Học tập quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch *
Ngày 19-5-1950 này, mừng Hồ Chủ tịch 60 tuổi và chúc Hồ Chủ tịch sống lâu, chúng ta cần nhắc nhở cái gì của Hồ Chủ tịch, học tập cái gì của Hồ Chủ tịch?
Nhân ngày vui mừng hôm nay của quốc dân đồng bào, những điều chúng ta cần nhắc nhở, học tập của Hồ Chủ tịch rất nhiều, nhưng theo ý tôi trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công này, chúng ta cần hơn hết nhắc nhở và học tập quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch, vì đó là bài học trọng yếu hơn hết, quý báu hơn hết trong sự nghiệp cách mạng của Người.
Quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch là gì?
Đó là điều cốt yếu hơn hết của sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch. Đời sống của Hồ Chủ tịch là một đời hy sinh chiến đấu cho cách mạng. Trải qua hơn 40 năm nay bôn tẩu khắp bốn phương, thu nhặt tinh hoa của tư tưởng tiến bộ nhất thế giới ngày nay: Lý luận Mác - Lênin, Hồ Chủ tịch luôn luôn nhằm mục đích giải phóng dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám là một bước thành công lớn lao trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch, và thành công được là nhờ Hồ Chủ tịch đã đoàn kết nhân dân Việt Nam, đông đảo quần chúng lao khổ Việt Nam và dìu dắt họ chiến đấu anh dũng.
Cách mạng thành công, Hồ Chủ tịch sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Nhà nước của nhân dân Việt Nam, vì nhân dân Việt Nam và do nhân dân Việt Nam. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của nhân dân Việt Nam, nghĩa là nó không phải của thực dân Pháp, hay của một số ít người nào có quyền lợi địa vị chống với nhân dân; mà là của tất cả người Việt Nam yêu nước, trong đó đại đa số là quần chúng lao khổ công nông và tiểu tư sản thành thị. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là vì nhân dân Việt Nam, nghĩa là Nhà nước ấy phục vụ nhân dân Việt Nam chứ không phải vì kẻ nào khác, phục vụ kẻ nào khác. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là do nhân dân Việt Nam nghĩa là do tất cả người Việt Nam yêu nước, do đông đảo quần chúng công, nông, tiểu tư sản thành thị lập nên nó, theo dõi nó, kiểm soát nó. Tóm lại, chế độ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một chế độ dân chủ nhân dân.
Chính vì Hồ Chủ tịch lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của dân, vì dân, do dân cho nên thực dân Pháp muốn đặt lại ách thống trị của chúng trên đất nước Việt Nam, bắt nhân dân Việt Nam quay về cuộc đời nô lệ cũ, đã nhờ phản động quốc tế giúp sức, gây ra cuộc chiến tranh hiện tại. Để chống lại, Hồ Chủ tịch kêu gọi nhân dân đoàn kết kháng chiến, phát động những phong trào quần chúng rộng rãi như tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, thi đua ái quốc… để kiên quyết bảo vệ chiến quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ chế độ dân chủ cộng hoà đã thành lập. Nếu không phải là một cuộc chiến tranh nhân dân vô cùng sâu rộng, vô cùng mạnh mẽ, vô cùng oanh liệt thì cuộc kháng chiến đã thất bại.
NỘI DUNG QUAN ĐIỂM QUẦN CHÚNG CỦA HỒ CHỦ TỊCH
Quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch nghĩa là quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của chủ nghĩa Mác - Lênin, gồm mấy điều cốt yếu sau này:
1. Tin tưởng sức mạnh, năng lực sáng tạo, năng lực cách mạng của nhân dân, của quần chúng. Lịch sử cách mạng nước ta mấy năm gần đây chứng minh điều này đầy đủ và rõ ràng. Từ việc to đến việc nhỏ, từ toàn quốc đến địa phương, mọi ngành, mọi việc đều như thế.
Đặc biệt Hồ Chủ tịch đã dạy chúng tôi không biết bao nhiêu về điều cốt yếu này. Mỗi một chủ trương, mỗi một lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch là một bài học cho chúng ta.
2. Phải biết huy động, tổ chức, lãnh đạo quần chúng nhân dân. Sức mạnh của nhân dân, quần chúng là vô cùng, làm gì cũng được. Nhưng chúng ta phải biết huy động nó, tổ chức nó, lãnh đạo nó để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng thích hợp với từng giai đoạn, từng địa phương, từng ngành công tác. Ai ở gần Hồ Chủ tịch cũng biết Hồ Chủ tịch rất chú trọng công tác này và mỗi khi giao nhiệm vụ cho một cán bộ làm, Người căn dặn rất chu đáo, tỉ mỉ về công tác này. Cả kinh nhiệm của cuộc kháng chiến đã chứng tỏ điểm này rất đúng...
3. Phải luôn luôn sát nguyện vọng của quần chúng nhân dân, nghe ngóng để hiểu biết nguyện vọng của quần chúng nhân dân, tìm tòi phát huy sáng kiến của quần chúng nhân dân, rồi căn cứ vào đó và chủ trương cho đúng và kịp thời sửa chữa những chủ trương sai lầm.
4. Vì nhân dân, vì quần chúng mà hy sinh chiến đấu. Ba điều trên mật thiết liên quan với điều này. Có tin tưởng quần chúng nhân dân thì mới vì quần chúng nhân dân mà hy sinh chiến đấu để mưu lợi ích cho quần chúng nhân dân, thì mới nghe ngóng nguyện vọng, phát huy sáng kiến của quần chúng nhân dân và như thế thì mới lãnh đạo được quần chúng nhân dân và thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Trái lại, kẻ nào không tin tưởng quần chúng nhân dân, thiếu tinh thần phục vụ quần chúng nhân dân thì quần chúng nhân dân cũng không tin tưởng mình, còn nói gì lãnh đạo?
Nhân dân Việt Nam tin Hồ Chủ tịch, nghe Hồ Chủ tịch, theo Hồ Chủ tịch, là vì suốt đời Hồ Chủ tịch rất tin tưởng nhân dân Việt Nam, hy sinh chiến đấu vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Hiện nay và sau này, trên con đường cách mạng, Hồ Chủ tịch hy sinh chiến đấu đưa nhân dân tiến đến thắng lợi thì nhân dân lại càng tin tưởng. Đây cũng là trường hợp và kinh nghiệm riêng của mỗi một người chúng ta đối với quần chúng nhân dân.
5. Chúng ta lãnh đạo quần chúng nhân dân nhưng đồng thời cũng học tập quần chúng nhân dân, chúng ta là thầy dạy nhưng cũng là học trò của quần chúng nhân dân. Chúng ta muốn lãnh đạo thì phải học tập, muốn làm thày dạy thì phải làm học trò quần chúng nhân dân và chúng ta càng học được nhiều bao nhiêu thì càng lãnh đạo vững vàng sáng suốt bấy nhiêu.
* *
*
Đó là nội dung quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch.
Mỗi một chủ trương, mỗi một lời tuyên bố với quốc dân của Hồ Chủ tịch biểu lộ quan điểm ấy rất rõ rệt, thế mà một số cán bộ chúng ta không nhìn thấy hoặc không làm theo.
Đáng để ý nhất là chỉ thị của Hồ Chủ tịch về việc chuẩn bị tổng phản công là một công việc rất gian khổ, vì quân thù càng thấy chúng yếu đi, ta mạnh lên thì lại càng nỗ lực, quyết liệt, hung ác liều mạng. Cho nên, chúng ta quyết không được khinh địch, chủ quan. Trái lại, cần đem lời căn dặn của Hồ Chủ tịch giải thích cho sâu rộng, đem kinh nghiệm của địa phương và tình hình toàn quốc mà chứng minh, để huy động, tổ chức, lãnh dạo quần chúng nhân dân đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ hơn nữa, hy sinh chiến đấu mạnh mẽ, oanh liệt hơn nữa.
Quân thù đang cố gắng bội phần và phản động quốc tế cũng đang tiếp viện cho nó bội phần.
Chính phủ ra lệnh tổng động viên chính là để tăng cường gấp bội và gấp bội lực lượng chiến đấu của chúng ta về mọi mặt.
Muốn đối phó sự cố gắng của phe địch, và chuyển sang tổng phản công, chúng ta phải nhờ cậy vào đâu? Hiển nhiên là chúng ta nhờ cậy vào sức lực của nhân dân, của đông đảo quần chúng lao khổ: Công, nông, tiểu tư sản thành thị. Chính phủ đã ra lệnh tổng động viên. Đó là lệnh của chính quyền. Đó là pháp luật của Nhà nước. Nhưng cốt yếu căn bản là chúng ta phải có sự đồng tình, sự tham dự hăng hái của nhân dân...
