Cứ mỗi độ Thu sắp về, khắp mọi miền trên Tổ quốc đã giăng cờ hoa rực rỡ, tưng bừng chào mừng Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm nay tròn 70 năm chiến thắng Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi vào lịch sử và cũng là năm ca khúc để đời của nhạc sĩ Xuân Oanh - “ 19 tháng 8” tròn 70 tuổi. Nay người sáng tác ca khúc ấy đã không còn nữa nhưng lời ca tiếng hát, âm hưởng bất diệt, hào hùng, rộn ràng của “19 tháng 8” đã ăn sâu vào lớp lớp thế hệ người Việt Nam, còn mãi vang vọng theo mỗi bước đi lên của đất nước.

ca khuc 1

Đoàn người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ Phủ (Hà Nội). Ảnh internet

Đầu năm 1945, Quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Châu Âu, giải phóng hàng loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béclin. Ngày 8/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Uỷ ban khởi nghĩa gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và cho chiến sĩ cả nước ngay trong đêm ấy.

Ngày 16/8/1945, Đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc Kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta chớp thời cơ, nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Đúng 19/8, nhân dân Hà Nội rầm rập xuống đường với cờ đỏ sao vàng rợp trời trên khắp các đường phố Hà Nội, cùng đổ về khu vực Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội để mít tinh và hiệu triệu toàn dân khởi nghĩa, lật đổ chính quyền bù nhìn, giành chính quyền về tay cách mạng Việt Minh.

Theo nhạc sĩ Hồng Đăng kể lại, ngày 19/8/1945, nhạc sĩ Xuân Oanh hòa vào dòng người tham gia cuộc Cách mạng lớn của cả dân tộc. Lần đầu tiên những người dân chịu ách đô hộ cùng khổ dám vùng lên đấu tranh đòi giải phóng, tự do.

ca khuc 2

Không khí sôi sục, tinh thần đấu tranh của toàn dân tộc vào giờ phút đổi đời ấy truyền vào cậu thanh niên Xuân Oanh… “bật” thành lời ca tiếng hát. Vội vàng kiếm một mẩu giấy từ vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ vừa bật khỏi đầu, Xuân Oanh vừa bắt nhịp cho đồng bào trong đoàn biểu tình cùng hát những câu hát đầu tiên:"Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai...". Và trên con đường Hàng Bài, sau khi đoàn biểu tình chiếm được trại lính Khố xanh, đến khi tập hợp lại trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa sáng tác xong. Những câu hát đã được đồng bào hát vang, thể hiện chính xác sự kiện lịch sử đang diễn ra"Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan lũ quân thù kia". Giai điệu đơn giản mà mạch lạc, dễ hát, dễ nhớ. Một không khí lạc quan, sôi sục của những ngày đầu cách mạng, truyền nhiệt huyết cho toàn thể những người Việt Nam yêu nước.

Nhạc sỹ Xuân Oanh đã từng bồi hồi nhớ lại: "Mười chín Tháng Tám là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh của nhân dân và xúc cảm của người dân mới được tự do tạo nên. Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày... vừa đi biểu tình tôi vừa nghĩ và cả lời lẫn nhạc từ đâu ào ạt đến trong tôi, bật ra một cách kỳ lạ".

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (1945-2005), cũng là lúc nhạc sĩ Xuân Oanh đã 82 tuổi, khi kể lại hoàn cảnh ra đời của bài hát, ông nhắc đến một chi tiết rất thú vị: Khi bài hát vừa hình thành, có người hỏi tên bài hát là gì, ông ngớ người ra là chưa kịp đặt tên cho bài hát. Nhưng rồi với mấy lời ca trong bài cứ nhắc đi nhắc lại câu “Mười chín tháng Tám”, và thêm không khí rạo rực của ngày hôm đó (19/8/1945), ông liền nói: Tên bài hát là “Mười chín Tháng Tám”, mọi người thấy sao? Mọi người cười hồ hởi: Hay lắm, “Mười chín Tháng Tám”! Đến chiều hôm đó, nhạc sĩ Xuân Oanh mới viết ra giấy bài hát “Mười chín Tháng Tám”, gửi cho một người bạn làm nghề xuất bản nhờ in ra và ngay sau đó, bài hát được phát hành rộng rãi, vào tận miền Nam. Sau đó ít ngày, bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó, vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, nên bài hát càng có ý nghĩa sâu sắc và đọng lại mãi trong lòng mọi người.

Ngay sau khi ra đời, bài hát chỉ có 10 câu ngắn gọn nhưng rất chỉn chu về khúc thức với hình thức hai đoạn đơn với nhịp điệu hành khúc đậm chất hào hùng, khỏe mạnh, ca từ mộc mạc nhưng sống động, đầy thực tiễn trên đường phố lúc đó và chứa đựng sự quyết tâm cao cả, lời hiệu triệu những trái tim yêu nước chống lại kẻ thù, giành độc lập dân tộc. “Mười chín Tháng Tám” đã nhanh chóng vượt ra khỏi 5 cửa ô của Thủ đô bay đến với đồng bào khắp mọi miền trong cả nước. Giai điệu hào hùng, tươi vui của ca khúc Mười chín Tháng Tám như một chất keo gắn chặt, liên kết các tầng lớp nhân dân tạo thành một sức mạnh lớn lao đập tan xích xiềng nô lệ. Ấy là hình ảnh của một dân tộc cùng thống nhất vang reo lời thề, là lời căn dặn thân thương chớ quên là ngày khởi nghĩa. Để rồi với sự đồng lòng, đoàn kết, ý chí kiên cường của biết bao triệu người yêu chính nghĩa làm nên một hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam. Lời bài hát khép lại nhưng dường như vẫn gợi mở bao điều, hướng đến một Việt Nam tươi sáng, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ.

Có thể nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, hiếm có bài hát nào lại được đặt tên từ chính một ngày cụ thể - Mười chín Tháng Tám. Chỉ với cái tên giản dị “Mười chín Tháng Tám” đã gói trọn ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện hào hùng của dân tộc “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, giành lấy độc lập, tự do, mà trong đó mỗi người dân đã góp phần làm nên sự nghiệp vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ Nuớc của dân tộc ta. Bài hát “Mười chín Tháng Tám” đã và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với những người quân và dân ta khắp mọi miền đất nước. Đến nay, sau 70 năm, ca khúc “Mười chín Tháng Tám” hàng năm vẫn vang lên hùng tráng vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công 19/8 và Quốc khánh 2/9./.

Huyền Trang (Tổng hợp)

Bài viết khác: