Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Sáng ngày 16/02/2019, Đoàn đại biểu Làng Gốm cổ truyền Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội đã trang trọng tổ chức Lễ báo công và dâng hoa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng có truyền thống lịch sử cách đây trên 1.000 năm, gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội, khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Thương hiệu “gốm Bát Tràng” đã trở nên quen thuộc với thị trường trong và ngoài nước. Sự phát triển của làng gốm Bát Tràng trù phú hôm nay luôn có bóng hình vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 20/02/1959, Bát Tràng vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác căn dặn: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao phấn đấu trở thành một làng kiểu mẫu ở một nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”. Nhớ lời căn dặn của Bác, 60 năm qua lớp lớp cán bộ và nhân dân Bát Tràng đã nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ để Bát Tràng hôm nay trở thành một làng nghề truyền thống, một thương hiệu độc đáo: “Làng nghề - Làng văn hóa - Làng du lịch Hà Nội - Bát Tràng”.

Đã 60 năm trôi qua, kể từ ngày Bác về thăm Bát Tràng, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn nhớ về Bác, làm theo lời Bác dặn. Hai trục đường chính của làng được đặt tên là Đường 20 - 02 (ngày đón Bác về thăm) và Đường 19 - 5 (ngày sinh nhật Bác). Nhân dân cũng đã lập bàn thờ tại nơi Bác đứng nói chuyện với dân làng để ghi nhớ công ơn của Bác.

Hiện nay, Bát Tràng có trên 1.000 hộ sản xuất kinh doanh, giá trị sản xuất hàng năm đạt gần 1.200 tỷ đồng với các mặt hàng gốm sứ rất đa dạng, phong phú, thu hút, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động trong xã và gần 10.000 lao động tại các địa phương khác. Xã Bát Tràng hiện có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 4 Nghệ nhân Ưu tú, 27 Nghệ nhân Hà Nội và hơn 100 Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam. Đây là những người con ưu tú có nhiều tâm huyết trong xây dựng và bảo tồn các giá trị tinh hoa của làng gốm Bát Tràng. Năm 2015, xã đã vinh dự được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm làng nghề Bát Tràng, Ban Tổ chức đã tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm và tặng 60 tác phẩm tâm huyết, độc đáo trưng bày trong Tòa nhà Quốc hội. Đặc biệt, Bác đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm gốm Bát Tràng. Năm 2007, nghệ nhân Nguyễn Xuân Việt đã lấy cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp của Bác để làm tranh gốm. Sau nhiều tháng,nghệ nhân đã hoàn thành bức chân dung Bác bằng gốm đầu tiên với kích thước 132 x 88 cm và mở ra nghề làm tranh gốm truyền thần cho Bát Tràng.

bat trang 1
Đồng chí Đại tá Bùi Hải Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Bác Hồ cho đại diện các thành viên trong Đoàn

Trước khi Đoàn tổ chức Lễ báo công và dâng hoa vào Lăng viếng Bác, tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, đồng chí Đại tá Bùi Hải Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã giới thiệu với Đoàn về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Đồng chí bày tỏ mong muốn dưới bàn tay tài hoa của những người thợ lành nghề, Bát Tràng sẽ ngày càng thu hút khách du lịch, nhiều tác phẩm gốm sứ có giá trị văn hóa cao góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống Việt Nam trong giai đoạn mới.

bat trang 2
Đoàn kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thay mặt Đoàn, đồng chí Phạm Huy Khôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và chia sẻ: Học tập và làm theo lời căn dặn của Bác, toàn thể cán bộ và nhân dân xã Bát Tràng tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích hơn nữa, có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã, huyện, Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Vân Phương




    

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: