Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng nhất đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Với cương vị là lãnh tụ tối cao của Đảng, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 24 năm liền, Người đã tập hợp, quy tụ được các dân tộc, các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, tôn giáo, nhân sỹ trí thức yêu nước, đồng bào trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài, xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong suốt tiến trình cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ đến cách mạng XHCN. Người đã trở thành linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng rộng rãi và bền vững. Đại đoàn kết dân tộc rõ ràng đã trở thành một nội dung xuyên suốt trong tư tưởng cũng như trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những cống hiến to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Người là một cống hiến đặc sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn.

          Tiến hành thống kê, phân tích bài viết nói về Hồ Chí Minh đã được công bố trong Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập), kết quả cho thấy các bài đề cập vấn đề đại đoàn kết dân tộc chiếm tỉ lệ trên 40% trong tổng số bài của Người. Người đã nhiều lần nói đến đoàn kết, đại đoàn kết: 16 lần trong Sửa đổi lề lối làm việc (tập 5), 17 lần trong Bài nói tại buổi khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt (tập 6), 19 lần trong Diễn văn kỷ niệm Quốc khánh 1957  (tập 8) v.v…

          Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận điểm có tính triết lý như:

          Đoàn kết làm ra sức mạnh; Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta.

          Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi; Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công.

          Đoàn kết là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt…

        Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công.         

        

      Dân ta xin nhớ chữ đồng:

      Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh

          Còn đối với mỗi người dân Việt Nam thì yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết cũng đã trở thành một tình cảm tự nhiên, bản sắc riêng của dân tộc mà không phải dân tộc nào cũng có được, như:

          Nhiễu điều phủ lấy giá gương

          Người trong một nước phải thương nhau cùng;

          Hay trở thành một triết lý nhân sinh:

          Một cây làm chẳng nên non

          Ba cây chụm lại thành hòn núi cao;

          Thành một phép ứng xử hết sức tự nhiên, nhưng có tư duy chính trị:

          Tình làng, nghĩa nước

          Nước mất thì nhà tan

          Giặc đến nhà đàn, bà phải  đánh…

          Tất cả đã ghi đậm dấu ấn trong cấu trúc xã hội truyền thống, tạo thành quan hệ nhiều tầng chặt chẽ: gia đình - làng xã - quốc gia (nhà- làng- nước) và trở thành sợi dây liên kết bền chặt các giai tầng trong xã hội Việt Nam.

          Còn tư tưởng tập hợp các lực lượng để đánh giặc ở các anh hùng dân tộc qua các thời kỳ lịch sử khác nhau thì sao? Cũng mang triết lý hết sức sâu sắc, chẳng hạn như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung đã đúc kết nâng lên thành phép đánh giặc giữ nước: “Trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “tướng sỹ một lòng phụ tử”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”… Truyền thống ấy đã được nối tiếp trong tư tưởng tập hợp lực lượng để đánh thắng quân thù xâm lược qua các thời kỳ.

        Như vậy, tôi chỉ làm thống kê chưa đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân Việt Nam, tư tưởng tập hợp lực lượng để đánh giặc của các anh hùng dân tộc, đã cho thấy dù ở thời điểm lịch sử có khác nhau, nội hàm đoàn kết có khác nhau, phạm vi đoàn kết cũng không giống nhau, nhưng nếu không đoàn kết, thống nhất một lòng thì công việc không thể thành công được, đúng như Bác Hồ đã kết luận: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (Hiến pháp năm 2946): “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” (Điều 1); “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia.” (Điều 2).

Trong các bản Hiến pháp sau đó (1959, 1980, 1992) đều tiếp tục quy định vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc như một nội dung có tính nguyên tắc không thể thiếu trong Hiến pháp.

Đến Hiến pháp năm 2013, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa lại được phát huy mạnh mẽ, được quy định một cách cụ thể trong nhiều điều. Đó là:

Điều 5, Hiến pháp năm 2013, quy đinh: "1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước".

Và khoản 1 Điều 9 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn từ góc độ khác, việc tôn trọng quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, tôn trọng khác biệt, hòa nhập tương đồng cũng là sự thể hiện tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều 42 của Hiến pháp 2013 cũng ghi nhận: "Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp"; hay Điều 61 quy định: "Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề. ".

Một số quy định khác, tại  khoản 1 Điều 58, khoản 1 Điều 60, khoản 2 Điều 75 Hiến pháp năm 2013 cũng thể hiện nội dung tư tưởng đại đoàn kết dân tộc. Cụ thể: khoản 1 Điều 58 qui định: “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”; khoản 1 Điều 60: “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.”; và khoản 2 Điều 75: “Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 cũng là quan điểm nhất quán mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã  khẳng định: "Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội".

Các trích dẫn trên đây là những ví dụ điển hình để minh chứng cho thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều Người dặn dò trong Di chúc về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nghiêm túc thực hiện, trong đó có Hiến pháp 2013; qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"./.

                                                           Lê Hằng Vân

Bài viết khác: