- Ngày 18-01: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”(1)
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Bài nói bế mạc tại Hội nghị Cán bộ của Đảng lần thứ 6 ngày 18-01-1949: “… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên về việc này trong thời điểm Đảng ta đang tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc. Người khẳng định, nhân dân là “nền gốc” sinh ra cán bộ, là cái “nôi” nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ trưởng thành, phát triển. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải luôn tự phê bình, nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm về đạo đức, quan hệ quần chúng và hậu quả nguy hại từ những yếu kém, khuyết điểm đó. Nhiệm vụ cấp bách mà thực tiễn cách mạng lúc này đang đòi hỏi là phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân; từng cán bộ, đảng viên phải tự soi mình, sửa chữa ngay những yếu kém, khuyết điểm về đạo đức, thực hành tiết kiệm, chỉnh sửa lối làm việc, xây dựng tác phong công tác khoa học, gần dân.
Lời nói, cùng tấm gương đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh như nguồn sáng tiếp thêm sức mạnh cho Đảng trong nhiệm vụ lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lời của Người nhanh chóng được truyền lan khắp mọi nơi, biến thành hành động cách mạng. Thông qua thực hiện lời của Người, những thói hư, tật xấu, lối làm việc cá nhân chủ nghĩa, thiếu khoa học, kém hiệu quả trong cán bộ, đảng viên dần được phát hiện, chấn chỉnh khắc phục, góp phần làm trong sạch Đảng, củng cố đoàn kết trong nội bộ Đảng, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Đến hôm nay, lời của Người năm xưa là tài liệu quý, để cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập có ý nghĩa giáo dục có giá trị, đang được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân nghiên cứu học tập, làm theo, liên hệ thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ, thể hiện bản chất của người cộng sản; tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, lạc hậu; chống các hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến xây dựng môi trường văn hóa; ngăn ngừa biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ
19. Ngày 19-01: "Mỗi viên đạn, mỗi khẩu súng là mồ hôi nước mắt của đồng bào mình”(2)
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, ngày 29 tháng 01 năm 1953; trong thời điểm cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta giành được nhiều thắng lợi trên các mặt trận, tạo chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam trên chiến trường Đông Dương; buộc thực dân Pháp triển khai gấp gáp kế hoạch Na-Va - một kế hoạch chiến lược có quy mô rộng lớn, hòng cứu vãn tình thế, giành giật, lấy lại thế chủ động trên chiến trường Đông Dương.
Bài nói của Người thay mặt cho Trung ương Đảng, Chính phủ khen ngợi các đơn vị tham gia Chiến dịch Việt Bắc đã quán triệt thấm nhuần sâu sắc quyết tâm của Trung ương Đảng; tất cả bộ đội tin tưởng ở Trung ương Đảng và Chính phủ, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, nhờ đó mà giành thắng lợi. Tuy nhiên, Bác cũng chân thành chỉ ra những khuyết điểm cần phải khắc phục, để chiến thắng lần sau được trọn vẹn hơn, như: Đối với của công, các chú chưa thấm nhuần chính sách. Mỗi viên đạn, mỗi khẩu súng là mồ hôi nước mắt của đồng bào mình. Chính sách chiến lợi phẩm còn nhiều đơn vị làm chưa đúng, sử dụng còn bừa bãi, không công bằng, dân chủ, để cho bộ đội thắc mắc, tị nạnh, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết.
Thấm nhuần lời của Người, các đơn vị quân đội tổ chức đợt sinh hoạt rút kinh nghiệm; quán triệt lời huấn thị của Bác Hồ; thực hiện dân chủ, công khai, bình đẳng trong đánh giá bình công chiến thắng; đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, thiếu sót; coi trọng các biện pháp phòng, chống biểu hiện chủ quan, coi thường địch; giáo dục nâng cao bản lĩnh, ý chí quyết tâm, rèn luyện khả năng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, không sợ hiểu nguy, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giành thắng lợi.
Trong thời kỳ mới, lời huấn thị của Bác Hồ tiếp tục được Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu, vận dụng, cụ thể hóa vào nội dung điều lệnh, điều lệ của Quân đội, chức trách của quân nhân; ra sức giữ gìn vũ khí trang bị, nêu cao tinh thần bảo vệ của công; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tham ô, lãng phí, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao; thực sự là lực lượng chính trị, đội quân chiến đấu tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước và nhân dân.
20. Tháng 01-1947: "Khi thắng không kiêu, khi lui không nản! Các anh em quyết kháng chiến cho đến thắng lợi"(3)
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài "Gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân toàn quốc", được viết vào tháng 01 năm 1947, trong thời điểm thực dân Pháp vừa phong tỏa, lùng sục, vừa đẩy mạnh sử dụng lực lượng Việt gian chỉ điểm để đánh úp lực lượng vũ trang ở các địa phương. Song các lực lượng Vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân trong cả nước đã không ngại hiểm nguy, gian lao, ăn gió nằm sương, máu trôi, lửa cháy, mưa đạn rừng bom; thi đua xung phong hãm trận, giết giặc lập công, "càng đánh càng mạnh, kinh nghiệm càng nhiều".
Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ vẻ vang và thành tích oanh liệt của các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ, dân quân toàn quốc trong năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược; Người chỉ rõ: "Khi thắng không kiêu, khi lui không nản! Các anh em quyết kháng chiến cho đến thắng lợi. Mặc kệ tàu bay, thiết giáp, các anh cứ tiến lên, cứ xông vào! Anh dũng thay! Lòng quyết thắng của anh em. Các chiến sĩ là đàn con anh hùng của Tổ quốc. Các chiến sĩ quyết đem xương máu để giữ vững non nước Lạc Hồng!"
Lời của Hồ Chí Minh tạo khí thế hào hùng, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào cuộc kháng chiến sẽ giành thắng lợi. Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Đảng, quân và dân ta đã tổ chức nhiều trận chiến đấu anh dũng "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", kìm chân và tiêu hao lực lượng địch; đồng thời, tập trung phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, với lối đánh tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch, thực hiện phá hoại đường sá, cầu và nhà kiên cố, làm vườn không nhà trống, nhằm cản bước tiến của địch và duy trì sức chiến đấu lâu dài của quân và dân ta; tại điều kiện tổng di chuyển, ổn định nơi ở và làm việc của cơ quan lãnh đạo kháng chiến lên An toàn khu ở Việt Bắc; làm cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang hùng hậu gồm ba thứ quân (quân chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), động viên toàn dân tham gia cuộc kháng chiến thắng lợi cuối cùng.
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân toàn quốc năm ấy, đã ghi sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ và đã trở thành một trong những phẩm chất truyền thống tiêu biểu được kết thành 10 Lời thề danh dự của quân nhân; là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng phẩm chất tiêu biểu "… thắng không kiêu, bại không nản…" của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục được tỏa sáng trong mọi hoạt động chiến đấu, công tác, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học… và sẽ vang vọng mãi mãi cho đến mai sau.
- Ngày 21-01: “… Mỗi một hội viên Việt Minh đều phải tuyên truyền tổ chức; phải làm cho các Hội Cứu quốc ngày càng mạnh, làm cho các đội tự vệ, các đội du kích ngày càng nhiều”(4)
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài Năm mới, công việc mới: “… Muốn tự do độc lập thì phải hy sinh tranh đấu. Vậy ngay từ đây, mỗi cán bộ, mỗi một hội viên Việt Minh đều phải tuyên truyền tổ chức; phải làm cho các Hội Cứu quốc ngày càng mạnh, làm cho các đội tự vệ, các đội du kích ngày càng nhiều. Toàn quốc đồng bào, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu nghèo, quý tiện, đều phải vào các Hội Cứu quốc. Đoàn kết được chặt chẽ, giải phóng sẽ thành công. Hỡi quốc dân, mau đoàn kết lại!”, đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 01-01-1942; trong bối cảnh nước Việt Nam đang bị đế quốc Pháp, phát xít Nhật cấu kết với nhau cùng thống trị, bóc lột, đàn áp dã man phong trào cứu quốc, giết hại đồng bào vô tội.
Trong bài viết, Hồ Chí Minh nêu lên bối cảnh tình hình thế giới, nhất là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đang diễn ra khốc liệt, đưa ra nhận định phe dân chủ do Liên Xô đứng đầu sẽ chiến thắng. Người kêu gọi mỗi hội viên Việt Minh phải chủ động tuyên truyền xây dựng, phát triển Hội, làm cho Hội cứu quốc ngày càng mạnh, lực lượng vũ trang phát triển khắp mọi nơi, hãy đoàn kết, đón thời cơ đến, để cùng nhau khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do. Lời của Người nhanh chóng được tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, động viên, cổ vũ quần chúng tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng; vai trò của mặt trận Việt Minh được củng cố, mở rộng, làm nòng cốt xây dựng và phát triển các tổ chức, các lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Người về "tổ chức Hội Cứu quốc" để đúc kết thành bài học kinh nghiệm lớn "sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân" và luôn khẳng định "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Trước yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và toàn quân đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp; xây dựng Quân đội nhân dân với số quân thường trực hợp lý, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tổ chức biên chế hợp lý, có trang bị từng bước hiện đại, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, thực sự là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Ngày 22-01:“Đồng bào các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ Việt Bắc đã luôn luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, trung dũng của khu căn cứ cách mạng”(5)
Đó là lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi quân và dân Quân khu Việt Bắc trong những ngày tháng đầu năm 1968: “… Thân ái gửi đồng bào và chiến sĩ Quân khu Việt Bắc. Đến ngày 14-01-1968, quân và dân Quân khu Việt Bắc đã bắn rơi 300 máy bay Mỹ, góp phần vào chiến công vẻ vang của quân và dân miền Bắc bắn rơi hơn 2.700 máy bay Mỹ. Đồng bào các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ Việt Bắc đã luôn luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, trung dũng của khu căn cứ cách mạng”, đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 22 tháng 01 năm 1968; trong bối cảnh cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đã và đang bị quân và dân ta trên phạm cả nước đánh tan từng bước, đánh đổ từng bộ phận. Lực lượng kháng chiến của nhân dân ta phát triển nhanh chóng, miền Bắc xã hội chủ nghĩa đang tỏ rõ là hậu phương vững chắc của tiền tuyến miền Nam.
Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận công lao đóng góp to lớn của quân và dân Quân khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm suốt nhiều năm qua. Người kêu gọi Quân khu Việt Bắc hãy cố gắng hơn nữa, đoàn kết cùng quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lời của Người đầu năm 1968 đã được Quân khu Việt Bắc hào hứng đón nhận, nhanh chóng chuyển hóa vào hoạt động thực tiễn. Thực hiện lời của Người, Quân khu Việt Bắc đã đoàn kết thi đua, tiếp tục lập nên nhiều chiến công, thành tích vẻ vang, cùng quân và dân cả nước góp sức thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hiện nay, các tỉnh thuộc Quân khu Việt Bắc năm xưa vẫn là địa bàn chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tiếp nối truyền thống cách mạng trong kháng chiến, trong những năm tháng của thời kỳ đổi mới, quân và dân các tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc đã vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của đảng bộ tỉnh đặt ra; bộ mặt đô thị, nông thôn từng bước được khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện và nâng cao.
Trong giai đoạn cách mạng mới, lực lượng vũ trang của các tỉnh tiếp tục được củng cố, xây dựng; triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; chủ động ứng phó linh hoạt, xử lý kịp thời, hiệu quả với các tình huống thiên tai, bão lũ cháy rừng… luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tin tưởng.
- Ngày 23-01: “Kính gửi ông Ragiăngđra Praxát, Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ, nhân dịp năm mới, tôi kính chúc Tổng thống lời chúc mừng nồng nhiệt và kính chúc Chính phủ và nhân dân Ấn Độ thu được nhiều thắng lợi mới trong việc xây dựng một nước Ấn Độ ngày càng giàu mạnh. Kính chúc Tổng thống năm mới mạnh khoẻ và chúc tình hữu nghị Việt - Ấn ngày càng phát triển”(6)
Là lời trong Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúc mừng Tổng thống Ấn Độ nhân dịp năm mới - năm 1957, đăng trên Báo Nhân Dân, số 1054, ngày 23-01-1957; trong bối cảnh cách mạng Việt Nam được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước trên thế giới, trong đó có sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ, phục vụ tích cực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Ấn Độ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam về mối quan hệ hữu nghị, hòa hiếu với Chính phủ và nhân dân Ấn Độ; khẳng định quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước tiếp tục được duy trì, phát triển; đồng thời mong muốn Tổng thống, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Bức Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng Tổng thống Ấn Độ nhân dịp năm mới 1957, đã góp phần giữ vững và tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị của Ấn Độ ngày càng được mở rộng; là một trong những sự kiện quan trọng, bồi đắp nên truyền thống hữu nghị lâu đời, bền chặt giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.
Hiện nay, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc bền vững, kiên định và phát triển ngày càng sâu rộng; chủ động, tin cậy, hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển sâu sắc, ổn định trên tất cả các lĩnh vực; quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng tiếp tục phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Cán bộ, chiến sĩ Quân đội và nhân dân Việt Nam hôm nay, luôn ghi nhớ tình cảm và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Ấn Độ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại và hoạt động hợp tác quốc phòng, trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới./.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.76 tr.16.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.8 tr.37.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.5 tr51.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.3 tr.251.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.15 tr.420.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.10 tr.482.
Theo Cục Tuyên huấn
Thanh Huống (st)