Sáng ngày 17/4/2019, 35 đại biểu là các thương binh, nhiễm chất độc hóa học, bị địch bắt tù đày, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng của tỉnh Hậu Giang đã ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người có công với cách mạng của tỉnh Hậu Giang
vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hậu Giang trước đây là vùng căn cứ kháng chiến nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhiều người con của quê hương Hậu Giang đã anh dũng ngã xuống, hy sinh xương máu, cống hiến sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và Mẹ Việt Nam Anh hùng, giải quyết có hiệu quả về hồ sơ chế độ chính sách, góp phần ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, Hậu Giang có gần 36.000 người có công với cách mạng, trong đó có: 93 cán bộ Lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; 1.995 Mẹ được nhà nước phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 133 mẹ còn sống); 23 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 12.503 liệt sỹ; 5.740 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 76 bệnh binh; 346 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 6.544 người hoạt động kháng chiến; 7.276 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.140 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng đón tiếp Đoàn, trao tặng Huy hiệu Bác Hồ và quà lưu niệm in hình Bác.
Cựu chiến binh Lê Hoàng Tửu
Sau khi xem tư liệu những “Giờ phút cuối đời của Bác”, thương binh Lê Hoàng Tửu, cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng, thành viên trong đoàn đại biểu lần đầu tiên được vào Lăng viếng Bác xúc động chia sẻ: “Tôi nhập ngũ vào Tiểu Đoàn Tây Đô năm 1968, chiến đấu chủ yếu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đến ngày 02/9/1969, nghe tin Bác Hồ mất lòng tôi quặn đau, cùng với anh em đồng đội trong Tiểu đoàn để tang Bác rồi cùng biến đau thương mất mát thành hành động, thi đua lập nhiều thành tích để dâng lên Bác Hồ kính yêu. Khi quê hương sạch bóng quân thù, trở về cuộc sống đời thường như bao người tôi luôn cố gắng phát huy tốt phẩm chất anh “Bộ đội cụ Hồ”, vâng lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, sống tốt, sống đẹp trở thành tấm gương cho con cháu noi theo cùng xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp”./.
Hải Yến