Ngày nay, bảo vệ môi trường ngày càng được các cá nhân, cơ quan, tổ chức mà đặc biệt là Nhà nước quan tâm. Chính vì vậy, không chỉ pháp luật các nước mà Hiến pháp cũng từng bước ghi nhận và bảo đảm chính sách bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, pháp luật bảo vệ môi trường đang dần được cụ thể hóa trong các bản Hiến pháp.
Việc xác định bảo vệ môi trường cần làm rõ môi trường là gì, theo quy định của pháp luật và Hiến pháp thì môi trường được hiểu theo nghĩa nào. Theo tác giả, về cơ bản, môi trường là không gian sống của con người và sinh vật. Trong quá trình tồn tại và phát triển con người cần có các nhu cầu tối thiểu về không khí, độ ẩm, nước, nhà ở... cũng như các hoạt động vui chơi giải trí khác. Tất cả các nhu cầu này đều do môi trường cung cấp. Tuy nhiên khả năng cung cấp các nhu cầu đó của con người là có giới hạn và phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng quốc gia và ở từng thời kì[1].
Môi trường là một tổ hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh bên ngoài của một hệ thống nào đó. Chúng tác động lên hệ thống này và xác định xu hướng và tình trạng tồn tại của nó. Môi trường có thể coi là một tập hợp, trong đó hệ thống đang xem xét là một tập hợp con. Môi trường của một hệ thống đang xem xét cần phải có tính tương tác với hệ thống đó. Một định nghĩa rõ ràng hơn như: Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người như: không khí, nước, độ ẩm, sinh vật, xã hội loài người và các thể chế. Nói chung, môi trường của một khách thể bao gồm các vật chất, điều kiện hoàn cảnh, các đối tượng khác hay các điều kiện nào đó mà chúng bao quanh khách thể này hay các hoạt động của khách thể diễn ra trong chúng.[2]
Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi, sông, biển cả, không khí, động, thực vật, đất, nước... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng cây, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần thiết cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hoá các chất thải, cung cấp cho ta cảnh đẹp để giải trí, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú.
Môi trường xã hội là tổng thể các quan hệ giữa người với người. Đó là những luật lệ, thể chế, cam kết, quy định, ước định... ở các cấp khác nhau như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các nước, quốc gia, tỉnh, huyện, cơ quan, làng xã, họ tộc, gia đình, tổ nhóm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức đoàn thể,... Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc sống của con người khác với các sinh vật khác.
Ngoài ra, người ta còn phân biệt khái niệm môi trường nhân tạo, bao gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống, như ôtô, máy bay, nhà ở, công sở, các khu vực đô thị, công viên nhân tạo...
Môi trường theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người, như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội...
Môi trường theo nghĩa hẹp không xét tới tài nguyên thiên nhiên, mà chỉ bao gồm các nhân tố tự nhiên và xã hội trực tiếp liên quan tới chất lượng cuộc sống con người. Ví dụ: Môi trường của học sinh gồm nhà trường với thầy giáo, bạn bè, nội quy của trường, lớp học, sân chơi, phòng thí nghiệm, vườn trường, tổ chức xã hội như: Đoàn, Đội. Các hương ước dòng tộc, làng xóm với những quy định thành văn hoặc chỉ truyền miệng nhưng vẫn được công nhận, thi hành. Với các cơ quan hành chính các cấp thực hiện các quy định của luật pháp, nghị định, thông tư. Tóm lại, môi trường là tất cả những gì có xung quanh ta, cho ta cơ sở để sống và phát triển.
Lịch sử bảo vệ môi trường thế giới được ghi nhận bắt đầu từ những năm 1960. Những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống. Hội nghị của Liên Hợp Quốc về con người và môi trường tổ chức tại Stockholm (Thủ đô Thuỵ Điển) trong thời gian 5-6/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường. Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cũng đã được thành lập vào ngày 5/6/1972. Kể từ đó, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 5/6 hàng năm làm ngày Môi trường Thế giới và khuyến khích những người dân, Chính phủ và các tổ chức của tất cả các nước trên thế giới tổ chức các hoạt động nhằm cải thiện môi trường ở nước mình trong ngày này. Bắt đầu từ năm 1987, để khuyến khích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn thể nhân dân trên thế giới, Liên Hợp Quốc đã phát động thêm Lễ trao giải thưởng Global 500 được tổ chức vào đúng ngày môi trường thế giới tại thành phố được chọn làm trung tâm tổ chức lễ kỷ niệm ngày này trên thế giới. Hàng năm, Liên Hợp Quốc sẽ chọn ra những người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường để trao Giải thưởng Global 500.
Hoà chung vào tinh thần bảo vệ môi trường của thế giới, Hiến pháp 1980 đã bắt đầu ghi nhận các quy định về môi trường. Điều 36, Hiến pháp 1980 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sống.” Như vậy, ngay tại Hiến pháp 1980, nước ta đã rất coi trọng chính sách bảo vệ môi trường. Trách nhiệm bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ và cải thiện môi trường sống được giao cho toàn bộ các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân.
Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã có những quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ môi trường. Điều 29 của Hiến pháp nước ta quy định:
“Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường”.
Như vậy, Hiến pháp đã quy định nghĩa vụ “bảo vệ môi trường” là một nghĩa vụ pháp lý của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống con người, sinh vật và sự phát triển đất nước. Hoạt động bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân,bảo đảm quyền con người sống trong môi trường trong lành và góp phần phục vụ sự phát triển bền vững của xã hội Việt nam. Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Mọi tổ chức cá nhân có trách nhiệm bảo vệ môi trường,thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường. Trong Hiến pháp 1992 đã nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường.
Hiện thực hoá Hiến pháp 1992, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã được ban hành. Đồng thời, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khẳng định rõ: “Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự tiếp nối truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên của cha ông ta”
“Bảo vệ môi trường vừa là nhiệm vụ phức tạp, vừa cấp bách, có tính liên ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”.
“Công tác bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành...".
Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 còn nêu rõ: “Bảo vệ môi trường mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên phải kết hợp giữa phát huy nội lực và tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.
Hiến pháp 2013 được ban hành có rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường và được quy định tại các Điều 43, 50 và 63, Cụ thể:
Điều 43 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.” Việc quy định tại điều 43 (chương II quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã khẳng định quyền được sống trong môi trường trong lành cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người. Khi Nhà nước ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người cũng có nghĩa là Nhà nước ghi nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Theo quy định tại Điều 96, Hiến pháp 2013 thì Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về môi trường. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ mà Hiến pháp đã bước đầu quy định cho Chính phủ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới cần rất nhiều các quy định để ghi nhận cũng như đảm bảo nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, nghĩa vụ bảo vệ môi trường cũng là một nghĩa vụ cơ bản của mọi người, không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, dòng máu...
Đồng thời, Hiến pháp 2013 có Chương III quy định về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Điều 50, Hiến pháp 2013 cũng có quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.” Như vậy, việc quy định tại Chương III của Hiến pháp cho thấy Nhà nước ta đã và đang đánh giá cao tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội là rất quan trọng nhưng cũng cần đảm bảo việc bảo vệ môi trường. Như vậy, thông qua hoạt động bảo vệ môi trường mà việc xây dựng kinh tế, xã hội của đất nước được đảm bảo. Việc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội với mục tiêu phát triển bền vững thì không thể tách rời với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, với quy định tại Điều 50, Hiến pháp 2013, các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ được gắn liền với công tác bảo vệ môi trường mà không bị tách rời.
Đặc biệt tại Điều 63, Hiến pháp 2013 quy định: “1. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.”
Khác với các quy định khác về vấn đề này trong Hiến pháp năm 2013, Điều 63 đã khẳng định được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ môi trường cũng được đặt các mục tiêu cụ thể, rõ ràng là: quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên là mục tiêu quan trọng của chính sách bảo vệ môi trường. Việc khai thác, quản lý, sử dụng phải có giá trị hiệu quả nhưng đồng thời cũng cần đảm bảo sự bền vững của tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Với mục tiêu như vậy, thì các văn bản pháp luật cũng như thực tế triển khai thi hành cần phải có sự thống nhất trong chính sách bảo vệ môi trường.
Đồng thời, mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học cũng được ghi nhận trong các quy định về bảo vệ môi trường. Thực tế quy định này chính là những đảm bảo của Nhà nước đối với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Thậm chí, trường hợp nếu có những đề án, dự án có nguy cơ làm mất sự đa dạng sinh học thì cơ quan có thẩm quyền hay người dân đều có thể có ý kiến về việc đảm bảo sự đa dạng sinh học theo quy định của Hiến pháp.
Biến đổi khí hậu chính là một hậu quả nặng nề của việc tàn phá môi trường. Chính vì vậy, để chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu thì Hiến pháp 2013 đã quy định rõ nội dung này. Thông qua quy định của Hiến pháp mà Nhà nước cần triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo chủ động trong phòng chống thiên tai cũng như có các chiến lược, quy hoạch nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoạt động bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay vẫn đang còn là lĩnh vực hoạt động mới. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường biện pháp giáo dục, thuyết phục đồng thời khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đảm bảo cho các đạo luật có hiệu lực thi hành trên thực tế, thì các biện pháp cưỡng chế là không thể thiếu, do đó Hiến phápquy định theo hướng: tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. Một ví dụ điển hình cho hoạt động bảo vệ môi trường là ở Singapore cũng đã đặt ra các biện pháp cưỡng chế khác nhau cho các mức vi phạm pháp luật về môi trường như: Biện pháp xử lý hình sự; Hình phạt tiền[3]; Hình phạt tù[4]; Tạm giữ và tịch thu; Lao động cải tạo bắt buộc; Biện pháp hành chính. Ngoài ra, các đạo luật về môi trường của Singapore cũng quy định phạt tiền một cách rất linh hoạt đối với các vi phạm ít nghiêm trọng, đó là việc cho phép người vi phạm trả một khoản tiền thích hợp cho Bộ Môi trường Singapore và vụ việc sẽ tự kết thúc mà không phải đưa ra Toà[5]. Do đó, việc bảo vệ môi trường sẽ chỉ có thể đi vào thực tế nếu có sự triển khai đồng bộ trong cả văn bản pháp luật cũng như thực thi pháp luật.
Như vậy, trải qua các giai đoạn khác nhau thì quy định trong các bản Hiến pháp về bảo vệ môi trường là khác nhau. Tuy nhiên, một thực tế là trong các quy định của Hiến pháp, càng gần thời điểm hiện tại thì quy định về bảo vệ môi trường càng được ghi nhận nhiều. Đồng thời, các biện pháp bảo đảm để bảo vệ môi trường cũng dần được tăng lên. Nếu như trong các Hiến pháp 1945 và Hiến pháp 1959 chưa có quy định về nội dung bảo vệ môi trường thì Hiến pháp 1980 đã được ghi nhận. Hiện nay, Hiến pháp không chỉ quy định vấn đề bảo vệ môi trường mà còn quy định các biện pháp nhằm bảo đảm mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều phải đảm bảo nguyên tắc chịu trách nhiệm về hoạt động liên quan đến môi trường. Chính vì vậy, trong thời gian tới, hoạt động lập pháp cũng cần có các chế tài cụ thể, nghiêm khắc hơn cho các hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
ThS. Trần Minh Trọng - Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp
[1] wikipedia
[2] Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005
[3] Theo các đạo luật ở Singapore thì có nhiều mức độ vi phạm và các mức phạt tiền khác nhau, tuỳ thuộc vào các đạo luật khác nhau và mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra. Ví dụ trường hợp đổ rác nơi công cộng, nếu bị Toà án kết tội thì người vi phạm sẽ bị phạt đến 10.000$ với vi phạm lần đầu và nếu tái phạm sẽ bị phạt tới 20.000$.
[4] Ví dụ: theo Đạo luật về môi trường sức khoẻ cộng đồng và Đạo luật kiểm soát ô nhiễm thì những người vi phạm lần đầu bị buộc tội về hành vi đưa chất thải hoặc các chất độc hại vào nguồn nước ngầm có thể bị phạt tù đến 12 tháng. Đối với những người tái phạm thì có thể bị phạt tù với chế độ khắc nghiệt từ 1 đến 12 tháng.
[5] Pháp luật về bảo vệ môi trường ở Singapore,
Theo moj.gov.vn