Chỉ mục bài viết

 

Nhật ký trong tù

 

Hồ Chí Minh – Viết bằng chữ Hán năm 1942 – 1943
Bản dịch của Viện Văn học
In trong sách Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù


nhat-ky-trong-tu1
Bìa tập Thơ Nhật ký trong tù


Bài 1

Thân thể tại ngục trung,

Tinh thần tại ngục ngoại;

Dục thành đại sự nghiệp,

Tinh thần cánh yếu đại.

Thân thể ở trong ngục,

Tinh thần ở ngoài ngục;

Muốn lên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao.

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao;

Muốn lên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao.

                Nam Trân dịch

(Trong nguyên bản, bốn câu thơ này không có đầu đề, chép ở ngoài bìa tập Ngục trung nhật ký cùng hình vẽ hai tay bị xiềng, có lẽ được tác giả coi như một lời đề từ cho toàn tập )

Bài 2

Khai quyển

Lão phu nguyên bất ái ngâm thi

Nhân vị tù trung vô sở vi

Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật

Thả ngâm thả đãi tự do thì

Mở đầu tập Nhật ký

Già này vốn không thích ngâm thơ,

Nhân vì trong ngục không có gì làm

Hãy mượn việc ngâm thơ cho qua ngày dài

Vừa ngâm vừa đợi ngày tự do

Ngâm thơ ta vốn không ham,

Nhưng vì trong ngục biết là chi đây;

Ngày dài ngâm đợi cho khuây,

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

                    Nam Trân dịch

Bài 3

Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu

 

Túc Vinh khước sử dư mông nhục

Cố ý trì diên ngã khứ trình

Gián điệp hiềm nghi không niết tạo

Bả nhân danh dự bạch hy sinh

Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh

Phố tên Túc Vinh mà khiến ta mang nhục,

Cố ý làm chậm trễ hành trình của ta;

Bày đặt ra trò tình nghi gián điệp,

Không dưng làm mất danh dự của Người.

 

Túc Vinh mà để ta mang nhục,

Cố ý dằng dai, chậm bước mình;

Bịa chuyện tình nghi là gián điệp,

Cho người vô cớ mất thanh danh.

Huệ Chi dịch

Túc Vinh là tên một phố ở thị trấn huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; Tác giả bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt ngày 29/08/1942. Câu đầu bài thơ còn ngụ ý chơi chữ, lấy “mông nhục” (mang nhục) đối lại với “túc vinh” (đủ vinh), làm tăng ý nghĩa mỉa mai hài hước việc bắt người vô lý của nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch.

Bài 4

Nhập Tĩnh Tây huyện ngục

Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm

Thiên thượng tình vân trục vũ vân

Tình vũ phù vân phi khứ liễu

Ngục trung lưu trú tự do nhân

Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây

Trong ngục tù cũ đón tù mới

Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;

Mây tạnh, mây mưa, mấy đám mây nổi bay đi hết,

Chỉ còn lại người tự do trong ngục.

Trong lao tù cũ đón tù mới,

Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;

Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết,

Còn lại trong tù khách tự do.

                         Nam Trân dịch

Tĩnh Tây là một huyện thuộc Quảng Tây, gần biên giới Trung - Việt. Tác giả bị bắt ở huyện Thiên Bảo cách Tĩnh Tây khá xa nhưng lại bị đưa ngược về Tĩnh Tây giam giữ.

 

Bài 5 -6- 7

Thế lộ nan

                         I

Tẩu biến cao sơn dữ tuấn nham

Na tri bình lộ cánh nan kham

Cao sơn lộ hổ chung vô dạng

Bình lộ phùng nhân khước bị giam.

                         II

Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân

Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân

Vô nại phong ba bình địa khởi

Tống dư nhập ngụ tác gia tân

                         III

Trung thành ngã bản vô tâm cứu

Khước bị hiềm nghi tố Hán gian

Xử thế nguyên lai phi dị dị

Nhi kim xử thế cánh nan nan.

Đường đời hiểm trở

 

I

Đi khắp non cao và núi hiểm,

Nào ngờ đường phẳng lại khó qua;

Núi cao gặp hổ rút cục vẫn không việc gì,

Đường phẳng gặp người lại bị bắt!

                         II

Ta vốn là đại biểu dân Việt Nam,

Định đến Trung Hoa gặp nhân vật trọng yếu;

Không dưng đất bằng nổi sóng gió,

Đưa ta vào làm “khách quý” trong tù!

                         III

Vốn trung thực thành thật, ta không có điều gì thẹn với lòng

Thế mà bị tình nghi là Hán gian;

Việc xử thế vốn không phải là dễ,

Lúc này, xử thế càng khó khăn hơn.

                         I

Đi khắp đèo cao, khắp núi cao,

Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao!

Núi cao gặp hổ mà vô sự,

Đường phẳng gặp người bị tống lao?!

 

                         II

Ta là đại biểu dân Việt Nam,

Tìm đến Trung Hoa để hội đàm;

Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió,

Phải làm “khách quý” ở nhà giam!

 

                         III

Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng,

Lại bị tình nghi là Hán gian;

Xử thế từ xưa không phải dễ,

Mà nay, xử thế khó khăn hơn.

Nam Trân dịch

 

Bài 8 -9

Tảo

                         I

Thái dương mỗi tảo tòng tường thượng

Chiếu trước lung môn môn vị khai

Lung lý hiện thời hoàn hắc ám

Quang minh khước dĩ diện tiền lai.

                         II

Tảo khởi nhân nhân tranh liệp sắt

Bát chung hưởng liễu tảo xan khai

Khuyến quân thả ngật nhất cá bão

Bĩ cực chi thì tất thái lai.

 

Buổi sớm

 

                         I

Mỗi sớm, mặt trời vượt lên khỏi đầu tường,

Chiếu tới cửa nhà lao, cửa chưa mở;

Giờ đây trong lao còn đen tối,

Nhưng ánh sáng đã bừng lên phía trước mặt.

                          II

Sớm dậy, mọi người đua nhau bắt rận,

Chuông điểm tám giờ, bữa cơm sáng bắt đầu;

Khuyên anh hãy cứ ăn no,

Khổ đến tột cùng, vui ắt tới.

                         I

Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc,

Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài;

Trong ngục giờ đây còn tối mịt,

Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.

 

                         II

Sớm dậy, người người đua bắt rận,

Tám giờ chuông điểm, bữa ban mai;

Khuyên anh hãy gắn ăn no bụng,

Bĩ cực rồi ra ắt thái lai.

Nam Trân dịch

(Còn nữa)
Kim Yến (st)

 


 

 

Bài 11: Vấn thoại

Xã hội đích lưỡng cực,

Pháp quan dữ phạm nhân;

Quan viết: Nhĩ hữu tội,

Phạm viết: Ngã lương dân;

Quan viết: Nhĩ thuyết giả,

Phạm viết: Ngã ngôn chân;

Pháp quan tính bản thiện,

Giả trang ác ngân ngân;

Yếu nhập nhân ư tội,

Khước giả ý ân cần;

Giá lưỡng cực chi gian,

Lập trước công lý thần.

