Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

43 nam qtbd2

Ngày 02 tháng 9 năm 1969, đúng 9 giờ 47 phút, trái tim của một lãnh tụ vĩ đại đã ngừng đập. "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa", cả dân tộc ta đau thương trong tiếng nấc nghẹn ngào gọi tên Bác!

Ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”. Thực hiện Quyết nghị của Bộ Chính trị, ngày 02 tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định chính thức khởi công xây dựng Lăng Bác và cải tạo toàn bộ Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong đó, vườn hoa, cây cảnh, cây xanh là một bộ phận không thể thiếu trong quần thể kiến trúc của Công trình Lăng, góp phần quan trọng tạo nên cảnh quan sinh thái thanh bình, môi trường trong lành cho khu vực Lăng.

Ngày 29 tháng 8 năm 1975, lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể trong niềm vui thống nhất non sông. Để duy trì, tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng Bác xanh, sạch, đẹp phục vụ nhân dân, khách quốc tế về Lăng viếng Bác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/TTg ngày 15 tháng 10 năm 1975 về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình. Cùng với đó, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (nay là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC ngày 16 tháng 12 năm 1975 về việc thành lập Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, có nhiệm vụ là giúp Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội: “Bảo dưỡng, sửa chữa hè, đường, thoát nước trong khu vực Quảng trường, chăm sóc cây, cỏ, vườn hoa và trồng cây trong Quảng trường theo thiết kế; quản lý các công trình thuộc hai khu Tập kết nhân dân vào Lăng viếng Bác; đảm bảo công tác vệ sinh hàng ngày ở khu vực Lăng”.

Từ đó đến nay, ngày 16 tháng 12 hàng năm là Ngày truyền thống của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình.

Đến năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/TTg ngày 14 tháng 12 năm 1996 về việc giao Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý Quảng trường Ba Đình và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã bàn giao nguyên trạng Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình cho Ban Quản lý Lăng từ ngày 28 tháng 3 năm 1997.

Dù trong điều kiện hoàn cảnh nào, cán bộ, viên chức, người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình luôn nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, đều có chung niềm vinh dự, tự hào được sống và làm việc bên Lăng Bác Hồ kính yêu, trực tiếp tô điểm thêm màu sắc. Ngày nay, nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan Quảng trường Ba Đình đều nhận thấy vẻ đẹp hài hòa của các loài cây xanh được trồng xung quang Lăng của Người, không gian xanh, sạch, đẹp phù hợp với cảnh quan kiến trúc, sinh cảnh và tôn thêm vẻ đẹp của Lăng Bác.

Đặc biệt, triển khai thực hiện Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ về “giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã đoàn kết, vượt khó vươn lên, tận tâm, sáng tạo và tích cực chủ động trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, tôn tạo cảnh quan môi trường để Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, là điểm nhấn tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và của cả nước.

Từ năm 2013, đơn vị đã thực hiện việc cải tạo, trồng mới 2 vườn tre; thay thế trồng mới một số cây bóng mát tại Lăng, Quảng trường Ba Đình và tuyến phố đi bộ; đưa các bồn hoa, chậu hoa, ghế đá hoa cương vào trang trí… làm cho cảnh quan khu vực ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực.

Trong công tác trang trí cảnh quan, đã chủ động xây dựng các phương án thiết kế, trang trí hoa trên các khu vực trong các dịp lễ, Tết. Điều đặc biệt là những điểm mới trong trang trí ở khu vực Lăng thời gian vừa qua đã bảo đảm được sự hài hòa của vườn hoa, cây cảnh với công trình kiến trúc tuân thủ đúng tư tưởng chung được chỉ đạo từ khi xây dựng Công trình Lăng. Cảnh quan sạch, đẹp, không khí trong lành ở Quảng trường Ba Đình đã thực sự tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào cả nước và khách quốc tế mỗi khi đến Thủ đô.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã xây dựng các chương trình ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để việc làm đẹp, bảo đảm cảnh quan, vệ sinh môi trường xung quanh Lăng, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Trong đó, về ngắn hạn là bảo đảm, làm đẹp cảnh quan như phục vụ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, Tết, dịp diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước, chuẩn bị đủ các loại cây hoa, cây cảnh chủ động đưa ra phục vụ. Về dài hạn, tích cực nghiên cứu các giống hoa mới, áp dụng các tiến bộ khoa học vào việc sản xuất. Coi con người là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thời gian qua, Đảng ủy và Lãnh đạo Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã từng bước sắp xếp lại tổ chức, bố trí cán bộ đúng với khả năng, năng lực trình độ chuyên môn để có thể phát huy hết khả năng của mình trong công tác. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, cử viên chức tham gia các khóa đào tạo về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước tại các cơ sở trong nước trang bị thêm kiến thức, tăng cường học hỏi kinh nghiệm ở trong nước để không ngừng nâng cao chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đến nay, Lăng Bác đã có cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đang thu hút nhiều du khách tìm đến. Ngày ngày, dòng người nối nhau đi trên Quảng trường Ba Đình thành kính vào Lăng viếng Bác, trong niềm xúc động được một lần nhìn thấy Bác, mọi người còn thêm cả niềm vui vì Quảng trường Ba Đình vẫn giữ được không khí trong lành, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Để góp phần tạo nên sức hút đó, không thể không kể đến công lao đóng góp của những cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Hơn 30 nghìn người! Đó là con số kỷ lục về lượng du khách đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào một buổi sáng... Nhưng phía sau dòng người vô tận ấy là biết bao công việc miệt mài của những người công nhân thầm lặng bên Lăng Bác Hồ. Khi có số lượng khách đông như vậy, từ công tác trang trí, bảo đảm cảnh quan cho đến vệ sinh môi trường có nhiều khó khăn... Nhưng chính tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ lại là động lực, niềm vui thôi thúc mỗi cán bộ, công nhân của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình phục vụ tốt hơn. 

Suốt 43 năm qua, nhân dân trong nước và khách quốc tế về Lăng viếng Người mỗi ngày nhiều hơn, điều đó đã khẳng định tình cảm thiêng liêng của mỗi người đối với Bác Hồ kính yêu, nhưng cũng chính vì thế nỗi vất vả của những người công nhân ở Lăng Bác chưa bao giờ dừng lại mà càng tăng thêm bội phần. Kết quả đó có sự đóng góp công sức không nhỏ của các thế hệ cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình để hàng ngày du khách đến viếng Bác, tham quan khu vực được đi trên những con phố, tuyến đường sạch, đẹp với tâm trạng vui tươi, phấn khởi đón ngày mới ngập tràn màu xanh.

Với những thành tích đã làm được trong những năm qua, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã vinh dự tự hào được Đảng, Nhà nước và Chính phủ trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động (hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba), được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, năm 2010, vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, năm 2015 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Những phần thưởng trên đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quảng lý Quảng trường Ba Đình.

43 năm là một chặng đường dài phát triển của đơn vị. Nhìn lại những thành tích kết quả đã đạt được, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình luôn trân trọng và tự hào. Nhiều khó khăn, thử thách nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Bác Hồ kính yêu, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã và đang quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Nguyễn Minh Đức
Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình

 

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: