Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp, đó là: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. 

Từng bản Hiến pháp đều phát huy được vai trò và sứ mệnh lịch sử trong từng giai đoạn cách mạng khác nhau. Xuyên suốt qua các bản Hiến pháp, nguyên tắc dân chủ - chủ quyền Nhân dân, luôn luôn được khẳng định. Trong Hiến pháp năm 2013 - bản Hiến pháp vừa kế thừa các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp trước đó, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) - chủ quyền Nhân dân một lần nữa được khẳng định và thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn.

Lần đầu tiên trong Hiến pháp, từ Nhân dân được viết hoa, đây không phải là việc ngẫu nhiên hay đơn thuần chỉ là cách sử dụng từ ngữ mà có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, qua đó thể hiện sự tôn trọng, đề cao vai trò, vị trí của Nhân dân - một chủ thể quan trọng của đất nước.

Ngay lời nói đầu của Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “... Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều này đã thể hiện rõ Hiến pháp là sản phẩm của Nhân dân, do Nhân dân xây dựng nên và thi hành, bảo vệ. Và tại Điều 2 với quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…” đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thông qua Hiến pháp Nhân dân giao quyền, Nhân dân ủy quyền quyền lực của mình cho Nhà nước.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp” được ghi nhận và phát triển thành nguyên tắc trong Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6), bằng biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp (Điều 29 và Điều 120).

Hiến pháp tiếp tục khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn phải “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4). Đây là điểm mới quan trọng, vì nước ta do Nhân dân làm chủ, Nhân dân tin tưởng giao phó trách nhiệm cho Đảng để lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vì vậy, Đảng phải chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về nhiệm vụ được giao của mình.

Thuật ngữ “quyền con người” tuy đã được sử dụng trong Hiến pháp năm 1992, tuy nhiên chưa thể hiện đầy đủ và sâu sắc quan niệm về chủ quyền Nhân dân. Trong Hiến pháp năm 2013, quy định về quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp đặt trang trọng sau Chương I về Chế độ chính trị. Lần đầu tiên trong Hiến pháp nước ta khẳng định các nguyên tắc: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (Điều 14). Để mọi người, công dân thực hiện các quyền của mình thì Hiến pháp quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Chủ quyền Nhân dân còn được thể hiện qua quy định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 69). Qua quy định này đã nhấn mạnh vai trò chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước là Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân và Nhân dân đã ủy thác, trao quyền lực đó cho Quốc hội.

Ngoài ra, Hiến pháp đã đặt nền tảng cho việc hoàn thiện chế độ bầu cử - hình thức dân chủ cao nhất, để cử tri thực hiện đầy đủ hơn, thực chất hơn quyền bầu cử của mình. Theo đó, Hiến pháp đã quy định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, một thiết chế hiến định độc lập để phục vụ cho mục đích này (Điều 117).

Hiến pháp năm 2013 là kết tinh của những giá trị tiến bộ, là tập hợp trí tuệ của tập thể, của Nhân dân. Qua đó đã thể hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Trên cơ sở đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất này, tin rằng đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và quyền làm chủ của Nhân dân sẽ ngày càng phát huy trong thực tiễn.     

Nguyễn Thị Yến Nhi (Phó Giám đốc Sở Tư pháp)

http://www.baodongkhoi.com.vn/

Bài viết khác: