Trên nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH về dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong mối quan hệ giữa nhân dân với nhà nước, Hiến pháp sửa đổi 2013 quy định tại Điều 2: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ XHCN là một hình thức chính trị - nhà nước của xã hội. Trong đó, con người là thành viên trong xã hội được tập hợp và phát huy thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc có đầy đủ tư cách công dân - tư cách làm chủ xã hội và như thế mọi công dân có quyền làm chủ nhà nước mà mình cử ra.
Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong chế độ chính trị tiếp tục được kế thừa, bổ sung, khẳng định và phát triển trong Hiến pháp 2013 tại Điều 9: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, Hiến pháp quy định, các tổ chức thành viên của MTTQ như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khẳng định MTTQ là chỗ dựa vững chắc của nhà nước, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để thống nhất Quyền lực nhà nước.
Bổ sung và phát triển vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong chế độ chính trị là điều kiện để nâng cao vị thế của Mặt trận trong phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, giáo dục và động viên nhân dân đề cao ý thức làm chủ tập thể, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời, cùng với nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước. Các nội dung sửa đổi đảm bảo sự phù hợp với nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó có nội dung về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân ngày 3-4-2009; Tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế to lớn của Mặt trận và Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tạo dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Một trong tám phương hướng cơ bản trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (năm 2011) là “Xây dựng nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận thống nhất”. Trong một chế độ chính trị “xã hội, quốc gia, dân tộc”, Đảng ta xác định dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Trong chế độ dân chủ đó, “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Cương lĩnh chỉ rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận”... Với vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên trên, Mặt trận cùng với Nhà nước là chủ thể đại diện của nhân dân đối với mọi quyền lực trong nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Theo Hiến pháp, sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước (trong đó có MMTQ) trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để thống nhất Quyền lực nhà nước bao hàm cả giám sát và phản biện xã hội, tham gia vào quản lý nhà nước nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hạn chế quyền lực nhà nước. Phản biện xã hội là xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; tham gia vào việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách, quyết định lớn của Đảng; phản biện các dự án sửa đổi bổ sung Hiến pháp, luật và pháp lệnh cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác. Giám sát hoạt động của Đảng, hoạt động của Nhà nước, của cán bộ công chức trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực chất, giám sát là chống các bệnh quan liêu, cửa quyền, lạm quyền, mất dân chủ và tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hậu quả của những hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chủ tịch vào tháng 10-1947, Người dạy cán bộ, đảng viên cách lãnh đạo và kiểm soát: “Muốn chống bệnh quan liêu; bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không; thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm; ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.
Với vị trí và thành phần của Mặt trận cho thấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện kiểm soát một cách hệ thống thường xuyên và bằng pháp luật đối với quyền lực nhà nước; là cơ sở để nhân dân giám sát và phản biện; nhằm nâng cao hiệu lực giám sát và chất lượng hiệu quả phản biện của nhân dân, vừa nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của nhân dân vừa tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
http://baovinhphuc.com.vn/