 

Lời hỏi

Hai cực trong xã hội,

Quan toà và phạm nhân;

Quan rằng: Anh có tội,

Phạm thưa: Tôi lương dân;

Quan rằng: Anh nói dối,

Phạm thưa: Thực trăm phần;

Quan toà tính vốn thiện,

Vờ làm bộ dữ dằn;

Muốn khép người vào tội,

Lại ra vẻ ân cần;

Ở giữa hai cực đó,

Công lý đứng làm thần.

Hai cực trong xã hội,

Quan tòa và phạm nhân;

Quan rằng: Anh có tội,

Phạm nhân: Tôi lương dân;

Quan rằng: Anh nói dối,

Phạm nhân: Thực trăm phần;

Quan tòa tính vốn thiện,

Vờ làm bộ dữ dằn;

Muốn khép người vào tội,

Lại ra vẻ ân cần;

Ở giữa hai cực đó,

Công lý đứng làm thần.

 

Bản dịch của Huệ Chi - Nguyễn Sĩ Lâm

 

Bài 12: Ngọ Hậu

 

Nhị điểm khai lung hoán không khí,

Nhân nhân ngưỡng khán tự do thiên;

Tự do thiên thượng thần tiên khách,

Tri phủ lung trung dã hữu tiên?

Quá trưa

Hai giờ chiều, nhà lao mở cửa đổi không khí,

Mọi người ngẩng lên ngắm trời tự do;

Khách thần tiên trên trời tự do,

Biết chăng trong tù cũng có tiên?

Hai giờ ngục mở thông hơi,

Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do;

Tự do tiên khách trên trời,

Biết chăng trong ngục có người khách tiên?

                                             Nam Trân dịch

Bản dịch khác

Hai giờ ngục mở thay không khí,

Ai nấy nhìn lên: Trời tự do!

Tiên khách tự do trên thượng giới,

Biết chăng, tiên cũng ở trong tù?

                                             Vũ Huy Động dịch

 

Bài 13: Vãn

Vãn xan ngật liễu, nhật tây trầm,

Xứ xứ sơn ca, dữ nhạc âm;

U ám Tĩnh Tây cấm bế thất,

Hốt thành mỹ thuật tiểu hàn lâm.

Chiều hôm

Cơm chiều xong, mặt trời lặn về tây,

Khắp nơi, rộn tiến ca dân dã và tiếng nhạc;

Nhà ngục u ám huyện Tĩnh Tây,

Bỗng thành một viện hàn lâm nghệ thuật nhỏ.

Cơm xong, bóng đã xuống trầm trầm,

Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm;

Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối,

Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm.

                                   Nam Trân dịch

 

 

Bài 14: Tù lương

Mỗi xan nhất uyển hồng mễ phạn,

Vô diêm, vô thái, hựu vô thang;

Hữu nhân tống phạn, ngật đắc bão,

Một nhân tống phạn, hán gia lương.

Cơm tù

Mỗi bữa một bát cơm gạo đỏ,

Không muối, không rau cũng chẳng canh;

Có người đem cơm được ăn no,

Không người đem cơm, đói kêu cha kêu mẹ.

 

Không rau, không muối, canh không có,

Mỗi bữa lưng cơm đỏ gọi là;

Có kẻ đem cơm còn chắc dạ,

Không người lo bữa đói kêu cha.

                                   Nam Trân – Bằng Thanh dịch

 

Bài 15: Nạn hữu xuy địch

Ngục trung hốt thính tư hương khúc,

Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu;

Thiên lý quan hà vô hạn cảm,

Khuê nhân cánh thướng nhất tằng lâu.

Người bạn tù thổi sáo

Trong tù bỗng nghe khúc nhạc nhớ quê hương,

Âm thanh trở nên thê lương, tình điệu trở lên sầu muộn;

Nước non xa cách nghìn trùng, cảm thương vô hạn,

Người chốn phòng khuê lại bước lên một tầng lầu.

 

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,

Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;

Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,

Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.

                                   Nam Trân dịch

Bản dịch khác

Trong lao vẳng khúc nhạc tình quê,

Âm chuyển sầu thương, điệu tái tê;

Nghìn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,

Lên lầu ai đó chốn phòng khuê.

                                   Huệ Chi dịch 


 

Bài 16-17: Cướp áp

                    I

Tranh ninh ngã khẩu tự hung thần,

Vãn vãn trương khai bả cước thôn;

Các nhân bị thôn liễu hữu cước,

Chỉ thặng tả cước năng khuất thân.

                    II

Thế gian gian cánh hữu ly kỳ sự,

Nhân mẫn tranh tiên thượng cước kiềm;

Nhân vị hữu kiềm tài đắc thụy,

Vô kiềm một xứ khả an miên.

        Cái cùm

                    I

Miệng đói dữ tượn như một hung thần,

Đêm đêm há hốc nuốt chân người;

Người nào cũng bị nuốt chân phải,

Chỉ còn chân trái co duỗi được thôi.

                    II

Trên đời lại có chuyện thật là kỳ,

Mọi người tranh nhau đến trước để cùm chân;

Vì có cùm chân mới được ngủ,

Không cùm chân thì không chỗ ngủ yên.

                    I

Dữ tựa hung thần miệng trực nhai,

Đêm đêm há hốc nuốt chân người;

Mọi người bị nuốt chân bên phải,

Co duỗi còn chân bên trái thôi

                    II

Nghĩ việc trên đời thật lạ kỳ,

Cùm chân sau trước cũng tranh nhau;

Được cùm chân mới yên bề ngủ,

Không được cùm chân biết ngủ đâu

                                            Nam Trân dịch

Bài 17 – 19 – 20: Học dịch kỳ

Bế tọa vô liêu học dịch kỳ

Thiên binh vạn mã cộng khu trì;

Tấn công thoái thủ ưng thần tốc,

Cao tài tật túc tiên đắc chi.

Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế

Kiên quyết thì thì yếu tấn công

Thác lộ, song xa dã một dụng

Phùng thời nhất tốt khả thành công?

Song phương thế lực thản bình quân

Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân;

Công thủ vận trù vô lậu toán,

Tài xưng anh dũng đại tướng quân.

Học đánh cờ

                    I

Ngồi trong giam cấm buồn tênh, học đánh cờ,

Nghìn quân muôn ngựa cùng rong ruổi;

Tấn công, lui giữ đều phải thần tốc,

Tài cao, chân nhanh mới được nước trước.

                    II

Tầm nhìn phải rộng, suy nghĩ phải sâu

Phải kiên quyết, luôn luôn tấn công;

Lạc nước, hai xe cũng thành vô dụng,

Gặp thời một tốt có thể thành công.

III

Thế lực hai bên vốn ngang nhau,

Kết cục thắng lợi thuộc về một người;

Tính kế đánh hay, giữ không sơ hở,

Mới xứng là bậc đại tướng anh dũng.

                    I

Tù túng đem cờ học đánh chơi,

Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài;

Tấn công, thoái thủ nên thần tốc,

Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.

                    II

Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ,

Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;

Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,

Gặp thời, một tốt cũng thành công.

                    III

Vốn trước hai bên ngang thế lực,

Mà sau thắng lợi một bên giành;

Tấn công, phòng thủ không sơ hở,

Đại tướng anh hùng mới xứng danh.

                                            Văn Trực – Văn Phụng dịch

Bài 21: Vọng nguyệt

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,

Đối thử lương tiêu nại nhược hà ?

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,

Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

Ngắm trăng

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?

Người hướng ra trước song ngắm ánh trăng sáng,

Từ ngoài khe cửa trăng ngắm nhà thơ.

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

                                            Nam Trân dịch

Bài 22: Phân Thủy

Mỗi nhân phân đắc thủy bán bồn,

Tẩy diện, phanh trà các tùy tiện;

Thùy yếu, tẩy diện, vật phanh trà,

Thùy yếu phanh trà, vật tẩy diện.

Chia nước

Mỗi người được chia nửa chậu nước,

Rửa mặt đun trà tùy ý mình;

Ai muốn rửa ,mặt đừng đun trà,

Ai muốn đun trà thôi rửa mặt.

Mỗi người phần nước vừa lưng chậu,

Rửa mặt đun trà tự ý ta;

Ai muốn đun trà đừng rửa mặt,

Ai cần rửa mặt chớ đun trà.

                                Nam Trân – Trần Đắc Thọ dịch

Bài 23-24: Trung Thu

                    I

Trung thu thu nguyệt viên như kính,

Chiếu diệu nhân gian bạch tự ngân;

Gia lý đoàn viên ngật thu tiết,

Bất vong ngục lý ngật sầu nhân.

                   

II

Ngục trung nhân dẫn thưởng trùng thu,

Thu nguyệt, thu phong đới điểm sầu;

Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,

Tâm tùy thu nguyệt cộng du du!

        Trung Thu

                    I

Trăng Trung Thu tròn như gương,

Chiếu rọi cõi đời, ánh trăng trắng như bạc;

Nhà ai sum họp ăn tết Trung Thu,

Chẳng quyên người trong ngực nuốt sầu.

II

Người trong ngục cũng thưởng thức Trung Thu,

Trăng thu, gió thu đều vương sầu;

Không được tự do ngắm trăng thu,

Lòng theo cùng trăng thu vời vợi.

                    I

Trung thu vành vạnh mảnh gương thu,

Sáng khắp nhân gian bạc một màu;

Sum họp nhà ai ăn tết đó,

Chẳng quên trong ngục kẻ ăn sầu.

                    II

Trung thu ta cũng tết trong tù,

Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu;

Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,

Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.

                                            Nam Trân dịch

Theo Hồ Chí Minh toàn tập
(Còn nữa)
Kim Yến (st)
 


Bài 34

Điền Đông

Mỗi xan nhất uyển công gia chúc,
Đỗ tử thì thì tại thán hu;
Bạch phạn tam nguyên bất câu bão,
Tân như quế dã mễ như châu.

Điền Đông 1

Mỗi bữa được một bát cháo của nhà nước,
Cái bụng luôn luôn than phiền;
Cơm không ba đồng chẳng đủ no,
Củi đắt như quế, gạo như châu.

Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát,
Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu;
Cơm nhạt ba đồng ăn chẳng đủ,
Củi thì như quế, gạo như châu.

Nam Trân – Hoàng Trung Thông dịch

1. Điền Đông: Một địa điểm trên đường bộ từ Tĩnh Tây đi Nam Ninh (ND).

                        Bài 35

Sơ đáo Thiên Bảo Ngục

Nhật hành ngũ thập tam công lý,
Thấp tận y quan, phá tận hài;
Triệt dạ hựu vô an thụy xứ,
Xí khanh thượng toạ đãi triêu lai.

Mới đến nhà lao Thiên Bảo1

Ngày đi năm mươi ba cây số,
Ướt hết mũ áo, rách hết giày;
Suốt đêm lại không có chỗ ngủ yên,
Ngồi trên hố xí đợi trời sáng.

Năm mươi ba dặm, một ngày trời,
Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi;
Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ,
Ngồi trên hố xí đợi ban mai.

Bản dịch khác:

Ngày cuốc năm mươi ba cột số,
Ướt đầm mũ áo, rách bươm giày;
Thâu đêm lại chẳng nơi yên giấc,
Ngồi trấn cầu tiêu, đợi sáng ngày.

Khương Hữu Dụng – Nguyễn Sĩ Lâm dịch

1) Không hiểu sao bài thơ này lại xếp sau bài Điền Đông, có lẽ là hồi ức về quãng đường đi từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. 

Nạn hữu chi thê thám giam

Quân tại thiết song lý,
Thiếp tại thiết song tiền;
Tương cận tại chỉ xích,
Tương cách tự thiên uyên;
Khẩu bất năng thuyết đích,
Chỉ lại nhãn truyền nghiên (ngôn);
Vị ngôn lệ dĩ mãn,
Tình cảnh chân khả liên!

Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng

Chàng ở trong song sắt,
Thiếp ở ngoài song sắt;
Gần nhau chỉ tấc gang,
Mà cách nhau trời vực;
Miệng không thốt lên lời,
Chuyển lời nhờ khoé mắt;
Chưa nói nước mắt tràn,
Tình cảnh thật đáng thương!

Anh ở trong song sắt,
Em ở ngoài song sắt;
Gần nhau chỉ tấc gang,
Mà cách nhau trời vực;
Miệng nói chẳng nên lời,
Chỉ còn nhờ khoé mắt;
Chưa nói, lệ tuôn tràn,
Cảnh tình đáng thương thật!

Nam Trân – Hoàng Trung Thông dịch

Bài 36:

Các báo: Hoan nghênh UY-KY đại hội

Đồng thị Trung Quốc hữu,
Đồng thị yếu phó Du;
Quân vi tọa thượng khách,
Ngã vi giai hạ tù;
Đồng thị đại biểu dã,
Đãi ngộ hồ huyền thù?
Nhân tình phân lãnh nhiệt,
Tự cổ thuỷ đông lưu!

Các báo đăng tin: Hội họp lớn hoan nghênh UY-KY1  

Cùng là bạn Trung Hoa,
Cùng phải đi Trùng Khánh2);
Anh là khách ngồi trên,
Tôi là tù dưới thềm;
Cùng là đại biểu cả,
Đối đãi sao quá khác biệt?
Thói đời thường phân ấm lạnh,
Từ xưa nước vẫn chảy về đông!

Cũng là đi Trùng Khánh,
Cũng là bạn Trung Hoa;
Anh, làm khách trên sảnh,
Tôi, thân tù dưới nhà;
Cùng là đại biểu cả,
Khinh trọng sao khác xa?
Thói thường chia ấm lạnh,
Về đông nước chảy mà!

Nam Trân dịch

1) Uy Ki: Tức Wendell Willkie, đại biểu Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít, đi thăm Trùng Khánh. Lúc ông đi qua Đệ tứ chiến khu Quảng Tây, nhà đương cục tổ chức hội họp chiêu đãi. Bấy giờ tác giả là đại biểu của Việt Nam Độc lập đồng minh, cũng là đồng minh của Trung Quốc chống Nhật. Nhưng giới cầm quyền ở Trùng Khánh lại bắt giam Người

2) Trùng Khánh: Còn có tên là Du, một phủ thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nơi Chính phủ Trung Hoa Dân quốc đóng thời chống Nhật.

                        Bài 37:

Tự miễn

Một hữu đông tàn tiều tụy cảnh,
Tương vô xuân noãn đích huy hoàng;
Tai ương bả ngã lai đoàn luyện,
Sử ngã tinh thần cánh khẩn trương.

Tự khuyên mình

Không có cảnh mùa đông tiêu điều rét mướt,
Sẽ không có mùa xuân ấm áp huy hoàng;
Tai ương rèn luyện ta,
Khiến cho tinh thần ta càng thêm hăng hái.

Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

Nam Trân dịch

Bài 38:

Dã cảnh

Ngã lai chi thì hoà thượng thanh,
Hiện tại thu thu bán di thành;
Xứ xứ nông dân nhan đới tiếu,
Điền gian sung mãn xướng ca thanh.

Cảnh đồng nội

Lúc ta đến lúa còn xanh,
Nay vụ gặt đã xong một nửa;
Nơi nơi nông dân mặt mày hớn hở,
Ruộng đồng tràn đầy tiếng ca hát.

Nam Trân dịch

Bản dịch khác:

Khi ta mới đến còn xanh lúa,
Vụ gặt bây giờ nửa đã xong;
Khắp chốn nông dân cười hớn hở,
Câu ca tiếng hát rộn trên đồng.

 Nguyễn Sĩ Lâm dịch

Bài 39:

Chúc than

Lộ bàng thụ ảnh lương âm hạ,
Nhất duyện mao lư thị "tửu lâu";
Lãnh chúc, bạch diêm cung thực phổ,
Hành nhân quá thử tạm đình lưu.

Hàng Cháo

Dưới bóng cây râm mát bên đường,
Một túp lều tranh: Ấy là "tiệm rượu";
Cháo nguội và muối trắng làm thành thực đơn,
Khách đi đường qua đây tạm dừng nghỉ
.

Ven đường nấp dưới bóng lùm cây,
Một túp lều tranh: "tiệm rượu" đây;
Nào món cháo hoa và muối trắng,
Đường xa, khách tạm nghỉ nơi này.

Huệ Chi dịch

Bài 40:

Quả Đức ngục

Giam phòng dã thị tiểu gia đình,
Sài, mễ, du, diêm tự kỷ doanh;
Mỗi cá lung tiền nhất cá táo 1),
Thành thiên chử phạn dữ điều canh.

Nhà lao Quả Đức 2

Phòng giam cũng là một gia đình nhỏ,
Gạo, củi, dầu, muối, đều tự mình lo sắm;
Trước mỗi phòng giam là một bếp,
Suốt ngày thổi cơm và nấu canh.

Nhà lao mà giống tiểu gia đình,
Gạo, củi, muối, dầu tự sắm sanh;
Trước mỗi phòng giam bày một bếp,
Suốt ngày lụi hụi với cơm, canh.

Huệ Chi dịch

Bài 41:

Long An lưu sở trưởng

Biện sự nhận chân Lưu sở trưởng,
Nhân nhân tán tụng nhĩ công bình;
Văn tiền lạp mễ đô công bố,
Can tịnh tù lung hảo vệ sinh.

Sở trưởng Long An 1 họ Lưu

Sở trưởng họ Lưu giải quyết công việcthận trọng, đúng đắn,
Mọi người đều khen ông công bằng;
Đồng tiền, hạt gạo đều công bố,
Nhà lao sạch sẽ hợp vệ sinh.

Làm việc đúng thay Lưu sở trưởng
Ai ai cũng bảo bác công bình;
Đồng tiền, bát gạo đều công bố,
Sạch sẽ, lao tù rất vệ sinh.

Nam Trân dịch

1) Long An: Một phủ thuộc tỉnh Quảng Tây, một địa điểm trên sông Hữu Giang. Từ Quả Đức, tác giả bị giải chếch xuống phía Nam và dọc theo sông Hữu Giang đến Nam Ninh.

                                                                       


                        Bài 42

TẢO GIẢI

I

Nhất thứ kê đề dạ vị lan,

Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san;

Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,

Nghênh diện thu phong trận trận hàn.

II

Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,

U ám tàn dư nhất tảo không1);

Noãn khí bao la toàn vũ trụ,

Hành nhân thi hứng hốt gia nồng!

GIẢI ĐI SỚM

I

Gà gáy một lần, đêm chưa tàn,

Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu;

Người đi xa đã cất bước trên đường xa,

Gió thu táp mặt từng cơn từng cơn lạnh lẽo.

II

Phương đông màu trắng chuyển thành hồng,

Bóng đêm còn rơi rớt sớm đã hết sạch;

Hơi ấm bao la khắp vũ trụ,

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

I

Gà gáy một lần đêm chửa tan,

Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;

Người đi cất bước trên đường thẳm,

Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.

II

Phương đông màu trắng chuyển sang hồng

Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không;

Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,

Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.

Nam Trân dịch

                        Bài 43

ĐỒNG CHÍNH

(Thập nhất nguyệt nhị nhật)

Đồng Chính chính đồng Bình Mã ngục,

Mỗi xan nhất chúc đỗ không không;

Thuỷ hoà quang tuyến hẩn sung túc,

Nhật nhật hoàn khai lưỡng thứ lung.

ĐỒNG CHÍNH(1)

(Ngày 2 tháng 11)

Nhà lao Đồng Chính giống hệt nhà lao Bình Mã2),

Mỗi bữa một bát cháo, bụng thường rỗng không;

Nước và ánh sáng thì đầy đủ,

Mỗi ngày còn hai lần mở cửa buồng giam.

Bình Mã thế nào Đồng Chính vậy,

Bữa lưng bát cháo bụng cồn cào;

Nước và ánh sáng thì dư dật,

Ngày lại hai lần mở cửa lao.

Nam Trân dịch

1) Đồng Chính : Một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, một địa điểm trên đường từ Long An đi Nam Ninh dọc theo sông Hữu Giang.

2) Bình Mã: Một trấn ở Tây bộ khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, bên bờ sông Hữu Giang, là nơi đóng của Cách mệnh uỷ viên hội Điền Đông. Nay là huyện lỵ Điền.

                        Bài 44

NẠN HỮU ĐÍCH CHỈ BỊ

Cựu quyển, tân thư tương bổ xuyết,

Chỉ chiên do noãn quá vô chiên;

Ngọc sàng cẩm trướng nhân tri phủ,

Ngục lý hứa đa nhân bất miên?

CHIẾC CHĂN GIẤY CỦA NGƯỜI BẠN TÙ

Quyển cũ, sách mới cùng bồi chắp lại,

Chăn giấy còn ấm hơn không có chăn;

Người trên giường ngọc trướng gấm có biết chăng,

Trong ngục bao nhiêu người không ngủ?

Quyển xưa, sách mới bồi thêm ấm,

Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn;

Trướng gấm, giường ngà, ai có biết?

Trong tù bao kẻ ngủ không an?

Nam Trân – Băng Thanh dịch

Bản dịch khác:

Sách xưa vở mới khéo đem bồi,

Chăn giấy hơn không đã hẳn rồi;

Giường ngọc màn thêu ai có thấu,

Trong lao không ngủ biết bao người.

Hoàng Ngân dịch

Bài 45

DẠ LÃNH

Thu thâm vô nhục diệc vô chiên,

Súc hình cung yêu bất khả miên;

Nguyệt chiếu đình tiêu tăng lãnh khí,

Khuy song Bắc Đẩu dĩ hoành thiên.

ĐÊM LẠNH

Đêm cuối thu không đệm cũng không chăn,

Nằm co cẳng cong lưng vẫn không ngủ được;

Trăng soi khóm chuối trước sân càng tăng thêm khí lạnh,

Nhòm qua cửa sổ, sao Bắc Đẩu đã ngang trời.

Đêm thu không đệm cũng không chăn,

Gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an;

Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh,

Nhòm song, Bắc Đẩu đã nằm ngang.

Nam Trân dịch

Bản dịch khác:

Cuối thu chăn đệm cũng đều không,

Co quắp nằm mà ngủ chẳng xong;

Sân chuối trăng soi thêm lạnh lẽo,

Ngang trời, Bắc Đẩu hiện ngoài song.

Trần Đắc Thọ dịch

Bài 46:

BANG

Hỉnh tý trường long hoàn nhiễu trước,

Uyển như ngoại quốc vũ huân quan;

Huân quan đích thị kim ti tuyến,

Ngã đích ma thằng nhất đại đoan.

DÂY TRÓI

Rồng dài(1)  quấn quanh cẳng chân và cánh tay,

Giống hệt dây tua quan võ nước ngoài;

Dây tua quan võ là tơ kim tuyến,

Còn của ta là một sợi thừng gai lớn.

Rồng quấn vòng quanh chân với tay,

Trông như quan võ đủ tua, đai;

Tua đai quan võ bằng kim tuyến,

Tua của ta là một cuộn gai.

Nam Trân – Băng Thanh dịch

Bản dịch khác:

Rồng dài vòng quấn khắp chân tay,

Quan võ nước ngoài thắng bộ đây;

Quan võ đeo tua kim tuyến thật,

Còn ta, quấn một cuộn thừng đay!

Huệ Chi dịch

1) Rồng dài: Nguyên văn là trường long, tức sợi dây trói tác giả gọi một cách hài hước.

            Bài 47:

LẠC LIỄU NHẤT CHÍCH NHA

Nhĩ đích tâm tình ngạnh thả cương,

Bất như lão thiệt nhuyễn nhi trường;

Tòng lai dữ nhĩ đồng cam khổ,

Hiện tại đông tây các nhất phương.

RỤNG MẤT MỘT CHIẾC RĂNG

Tính tình anh rắn rỏi và kiên cường,

Chẳng mềm và dài như lão lưỡi;

Trước nay vẫn cùng anh chung ngọt bùi, cay đắng,

Bây giờ phải xa nhau, người một phương.

Cứng rắn như anh chẳng kém ai,

Chẳng như lão lưỡi dẻo và dài;

Ngọt bùi cay đắng từng chia sẻ,

Nay kẻ chân mây, kẻ cuối trời.

Trần Đắc Thọ dịch

Bài 48

LONG AN – ĐỒNG CHÍNH(1)

Thử gian thổ địa quảng nhi bần,

Sở dĩ nhân dân kiệm thả cần;

Thính thuyết kim xuân phùng đại hạn,

Thập phân thu hoạch lưỡng tam phân.

LONG AN ĐỒNG CHÍNH

Vùng này ruộng đất rộng nhưng cằn cỗi,

Vì thế nhân dân tiết kiệm và siêng năng;

Nghe nói mùa xuân năm nay gặp đại hạn,

Mười phần chỉ thu hoạch được vài ba phần.

Vùng đây tuy rộng, đất khô cằn,

Vì thế nhân dân kiệm lại cần;

Nghe nói xuân nay trời đại hạn,

Mười phần thu hoạch chỉ đôi phần.

Nam Trân – Băng Thanh dịch

1) Bài này trong các lần in trước xếp trên bài Đồng Chính, lần này chuyển xuống cho đúng với nguyên bản và Long An - Đồng Chính là lời nhận xét của tác giả về cả hai vùng Long An và Đồng Chính, chứ không phải trên con đường từ Long An đến Đồng Chính.


Bài 48:

NHAI THƯỢNG

Nhai thượng nhân tranh khán Hán gian,
Hán gian dữ ngã bản vô can;
Vô can nhưng thị hiềm nghi phạm,
Sử ngã tâm trung giác điểm hàn.

TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

Trên đường phố mọi người tranh nhau xem Hán gian,
Hán gian vốn chẳng liên can gì với ta;
Nhưng không liên can mà vẫn là người tù bị tình nghi,
Khiến lòng ta cảm thấy có chút ghê lạnh.

Ngoài phố tranh nhau xem Hán gian,
Hán gian, ta vốn thực vô can;
Vô can vẫn bị nghi là có,
Thực khiến lòng ta lạnh tới gan.

NAM TRÂN dịch

Bài 49:

LỘ THƯỢNG

Hĩnh tý tuy nhiên bị khẩn bang,
Mãn sơn điểu ngữ dữ hoa hương;
Tự do lãm thưởng vô nhân cấm,
Lại thử chinh đồ giảm tịch lương.

TRÊN ĐƯỜNG

Mặc dù chân tay bị trói chặt,
Nhưng đầy núi chim hót và hoa thơm;
Tự do thưởng ngoạn, không ai cấm được,
Nhờ thế, đường xa cũng bớt quạnh hiu.

Mặc dù bị trói chân tay,
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng;
Vui say, ai cấm ta dừng,
Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu.

NAM TRÂN dịch

Bản dịch khác:

Dẫu trói chân tay đến ngặt nghèo,
Khắp rừng hương ngát với chim kêu;
Tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được,
Cô quạnh đường xa, vợi ít nhiều.

HUỆ CHI dịch

Bài 50:

TRƯNG BINH GIA QUYỀN

Lang quân nhất khứ bất hồi đầu,
Sử thiếp khuê trung độc bão sầu;
Đương cục khả liên dư tịch mịch,
Thỉnh dư lai tạm trú lao tù.

GIA QUYỀN NGƯỜI BỊ BẮT LÍNH 1)

Chàng ra đi không trở về,
Để thiếp chốn buồng the một mình ôm sầu;
Nhà đương cục ý hẳn thương thiếp cô quạnh,
Nên mời thiếp đến ở tạm nhà tù.

Biền biệt anh đi không trở lại,
Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu;
Quan trên xót nỗi em cô quạnh,
Nên lại mời em tạm ở tù

NAM TRÂN dịch

1) Trong bài này, tác giả châm biếm việc bắt lính của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Tuy gọi là “đi lính cứu nước”, nhưng thực chất chỉ là để bảo vệ nhà cầm quyền, nên phần đông nhân dân bỏ trốn không chịu đi. Để đối phó lại, chính quyền đã dùng thủ đoạn bắt vợ vào ngồi tù thay.

Bài 51:

GIẢI TRÀO

Ngật công gia phạn, trú công phòng,
Quân cảnh luân ban khứ hộ tòng;
Ngoạn thuỷ du sơn tuỳ sở thích,
Nam nhi đáo thử diệc hào hùng!(1)

PHA TRÒ

Ăn cơm nhà nước, ở nhà công,
Lính quân cảnh thay phiên nhau đi hộ vệ;
Dạo núi chơi sông tùy ý thích,
Làm trai đến thế cũng hào hùng!

Ăn cơm nhà nước, ở nhà công,
Lính tráng thay phiên đến hộ tòng;
Non nước dạo chơi tùy sở thích,
Làm trai như thế cũng hào hùng!

VĂN TRỰC – VĂN PHỤNG dịch

1) Câu cuối bài này lấy từ câu thơ cuối bài thơ Ngẫu thành của nhà thơ và nhà triết học Nho giáo Trình Hạo đời Tống.


              Phú quý bất dâm, bần tiện lạc,
              Nam nhi đáo thử diệc hào hùng.

Nghĩa là:
             Giàu sang không ham muốn, nghèo hèn vẫn vui,
             Làm trai đến thế cũng hào hùng.

Bài 52

VÃNG NAM NINH

Thiết thằng ngạnh thế ma thằng nhuyễn,
Bộ bộ đinh đang hoãn bội thanh;
Tuy thị hiềm nghi gián điệp phạm,
Nghi dung khước tượng cựu công khanh.

ĐI NAM NINH

Xích sắt cứng đã thay thừng gai mềm,
Bước mỗi bước leng keng như tiếng ngọc;
Tuy là người tù bị tình nghi gián điệp,
Nhưng bộ dạng lại giống vị công khanh ngày trước.

Hôm nay xiềng sắt thay dây trói,
Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung;
Tuy bị tình nghi là gián điệp,
Mà như khanh tướng vẻ ung dung.

NAM TRÂN dịch

Bài 53,54

CẢNH BINH ĐẢM TRƯ ĐỒNG HÀNH

I

Cảnh sĩ đảm trư đồng lộ tẩu,
Trư do nhân đảm, ngã nhân khiên;
Nhân nhi phản tiện ư trư tử,
Nhân vị nhân vô tự chủ quyền!

II

Thế thượng thiên tân hoà vạn khổ,
Mạc như thất khước tự do quyền!
Nhất ngôn nhất động bất tự chủ,
Như ngưu, như mã, nhậm nhân khiên.

CẢNH BINH KHIÊNG LỢN ĐI CÙNG

I

Cảnh binh khiêng lợn đi cùng đường,
Lợn thì người khiêng, ta người dắt;
Người lại bị coi rẻ hơn lợn,
Chỉ vì người không có quyền tự chủ.

II

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Không gì cay đắng bằng mất quyền tự do;
Mỗi lời nói, mỗi hành động đều không được tự chủ,
Mặc cho người dắt như trâu, như ngựa.

I

Khiêng lợn, lính cùng đi một lối,
Ta thì người dắt, lợn người khiêng;
Con người coi rẻ hơn con lợn,
Chỉ tại người không có chủ quyền!

II

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do ?
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ,
Để cho người dắt tựa trâu bò!

NAM TRÂN dịch

Bài 55:

ĐIỆT LẠC

Dạ nhưng hắc ám dĩ đăng trình,
Lộ hựu kỳ khu thậm bất bình;
Điệt nhập thâm khanh nguy hiểm thậm,
Hạnh năng dược xuất liễu thâm khanh1).

HỤT CHÂN NGÃ

Đêm còn tối mịt đã phải lên đường,
Đường lại gồ ghề, không chút bằng phẳng;
Hụt chân thụt xuống hố sâu, nguy hiểm quá,
May sao đã nhảy được ra khỏi hố.

Còn tối như bưng đã phải đi,
Đường đi khúc khuỷu lại gồ ghề;
Trượt chân nhỡ bước sa vào hố,
May nhảy ra ngoài suýt nữa nguy!

NAM TRÂN dịch

1) Nguyên bản là trình, trong lần xuất bản thứ nhất, tác giả đã sửa lại là khanh.


Bài 56:

Bán lộ tháp thuyền phó ung

Thừa chu thuận thuỷ vãng Ung Ninh,

Hĩnh điếu thuyền lan tự giảo hình;

Lưỡng ngạn hương thôn trù mật thậm,

Giang tâm ngư phủ điếu thuyền khinh.

Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh(1)

Đáp thuyền xuôi dòng đi Ung Ninh,

Chân bị treo lên giàn thuyền như tội hình treo cổ;

Làng xóm hai bên sông thật là đông đúc,

Giữa lòng sông, thuyền câu của ông chài lướt nhẹ.

Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh,

Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình;

Làng xóm ven sông đông đúc thế,

Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.

NAM TRÂN dịch

1) Ung Ninh: Tức Nam Ninh, một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, có thị trấn Nam Ninh

Bài 57:

Nam Ninh ngục

Giam phòng kiến trúc đính "ma đăng",

Triệt dạ huy hoàng chiếu điện đăng;

Nhân vị mỗi xan duy hữu chúc,

Sử nhân đỗ tử chiến căng căng.

Nhà ngục Nam Ninh

Nhà lao xây dựng rất "môđéc"(1),

Suốt đêm đèn điện sáng rực;

Nhưng vì bữa ăn nào cũng chỉ có cháo,

Khiến cho bụng người ta cứ run bần bật.

Nhà lao xây dựng kiểu tân thời,

Đèn điện thâu đêm sáng rực trời;

Nhưng mỗi bữa ăn lưng bát cháo,

Cho nên cái bụng cứ rung hoài.

NAM TRÂN dịch

1) Môđéc (“ma đăng”): tối tân, hiện đại, tác giả dùng với ý hài hước.

Bài 58:

Nạp buồn

Hoàn cầu chiến hỏa thước thương thiên,

Tráng sĩ tương tranh phó trận tiền;

Ngục lý nhàn nhân nhàn yếu mệnh,

Hùng tâm bất trị nhất văn tiền.

Buồn bực

Lửa chiến tranh trên hoàn cầu nóng chảy cả trời xanh,

Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận;

Trong tù, người nhàn lại nhàn quá đỗi,

Chí lớn mà không đáng giá một đồng tiền.

Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận,

Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh;

Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi,

Chí cao mà chẳng đáng đồng trinh.

NAM TRÂN dịch

Bài 59:

Thính kê minh

Nhĩ chỉ bình thường nhất chích kê,

Triêu triêu báo hiểu đại thanh đề;

Nhất thanh hoán tỉnh quần lê mộng,

Nhĩ đích công lao dã bất đê

Nghe gà gáy

Ngươi chỉ là một chú gà bình thường,

Mỗi sớm, lớn tiếng gáy để báo sáng;

Một tiếng thôi mà gọi tỉnh giấc mộng của dân chúng,

Công lao ngươi chẳng phải là xoàng.

Ngươi tuy chỉ một chú gà thường,

Báo sáng, ngày ngày tiếng gáy vang;

Một tiếng, toàn dân bừng tỉnh mộng,

Công ngươi đâu có phải là xoàng.

NAM TRÂN dịch

Bài 60:

Nhất cá đỗ phạm “ngạnh” liễu

Tha thân chỉ hữu cốt bao bì,

Thống khổ cơ hàn bất khả chi;

Tạc dạ tha nhưng thụy ngã trắc,

Kim triêu tha dĩ cửu tuyền quy.

Một người tù cờ bạc “chết cứng”

Thân hình anh ấy chỉ còn da bọc xương,

Khổ đau, đói rét, không chống đỡ nổi;

Đêm qua anh còn nằm ngủ cạnh tôi,

Sáng nay đã về chín suối.

Thân anh da bọc lấy xương,

Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi;

Đêm qua còn ngủ bên tôi,

Sáng nay anh đã về nơi suối vàng!

NAM TRÂN dịch

Bản dịch khác

Anh chỉ làn da bọc dúm xương,

Khổ đau, đói rét sức khôn đương;

Đêm qua còn ngủ bên tôi đó,

Mà sáng hôm nay đã suối vàng.

NGUYỄN SĨ LÂM dịch

Bài 61:

Hựu nhất cá…

Di, Tề bất thực Chu triều túc,

Đổ phạm bất ngật công gia chúc;

Di, Tề ngã tử Thú Dương(1) sơn,

Đổ phạm ngã tử công gia ngục.

Lại một người nữa…

Bá Di, Thúc Tề(2) không ăn thóc nhà Chu,

Người tù cờ bạc không ăn cháo nhà nước;

Bá Di, Thúc Tề chết đói trên núi Thú Dương,

Người tù cờ bạc chết đói trong ngục nhà nước.

Di, Tề chẳng ăn gạo nhà Chu,

Tù bạc chẳng ăn cháo nhà nước;

Di, Tề chết đói ngàn Thú Dương,

Tù bạc chết đói trong nhà ngục.

NAM TRÂN dịch

1) Nguyên bản là Thủ Dương, trong lần xuất bản thứ nhất tác giả chữa lại là Thú Dương. Thú Dương là tên một ngọn núi thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

2) Bá Di, Thúc Tề: Con vua nước Cô Trúc đời nhà Ân (1401 - 1122 trước C.N), Trung Quốc. Khi Vũ Vương chiếm ngôi nhà Ân lập nên nhà Chu, Bá Di, Thúc Tề không chịu ăn gạo nhà Chu lên núi Thú Dương ở ẩn, ăn rau vi, rồi chết đói ở đó.       

   

Bài 62:

Cấm yên (chỉ yên đích)

Yên cấm thử gian hẩn lệ hại,

Nhĩ yên kiểu nhập tha yên bao;

Đương nhiên tha khả xuy yên đẩu,

Nhĩ nhược xuy yên, phạt thủ liêu.

(Tha: Ngục đinh dã)

Cấm hút thuốc (Thuốc lá)

Ở đây lệnh cấm hút thuốc rất gắt gao,

Thuốc của anh phải nộp vào túi thuốc của nó;

Đương nhiên, nó có thể hút thuốc bằng tẩu,

Nhưng nếu anh hút, bị phạt còng tay.

(Nó: lính ngục)

Hút thuốc nơi này cấm gắt gao,

Thuốc anh nó tịch, bỏ vào bao;

Nó thì kéo tẩu tha hồ hút,

Anh hút, còng đây, tay ghé vào.

NAM TRÂN dịch


Bài 63:

Dạ bán văn khóc phu

Ô hô phu quân, hề phu quân!

Hà cố phu quân cự khí trần?

Sử thiếp tòng kim hà xứ kiến,

Thập phần tâm hợp ý đầu nhân.

Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng

Than ôi! Chàng hỡi chàng!

Cớ sao chàng vội lìa bỏ cõi đời?

Khiến cho thiếp từ nay biết tìm đâu thấy,

Người bạn đời mười phần tâm đầu ý hợp!

Hỡi ôi, chàng hỡi, hỡi chàng ơi!

Cơ sự vì sao vội lánh đời?

Để thiếp từ nay đâu thấy được,

Con người tâm ý hợp mười mươi.

NGUYỄN SĨ LÂM dịch

Bài 64:

Hoàng hôn

Phong như lợi kiếm ma sơn thạch,

Hàn tự tiêm phong thích thụ chi;

Viễn tự chung thanh thôi khách bộ,

Mục đồng xuy địch dẫn ngưu quy.

Hoàng hôn

Gió như gươm sắc mài đá núi,

Rét như giáo nhọn chích cành cây;

Tiếng chuông chùa xa giục bước chân khách,

Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về.

Gió sắc tựa gươm mài đá núi,

Rét như dùi nhọn chích cành cây;

Chùa xa chuông giục người nhanh bước,

Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay.

NAM TRÂN dịch

Bài 65:

Công kim

Chử nhất oa phạn lục mao tiền,

Nhất bồn khai thuỷ ngân nhất nguyên;

Nhất nguyên mãi vật đắc lục giác,

Ngục trung giá cách định chiêu nhiên.

Tiềng công

Chử nhất oa phạn lục mao tiền,

Nhất bồn khai thủy ngân nhất nguyên;

Nhất nguyên mãi vật đắc lục giác,

Ngục trung giá cách định chiêu nhiên.

Thổi một nồi cơm, trả sáu hào,

Nước sôi mỗi chậu, một đồng trao;

Một đồng của đáng sáu hào chỉ,

Giá cả trong tù định rõ sao!

NAM TRÂN dịch

Bài 66:

Thụy bất trước

Nhất canh ... nhị canh... hựu tam canh,

Triển chuyển, bồi hồi, thụy bất thành;

Tứ, ngũ canh thì tài hợp nhãn,

Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh.

Không ngủ được

Nhất canh ... nhị canh... hựu tam canh,

Triển chuyển, bồi hồi, thụy bất thành;

Tứ, ngũ canh thì tài hợp nhãn,

Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh.

Một canh... hai canh... lại ba canh,

Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành;

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

NAM TRÂN dịch

Bản dịch khác:

Canh một... canh hai... lại canh ba,

Trằn trọc, băn khoăn, khó ngủ mà;

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,

Sao vàng năm cánh quyện hồn ta.

XUÂN THỦY dịch

Bài 67:

Ức Hữu

Tích quân tống ngã chí giang tân,

Vấn ngã quy kỳ, chỉ cốc tân;

Hiện tại tân điền dĩ lê hảo,

Tha hương ngã tác ngục trung nhân.

Nhớ bạn

Ngày nào anh tiễn tôi đến bến sông,

Hỏi tôi ngày về, trỏ mùa lúa mới;

Đến nay ruộng lại đã cày xong hết rồi,

Nơi đất khách, tôi thành người trong tù.

Ngày đi bạn tiễn đến bên sông,

Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng;

Nay gặt đã xong, cày đã khắp,

Quê người, tôi vẫn chốn lao lung!

NAM TRÂN dịch

Bài 68:

Thế nạn hữu mẫn tả báo cáo

Đồng chu cộng tế nghĩa nan từ,

Thế hữu biên tu báo cáo thư;

"Phụng thử", "đẳng nhân" kim thuỷ học,

Đa đa bác đắc cảm ân từ.

Viết hộ báo cáo cho các bạn tù

Cùng hội cùng thuyền giúp nhau, lẽ khôn từ chối,

Viết báo cáo thay cho bạn;

Những chữ "thừa lệnh", "chiểu theo" nay đều mới học,

Thế mà đã được nhiều lời cảm tạ.

Cùng hội cùng thuyền nên phải giúp,

Viết thay báo cáo dám từ nan;

"Chiểu theo", "thừa lệnh" nay vừa học,

Đã được bao lời bạn cảm ơn.

NAM TRÂN dịch

Bài 69:

Lại sang

Mãn thân hồng lục như xuyên cẩm,

Thành nhật lao tao tự cổ cầm;

Xuyên cẩm, tù trung đô quý khách,

Cổ cầm, nạn hữu tận tri âm.

Ghẻ lở

Xanh đỏ đầy người như áo gấm,

Suốt ngày sột soạt tựa gảy đàn;

Mặc gấm trong tù đều là khách quý,

Gảy đàn, bạn tù đều là tri âm.

Đầy mình đỏ tím như hoa gấm,

Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn;

Mặc gấm, bạn tù đều khách quý,

Gảy đàn, trong ngục thảy tri âm.

VĂN TRỰC – VĂN PHỤNG dịch



Bài 70:

Văn thung mễ thanh

Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ,

Ký thung chi hậu, bạch như miên;

Nhân sinh tại thế dã giá dạng,

Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên.

Nghe tiếng giã gạo

Gạo lúc đang giã, rất đau đớn,

Lúc giã xong rồi, trắng tựa bông;

Người sống trên đời cũng như vậy,

Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc.

Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công.

Văn Trực – Văn Phụng dịch

Bài 71-72-73:

Song thập nhất

I

Tòng tiền mỗi đáo Song thập nhất,

Kỷ niệm Âu châu bãi chiến kỳ;

Kim nhật ngũ châu đồng huyết chiến,

Tội khôi tựu thị ác Na-zi.

II

Trung Hoa kháng chiến tương lục tải,

Liệt liệt oanh oanh cử thế tri;

Thắng lợi tuy nhiên hữu bả ác,

Nhưng tu nỗ lực phản công thì.

III

Kháng Nhật tinh kỳ mãn á châu,

Tinh kỳ đại tiểu hữu sai thù;

Tinh kỳ đại đích cố tu hữu,

Tiểu đích tinh kỳ bất khả vô.

Thế lộ nan ngày 11 tháng 11

I

Trước kia, cứ đến 11 tháng 11

Là kỷ niệm ngày đình chiến ở châu Âu;

Ngày nay năm châu cùng huyết chiến,

Tội phạm đầu sỏ chính là bọn là Na-zi2 hung ác.

II

Trung Hoa kháng chiến đã gần sáu năm,

Oanh liệt vang lừng, khắp nơi đều biết;

Thắng lợi tuy rằng đã nắm chắc,

Nhưng vẫn phải gắng sức lúc phản công

III

Cờ kháng Nhật dậy khắp Châu Á,

Cờ lớn, cờ nhỏ có khác nhau;

Cờ lớn cố nhiên phải có,

Nhưng cờ nhỏ cũng không thể không có.

I

Thuở trước nơi nơi đều kỷ niệm,

Mừng ngày đình chiến ở Châu Âu;

Năm châu nay lại đang tuôn máu,

Bọn quỷ Na-zi tội đứng đầu.

II

Trung Hoa kháng chiến sáu năm chầy(3)

Oanh liệt, vang lừng khắp đó đây;

Đến lúc phản công nên cố gắng,

Mặc dầu thắng lợi nắm trong tay.

III

Kháng Nhật, cờ bay khắp á châu,

Cờ to, cờ nhỏ chẳng đều nhau;

Cờ to đã hẳn là nên có,

Cờ nhỏ dù sao, thiếu được đâu.

Nam Trân dịch

1) Ngày 11-11 (song thập nhất): Ngày kỷ niệm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918).

2) Na-zi: chỉ bọn Đức quốc xã.

3) Nguyên văn: gần 6 năm. Nhân dân Trung Quốc bắt đầu chống cuộc xâm lược của phát xít Nhật từ ngày 7-7-1937 đến cuối năm 1942 là gần 6 năm.     

Bài 74:

Cảnh báo

(Thập nhất nguyệt thập nhị nhật)

Địch cơ hạo đãng đáo thiên trung,

Tỵ tập nhân dân bào nhất không;

Ngã mẫn xuất lung tỵ không tập,

Nhân nhân hoan hỉ đắc xuất lung.

Báo động

Trên trời máy bay địch rầm rộ kéo tới,

Tránh oanh tạc, nhân dân bỏ chạy hết sạch;

Chúng tôi cũng ra khỏi lao để tránh máy bay,

Ai nấy mừng rỡ được ra ngoài lao.

Máy bay địch bỗng đến ào ào

Tất cả nhân dân chạy xuống hào,

Cửa mở cho tù ra lánh nạn,

Sổ lồng, ai nấy khoái làm sao

Nam Trân dịch

Bản dịch khác:

Máy bay địch bỗng rộn không trung,

Trốn nấp, nhân dân chạy sạch không;

Tù phạm cũng tìm nơi ẩn nấp,

Được ra ngoài ngục, khoái vô cùng.

Huệ Chi dịch

Bài 75:

Chiết tự

Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,

Hoạn quá đầu thì thuỷ kiến trung;

Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,

Lung khai trúc sản, xuất chân long

Chiết tự

Người tù ra khỏi ngục, có khi dựng nên đất nước,

Qua cơn hoạn nạn mới rõ người trung;

Người biết lo âu, ưu điểm lớn,

Nhà lao mở then cửa trúc, rồng thật sẽ bay ra (2)

Người thoát khỏi tù ra dựng nước,

Qua cơn hoạn nạn, rõ lòng ngay;

Người biết lo âu, ưu điểm lớn,

Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!

Nam Trân dịch

1) Chiết tự: Một hình thức phân tích chữ Hán ra từng bộ phận để thành những chữ mới, có ý nghĩa khác với ý nghĩa ban đầu.

2) Theo lối chiết tự, bài thơ này còn có nghĩa đen như sau: Chữ tù bỏ chữ nhân, cho chữ hoặc vào, thành chữ quốc. Chữ hoạn bớt phần trên đi thành chữ trung. Thêm nhân đứng vào chữ ưu trong "ưu sầu" thành chữ ưu trong "ưu điểm". Chữ lung bỏ trúc đầu thành chữ long.

 Bài 76:

Lữ quán

Chiếu lệ sơ lai chư nạn hữu

Tất tu thụy tại xí khanh biên;

Giả như nhĩ tưởng hảo hảo thụy,

Nhĩ yếu đa hoa kỷ khối tiền.

Quán trọ

Theo lệ, các bạn tù mới đến,

Ắt phải ngủ cạnh hố xí;

Nếu anh muốn được ngủ ngon giấc,

Anh phải tốn thêm mấy đồng bạc.

Lệ thường tù mới đến,

Phải nằm cạnh cầu tiêu;

Muốn ngủ cho ngon giấc,

Anh phải trả tiền nhiều.

Nam Trân dịch


Bài viết khác: