Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại(1)
Kỷ niệm lần thứ 80 Ngày sinh của Hồ Chủ tịch, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta càng tưởng nhớ Người với lòng biết ơn, niềm tự hào và tình thương yêu vô hạn. Chính trong dịp này, chúng ta càng thấy rõ Bác Hồ vẫn luôn luôn ở bên cạnh, dẫn dắt chúng ta trong cuộc chiến đấu đang tiếp diễn. Những thắng lợi mới của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ tháng 9 năm ngoái đến nay chứng tỏ rằng toàn Đảng, toàn dân ta càng dũng cảm tiến lên kế tục sự nghiệp vĩ dại của Hồ Chủ tịch.
Trong những ngày này, mỗi người Việt Nam ta hãy đọc lại bản Di chúc của Hồ Chủ tịch để thấm nhuần hơn nữa tư tưởng và tình cảm của Người, để thấy bản thân ta lớn thêm lên, sẵn sàng bước vào những cuộc chiến đấu mới, gian khổ hơn và giành những thắng lợi mới, to lớn hơn.
Trong những ngày này, tất cả chúng ta hãy ôn lại lời thề thiêng liêng trước anh linh Hồ Chủ tịch.
Thực hiện Năm lời thề đó, tức là sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, để trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, suốt đời phấn đấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thực hiện Năm lời thề đó, tức là đẩy mạnh và hoàn thành hai cuộc cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà ngay từ buổi đầu Hồ Chủ tịch đã vạch ra cho nhân dân ta.
.....
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, làm hai việc đó để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quần chúng ngay ở các cơ sở, hợp tác xã, xí nghiệp, cơ quan, v.v. từ đó mà hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, cương lĩnh thứ hai của Đảng. Đó là điều mà Hồ Chủ tịch thường căn dặn chúng ta, đó là bí quyết để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
.....
Bình sinh, Hồ Chủ tịch không thích hình thức, chống nói suông, và rất coi trọng việc làm thiết thực. Từ năm 1927, viết về tư cách người cách mạng ở trang đầu cuốn Đường kách mệnh, Bác đã dặn chúng ta: "Nói thì phải làm"(2). Thương yêu Hồ Chủ tịch, tưởng nhớ Hồ Chủ tịch, trung thành với Hồ Chủ tịch là làm việc thiết thực cho nước, cho dân, suốt đời như vậy và trong từng ngày, từng giờ đều như vậy.
"Muôn vàn tình thân yêu của Hồ Chủ tịch đối với chúng ta và của chúng ta đối với Người là tình cảm đối với Tổ quốc Việt Nam, đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đối với sự nghiệp cách mạng, đối với đồng chí, đồng bào. Kỷ niệm Ngày sinh của Hồ Chủ tịch, mọi người chúng ta hãy biến những tư tưởng và tình cảm cao đẹp nhất ấy thành những việc làm thiết thực.
.....
Mọi người lao động chân tay và trí óc ở tất cả các đơn vị và cơ sở hãy ra sức đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất, bảo đảm ngày công, giờ công, phấn đấu nâng cao năng suất lao động, làm thêm nhiều của cải vật chất, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.
Đảng viên của Đảng và cán bộ các cấp trong bộ máy Nhà nước hãy ra sức rèn luyện ý chí đấu tranh cách mạng, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, vươn lên xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Toàn Đảng hãy làm tốt cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, làm tốt việc kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, thắt chặt quan hệ giữa Đảng và quần chúng, làm cho Đảng thật trong sạch và vững mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Kỷ niệm lần thứ 80 Ngày sinh của Hồ Chủ tịch, mọi người Việt Nam ta hãy vươn lên, xứng đáng với tình hình và nhiệm vụ, ngang tầm vóc của thời đại, hết lòng hết sức góp phần lớn nhất của mình vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc...
Hồ Chí Minh - Nhà đạo đức
... Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp cách mạng là bắt đầu giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho những người yêu nước, cho thanh niên, cho quần chúng nhân dân, chủ yếu là cho đảng viên và cán bộ. Suốt đời Bác luôn luôn quan tâm làm việc đó. Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục đạo đức cách mạng mà còn là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân ta.
Vì sao Hồ Chí Minh coi trọng đạo đức đặc biệt như vậy?
Vì con người cần đạo đức, cách mạng cần đạo đức, rất cần đạo đức.
Hồ Chí Minh hết sức coi trọng chiến lược con người. Đối với Hồ Chí Minh, con người là mục tiêu đồng thời là nhân tố quyết định thành công của cách mạng. Vì thế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết vũ trang cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc ta những giá trị đạo đức mới để làm nên cuộc đổi đời lịch sử, đưa đất nước tiến lên trình độ văn minh hiện đại của loài người.
Hồ Chí Minh là nhà triết học hành động, nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn, gắn đạo đức với cuộc sống. Theo phong cách đó, Hồ Chí Minh đã diễn đạt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin thành những phương châm chỉ đạo hành động, những chuẩn mực rèn luyện phẩm chất đối với những người Việt Nam yêu nước và cách mạng.
Hồ Chí Minh nói: "Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình"(3). Cái tinh thần có sức chi phối tư duy, phong cách và hành động của con người cho hợp với yêu cầu của cách mạng, đó là đạo đức của người cách mạng.
Ở đây chúng ta thấy sự thống nhất giữa chính trị và đạo đức. Thắng lợi của cách mạng trong từng thời kỳ thường khi được tạo nên bởi một tư tưởng lớn, đồng thời là đạo đức lớn. Tư tưởng ấy, đạo đức ấy thâm nhập vào quần chúng, làm bừng nở sự cao cả của con người khơi dậy những khả năng vô biên, trở thành sức mạnh chiến thắng. Trong cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bao lần nêu ra những tư tưởng và đạo đức lớn làm lay động tâm hồn chúng ta, như: muốn sống phải làm cách mạng; “dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(4); "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(5); “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một"(6); mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; “Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên"(7); “Quan sơn muôn dặm một nhà/Bốn phương vô sản đều là anh em!”(8).
Đánh giá 30 năm chiến đấu và thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đặt đạo đức lên hàng đầu, khi nói về Đảng:
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”(9).
Đạo đức học đã có từ xưa như một môn triết học đề cập đến những đức tính của con người trong quan hệ giữa người với người. Ngôn ngữ của nhiều dân tộc thường dùng từ "êtíc" (ethics) để chỉ môn triết học này. Cũng cần nói thêm rằng nhiều nhà triết học có tên tuổi ở phương Đông và phương Tây từ xưa chủ yếu là những nhà đạo đức học.
Đạo đức hình thành và phát triển cùng với đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội qua các thời đại lịch sử. Đạo đức là sản phẩm của kinh tế; nó phản ánh nền kinh tế, song nó có tác dụng ngược lại cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Nói cho cùng, đạo đức là một hệ thống những tư tưởng, tình cảm lớn của loài người hướng con người đi tới cái thiện, cái tốt, cái đúng, gạt bỏ cái ác, cái xấu, cái sai. Đạo đức là cái quý nhất, là linh hồn của một con người, một xã hội, một chế độ, một nền văn minh. Đạo đức của con người thể hiện trong phẩm chất, hành vi và phong độ, gộp lại thành chất người. Đạo đức đẹp nhất là vị tha, không vị kỷ, sống vì mọi người.
Đạo đức biến đổi qua không gian và thời gian. Trong các xã hội phân chia giai cấp, nói chung đạo đức cũng như hệ tư tưởng chính thống phục vụ quyền lợi của giai cấp thống trị, nhằm áp bức, bóc lột các giai cấp bị trị. Chế độ người bóc lột người làm cho con người bị tha hoá, nhân dân lao động không được sống cuộc sống xứng đáng với con người. Trong xã hội tư bản hiện đại, kinh tế phát triển nhưng đạo đức suy đồi, môi trường đạo đức bị ô nhiễm.
Chỉ đến chủ nghĩa xã hội, thì sự tha hoá của con người mới giảm bớt rồi dần dần được thanh toán, con người trở lại bản chất của mình, chất người tinh khiết, trong sáng, không pha tạp, với đạo đức cao quý và quan hệ giữa người với người thật sự là quan hệ bầu bạn.
Đỉnh cao của đạo đức là một quá trình lịch sử đi đến chủ nghĩa xã hội. Đạo đức của chủ nghĩa xã hội là sống và phấn đấu vì nhân dân lao động, vì dân tộc mình và các dân tộc trên thế giới. Trong chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nhân văn có những chân trời phát triển rộng lớn, đạo đức của con người luôn luôn đổi mới, cao hơn, chứ không ngừng trệ lại.
Cống hiến của Hồ Chí Minh về triết học là đã nêu cao vai trò của đạo đức. Chúng ta có thể tìm thấy những nội dung rất sâu sắc về đạo đức trong nhiều bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, trong nhiều lời ngắn gọn của Bác với các tổ chức đảng, chính, quân, dân, cả trong những lời Bác nói về những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là một nét nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh. Đạo đức được lồng vào trong nhiều chủ trương chính trị, nhiều chỉ thị công tác; và một số chủ trương chính trị, một số lời dạy của Bác đã trở thành những chuẩn mực về đạo đức cách mạng.
Một trong những câu nói quan trọng nhất của Hồ Chí Minh thường được nhắc lại là: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(10). Đây là sự vận dụng sáng tạo một luận điểm lớn của C.Mác và Ph.Ăngghen. Các Mác có một câu nổi tiếng: Cho đến nay, “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”(11). Về sau, Ăngghen thêm: Giai cấp vô sản sau khi giành được chính quyền phải qua nhiều thập kỷ để tự cải tạo mình trong quá trình cải tạo xã hội.
Hồ Chí Minh biết dân tộc mình phải xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một điểm xuất phát rất thấp kém về kinh tế và kỹ thuật. Vì vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quyết định của con người và sự cần thiết phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh giải thích đó là con người thấm nhuần đạo đức cách mạng, có lòng nồng nàn yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý thức làm chủ đất nước, đồng thời phấn đấu nâng cao trình độ hiểu biết về văn hoá, khoa học - kỹ thuật để đủ sức xây dựng và quản lý xã hội mới.
Câu nói của Hồ Chí Minh hay được trích dẫn, nhiều người đã biết, đã thuộc. Song có thể chúng ta chưa thấu suốt ý nghĩa sâu sắc của lời dạy ấy và thiếu ý thức kiên trì thực hiện nó. “Trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, câu nói đã từ mấy chục năm nay của Hồ Chí Minh như nói cho chính ngày hôm nay, nêu ra đòi hỏi bức xúc đối với mọi người chúng ta.
Cũng có người không hiểu vặn hỏi rằng: Chưa có chủ nghĩa xã hội, làm sao có con người xã hội chủ nghĩa? Đó là một câu hỏi thiếu quan điểm biện chứng. Không thể chờ xây xong chủ nghĩa xã hội để có con người xã hội chủ nghĩa, cũng không thể chờ có con người xã hội chủ nghĩa rồi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trái lại, phải đòi hỏi mọi người ra sức phấn đấu góp phần ổn định và phát triển kinh tế và văn hoá, đồng thời trải qua thực tiễn mà tự rèn luyện. Chỉ bằng cách đó chủ nghĩa xã hội mới giành được thắng lợi, con người xã hội chủ nghĩa mới dần dần hình thành.
Về tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang"(12). Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cộng sản chủ nghĩa nhưng rất Việt Nam cả về nội dung và hình thức. Đó là sự kết hợp sáng tạo nhân sinh quan của chủ nghĩa Mác - Lênin với truyền thống của dân tộc Việt Nam, một dân tộc văn hiến, coi trọng phẩm chất con người và những giá trị tinh thần trong đời sống xã hội.
Từ ngàn xưa, dân tộc ta đã sớm có ý thức cộng đồng, giàu lòng yêu nước, biết đoàn kết, hợp quần để đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, phát triển sản xuất và xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh rất quý trọng truyền thống đó và thường xuyên bồi dưỡng lòng yêu nước thương nòi theo tinh thần mới: “Ái quốc là ái dân”, yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là một, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế.
Đạo đức cổ truyền của dân tộc ta khuyên dạy người đời ăn ở có tình, có nghĩa, có đức, có nhân, biết trung, biết hiếu... Hồ Chí Minh đã đưa vào những khái niệm đạo đức cổ truyền ấy thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, biến chúng thành những chuẩn mực của một nền đạo đức mới để giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân, bộ đội. Hồ Chí Minh là người đạt đến nghệ thuật tuyệt vời trong việc sử dụng những từ ngữ đã quen thuộc với quần chúng để diễn đạt nội dung của đạo đức mới một cách dễ hiểu, dễ vào lòng người, hợp với mọi trình độ và lứa tuổi.
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở phải coi đạo đức là gốc của người cách mạng, của con người, phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Người chỉ rõ: "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ"(13).
Cốt lõi của đạo đức cách mạng là chí công, vô tư. Có chí công vô tư thì lòng dạ mới trong trẻo, đầu óc mới sáng suốt để chăm làm những việc ích nước lợi dân. Chí công vô tư là nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Hồ Chí Minh khẳng định: "Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là "giày xéo lên lợi ích cá nhân". "Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(14). Song Hồ Chí Minh nghiêm khắc lên án chủ nghĩa cá nhân. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó"(15).
Lúc này hơn bao giờ hết, phải nêu cao đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống những tệ nạn xấu xí mà nhân dân ai cũng bất bình, chê trách. Đạo đức Hồ Chí Minh phải thâm nhập toàn dân, trước nhất là trong những người có chức, có quyền, biến thành hành động kiên quyết và kiên trì để thắng các loại giặc trên đây.
Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh một tư tưởng chính trị lớn, đồng thời là một đạo đức lớn.
"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công"(16).
Tư tưởng và đạo đức ấy coi đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc ta từ ngàn xưa, là sức mạnh vô địch của cách mạng nước ta hiện nay và sau này. Tư tưởng và đạo đức ấy thể hiện tinh thần hoà hợp dân tộc, tình tương thân tương ái của con người, sự độ lượng bao dung và lòng quý trọng từng nhân cách, tập hợp được đông đảo nhân dân, động viên được công sức, tài năng của mọi người, không bỏ rơi, không để sót một ai.
Tiếp theo, cũng về đạo đức cách mạng, tôi dẫn ra hai câu nói rất quan trọng sau đây của Hồ Chí Minh. Về chế độ dân chủ của ta, Hồ Chí Minh vạch rõ: "Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân"(17). Về Đảng, Người dặn lại trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân"(18).
Những câu nói trên là một luận điểm bao quát nhiều vấn đề quan trọng về lý luận và thực tiễn. Người ta có thể viết cả một luận văn về những vấn đề ấy. Ở đây tôi chỉ nói một vài ý kiến liên quan đến đạo đức.
Lời dạy của Hồ Chí Minh nêu cao một đạo đức mới: Phải biết làm người đày tớ trung thành của nhân dân, phải biết nhân dân sống ra sao và muốn điều gì, phải khiêm tốn học hỏi và tận tuỵ phục vụ nhân dân, để trở thành người lãnh đạo. Hồ Chí Minh đả phá quyết liệt đầu óc “quan cách mạng”, lên mặt với dân, cậy quyền cậy thế, đè đâu, cưỡi cổ dân. Phải nói rằng cho đến nay, đạo đức cách mạng hết sức quan trọng này chưa được quán triệt và thực hiện tốt.
Với bề dày kinh nghiệm trong cuộc sống, ngay từ buổi đầu của chế độ mới, Hồ Chí Minh đã đề ra phương hướng đấu tranh để ngăn ngừa nguy cơ Đảng lãnh đạo chính quyền mắc phải chủ nghĩa quan liêu, xa rời quần chúng, nguy cơ cán bộ lạm dụng chức quyền để ức hiếp nhân dân, cầu danh, trục lợi.
Hồ Chí Minh không bao giờ xem thường mà rất coi trọng trí tuệ và tài năng. Bản thân Người là một trí tuệ và tài năng kiệt xuất. Song trước nhất, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đạo đức, nhấn mạnh người lãnh đạo phải là người đày tớ thật trung thành, bởi lẽ mọi người chúng ta đều biết rõ có đạo đức thì có thể học tập để dần dần có tài năng, còn có tài năng mà không có đạo đức thì tài năng dễ mai một, nguy hiểm hơn nữa là dễ bị dùng vào những việc xấu xa, gây tác hại không lường được cho cách mạng.
Hồ Chí Minh vừa là nhà đạo đức học vừa là một biểu tượng toàn vẹn của đạo đức cách mạng.
Hồ Chí Minh là hình ảnh sống của một lãnh tụ của nhân dân, được nhân dân tin yêu coi như ngọn cờ của toàn dân tộc, nhưng rất gần nhân dân, không tự cho phép mình đứng trên nhân dân và đòi hơn cho mình bất cứ một ngoại lệ nào có tính chất đặc quyền, đặc lợi.
Hồ Chí Minh thật sự không có ham muốn nào khác ngoài ham muốn suốt đời hết lòng, hết sức làm người đày tớ trung thành, tận tụy của nhân dân. Đạo đức chí công vô tư đã giúp Hồ Chí Minh chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thử thách của vinh quang và quyền lực. Đó là chất người tinh khiết toả hào quang của một cuộc đời cao thượng, một tâm hồn trong sáng xưa nay hiếm.
Trước tình trạng tham nhũng và những tệ nạn xã hội lan rộng ở nước ta hiện nay, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng và tính thời sự của những lời dạy và tấm gương về đạo đức cách mạng của Bác Hồ.
Từng bước tiến lên xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam, người Việt Nam chúng ta hẳn phải cảm thấy trách nhiệm biết bao cao quý của mình trong việc xây dựng nền đạo đức của dân tộc theo gương vĩ đại của Bác Hồ.
_____________________
(1) Trích bài nói trong buổi Lễ kỷ niệm lần thứ 80 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1970, in trong sách Phạm Văn Đồng: Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974, tr.88-95.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.280.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.611.
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.1, 534.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.264.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.440.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.670.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.403.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.66.
(11) C. Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.12.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.601.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.128.
(14) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.610, 611.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.119.
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.90.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622.
Theo Cuốn sách Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chúng ta học gì xuất bản lần thứ sáu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
Huyền Trang (st)
Còn nữa