BAN QUẢN LÝ LĂNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH |
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 110/KH-BQLL |
Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2015 |
KẾ HOẠCH
Tổ chức Cuộc thi viết
“Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Thực hiện Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kế hoạch số 266/KH-BQLL ngày 21/3/2014 của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-BTP ngày 22/9/2014 và Quyết định số 2768/QĐ-BTP ngày 20/10/2014 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2157/QĐ-BTP ngày 22/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kế hoạch số 266/KH-BQLL ngày 21/3/2014 của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Thông qua Cuộc thi viết, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong Ban Quản lý Lăng nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển đất nước vững mạnh, tăng cường khả năng tự vệ, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
2. Yêu cầu
a) Việc tổ chức Cuộc thi viết phải quán triệt theo tinh thần các văn bản của Đảng, Nhà nước và Ban Quản lý Lăng về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Tổ chức Cuộc thi viết chặt chẽ, nghiêm túc, tiết kiệm, đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, SỐ LƯỢNG BÀI DỰ THI
1. Đối tượng dự thi
a) Bảo đảm 100% cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng tham gia dự thi.
b) Các thành viên Ban Giám khảo, Tổ Thư ký không được tham gia dự thi.
2. Nội dung, hình thức
a) Nội dung
- Trả lời 09 câu hỏi về một số nội dung của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 (Phụ lục kèm theo).
b) Hình thức
- Cuộc thi viết được tổ chức theo hình thức thi viết bằng tiếng Việt (Viết tay hoặc đánh máy, cỡ chữ 14 Times New Roman trên giấy A4, đánh số trang theo thứ tự. Trường hợp bài dự thi có nhiều trang phải đóng lại thành quyển).
- Mẫu trang bìa bài dự thi (Phụ lục kèm theo).
3. Quy định về bài dự thi
a)Nội dung bài dự thiđúng chủ đề, nội dung quy định;không được sao chép lại của người khác dưới mọi hình thức; nếu trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu để minh họa phải có chú thích rõ ràng.
b) Khuyến khích các bài dự thi thực hiện công phu, hình thức đẹp, gọn, dễ vận chuyển, dễ chấm bài; có hình ảnh, tư liệu phong phú.
c)Nghiêm cấm các trường hợp lợi dụng bài dự thi để vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam; vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác.
Trường hợp vi phạm các quy định trên sẽ bị hủy bài thi hoặc hủy giải thưởng.
- Số lượng bài dự thi, thời gian nộp bài và tổ chức chấm thi
a) Mỗi cá nhân chỉ được tham gia 01 bài dự thi
Các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai cuộc thi, chấm, trao giải và lựa chọn các bài dự thi xuất sắc nhất (ngoài số lượng bài dự thi đã gửi về Phòng Chính trị theo Hướng dẫn số /HD-CT ngày / /2015 của Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng) gửi về Ban Quản lý Lăng (qua Phòng Pháp chế và Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Ban Quản lý Lăng) để tham gia cuộc thi cấp Ban Quản lý Lăng). Cụ thể:
- Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng: 05 bài
- Trung đoàn 375: 04 bài
- Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình: 04 bài.
- Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng KHCN&MT: 03 bài.
- Văn phòng Ban Quản lý Lăng: 04 bài.
b) Thời gian nộp bài: Trước ngày 30/6/2015.
c) Tổ chức chấm thi: Trước ngày 20/7/2015
5. Gửi bài dự thi vòng chung khảo cấp Trung ương
a) Ban Quản lý Lăng thành lập Ban Giám khảo chấm, trao giải và lựa chọn các bài thi xuất sắc nhất báo cáo Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng và gửi về Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để tham gia cuộc thi chung khảo toàn quốc.
b) Thời gian thực hiện: Trước ngày 01/8/2015
6. Tổng kết và trao giải cuộc thi
a) Tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi tại Ban Quản lý Lăng
- Thời gian thực hiện: Trước ngày 30/8/2015
b) Tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi toàn quốc
- Đơn vị thực hiện: Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương
- Thời gian thực hiện: Dự kiến tổ chức vào Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015 (09/11/2015).
III. GIẢI THƯỞNG, KHEN THƯỞNG
1. Cấp Trung ương: Theo cơ cấu giải thưởng quy định tại Thể lệ Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” số 4570/TL-BTC ngày 04/11/2014 của Ban Tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ở Trung ương.
2. Cấp Ban Quản lý Lăng
Căn cứ mức chi về chi tổ chức cuộc thi, hội thi tại Điểm K, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Văn phòng Ban Quản lý Lăng
Có trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Thành lập Ban Giám khảo, Tổ Thư ký và phát động, hướng dẫn cuộc thi trong Ban Quản lý Lăng.
b) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Hiến pháp năm 2013;mục đích, ý nghĩa và các nội dung liên quan đến Cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng (nội dung kế hoạch phát động cuộc thi; câu hỏi thi; các tài liệu khác phục vụ cho cuộc thi…).
c) Lập dự toán kinh phí phục vụ các hoạt động của Ban Giám khảo, Tổ Thư ký giúp việc Cuộc thi viết và kinh phí tổng kết, trao giải cuộc thi báo cáo Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng xem xét, quyết định.
d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp tình hình, xây dựng báo cáo kết quả Cuộc thi viết của Ban Quản lý Lăng gửi cấp có thẩm quyền theo quy định.
đ) Tổng hợp số lượng bài thi, bố trí thời gian, địa điểm cho Ban Giám khảo tổ chức chấm thi đúng thời gian quy định; lựa chọn các bài thi đạt chất lượng gửi dự thi toàn quốc theo chỉ đạo của Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương.
e) Tổ chức tổng kết và phát huy các kết quả đạt được của Cuộc thi viết để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về Hiến pháp trong Ban Quản lý Lăng.
f) Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp trong Ban Quản lý Lăng.
2. Các cơ quan, đơn vị
a) Căn cứ nội dung Kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo việc phổ biến nội dung, ý nghĩa của Cuộc thi viết đến cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị mình.
b) Xây dựng Kế hoạch và phát động Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp trong toàn cơ quan, đơn vị. Vận động và bảo đảm 100% cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ hưởng ứng, tham gia cuộc thi.
c) Thực hiện chế độ báo cáo kết quả Cuộc thi viết về Ban Quản lý Lăng (qua Phòng Pháp chế và Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Ban Quản lý Lăng) để tổng hợp, xây dựng báo cáo của Ban Quản lý Lăng gửi cấp có thẩm quyền.
3. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí tổ chức Cuộc thi viết được bố trí từ ngân sách nhà nước.
b) Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm dự toán và sắp xếp, bố trí kinh phí trong nguồn ngân sách để tổ chức thực hiện Cuộc thi viết.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Ban Quản lý Lăng (qua Văn phòng Ban) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: - Lãnh đạo BQLL (03) (để b/c); - Thành viên HĐPHCTPBGDPLBQLL; - BTL Bảo vệ Lăng (CT); - Trung đoàn 375; - Ban QLQTBĐ; - Trung tâm NCƯDKHCN&MT; - Văn phòng BQLL; - Lưu: VT, PC. Tr15. |
TL.TRƯỞNG BAN CHÁNH VĂN PHÒNG (đã ký) Trần Trọng Thủy |
Phụ lục
CÂU HỎI CUỘC THI VIẾT
“TÌM HIỂU HIẾN PHÁP
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”
(Kèm theo Kế hoạch số 110/KH-BQLL ngày 12/02/2015 của Ban Quản lý Lăng)
Câu 1.
Từ năm 1945 khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay, nước ta có mấy bản Hiến pháp? Các bản Hiến pháp đó được Quốc hội thông qua vào ngày, tháng, năm nào?
Câu 2.
Bản Hiến pháp mới được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 (Hiến pháp năm 2013) có hiệu lực từ ngày, tháng, năm nào? So với Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) có bao nhiêu điều được giữ nguyên? Có bao nhiêu điều được sửa đổi, bổ sung? Điều sửa đổi, bổ sung nào bạn tâm đắc nhất? Vì sao?
Câu 3.
Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…”. Bạn hãy nêu và phân tích ngắn gọn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về những cách thức để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.
Câu 4.
Những quy định nào của Hiến pháp năm 2013 thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc?
Câu 5.
Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân? Điểm mới nào bạn tâm đắc nhất? Vì sao?
Câu 6.
Những điểm mới, quan trọng về vị trí, chức năng của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân trong Hiến pháp năm 2013. Phân tích điểm mới về mối quan hệ giữa các cơ quan đó trongthực hiện quyền lực Nhà nước?
Câu 7.
Cấp chính quyền địa phương quy định trong Hiến pháp năm 2013 gồm những cơ quan nào? Bạn hãy nêu nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với Nhân dân.
Câu 8.
Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đối với cử tri và Nhân dân?
Câu 9.
“…Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (trích Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013)
Theo bạn, Nhà nước và mỗi người dân có trách nhiệm làm gì và làm như thế nào để thi hành và bảo vệ Hiến pháp?
(Riêng câu 09 viết không quá 1.000 từ tương đương 3 trang A4 viết tay hoặc đánh máy tính cỡ chữ 14 Times New Roman).