KỊP THỜI SỬA CHỮA KHUYẾT ĐIỂM
Muốn làm được sự việc ấy, chúng ta cần sửa chữa kịp thời những khuyết điểm khá nặng sau đây:
1. Kém giải thích
Hội đồng Chính phủ, mỗi khi có chủ trương một việc gì mà nhân dân phải làm thì Hồ Chủ tịch nhắc phải nhớ dân vận. Dân vận trước hết và cốt yếu là giải thích, và đó là trách nhiệm của cán bộ các ngành, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của cán bộ tuyên truyền và dân vận. Không giải thích đầy đủ cho nhân dân hiểu để nhân dân đồng tình và hăng hái tham dự, chỉ dùng mệnh lệnh mà gọi người đi làm đường, đưa giấy đến bắt buộc bán thóc thì làm sao nhân dân khỏi liên tưởng đến những chuyện như thế ngày xưa, thì làm sao tránh những lời nói, những cử chỉ đáng tiếc của nhân dân trong lúc nhà neo gạo kém, mà nguyên nhân là vì không hiểu. Làm như thế là quan liêu, nặng chút nữa là quân phiệt. Và làm như thế lại không được việc. Trái lại nếu chúng ta biết giải thích đầy đủ cho nhân dân hiểu thì nhân dân sẽ vui lòng đi làm đường, vui lòng bán thóc cho Chính phủ, vì đó là để chuẩn bị tổng phản công. Tổng phản công đánh đuổi thằng giặc thực dân, người Việt Nam nào lại không thích, người Việt Nam nào sau mấy năm kháng chiến mà lại không sẵn sàng đóng góp tất cả khả năng sức lực của mình để chuẩn bị mau chóng đầy đủ để mau "chuyển".
2. Không biết cùng nhân dân bàn bạc
Dân chủ, nghĩa là cùng với nhân dân thương lượng bàn bạc, nhờ nhân dân giúp chúng ta làm kế hoạch thích hợp để thi hành.
Nếu cán bộ chúng ta biết làm như thế thì chúng ta đã tránh cái tệ người ở hướng Đông phải đi năm ngày để sửa đường ở hướng Tây trong lúc người ở hướng Tây cũng phải đi năm ngày để sửa đường ở hướng Đông. Nếu chúng ta biết làm như thế thì chúng ta đã tránh cái tệ nhà thừa thóc thì không ai động đến trong lúc nhà thiếu ăn cứ chạy thóc, bán cho Chính phủ.
Chính chỗ này là chỗ cần nhớ đến, hiểu đúng và biết đúng quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng. Trước khi làm việc gì bao giờ chúng ta cũng có kế hoạch, kế hoạch ấy chúng ta đã cố gắng căn cứ đúng sức lực của nhân dân. Nhưng chỉ đến lúc thi hành cùng với nhân dân bàn bạc thì mới thấy rõ kế hoạch ấy đúng chừng nào. Do đó, chúng ta sửa chữa, làm cho đầy đủ, cụ thể, chi tiết hơn.
Ỷ vào mệnh lệnh, chỉ biết căn cứ vào kế hoạch làm trong bàn giấy rồi nhắm mắt bắt nhân dân làm, không biết giải thích cho nhân dân hiểu, không cùng nhân dân bàn bạc, là quan liêu, nặng chút nữa là quân phiệt, là trái với giáo huấn của Hồ Chủ tịch, là hại nước, hại dân, là phải phản đối, phải bài xích, phải đánh đổ.
Có người nói Chính phủ đã ra lệnh tổng động viên, đã giao kế hoạch làm đường, mua thóc cho địa phương thi hành thì địa phương phải thi hành. Đúng, địa phương phải thi hành, nhưng Chính phủ đã căn dặn, Đoàn thể đã căn dặn, Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc lần thứ ba đã căn dặn: Phải giải thích, bàn bạc với nhân dân, động viên tinh thần cách mạng của nhân dân, phát huy sức hy sinh chiến đấu của nhân dân để thi hành lệnh tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực, để thực hiện kế hoạch làm đường và thu thóc.
Muốn thi hành đầy đủ lệnh tổng động viên này, dân vận là cần thiết. Có thể nói hơn nữa: Không có dân vận thì không thể thi hành được.
Cho nên, người nào không biết dân vận, không giải thích cho nhân dân hiểu, không cùng nhân dân bàn bạc - mà không thi hành được lệnh tổng động viên hoặc nếu thi hành được mà nhờ cưỡng bức và làm nhân dân oán trách, thì người ấy có lỗi, thậm chí có tội.
Đáng lỗi, đáng tội nhất là những người vì quyền lợi cá nhân, ích kỷ của mình mà cưỡng bức nhân dân đóng góp quá sức trong lúc bản thân mình trốn tránh mọi sự đóng góp và dung túng bà con, bè bạn mình trốn tránh mọi sự đóng góp. Đặc biệt cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể trong nhân dân mà lại lợi dụng quyền bính, uy tín để làm những việc trái pháp luật kể trên thì chúng ta quyết không dung thứ.
Hồ Chủ tịch nói: Chí công vô tư. Công là của Chính phủ, của Đoàn thể, công là của nhân dân. Bọn sâu mọt kể trên chỉ coi trọng quyền lợi cá nhân, ích kỷ của mình và bà con thân thuộc, và vì đó mà làm sai lạc ý nghĩa tác dụng chủ trương của Chính Phủ, của Đoàn thể, làm hại đến quyền lợi của cuộc kháng chiến thần thánh. Bọn sâu mọt này cũng vì chỉ biết quyền lợi cá nhân ích kỷ của mình mà đã phạm nhiều sự sai lầm trong việc thi hành giảm tô, trong việc mua thóc khao quân, nay trong lúc thi hành tổng động viên này, nếu chúng ta không kịp thời sửa chữa kẻ nào còn sửa chữa được, đồng thời thanh trừ và trừng phạt xứng đáng kẻ có tội, thì chúng sẽ làm hại công cuộc của chúng ta không ít.
Lại còn một số cán bộ khác mà nhân đây cũng cần vạch mặt mà bảo cho họ biết: Các anh cũng là người làm trái hẳn giáo huấn của Hồ Chủ tịch. Đó là những người không cần kiệm liêm chính, những người xoay giấy tờ, sổ sách để có tiền ăn xài tiệc tùng xa xỉ. Nhân dân đã thốt ra câu: Xôi thịt lối mới. Đúng. Trong lúc nhân dân vì thiên tai, vì địch phá, vì đóng góp cho bộ đội phải thắt cái bụng lại, ăn độn, ăn thiếu, thế mà có những cán bộ dám bỏ ra hàng vạn để chi tiêu vào những việc xa xỉ hoặc không ích lợi lắm. Trong số này, phần lớn là vô ý thức, cố nhiên vô ý thức vẫn có lỗi, còn một số thì đích đáng là kẻ gian, cần thanh trừ và trừng phạt.
Hồ Chủ tịch dạy chúng ta: Chí công vô tư, cần kiệm liêm chính và suốt đời hy sinh tất cả để phục vụ nhân dân, quần chúng. Đó cũng là một mặt của quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch. Tôi tưởng chúng ta nên chú trọng mặt này, vì nó có ảnh hưởng nhiều đến cả quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng nói rõ ở trên. Nếu cán bộ chúng ta, cán bộ quân, dân, chính mà không chí công vô tư, không cần kiệm liêm chính, nghĩa là tự tư tự lợi, tham ô nhũng lạm thì còn nói gì làm việc nước, việc dân, làm sao kêu gọi nhân dân, giải thích cho nhân dân, bàn bạc với nhân dân đóng góp tất cả khả năng nhân lực, vật lực tài lực của mình để chuẩn bị tổng phản công. Hồ Chủ tịch thường nhắc chúng ta: Cán bộ phải làm gương mẫu. Ý nghĩa câu ấy là như thế.
Chúng ta luôn luôn hô khẩu hiệu: Hồ Chủ tịch muôn năm, như thế chưa đủ, chúng ta còn phải học tập, thấm nhuần cả tác phong của Hồ Chủ tịch, đặc biệt là quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch...
Ghi chú:
* Bài viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5-1950, in trong sách Phạm Văn Đồng: Hồ Chủ tịch, lãnh tụ của chúng ta, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.28-37.
Theo Cuốn sách Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chúng ta học gì xuất bản lần thứ sáu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
Huyền Trang (st)
Còn nữa