Chỉ mục bài viết

 

Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chúng ta học gì (phần cuối)

Hồ Chí Minh con người của mọi người

… Trong tư tưởng, tình cảm và hành động của mình, Hồ Chí Minh là người thể hiện nhất quán chân lý: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Nói rõ hơn, cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Mục tiêu phấn đấu của Hồ Chí Minh là như vậy cho nên khi tìm được ánh sáng của thời đại là học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh hướng tất cả tâm trí vào việc trở về Việt Nam để bắt đầu sự nghiệp của mình.

Sau khi về nước, từ Cao Bằng đến Hà Nội và cho tới phút cuối cùng, trừ những lần đi công tác ở nước ngoài, Hồ Chí Minh luôn luôn sống với đồng bào, đồng chí.

Có thể nói Hồ Chí Minh luôn luôn ở giữa quần chúng nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bác cũng tìm mọi cách tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, tiếp xúc nhiều lần, ở nhiều nơi, với nông dân, với công nhân, với nhân sĩ, trí thức, với đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, với các chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Lúc cần gặp bất cứ ai, Hồ Hồ Chí Minh là người đến trước, mở rộng cánh tay và tấm lòng để đón mừng, mở đầu câu chuyện bằng những lời nói và cử chỉ làm cho người đối thoại với mình hoà ngay vào một không khí cởi mở, thoải mái, bị cuốn hút bởi những tình cảm chân thật và thân ái khiến người đó không cảm thấy một chút gì cách biệt. Người ta đã nói nhiều, viết nhiều về sức hấp dẫn, sức thuyết phục, có người nói đến sức chinh phục của Hồ Chí Minh. Đúng như vậy, đó là điều tôi vừa nêu trên đây.

Có một câu chuyện rất có ý nghĩa, ý nghĩa ngay lúc bấy giờ và ý nghĩa sâu xa về sau. Đó là lúc Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 ở Quảng trường Ba Đình. Đang đọc giữa chừng, Bác bỗng dừng lại và thân mật hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Câu chuyện này đã được nói tới nhiều lần và đã đưa vào nhạc, nhưng tôi vẫn muốn kể lại ở đây, bởi lẽ sự kiện đó đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng. Chỉ qua câu hỏi ấy, Hồ Chí Minh đi ngay vào lòng những người đang nghe mình ở Quảng trường Ba Đình và bao người đang nghe mình trong khắp nước. Từ đó, Hồ Chí Minh càng nhập vào nhân dân và nhân dân càng hoà với tấm lòng bao la của Bác. Và tôi nghĩ Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi ở trong lòng bao người thuộc các thế hệ mai sau.

Chính sách hàng đầu, trước sau như một của Hồ Chí Minh là đoàn kết dân tộc không phân biệt đẳng cấp, dòng giống, tôn giáo, đảng phái; đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, vì nghĩa lớn cứu dân, cứu nước, xây dựng tự do, hạnh phúc cho dân tộc mình, và hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Là linh hồn của khối đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh suốt đời chăm lo quy tụ mọi lực lượng, mọi người yêu nước và tiến bộ dưới ngọn cờ cách mạng.

Với chính sách đại đoàn kết, với tư tưởng và đạo đức trong sáng, Hồ Chí Minh có sức tập hợp và thuyết phục lạ thường đối với các tầng lớp nhân dân.

Những cuộc tiếp xúc của Bác với các giới đồng bào đã để lại cho những người gặp Bác và bao người nghe kể về các cuộc gặp ấy những xúc động sâu sắc và suy nghĩ đẹp đẽ. Bác làm giàu thêm nhiệt tình cách mạng, khơi dậy trong con người những khả năng tiềm tàng, hướng mỗi người vươn lên cống hiến cho dân, cho nước.

Ở đây, tôi nói thêm về ảnh hưởng của Bác đối với các nhà trí thức và nhân sĩ, trong đó nhiều người là quan lại, là trí thức thời trước, là đại diện các dân tộc, các tôn giáo. Lúc đến với Bác, các vị ấy biết rõ Bác là một chiến sĩ cách mạng, là một người cộng sản, và Bác cũng không giấu điều đó. Tuy nhiên, các vị rất sung sướng, rất phấn khởi, rất thoả lòng là đã được gặp một con người rất thân ái và giản dị, rất cao đẹp và nhân hậu, xứng đáng tiêu biểu cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Bác thường tranh thủ mọi cơ hội đi thăm các cơ sở: Xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, đơn vị quân đội, cơ sở đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn, nông hội, thanh niên, phụ nữ, viện nghiên cứu, đoàn nghệ thuật, nhà xuất bản, toà soạn báo... Có thể nói các ngành đảng, chính, dân, quân, các lĩnh vực hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, đều có không ít những cơ sở, những đơn vị đã được Bác đến thăm, có khi thăm nhiều lần. Tôi cần nói ngay rằng những cuộc đi thăm đó không phải là hình thức. Đối với Bác, ấy là những cuộc đi thăm rất cần thiết. Bác muốn hiểu đồng bào, đồng chí, người dân và người chiến sĩ ăn, ở như thế nào, làm việc, học tập như thế nào, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu như thế nào. Đây là cuộc sống, là tình cảm thiết tha của Bác, là sự quan tâm không thể thiếu của người lãnh đạo, người tổ chức và của con người Hồ Chí Minh.

Bác thường đi thăm một cách bất ngờ để thấy thực chất tình hình, và ở đâu Bác cũng thăm nhà ở, nhà ăn, nhà vệ sinh, thân mật hỏi han đời sống của mọi người. Đối với đồng bào nông thôn, Bác rất chú ý đến những tháng ngày giáp hạt và đòi hỏi các đồng chí có trách nhiệm phải nắm chắc tình hình, nhìn xa thấy trước, có sẵn biện pháp đề phòng.

Trong những cuộc đi thăm, Bác thường đề ra những sáng kiến quan trọng, những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, những gợi ý thiết thực đích đáng, đòi hỏi mọi người có liên quan suy nghĩ và tìm mọi cách thực hiện cho được.

Điều đáng chú ý là những ý kiến lớn của Bác thường được diễn đạt ngắn gọn, có khi bằng những cách nói dân gian, những quan điểm triết lý truyền thống, rất trúng, rất hay trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, hoàn cảnh ngày nay và cả sau này nữa.

Có thể nói đối với mỗi tầng lớp nhân dân, mỗi lĩnh vực hoạt động cách mạng và đời sống xã hội, Bác đều có một câu nói đầy ý nghĩa, giúp cho mọi người nhớ mãi để làm theo.

Đối với công nhân, Bác nhấn mạnh phải xứng đáng là giai cấp lãnh đạo. Đối với nông dân, Bác dặn phải làm người đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Đối với cả công nhân và nông dân, Bác nói: Công nông phải trí thức hoá. Đối với trí thức, Bác nói: Trí thức phải công nông hoá. Đối với thanh niên, Bác nói: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên. Đối với phụ nữ, Bác nói: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Đối với người làm công tác đào tạo, Bác nói: Vì lợi ích trăm năm phải trồng người. Đối với nhà văn và nghệ sĩ, Bác nói: Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Đối với trường học, Bác nói: Dạy tốt và học tốt. Đối với bệnh viện, Bác nói: Thầy thuốc như mẹ hiền. Đối với bộ đội, Bác nói: Quân với dân như cá với nước. Đối với công an, Bác nói: Công an là bạn của dân.

Trong hai cuộc kháng chiến, Bác Hồ dành cho bộ đội sự quan tâm đặc biệt. Bác theo dõi từng bước đi của bộ đội, đón chờ thắng lợi từng cuộc hành quân. Bác hun đúc tinh thần quyết thắng, bồi dưỡng niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ. Bác khen thưởng thành tích, nhắc nhở sửa chữa lỗi lầm, và căn dặn: Thắng không kiêu, bại không nản. Bác thường đi thăm các đơn vị bộ đội chủ lực, tự vệ dân quân, hoặc gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ các binh chủng, quân chủng. Bác đến với bộ đội với tấm lòng cha con, thân ái, tin yêu và hiền từ ấm áp. Bác chăm lo từng li, từng tí cho sự trưởng thành mọi mặt của các lực lượng vũ trang. Trong buổi đầu kháng chiến hết sức gian nan, Bác là người đề ra việc lập "hũ gạo kháng chiến", tổ chức “mùa Đông binh sĩ" , kêu gọi đồng bào dành dụm chắt chiu, giúp tổ chức hậu cần để nuôi quân đánh giặc.

Anh bộ đội Cụ Hồ, lớn lên trong lòng ưu ái bao la của Bác, được đồng bào cả nước đùm bọc, yêu thương, đã thành nhân vật thần thoại, làm nên biết bao chiến tích anh hùng, xứng đáng với lời khen của Bác: Quân đội ta "trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"(1).

Đối với liệt sĩ, thương binh, Bác luôn luôn tỏ lòng biết ơn và kêu gọi toàn dân đền ơn đáp nghĩa. Bác khuyến khích thương binh tuỳ theo sức mình cố gắng làm những việc có ích cho xã hội. Bác nói: Thương binh tàn mà không phế. Thật là một lời nói xúc động lòng người, bởi nó chứa đựng một quan điểm nhân văn sâu sắc đầy niềm tin, lòng quý trọng và tình thương yêu đối với những người đã vì nhân dân mà mang thương tích hoặc hy sinh một phần thân thể.

Mọi người ở nước ta cũng như ở nước ngoài đều biết Bác Hồ rất yêu mến thiếu niên, nhi đồng. Bác quan tâm giáo dục cho các cháu năm điều:

"- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

- Học tập tốt, lao động tốt.

- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

- Giữ gìn vệ sinh.

- Thật thà, dũng cảm"(2).

Bác khuyến khích các cháu tham gia cứu nước và xây dựng bằng những việc vừa với sức mình. Mỗi dịp Trung thu, Bác không quên viết thư cho các cháu; có dịp thuận lợi, Bác vui lòng đến dự những đêm văn nghệ do các cháu tổ chức. Bác kêu gọi các ngành, các cấp và toàn dân chăm lo bảo vệ bà mẹ và trẻ em, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Bác nhấn mạnh dù đất nước còn nghèo, Nhà nước và nhân dân cũng phải cố gắng tạo những phương tiện tốt nhất trong điều kiện cho phép, để các cháu được học tập, vui chơi. Tôi còn nhớ, ở miền Bắc khi mùa Đông rét đậm, Bác thường nhắc Bộ Giáo dục cho các lớp cấp I nghỉ học...

Bác Hồ với thiếu nhi, mãi mãi còn đây hình ảnh một Cụ già râu tóc bạc phơ, như một ông tiên trong cổ tích, ngồi giữa đàn cháu nhỏ, cùng các cháu vỗ tay theo nhịp một bài hát quen thuộc “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh... Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng...”.

Bác dành cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam lòng thương yêu vô hạn. Miền Nam đối với Bác là nỗi đau nhức nhối: "Ở miền Nam Việt Nam... Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”(3). Bác tự cho rằng mình chưa làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam, vì thế Bác "ăn không ngon, ngủ không yên"; Bác không đành lòng nhận Huân chương khi nước nhà chưa thống nhất. Đồng thời, miền Nam đối với Bác luôn luôn là niềm tự hào sâu sắc. Bác nói: "đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng của Tổ quốc"(4). Bác không bỏ sót cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi đại biểu đồng bào miền Nam ra thăm miền Bắc, các cán bộ lãnh đạo, các anh hùng chiến sĩ thi đua, các bà mẹ và các em thiếu niên dũng sĩ.

Cho đến khi từ biệt chúng ta, trong trái tim Bác vẫn nguyên vẹn hình ảnh một miền Nam kiên cường, bất khuất, đi trước về sau, một nửa nước Bác ngày đêm thương nhớ, chưa một lần được vào thăm, kể từ ngày rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Hồ Chí Minh tin ở khả năng tự cải tạo của con người. Đối với những kẻ phạm lỗi lầm, kể cả những người có tội với Tổ quốc, với nhân dân, Bác vẫn rộng lòng khoan dung, độ lượng. Bác tin rằng trong lương tâm họ vẫn còn một phần cái bản tính tốt của con người, của nòi giống. Nếu biết nâng con người lên, khuyến khích cái thiện, cái tốt, đẩy lùi cái ác, cái xấu, thì những người nhất thời hư hỏng vẫn có thể sửa mình trở thành những con người có ích cho xã hội.

Hồ Chí Minh rất quý trọng thiên nhiên. Trong kháng chiến cũng như trong hoà bình, khi ở Việt Bắc cũng như khi về Hà Nội, Bác luôn luôn chú ý trồng cây và hô hào mọi người trồng cây. Phong trào "Tết trồng cây" do Bác phát động đã trở thành một nếp quen tốt đẹp... Trồng cây trong vườn nhà, ven đường đi, quanh trường học, doanh trại, xí nghiệp, cơ quan, và bất cứ nơi nào còn đất trống để lấy gỗ, lấy củi lấy bóng mát và ăn trái... Trồng cây để phủ xanh đồi trọc để chắn sóng, chắn gió, để tái tạo rừng và giữ gìn nguồn nước. Càng ngày chúng ta càng hiểu việc trồng cây có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cả nước cũng như đối với từng địa phương, từng gia đình, có tác dụng thiết thực biết bao về kinh tế và đời sống, về bảo vệ môi trường, về xây dựng thuần phong mỹ tục, về tạo khung cảnh sống có văn hoá, hài hoà giữa con người với thiên nhiên. Phong cách trồng cây của Bác thể hiện một quan điểm triết lý về xã hội rất đẹp, rất hay là hoà quyện thiên thời, địa lợi, nhân hoà.

*     *

*

Bác Hồ, người luôn luôn ở giữa quần chúng nhân dân, mang lại muôn vàn tình thân yêu cho con người, mãi mãi sống trong trái tim của mỗi người và mọi người chúng ta.

Bác Hồ viết Di chúc

....

Bạn đọc đều biết Bác để ra bốn năm (10/5/1965 – 10/5/1969) để viết bản Di chúc gần 800 từ (bản công bố năm 1969), kết tinh một cuộc đời hoạt động diễn ra trong phần lớn thế kỷ XX, thế kỷ đã chứng kiến những biến đổi cách mạng sâu rộng nhất trên khắp các lục địa và trong lịch sử loài người. Tôi biết rất rõ Bác đã mất nhiều thời gian để ôn lại, để đánh giá những điều mình đã trải trong đời hoạt động biết bao phong phú và đa dạng ở rất nhiều nơi, gặp biết bao cảnh ngộ gian nguy, và cuối cùng vượt qua được tất cả bởi ý chí kiên cường và đức tin vào thắng lợi cuối cùng. Một cuộc đời như vậy rút lại trên vài trang giấy. Trong bản thảo viết tay của những lời dặn cuối cùng, mọi người chúng ta đều thấy có một số đoạn Bác để lại những dấu tích chứng tỏ Bác còn suy nghĩ, chưa phải đã thật hài lòng. Như Bác đã nói, Bác chỉ để lại mấy lời, như vậy những lời đó càng quan trọng và giàu ý nghĩa biết bao.

Dưới đây tôi thấy cần nhắc lại nguyên văn một số đoạn trong những lời quý giá đó:

.....

Về Đảng:

“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến này, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

... Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng , thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(5).

Về thanh niên, thế hệ mai sau:

“ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(6).

Và đây là đoạn kết:

"Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(7).

Vào cuối đời, Bác trăn trở nhiều, tìm điều gì thiết thực có thể làm ngay cho dân, cho những người khó khăn, thiếu thốn nhất, thể hiện trong những đoạn Bác dành để căn dặn về những việc cần chú ý làm cho con người, cho mỗi tầng lớp nhân dân... đặc biệt là việc miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân.

Về những lời dặn cuối cùng của Hồ Chí Minh, không chỉ đồng bào nước ta mà người nước ngoài khắp bốn biển năm châu đều rất xúc động khi đọc bản Di chúc. Mọi người đều coi đây là một văn kiện chứa đựng những tư tưởng và tình cảm tuyệt đẹp, sâu xa và giản dị như con người của Bác Hồ. Tôi thấy không cần nhắc lại những gì người trong nước và nước ngoài nói về áng văn này. Tôi chỉ kể một câu chuyện, là tôi có gặp một vị nữ giáo sư đại học Ấn Độ, bà nói với tôi rằng bà đã dùng những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để dạy sinh viên trường đại học của bà.

________________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.619.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.131-132.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.674.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.80

5, 6 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.621-622, 621.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.624.

Theo Cuốn sách Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chúng ta học gì xuất bản lần thứ sáu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: