Chủ nhật, 05/01/2025

Phong cách học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản vô giá mà Người đã để lại cho dân tộc. Với những nội dung sâu sắc, khoa học, đến nay phong cách học tập của Người vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, cần quán triệt và rèn luyện theo phong cách học tập Hồ Chí Minh, góp phần phát triển toàn diện nguồn lực con người, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

 bai 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là tấm gương sáng ngời về đạo đức, trí tuệ, mà còn là một mẫu mực kinh điển về phong cách. Phong cách Hồ Chí Minh là sự hội tụ, là biểu hiện sinh động của tư tưởng và đạo đức, là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người đã để lại cho dân tộc ta và nhân loại. Trong đó, phong cách học tập là một bộ phận quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đó vừa là nhận thức vừa là hành động, vừa là lý luận đồng thời vừa là thực tiễn trong con người Hồ Chí Minh. Phong cách học tập của Người được thể hiện ở các yếu tố cơ bản sau:

Một là, động cơ học tập đúng đắn, trong sáng.

Động cơ, mục đích xuyên suốt quá trình học tập, tiếp thu tri thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại ”(1). Với một khát vọng cháy bỏng: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(2), Người đã không ngừng học tập để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, để có đủ đức, đủ tài cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, theo Người “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc và tương lai của cách mạng, học để hành”; “học để làm việc”; chứ không phải học để “làm ông nọ bà kia”, hay là để “làm quan cách mạng”… cho nên, “tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”(3). Đặc biệt, đối với người cán bộ cách mạng, Người cho rằng, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, bởi lẽ “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập”(4) và “nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được ... không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”(5). Người học tập không chỉ dừng lại ở sự mở rộng vốn hiểu biết, nâng cao trình độ tri thức và tiến bộ của bản thân, cũng hoàn toàn không phải vì bằng cấp nọ, học vấn kia… mà quan trọng hơn là để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, làm cho đất nước độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Niềm khát vọng lớn lao ấy đã trở thành động cơ thôi thúc Người không ngừng học tập trong mọi điều kiện, hoàn cảnh có thể, cả lúc còn trẻ đến khi đã trở thành lãnh tụ tối cao của đất nước.

Hai là, thái độ học tập khiêm tốn và thật thà, không được kiêu ngạo, không được dấu dốt.

Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn có thái độ học tập khiêm tốn, thật thà không kiêu ngạo, chủ quan, không giấu dốt, giả dối, biết thì nói biết, không biết thì nói không biết; mạnh dạn tìm tòi, suy nghĩ, kể cả nghi ngờ, phản biện, tranh luận và sẵn sàng thừa nhận sai lầm, sửa chữa thiếu sót. Thời trẻ, trong học tập, những gì chưa hiểu, chưa rõ Người đều hỏi thầy giáo một cách rất cặn kẽ, nếu thầy trả lời chưa rõ, Người tiếp tục hỏi, cho đến lúc thấu đáo mới thôi, không tiếp nhận tri thức một cách máy móc, xuôi chiều. Những khi trao đổi với bạn bè, đồng chí về vấn đề gì, bao giờ Người cũng nói: “Theo tôi nhớ thì thế này...”, hoặc “Có lẽ ý của chỗ này là thế này...”. Cho đến những năm cuối đời, Người vẫn không sao nhãng việc học tập. Trong một buổi nói chuyện với các đồng chí đảng viên mới ở Hà Nội, Người đã nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(6). Người luôn khiêm tốn, đề cao tinh thần ham học hỏi và thật thà sửa chữa những thiếu sót trong nhận thức và hành động của bản thân.

Ba là, phương pháp học tập khoa học, lấy tự học làm cốt”, sáng tạo và hiệu quả.

Theo Hồ Chí Minh, phương pháp học tập là vấn đề rất quan trọng, nếu phương pháp khoa học sẽ tiếp cận và thu nhận kiến thức một cách hiệu quả, trái lại “cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả”. Người nhấn mạnh: “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”(7), “học” phải gắn liền với “hành”, lý luận gắn liền với thực tiễn, trong đó, “hành” là một cách “học” có hiệu quả. Đồng thời, Người chỉ rõ, phải luôn có ý thức học tập thường xuyên hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân. Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(8). Người khẳng định, trong học tập phải “lấy tự học làm cốt” chủ động, sáng tạo, nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, không tin một cách mù quáng từng câu, từng chữ trong sách. Khi có vấn đề chưa thông suốt, chưa hiểu sõ thì phải đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ, phải đặt câu hỏi “vì sao” và phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không. Suốt cuộc hành trình bôn ba, gian khổ đi tìm đường cứu nước, tất cả quỹ thời gian Người dành cho việc tự học tập, tự rèn luyện bản thân. Tại Đại hội VII của Quốc tế cộng sản (1935), mọi người hết sức kinh ngạc và khâm phục khi đọc bản khai lý lịch của Người với bí danh là Lin. Khi trả lời câu hỏi về trình độ học vấn - Người ghi: “tự học”; tiếp theo mục: Đồng chí biết ngoại ngữ gì? trả lời: Anh, Pháp, ý, Nga, Trung Quốc, Đức… Tự học, tự rèn đã thực sự trở thành triết lý và hành động sống trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.      

Sự hòa quyện, đan xen, thâm nhập, hỗ trợ và chi phối lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất giữa động cơ trong sáng, thái độ đúng mức và phương pháp học tập khoa học, sáng tạo, “lấy tự học làm cốt” đã tạo nên phong cách học tập độc đáo, riêng có ở Hồ Chí Minh. Phong cách học tập của Người không chỉ trở thành chuẩn mực để các thế hệ người Việt Nam học tập, làm theo, mà còn là một mẫu mực kinh điển cho phong cách học tập ở mọi thời đại.

Phong cách học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tài sản tinh thần vô giá. Rèn luyện theo phong cách học tập của Hồ Chí Minh là con đường, cách thức và biện pháp tốt nhất, có ý nghĩa thiết thực để bồi dưỡng cho người học động cơ, thái độ học tập đúng đắn, phương pháp học tập sáng tạo; nói đi đôi với làm; lý luận gắn liền với thực tiễn; biết tự làm chủ mọi suy nghĩ và hành động; làm chủ bản thân và công việc; không ngại khó, ngại khổ; tự giác đổi mới, nâng cao chất lượng học tập góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục - đào tạo trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế./.

Đại tá, PGS. TS Phạm Thanh Giang

Phó CNK – Học viện Chính trị

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội , 2011 , tr. 208.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội , 2011 , tr. 627.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội , 2011 , tr. 145.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội , 2011 , tr. 627.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội , 2011 , tr. 333.

(6) Hồ Chí Minh (1990), Về vấn đề giáo dục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.67.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội , 2011 , tr. 321.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội , 2011 , tr. 321.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2013

3. Đỗ Hoàng Linh,Vũ Kim Yến  (2014), Phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, H.

Bài viết khác: