Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019, trong đó nêu rõ quan điểm nhất quán không tham gia liên minh quân sự, đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động cho rằng đó là “hành động tự trói”, không phù hợp với xu thế của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần phải thay đổi. Thực chất đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta.

lien minh quan su 1
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một minh chứng điển hình cho việc phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thị sát bên trong tàu ngầm Hải Phòng (Lữ đoàn Tàu ngầm 189), trong chuyến thăm, làm việc với các đơn vị Vùng 4 Hải quân, năm 2016). Ảnh: TTXVN

Phải chăng không liên minh quân sự là đi ngược lại xu thế của thời đại?

Liên minh quân sự là sự liên kết hoạt động quân sự giữa hai hoặc nhiều nước hay tập đoàn chính trị trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích. Liên minh quân sự có thể tổ chức thành khối quân sự hoặc chỉ là đơn vị chiến đấu chung. Tùy thuộc vào mục đích chính trị, liên minh quân sự có thể là tiến bộ hay phản động, tự vệ hay xâm lược1. Lịch sử quân sự và chiến tranh trên thế giới cho thấy, liên minh quân sự là một hiện tượng khá phổ biến giữa các quốc gia, có thể là nhất thời trong những giai đoạn ngắn, nhưng cũng có thể tồn tại lâu dài. Tựu trung, tính bền vững của một liên minh quân sự phụ thuộc vào cục diện quan hệ quốc tế hiện hành và mục đích, tính toán cụ thể của mỗi quốc gia tham gia liên minh. Nhân loại đã từng biết đến nhiều kiểu loại và cấp độ liên minh quân sự khác nhau: Có liên minh nhằm bảo vệ hòa bình, tự vệ, chống xâm lược; có liên minh để xâm lược, nô dịch quốc gia khác; có liên minh giữa các lực lượng, các dân tộc hoặc giữa các quốc gia, các khu vực; có liên minh ở dạng gián tiếp, hỗ trợ, răn đe; có liên minh dạng trực tiếp tham chiến. Ngoài ra, còn có cả liên minh quân sự dựa trên sự hòa hoãn tạm thời hoặc giả bộ hoãn binh, “tọa sơn quan hổ đấu”; thậm chí trong một số tình huống cụ thể, liên minh còn là “vỏ bọc” để nước này bất ngờ tấn công một nước khác.

Thời gian vừa qua, khi Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng 2019 và trước những diễn biến phức tạp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo, một số người núp dưới danh nghĩa “tư vấn”, “góp ý kiến”, đã đưa ra yêu sách, đòi hỏi phi lý rằng Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập và tham gia liên minh quân sự với nước ngoài, rằng không liên minh quân sự là đi ngược lại xu thế của thời đại. Họ “lập luận” rằng, các lực lượng vốn là cựu thù của Việt Nam trước đây thì trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đã trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam; trái lại, có nước tuy là đối tác của Việt Nam nhưng đang có mưu đồ, dã tâm thôn tính lãnh thổ Việt Nam. Họ “biện bạch” rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, không liên minh quân sự là lỗi thời, lạc hậu. Thế giới đã chứng kiến có những thế lực từng là kẻ thù của nhân loại thì trong giai đoạn mới này đang có những liên minh, liên kết chặt chẽ để khẳng định vị thế, vai trò, “tiếng nói” quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Do đó, họ ra sức “khuyên can”, “hiến kế” với Đảng, Nhà nước ta nên liên minh quân sự, bằng mọi giá phải liên kết với nước này thì mới kiềm chế, đối phó được với nước kia để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Không tham gia liên minh quân sự là “đường lối sai lầm”, “đối sách nhu nhược”, tự dâng non sông cho nước khác, tự cô lập mình, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn trong bảo vệ Tổ quốc. Thậm chí, họ còn suy diễn đây là một trong những “điều khoản thỏa thuận” được ký kết giữa Việt Nam với một số nước mà ta đang chịu sự “chi phối”, “lệ thuộc”; từ đó “kiến nghị”, đòi hỏi lực lượng vũ trang nhân dân cần phải thay đổi, xác định lại đối thủ, không biến “thù” thành “bạn” hoặc coi “bạn” là “thù”...

Liệu đây có phải là điều cần thiết đối với Việt Nam lúc này hay không? Phải chăng chỉ có liên minh quân sự mới bảo vệ được chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc? Không quá khó để tìm ra lời giải cho những câu hỏi trên khi bóc gỡ “màn kịch” vụng về của những kẻ mưu toan “đục nước béo cò”, tìm cách hướng lái Việt Nam sang “quỹ đạo khác” trong thực hiện chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ cho những dã tâm thâm hiểm của chúng. Thực chất đó là những hành động “mượn gió bẻ măng”, “hoa ngôn xảo ngữ”, kích động sự chống phá trong dư luận xã hội. Một số người do ngộ nhận, thiếu thông tin chính xác, đầy đủ nên “té nước theo mưa” bình luận, tung hô, đã vô tình cổ xúy, hùa theo với những nghi vấn “vì sao không liên minh quân sự nếu như đất nước có chiến tranh thì sao?” hay như vậy có phải là “tự hạn chế sức mạnh, trói buộc mình trước những liên minh xâm lược không?” mà không hề biết đó là thủ đoạn nham hiểm, mưu mô do các thế lực thù địch, phản động bày ra. Nhiều bài học trong lịch sử về tham gia liên minh quân sự nhưng bị chính các đồng minh phản bội, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia đến nay vẫn còn nguyên giá trị hiện thực.

lien minh quan su 2
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không xuất phát từ tham gia liên minh quân sự mà là sức mạnh nội lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường (Trong ảnh: Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-9-2020). Ảnh: TTXVN

Liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới không tham gia liên minh quân sự và liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đây là quan điểm nhất quán và sự khẳng định đó xuất phát từ một số lý do cơ bản:

Thứ nhất, liên minh quân sự tuy là một vấn đề khá phổ biến với nhiều nước nhưng luôn bao hàm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Tính hai mặt của liên minh quân sự luôn đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, gây nguy hại đến mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và an ninh của các quốc gia, các khu vực và toàn thế giới. Trong đó, về mặt tích cực, liên minh quân sự có thể làm gia tăng sức mạnh quân sự, quốc phòng; tạo sự chuyển hóa về thế trận và lực lượng quân sự trên chiến trường để thực hiện các chiến lược chiến tranh hay chiến dịch quân sự cả trong tiến công và phòng ngự; tạo thêm uy tín, vị thế và sức mạnh cho quốc gia tham gia liên minh. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, liên minh quân sự trực tiếp khiến căng thẳng gia tăng, làm xuất hiện tình trạng đối đầu giữa các nước trong và ngoài liên minh, nhất là khi giữa các nước, các khối quân sự vốn có những mâu thuẫn về lợi ích. Khi hai quốc gia cùng tham gia một liên minh có thể bị một nước thứ ba coi đó là hành động thù địch và hệ quả rất khó lường. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc các nước, các khối quân sự công khai hoặc ngầm gia tăng tiềm lực, thực lực, chạy đua vũ trang, tăng cường sự hiện diện quân sự, đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích, tạo cớ; kéo quốc gia, khu vực và cả nhân loại đến gần hiểm họa chiến tranh. Ngoài ra, nếu tham gia liên minh quân sự có thể dẫn đến nguy cơ bị tấn công bất ngờ bởi chính các đồng minh nếu chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt, khi tham gia liên minh, các nước tuy nằm trong một khối quân sự chung nhưng luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của nước lớn, có tiềm lực mạnh trong liên minh và phải tuân thủ các nguyên tắc của liên minh, kể cả khi nguyên tắc ấy không phù hợp với lợi ích quốc gia mình. Mỗi thành viên, nhất là các nước nhỏ yếu sẽ không còn sự độc lập, tự chủ về những vấn đề cơ bản của quốc gia mà dễ trở thành “con tốt trên bàn cờ” để các nước lớn, các tập đoàn quân sự hùng mạnh thỏa hiệp với nhau, thực thi chính sách lôi kéo, ép buộc, khống chế các nước nhỏ trong liên minh. Trong khi thực tế không có nước nào chấp nhận hy sinh lợi ích của dân tộc mình vì lợi ích của nước khác, kể cả nước đó là đồng minh chiến lược của mình. Thêm nữa, nguyên nhân dẫn đến xung đột, leo thang quân sự ở nhiều nơi trên thế giới xuất phát từ việc chính phủ và người dân ở những nơi này không đề cao nguyên tắc độc lập dân tộc, quyền tự quyết của quốc gia, mà lại trông chờ sự cứu giúp của các lực lượng bên ngoài. Đằng sau sự giúp đỡ tưởng như vô tư đó là hàng loạt toan tính, mưu đồ, tham vọng về lợi ích, quyền lực của các cường quốc. Theo đó, hòa bình, ổn định chưa thấy mà hậu quả là sự chia cắt, bất ổn, nội chiến, “nồi da nấu thịt”,... hiện hữu, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Và như vậy, “lợi bất cập hại”, “hại” sẽ nhiều hơn “lợi” khi tham gia liên minh quân sự, nhất là trong giữ vững độc lập, tự chủ, môi trường hòa bình, ổn định của đất nước.

Thứ hai, liên minh quân sự không phải là giải pháp tối ưu trong bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Việc tham gia liên minh hay không, liên minh với nước nào, lúc nào, như thế nào, để làm gì, liên minh đến đâu là tùy thuộc các yếu tố khách quan, chủ quan của từng thời kỳ lịch sử; phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc và nhất là phụ thuộc rất lớn vào chính sách quốc phòng cũng như các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước đó. Liên minh quân sự không phải là tất yếu và cũng không hề có cái gọi là bắt buộc phải liên minh quân sự giữa các nước. Trong lịch sử, đã có việc một số nước lớn lợi dụng liên minh quân sự để thỏa hiệp, mặc cả, đổi chác với nhau vì lợi ích dân tộc hẹp hòi của họ; thông qua viện trợ quân sự để có những động thái chi phối, tác động đến hoạt động quốc phòng, phương thức tác chiến của quân đội ta. Cho nên, việc tìm kiếm hay tham gia các liên minh quân sự không phải là giải pháp tối ưu, hiệu quả để bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không thể dựa vào bất kỳ liên minh nào, hiệp ước nào, càng không thể trông chờ vào nước ngoài mà phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, thực lực của đất nước, con người Việt Nam. Do đó, chúng ta không lựa chọn và cũng không chủ trương tham gia liên minh quân sự hoặc dùng liên minh quân sự để bảo vệ Tổ quốc. Trong bảo vệ Tổ quốc, chúng ta nhất quán chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, gia tăng hợp tác, tránh xung đột, đối đầu và bị cô lập, lệ thuộc; tăng cường sự hiểu biết, xây dựng sự đồng thuận và lòng tin quốc tế, mở rộng mặt đồng thuận để thu hẹp, rút ngắn mặt mâu thuẫn, khác biệt; thực hiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng đối ngoại quốc phòng với nhiều quốc gia trên thế giới ở những mức độ khác nhau dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng phát triển. Những biện pháp vừa cương quyết, vừa khéo léo, mềm dẻo của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế có liên quan đến lợi ích quốc gia  - dân tộc đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối đối ngoại quốc phòng và xử lý các vấn đề tranh chấp. Nếu tham gia liên minh quân sự sẽ phải chấp nhận để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, sử dụng một phần lãnh thổ, trở thành “bàn đạp” để nước ngoài phát động chiến tranh xâm lược nước khác, rất dễ bị lôi kéo vào mâu thuẫn, xung đột giữa các nước. Tham gia liên minh quân sự nghĩa là đi theo bên này và có thể đối đầu với các bên khác, tức là đã chuốc thêm kẻ thù. Chúng ta không đứng về bên nào, chỉ đứng về phía hòa bình, công lý, lẽ phải và tiến bộ theo luật pháp quốc tế. Cho nên, những ý kiến cho rằng, Việt Nam phải tham gia liên minh quân sự bằng cách “bắt tay” với nước ngoài để “giữ lấy Biển Đông” là không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng, đi ngược lại xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển mà Việt Nam kiên trì theo đuổi. Thực chất, đây là âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch, núp bóng vỏ bọc “yêu nước”, “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” mà chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, đấu tranh kiên quyết, không để bị lừa gạt, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc.

Thứ ba, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không xuất phát từ tham gia liên minh quân sự mà là sức mạnh nội lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Việt Nam xây dựng nền quốc phòng dựa trên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, lấy sức mạnh nội lực của dân tộc là chính, coi trọng xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần, sự đoàn kết thống nhất, cả nước đồng lòng, toàn dân một ý chí. Đó chính là việc quy tụ “ý Đảng, lòng dân”, xây dựng “thế trận lòng dân”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”. Phát huy sức mạnh chính nghĩa thống nhất với bản chất tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và lòng nhân ái, khoan dung của người Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một minh chứng điển hình cho việc phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn ấy còn khẳng định một chân lý: Khi nào kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, “cả nước chung sức”, “trên dưới đồng lòng”, “anh em hòa mục” thì chủ quyền đất nước được giữ vững và ngược lại. Trong tiến trình cách mạng của dân tộc, có lúc chúng ta liên minh chiến đấu cùng chống lại kẻ thù chung và xem đây là một trong những phương thức để bảo vệ Tổ quốc ở những thời điểm nhất định2. Trong giai đoạn mới hiện nay, chúng ta tiếp tục “phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”3; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Quán triệt và vận dụng đúng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, kiên định về nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược; đan xen lợi ích và duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn; không để đất nước rơi vào thế bị bao vây, cô lập, lệ thuộc; thực hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây không những là bài học kinh nghiệm quý báu, mà còn là yếu tố căn bản, cội nguồn sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

lien minh quan su 3
Việt Nam xây dựng nền quốc phòng dựa trên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, lấy sức mạnh nội lực của dân tộc là chính, coi trọng xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần, sự đoàn kết thống nhất, cả nước đồng lòng, toàn dân một ý chí (Trong ảnh: Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 113 luyện tập ngụy trang hòa lẫn với môi trường xung quanh khi đột nhập mục tiêu). Ảnh: TTXVN

Thứ tư, không tham gia liên minh quân sự bởi quốc phòng Việt Nam “mang tính chất hòa bình và tự vệ”4. Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng “bốn không”: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”5. Kiên trì đường lối quốc phòng với mục đích tự vệ và tính chất hòa bình, chính nghĩa, tiến bộ, phù hợp với quyền cơ bản của các quốc gia, dân tộc theo nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Một mặt, chúng ta lên án, phản đối các hành động gây hấn, tạo cớ, xung đột, chạy đua vũ trang; mặt khác, chúng ta luôn chủ trương không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tránh những va chạm không cần thiết, giữ vững quan điểm, không để bị các đối tượng nước ngoài khiêu khích, kích động, thỏa hiệp với nhau xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc hoặc lôi kéo, khống chế, gây sức ép với nước khác tiến hành phát động chiến tranh ủy nhiệm đối với Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thông lệ quốc tế; đồng thời, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc nếu bị xâm phạm. Đây là vấn đề cốt lõi để xây dựng lòng tin, là cơ sở đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới, khẳng định rõ khát vọng và thiện chí cùng chung sống hòa bình, hợp tác, phát triển của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Thực hiện nhất quán đường lối tăng cường hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung

Chính sách quốc phòng không liên minh quân sự không phải bất biến, cứng nhắc mà luôn có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn. Hiện tại, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để quản trị được tình hình an ninh, không để phát sinh xung đột và xảy ra chiến tranh; nhưng khi đất nước xảy ra nguy cơ chiến tranh thì Đảng, Nhà nước sẽ hoạch định những chiến lược, chính sách quốc phòng phù hợp. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, chúng ta sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Tăng cường hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, giải quyết các thách thức an ninh chung và luôn coi đó là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế; đồng thời, tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác để giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trong các hoạt động giải trừ quân bị, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chạy đua vũ trang, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi trong quan hệ với các nước theo luật pháp quốc tế; hoan nghênh và ủng hộ những sáng kiến nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam luôn nỗ lực tham gia giải quyết các vấn đề chung của khu vực, thế giới; tích cực, chủ động đóng góp nhiều sáng kiến, định hình cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh phù hợp với khả năng và lợi ích của quốc gia, nhất là với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; mở rộng phạm vi, quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác. Coi trọng và từng bước tham gia các cơ chế quốc phòng, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU). Tham gia sâu rộng Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-la, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM, ADMM+).

lien minh quan su 4
Các chiến sĩ "Mũ nồi xanh" thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam làm nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Nam Sudan. Nguồn: baotintuc.vn

Ở cấp độ toàn cầu, từ năm 1991, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và từ năm 2014, Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết với các nước; đồng thời, thiết lập và duy trì đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng các nước để trao đổi thông tin, giải quyết những vấn đề tồn đọng. Đến nay, chúng ta đã cử nhiều lực lượng (trong đó có 37 sĩ quan quân đội) tham gia các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng; tổ chức triển khai hai bệnh viện dã chiến cấp hai (mỗi bệnh viện có biên chế gồm 63 quân nhân) tại phái bộ Nam Xu-đăng và đang tích cực chuẩn bị đội công binh để triển khai theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ đối ngoại quốc phòng với trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ; đặt văn phòng Tùy viên quân sự tại Liên hợp quốc và 37 quốc gia khác; có 49 quốc gia đặt văn phòng Tùy viên quân sự tại Việt Nam6. Việt Nam cùng các quốc gia khác tổ chức thành công nhiều đợt huấn luyện, diễn tập thực địa về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, chống dịch bệnh; diễn tập về an ninh hàng hải và chống khủng bố tại nhiều quốc gia, như Ấn Độ, Bru-nây, Xin-ga-po, Thái Lan; tham gia giao lưu, kết nghĩa biên cương thắm tình hữu nghị với các nước láng giềng;... Đây là những việc làm thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế./.

TS. Nguyễn Danh Phương* - Trần Đức Tiến **
* Đại tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng -
** Thượng tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Tâm Trang (st)

1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 610.

2. Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia cùng chống kẻ thù chung là đế quốc, thực dân xâm lược; qua đó, xây đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 147.

4, 5. Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 25.

6. Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Sđd, tr. 25, 26 - 29.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: