Chỉ mục bài viết

 

  1. Ngày 11/02: “Phải làm cho lực lượng của dân quân du kích thành những tấm lưới sắt rộng rãi và chắc chắn, chăng khắp mọi nơi, địch mò đến đâu là mắc lưới đến đó”(1).

Là lời của Hồ Chí Minh trình bày trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, ngày 11/02/1951, khi bàn về việc phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân “để đánh thắng nữa, đánh thắng mãi, để tiến tới tổng phản công” giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Lời dạy của Hồ Chí Minh thể hiện chủ trương, yêu cầu xây dựng và phát huy vai trò to lớn của lực lượng dân quân, du kích trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nổi bật là tư tưởng về xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích cả về số lượng và chất lượng chính trị, làm cho hoạt động tác chiến của dân quân, du kích tạo thành một thiên la địa võng đối với quân thù. Lời dạy trên không chỉ là cơ sở tư tưởng để Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân nói chung, lực lượng dân quân du kích nói riêng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, mà còn là sự khích lệ, động viên để lực lượng dân quân, du kích phát huy cao độ thế mạnh, sở trường của mình góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, mặc dù chiến tranh hiện đại có nhiều loại vũ khí bảo đảm cho việc tác chiến từ xa, nhưng với đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng ta lấy tự vệ chính nghĩa với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân thì vai trò của lực lượng dân quân tự vệ không hề thay đổi. Do đó, Nhà nước ta đã ban hành luật về dân quân, tự vệ làm cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, phát triển lực lượng, bảo đảm tính rộng khắp và không ngừng nâng cao sức chiến đấu của lực lượng dân quân, tự vệ.

Quân đội là bộ phận nòng cốt của lực lượng vũ trang ba thứ quân, việc phối hợp chặt chẽ với hoạt động của lực lượng dân quân, tự vệ trên từng địa bàn cụ thể vừa là nhiệm vụ vừa là nghệ thuật quân sự trong tác chiến của chiến tranh nhân dân. Trong lịch sử, quân đội đã luôn làm tốt nhiệm vụ giúp huấn luyện kỹ, chiến thuật, bồi dưỡng lập trường, tư tưởng chính trị và phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân, du kích trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, quân đội cần tiếp tục làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng và huấn luyện dân quân, tự vệ. Không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương án phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ, góp phần nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân.

  1. Ngày 12/02: “Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: Một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”(2).

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đại hội thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc, ngày 12/02/1965. Đây là giai đoạn ở miền Bắc đang có rất nhiều phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mà phong trào thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” là một trong số đó. Hồ Chí Minh đã dự và phát biểu nhằm định hướng cho sự phát triển của phong trào.

Trong lời dạy trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những điều kiện bảo đảm cho phong trào thi đua thắng lợi phải bao gồm hai yếu tố, đó là: Đối tượng tham gia thi đua và chủ thể tổ chức phong trào thi đua. Theo đó, đối tượng tham gia thi đua là công nhân, nông dân phải có đạo đức cách mạng, có trách nhiệm cao và tinh thần làm chủ tập thể. Tức là, thi đua phải trên tinh thần vì chủ nghĩa tập thể chứ không vì chủ nghĩa cá nhân, thi đua không trở thành ganh đua mà trong thi đua phải nêu cao tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, chủ thể tổ chức phong trào thi đua ngoài việc có kế hoạch chu đáo còn phải có nhiều biện pháp thiết thực và quyết tâm cao. Tóm lại, muốn hoạt động thi đua có hiệu quả, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng, làm cho mọi người có tinh thần làm chủ tập thể, triệt để thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm cao của cả người thi đua và người tổ chức phong trào thi đua.

Quán triệt và thực hiện lời dạy của Người, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của quân đội đều dựa trên cơ sở thấm nhuần đạo đức cách mạng, hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của các đơn vị và toàn quân, nhằm thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Phong trào thi đua quyết thắng trong quân đội đã góp phần quan trọng tạo nên hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hơn 70 năm qua. Trong thời gian tới, quân đội sẽ tiếp tục cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chi Minh, rèn luyện đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật; chủ động tích cực trong công tác, độc lập sáng tạo trong công việc để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

  1. Ngày 13/02:“Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”(3).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngày 13/02/1962 sau khi Người nhận được thư chúc Tết của đồng bào xã Nam Liên. Đây là thời kỳ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Do vậy, phát triển nông nghiệp trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ là vấn đề được Hồ Chí Minh rất quan tâm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của tư tưởng bảo thủ. Người ví nó như một sự trói buộc, ngăn cản sự tiến bộ của con người. Mặt khác, Người đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù được viết trong thư gửi một địa phương cụ thể, nhưng đã toát lên được tư tưởng đổi mới, sáng tạo của Người. Nó có sức cổ vũ cán bộ và nhân dân xã Nam Liên nói riêng và đồng bào cả nước nói chung tích cực phấn đấu, nêu cao sáng kiến trong lao động, sản xuất, học tập, công tác cũng như chiến đấu. Lời dạy của Người đã tạo nên phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp và công nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong quân đội đã dấy lên phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, sự nghiệp xây dựng quân đội đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tinh thần mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có được nhiều sáng kiến mới, cách làm hay trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phát huy nhân tố con người trong quân đội. Do vậy, mỗi quân nhân cần chủ động đổi mới cách nghĩ, cách làm, đề cao tự phê bình và phê bình để khắc phục những tư tưởng bảo thủ, đường mòn lối cũ, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo đảm cho đơn vị và toàn quân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

  1. Ngày 14/02: “Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân; chúng ta cần mở rộng dân chủ với nhân dân, đồng thời cần phải tăng cường chuyên chính với kẻ địch của nhân dân. Có tăng cường chuyên chính với kẻ địch thì mới bảo vệ được tự do và dân chủ của nhân dân ta”(4).

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nêu trong Báo cáo trước Hội nghị đại biểu nhân dân Thủ đô về thành công của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa I, ngày 14/02/1957. Qua đây, Người vừa trình bày những nội dung cơ bản của kỳ họp, vừa thể hiện rõ tinh thần, bản chất của một chế độ mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng.

Lời dạy của Người thể hiện rõ nét bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nhân dân là không ngừng mở rộng dân chủ với các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Tức là, bảo đảm cho nhân dân được làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà trước hết là làm chủ về chính trị, có điều kiện và khả năng tham gia vào các quá trình chính trị của đất nước. Thực hiện quan điểm đó, trong Hiến pháp năm 1959 do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã ghi rõ: Điều 4 “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân…” và Điều 7 “Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng giúp đồng bào ta hiểu được bản chất của chế độ mới, qua đó mà tin tưởng, hăng hái phấn đấu, đóng góp sức mình vào xây dựng và bảo vệ nước nhà, ủng hộ đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước. Mặt khác, lời dạy của Người còn cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa dân chủ và chuyên chính, định hướng cho sự nghiệp xây dựng nền chính trị của dân, do dân, vì dân ở nước ta.

Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ là một quân đội của dân, do dân, vì dân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, trong giai đoạn cách mạng mới, quân đội cần phải phát huy cao độ dân chủ trong nội bộ, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, phải không ngừng xây dựng đơn vị vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

  1. Ngày 15/02: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất thiết tha với độc lập, tự do và hòa bình… Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”(5).

Đây là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong Thư trả lời Tổng thống Mỹ Giônxơn, ngày 15/02/1967, đăng trên Báo Nhân Dân, số 4730, ngày 22/3/1967. Trước đó, trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 08/02/1967), Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn đã đưa ra những điều kiện vô lý cho việc chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam, chấm dứt việc đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Đồng thời, ngày 14/02/1967, L.B. Giônxơn lại ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Để tiếp tục tỏ rõ thiện chí, nguyện vọng hoà bình của Việt Nam, ngày 15/02/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gửi L.B. Giônxơn bức thư trả lời này.

Qua đây, Hồ Chí Minh khẳng định khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Và vì những điều đó mà nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước bom đạn, cường quyền, sẽ quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Do đó, sẽ không có đàm phán nào được diễn ra nếu Mỹ không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt sự đe dọa bằng bom đạn vào miền Bắc và khẳng định, không thế lực nào có thể dùng bom đạn cường quyền để ép nhân dân Việt Nam từ bỏ khát vọng chân chính của mình.

Là lời đáp trả đanh thép đó của Hồ Chí Minh đã tỏ rõ cho nhân dân Mỹ và toàn thế giới thấy được khát vọng và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Mặt khác, đã động viên toàn thể dân tộc đứng lên kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi cuối cùng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, các lực lượng quân giải phóng miền Nam nói riêng kết hợp chặt chẽ với nhân dân miền Nam đã đẩy mạnh đấu tranh quân sự trên cả ba vùng chiến lược làm xuất hiện nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không thể cứu vãn nổi của giặc Mỹ và tay sai, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, quân đội phải luôn quán triệt sâu sắc lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biến nhận thức thành hành động cụ thể trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

  1. Ngày 16/02: “Bác mong Không quân có nhiều Cốc hơn nữa”(6).

Là lời động viên, khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân chủng Phòng không - Không quân tại Hội nghị gặp mặt các anh hùng quân đội thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, ngày 16 tháng 02 năm 1969. Đây là thời điểm quân và dân hai miền Nam - Bắc giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam.

Lời động viên, khen ngợi trên không những ghi nhận thành tích xuất sắc của Quân chủng Phòng không - Không quân nói chung, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cốc nói riêng mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức đồng tâm, hiệp lực đánh bại mưu đồ của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai leo thang phá hoại miềm Bắc bằng không quân và hải quân nhằm đè bẹp ý chí, quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Lời khen ngợi “Bác mong Không quân có nhiều Cốc hơn nữa” còn là động lực chính trị tinh thần lớn lao, thôi thúc toàn quân, trong đó trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân nêu cao quyết tâm, tự hào với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, kiên quyết một lòng sắc son với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, khẳng định giá trị trường tồn về thắng lợi của chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam anh hùng chống lại chiến tranh phi nghĩa.

Ngày nay, tình hình thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp, tranh chấp chủ quyền biển đảo, nguy cơ chiến tranh xâm lược do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiến hành vẫn còn hiện hữu. Vì thế, lời động viên, khen ngợi “Bác mong Không quân có nhiều Cốc hơn nữa” vẫn giữ nguyên giá trị, tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta khơi dậy mạnh mẽ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với lịch sử hào hùng và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân chủng Phòng không - Không quân đã và đang ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hiện thực hóa lời mong của Bác “có nhiều Cốc hơn nữa”, xứng đáng là quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

  1. Ngày 17/02: “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”(7).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong Thư gửi đồng bào tản cư, ngày 17/02/1947: “Tôi và Chính phủ không giờ phút nào không lo lắng đến các đồng bào. Bây giờ đang cực khổ, thì chúng ta vui chịu với nhau. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau vui sướng. Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”.

Lời động viên trên, không những thể hiện sự quan tâm, lo lắng, sẻ chia của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào tản cư đang ngày đêm chịu cảnh cực khổ khi nước nhà bị thực dân Pháp xâm lược, mà còn khẳng định truyền thống giống nòi, ý chí sắt đá, vượt khó vươn lên, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta được hình thành và phát triển ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa và hàng chục cuộc kháng chiến lớn nhỏ, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta đã để lại một di sản quý báu, đó là truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất, bảo vệ độc lập dân tộc. Truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn của mọi người dân, là nguồn động viên tinh thần lớn lao, có tác dụng duy trì tinh thần chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của nhân dân ta. Cũng chính lịch sử đấu tranh giữ nước đã tạo ra và hun đúc ý chí, tự lực, tự cường dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta nhận thức sâu sắc rằng: Nước mất thì nhà tan, do đó muốn mưu cầu tự do, ấm no, hạnh phúc, trước hết phải đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. 

Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đồng tâm, hợp lực đẩy mạnh và thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước vừa có những thuận lợi, khó khăn đan xen. Trước yêu cầu đó, lời động viên “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ” vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cỗ vũ, động viên nhân dân ta, quân đội ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng nhất định sẽ chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam nói chung, mỗi quân nhân trong quân đội ta nói riêng hãy bằng những hành động, việc làm cụ thể trong lao động, chiến đấu, thể hiện nghị lực vượt mọi khó khăn, quyết tâm làm tròn chức trách, nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, với tinh thần hăng say, suy nghĩ, kiến tạo và cống hiến để thực thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chính là hiện thực hóa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó còn là sự trân trọng lịch sử, sự tôn vinh các anh hùng, liệt sỹ và cũng là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tình hình mới.

  1. Ngày 18/02: “Các cô, các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó”(8)

Là căn dặn của Chủ tịch Hồ với các sinh viên khi Người đến thăm khu Việt Nam học xá, trong bối cảnh sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiết thiết nước nhà, là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Lời căn dặn trên không chỉ khẳng định giá trị cơ bản của một con người là tài và đức mà còn đòi hỏi mỗi sinh viên Việt Nam, chủ nhân tương lai của nước nhà phải trau dồi cả đức, cả tài; phải nhận thức sâu sắc mối quan hệ hữu cơ giữa đức và tài. Đức chính là đạo đức, là tư cách tác phong, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng chân thiện, mỹ… Tài chính là tài năng, là kiến thức, là hiểu biết, là kỹ năng, kỹ xảo, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Tài và đức là những phạm trù khác nhau nhưng gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến. Đức được coi là hàng đầu, là cái gốc của người cách mạng. Chính vì thế, thiếu đức con người trở thành vô dụng, thiếu tài người ta làm việc gì cũng khó. Cách nói của Bác rất giản dị và cụ thể, giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức, của tài trong phẩm chất, năng lực của mỗi con người. Lời căn dặn ấy, chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc các sinh viên Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên rèn đức, luyện tài, vì ngày mai lập nghiệp, góp sức kiến thiết nước nhà, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tuy có nhiều thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức luôn đặt ra với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lời căn dặn: “Các cô, các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó” vẫn còn giữ nguyên giá trị không chỉ với các sinh viên Việt Nam mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi quân nhân trong quân đội. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người, mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” tích cực học tập, rèn luyện cả đức và tài; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí trang bị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

  1. Ngày 19/02: “Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”(9)

Là lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc, ngày 19/02/1959. Đây là thời kỳ miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiết thiết đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; là hậu phương vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Lời dạy trên, có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ thể hiện sự quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng các em thiếu niên nhi đồng, thế hệ trẻ tương lai của đất nước mà còn nhắc nhở đội ngũ cán bộ đào tạo mẫu giáo phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện thực sự là người tốt, là tấm gương mẫu mực, trong sáng cho trẻ em học tập và noi theo. Đồng thời, thể hiện tư tưởng chỉ đạo đối với nền giáo dục nước nhà, biến quá trình đào tạo, giáo dục thành tự đào tạo, tự giáo dục. Người đi giáo dục trước hết phải tự giáo dục; phải là người tốt, người có tâm, có đức, yêu ngành, yêu nghề, thương yêu con trẻ như chính bản thân mình; dạy cho các em những điều hay, lẽ phải, những đức tính tốt, truyền thống thương yêu giống nòi của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp của đời sống chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, lời căn dặn “Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt” vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Tư tưởng đó, đã, đang và sẽ được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất, lời dạy của Bác là nguồn cổ vũ, động viên cho cán bộ, chiến sỹ trong quân đội không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; ra sức học tập, trau dồi về phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác; mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương tự giác đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; xây dựng con người mới trong quân đội vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  1. Ngày 20/02: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”(10).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/02/1947, khi mà cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, mặc dù phải chỉ đạo kháng chiến, nhưng Bác vẫn dành thời gian đi thăm và nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa.

Lời căn dặn trên, có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ động viên, nhắc nhở đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ tỉnh Thanh Hóa nói riêng phải là mắt xích quan trọng, là dây chuyền của bộ máy, giúp cho bộ máy hoạt động có chất lượng, hiệu quả mà còn nhấn mạnh, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của người cán bộ, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và cái gốc của cán bộ chính là đạo đức cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng không được giáo dục, không được tập hợp thành một khối thống nhất thì cách mạng cũng sẽ không đi đến thành công. Trách nhiệm của người cán bộ chính là người tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và tập hợp tổ chức quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất mới tạo ra sức mạnh tổng hợp và đưa cách mạng đến thành công. Cán bộ còn là cầu nối Đảng với quần chúng, là dây chuyền của bộ máy, phải thực sự tận tâm, tận lực với công việc, thực sự là tấm gương trước quần chúng nhân dân, thực sự là công bộc của dân.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời căn dặn “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt” vẫn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa lớn lao, là tư tưởng chỉ đạo trong công tác cán bộ của Đảng ta; đồng thời, là yêu cầu đòi hỏi đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ trong quân đội nói riêng phải không ngừng học tập, tu dưỡng về phẩm chất, năng lực, thực sự là hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, tiêu biểu về mọi mặt, tận tâm, tận lực với công việc, là tấm gương sáng trong từng đơn vị để cán bộ, chiến sỹ học tập, noi theo, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.37.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.485.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.340.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.501.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.301-302.

(6) Nguồn sức mạnh: Bác Hồ với bộ đội phòng không, Nxb Sự thật, H.1992, tr.203.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr.50.

(8) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, H.2009, tr.43.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 9, tr.331.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr.68.

Theo Cục Tuyên huấn

Thanh Huống (st)

Bài viết khác: