Chỉ mục bài viết


Bài 70:

Văn thung mễ thanh

Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ,

Ký thung chi hậu, bạch như miên;

Nhân sinh tại thế dã giá dạng,

Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên.

Nghe tiếng giã gạo

Gạo lúc đang giã, rất đau đớn,

Lúc giã xong rồi, trắng tựa bông;

Người sống trên đời cũng như vậy,

Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc.

Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công.

Văn Trực – Văn Phụng dịch

Bài 71-72-73:

Song thập nhất

I

Tòng tiền mỗi đáo Song thập nhất,

Kỷ niệm Âu châu bãi chiến kỳ;

Kim nhật ngũ châu đồng huyết chiến,

Tội khôi tựu thị ác Na-zi.

II

Trung Hoa kháng chiến tương lục tải,

Liệt liệt oanh oanh cử thế tri;

Thắng lợi tuy nhiên hữu bả ác,

Nhưng tu nỗ lực phản công thì.

III

Kháng Nhật tinh kỳ mãn á châu,

Tinh kỳ đại tiểu hữu sai thù;

Tinh kỳ đại đích cố tu hữu,

Tiểu đích tinh kỳ bất khả vô.

Thế lộ nan ngày 11 tháng 11

I

Trước kia, cứ đến 11 tháng 11

Là kỷ niệm ngày đình chiến ở châu Âu;

Ngày nay năm châu cùng huyết chiến,

Tội phạm đầu sỏ chính là bọn là Na-zi2 hung ác.

II

Trung Hoa kháng chiến đã gần sáu năm,

Oanh liệt vang lừng, khắp nơi đều biết;

Thắng lợi tuy rằng đã nắm chắc,

Nhưng vẫn phải gắng sức lúc phản công

III

Cờ kháng Nhật dậy khắp Châu Á,

Cờ lớn, cờ nhỏ có khác nhau;

Cờ lớn cố nhiên phải có,

Nhưng cờ nhỏ cũng không thể không có.

I

Thuở trước nơi nơi đều kỷ niệm,

Mừng ngày đình chiến ở Châu Âu;

Năm châu nay lại đang tuôn máu,

Bọn quỷ Na-zi tội đứng đầu.

II

Trung Hoa kháng chiến sáu năm chầy(3)

Oanh liệt, vang lừng khắp đó đây;

Đến lúc phản công nên cố gắng,

Mặc dầu thắng lợi nắm trong tay.

III

Kháng Nhật, cờ bay khắp á châu,

Cờ to, cờ nhỏ chẳng đều nhau;

Cờ to đã hẳn là nên có,

Cờ nhỏ dù sao, thiếu được đâu.

Nam Trân dịch

1) Ngày 11-11 (song thập nhất): Ngày kỷ niệm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918).

2) Na-zi: chỉ bọn Đức quốc xã.

3) Nguyên văn: gần 6 năm. Nhân dân Trung Quốc bắt đầu chống cuộc xâm lược của phát xít Nhật từ ngày 7-7-1937 đến cuối năm 1942 là gần 6 năm.     

Bài 74:

Cảnh báo

(Thập nhất nguyệt thập nhị nhật)

Địch cơ hạo đãng đáo thiên trung,

Tỵ tập nhân dân bào nhất không;

Ngã mẫn xuất lung tỵ không tập,

Nhân nhân hoan hỉ đắc xuất lung.

Báo động

Trên trời máy bay địch rầm rộ kéo tới,

Tránh oanh tạc, nhân dân bỏ chạy hết sạch;

Chúng tôi cũng ra khỏi lao để tránh máy bay,

Ai nấy mừng rỡ được ra ngoài lao.

Máy bay địch bỗng đến ào ào

Tất cả nhân dân chạy xuống hào,

Cửa mở cho tù ra lánh nạn,

Sổ lồng, ai nấy khoái làm sao

Nam Trân dịch

Bản dịch khác:

Máy bay địch bỗng rộn không trung,

Trốn nấp, nhân dân chạy sạch không;

Tù phạm cũng tìm nơi ẩn nấp,

Được ra ngoài ngục, khoái vô cùng.

Huệ Chi dịch

Bài 75:

Chiết tự

Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,

Hoạn quá đầu thì thuỷ kiến trung;

Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,

Lung khai trúc sản, xuất chân long

Chiết tự

Người tù ra khỏi ngục, có khi dựng nên đất nước,

Qua cơn hoạn nạn mới rõ người trung;

Người biết lo âu, ưu điểm lớn,

Nhà lao mở then cửa trúc, rồng thật sẽ bay ra (2)

Người thoát khỏi tù ra dựng nước,

Qua cơn hoạn nạn, rõ lòng ngay;

Người biết lo âu, ưu điểm lớn,

Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!

Nam Trân dịch

1) Chiết tự: Một hình thức phân tích chữ Hán ra từng bộ phận để thành những chữ mới, có ý nghĩa khác với ý nghĩa ban đầu.

2) Theo lối chiết tự, bài thơ này còn có nghĩa đen như sau: Chữ tù bỏ chữ nhân, cho chữ hoặc vào, thành chữ quốc. Chữ hoạn bớt phần trên đi thành chữ trung. Thêm nhân đứng vào chữ ưu trong "ưu sầu" thành chữ ưu trong "ưu điểm". Chữ lung bỏ trúc đầu thành chữ long.

 Bài 76:

Lữ quán

Chiếu lệ sơ lai chư nạn hữu

Tất tu thụy tại xí khanh biên;

Giả như nhĩ tưởng hảo hảo thụy,

Nhĩ yếu đa hoa kỷ khối tiền.

Quán trọ

Theo lệ, các bạn tù mới đến,

Ắt phải ngủ cạnh hố xí;

Nếu anh muốn được ngủ ngon giấc,

Anh phải tốn thêm mấy đồng bạc.

Lệ thường tù mới đến,

Phải nằm cạnh cầu tiêu;

Muốn ngủ cho ngon giấc,

Anh phải trả tiền nhiều.

Nam Trân dịch


Bài viết khác: