hằng mong đợi!

Lê Minh

Bài viết khác: