Sáng ngày 17/4/2019, Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Khánh Hòa đã đến dâng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn gồm 35 thương bệnh binh, người bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sỹ do đồng chí Phạm Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh làm Trưởng đoàn.
Đoàn kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tỉnh Khánh Hòa nằm ở vị trí chiến lược về mặt quốc phòng, là một trong những tỉnh có đường bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và các đảo san hô, gần đường hàng hải quốc tế, có huyện đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh và là cửa ngõ thông ra Biển Ðông. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, nơi hoạt động của các chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… trong các phong trào "Bình Tây cứu quốc đoàn", phong trào Duy Tân dưới ách áp bức đô hộ.
Khánh Hòa tự hào có Cam Ranh được thay mặt cho miền Nam đón Bác ghé thăm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công trên đường đi dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô trở về (năm 1946) để hội kiến với Cao ủy Pháp Đắc-giăng-li-ơ và Tướng Môlie về việc thực hiện Tạm ước 14 - 9 nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn, trước khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi lên tàu về Hải Phòng, Người đã chào thân mật những thuyền đánh cá của ngư dân Cam Ranh gần đó. Bác nhìn rất kỹ cảnh người dân đánh cá và vui cười, vẫy tay chào mọi người khi con tàu quay mũi rời Cam Ranh. Bác đứng trên boong nhìn chăm chú đất trời Cam Ranh, Bác nói với những người cùng đi: “Đất nước ta có nhiều vịnh lớn và đẹp, nhưng Cam Ranh là vịnh đẹp và có thế chiến lược vào bậc nhất”.
Với những tình cảm sâu nặng dành cho Bác Hồ, Khánh Hòa được phép xây dựng tượng đài “Bác Hồ tại Thị xã Cam Ranh” năm 2008, tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng” năm 2013. Đặc biệt, các chiến sĩ Hải quân Cam Ranh đã lấy cát Cam Ranh đắp thành chân dung của Bác trong quân phục Hải quân và một cuộn dây neo mà Bác đã quấn theo kiểu số 8 đặt trong phòng truyền thống Binh chủng quay mặt ra nơi con tàu chở Bác đậu giữa vịnh Cam Ranh năm xưa.
Cùng với đó, mỗi người dân Khánh Hòa luôn coi "Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây" là truyền thống, đạo lý, là nét đẹp văn hóa của nhân dân ta. Sau ngày giải phóng, Khánh Hòa trải qua nhiều mất mát, hy sinh. Hiện còn 50.752 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, đang chi trả trợ cấp hàng tháng 7.496 người, trong đó có 980 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 32 Mẹ còn sống). Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, thường xuyên, hàng ngày, Khánh Hòa đã luôn quan tâm chăm lo và trở thành điểm sáng về công tác chăm lo cho những người có công với cách mạng. Những năm qua, Khánh Hòa liên tục được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá là một trong những tỉnh làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công, được tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Bộ trưởng.
Nhân dịp Đoàn ra thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng tiếp, trao Huy hiệu Bác Hồ và tặng phẩm lưu niệm cho các thành viên trong Đoàn tại Nhà khách số 8 Hùng Vương./.
Hoàng Xuân