Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), sáng ngày 08/7/2020, Ban Liên lạc truyền thống Biệt động Đà Nẵng đã tổ chức hành trình về nguồn ra thăm Thủ đô Hà Nội và tham quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn gồm 25 đại biểu là những cán bộ đặc công biệt động tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng do đồng chí Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn làm Trưởng đoàn.

biet dong da nang 1
Đoàn chụp ảnh lưu niệm khi về thăm Lăng Bác
và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, quân và dân Đà Nẵng đã vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, kiên cường bất khuất, động viên sức người, sức của đóng góp cho kháng chiến, xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, đặc biệt là xây dựng lực lượng vũ trang thành phố. Biệt động thành phố từng bước trưởng thành đưa chiến tranh nhân dân vào thành phố, vào tận sào huyệt của địch, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị tạo thế và lực lượng vũ trang nhân dân ta tiêu diệt quân địch trên khắp các chiến trường.

Tại buổi thăm, đồng chí Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn bồi hồi kể lại: Năm 1964, đội Biệt động thành đầu tiên được ra đời là Đội 220, đã đánh đắm chiếc tàu Mỹ trên sông Hàn sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Ngày 08/3/1965, Mỹ đưa tiểu đoàn tên lửa Tô-ma-rốc đầu tiên vào Đà Nẵng thực hiện chiến dịch sấm rền, dùng không quân đánh phá miền Bắc và đổ bộ 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến tiếp đến hải, lục, không quân dồn dập vào Đà Nẵng. Đứng trước tình hình đó, Thành ủy chỉ đạo tăng cường xây dựng lực lượng tự vệ - biệt động, đến cuối năm 1965 toàn thành phố đã phát triển hàng trăm tự vệ - biệt động hoạt động có hiệu quả, đánh nhiều trận gây tiếng vang lớn trên chiến trường, làm nên những chiến công vang dội rung chuyển cả thành phố khiến quân thù khiếp sợ.

Đặc biệt, ngày 29/3/1975, lực lượng Biệt động cùng quân dân Đà Nẵng đã nổi dậy tấn công và chiếm lãnh hầu hết các mục tiêu trọng yếu trong thành phố. Biệt động thành phố Đà Nẵng được Đảng, quân đội và nhân dân tin yêu giao và đặt trên vai trọng trách lịch sử đánh chiếm và cắm cờ trên nóc tòa thị chính lúc 11h30 ngày 29/3/1975, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Chiến tranh kết thúc cũng là kết thúc một chặng đường đấu tranh kiên cường, bất khuất, dũng cảm tuyệt vời của cả dân tộc. Sau 45 năm giải phóng, trang sử vẻ vang truyền thống của nhân dân và các lực lượng vũ trang Đà Nẵng mãi mãi ghi nhớ về những công lao đóng góp và những chiến tích oai hùng của lực lượng tự vệ  - biệt động nội thành".

biet dong da nang 2

biet dong da nang 3
Đồng chí Đại tá Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
tiếp và trao Huy hiệu Bác Hồ cho các thành viên trong Đoàn

Tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, đồng chí Đại tá Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng tiếp và giới thiệu với Đoàn về nhiệm vụ chính trị của đơn vị, quá trình giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí nhấn mạnh: Đối với mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến công năm xưa của lực lượng tự vệ - biệt động là niềm tự hào, là bài học quý giá không những cho quá khứ mà còn có giá trị nguyên vẹn ngày nay và mãi mãi mai sau. Bước ra khỏi cuộc chiến, các bác vẫn là những chiến sĩ đi đầu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp; là những công dân gương mẫu, những tấm gương sáng giáo dục thế hệ trẻ tích cực lao động, học tập trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với lời Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Đặc công: “Đặc biệt tinh nhuệ - Anh dũng tuyệt vời - Mưu trí táo bạo - Đánh hiểm thắng lớn”. 

Cuối buổi tiếp, đồng chí Chính ủy đã trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các thành viên trong Đoàn./.

Bùi Hoa

           

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: