Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

a-bh-t-pn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu phụ nữ dự
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, tháng 2 năm 1951

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Người. Trong di sản vô giá tư tưởng Hồ Chí Minh, có một bộ phận quan trọng là tư tưởng của Người về phụ nữ đã và đang được Đảng và Nhà nước cũng như toàn thể phụ nữ Việt Nam lấy đó làm tấm gương để học tập, rèn luyện và phấn đấu.

Người đã 745 lần nhắc đến từ “nữ” trong các tác phẩm của mình, trong đó có 440 lần là “phụ nữ”,  20 lần là “thiếu nữ”, 3 lần là “thanh nữ” và để chỉ “cán bộ phụ nữ”, “vấn đề phụ nữ”, “công tác phụ nữ”... Có 726 lần Người nhắc đến từ “bà” trong các khái niệm “bà cụ”, “cụ bà”, “bà mẹ”, “bà già, trẻ em”, “Bà Trưng”, “Bà Triệu” và bà với tư cách là một nhân vật cụ thể. Có 255 lần Người nhắc đến từ “gái” trong các khái niệm“em gái”, “cháu gái”, “bé gái”, “dân quân gái”, “thanh niên gái”, “ý tá gái”...  Người cũng có 226 nhắc đến từ “mẹ” và 169 lần nhắc đến từ “vợ”...

Bác đã quan tấm đến người phụ nữ ở mọi phương diện của cuộc sống như: Đưa quyền bình đẳng nam nữ vào trong Hiến pháp năm 1946 để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, một hiến định đầu tiên dành cho phụ nữ Việt Nam kể từ khi dựng nước đến giờ; hay quan tâm đến chị em phụ nữ bằng những hành động thiết thực như cho đi học tập, vận động tham gia vào các sinh hoạt chính trị, để có thể sánh ngang hàng với nam giới gánh vác công việc quốc gia đại sự.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi của Hồ Chủ tịch chỉ với một mong muốn là đem lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam và giải phóng phụ nữ Việt Nam một cách toàn diện và triệt để khỏi thân phận nô lệ của đế quốc thực dân, thân phận nô lệ của một người phụ nữ phong kiến – lớp người phải chịu nhiều áp bức nhất, bất công nhất trong xã hội luôn là khát vọng cháy bỏng trong tâm nguyện của Người. Nhưng muốn được giải phóng, chị em cũng phải đấu tranh, không ngừng học hỏi, đoàn kết, làm trọn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình – đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phụ nữ.

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, chị em phụ nữ hãy cùng nhau đọc lại và suy ngẫm về những điều Bác dạy đối với phụ nữ:

Phụ nữ

Việt Nam phụ nữ đời đời

Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.

Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,

Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.

Bà Triệu Ấu thật anh hùng,

Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.

Mấy năm cách mệnh khẩn trương,

Chị em phụ nữ thường thường tham gia.

Mấy phen tranh đấu xông pha,

Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?

Kìa như chị Nguyễn Minh Khai

Bị làm án tử đến hai ba lần.

Bây giờ cơ hội đã gần,

Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.

Chị em cả trẻ đến già

Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.

Đua nhau vào hội Việt Minh

Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.

Làm cho thiên hạ biết tên

Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng.

Báo Việt Nam độc lập, số 104, ngày 1-9-1941.

“Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào "Nông dân Cứu quốc hội". Thanh niên phải vào "Thanh niên Cứu quốc hội". Phụ nữ vào "Phụ nữ Cứu quốc hội". Trẻ con vào "Nhi đồng Cứu quốc hội". Công nhân vào "Công nhân Cứu quốc hội". Binh lính vào "Binh lính Cứu quốc hội". Các bậc phú hào văn sĩ vào "Việt Nam Cứu quốc hội".

Những hội ấy do Việt Nam Độc lập đồng minh lãnh đạo. Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức. Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại!!!”

Báo Việt Nam độc lập, số 113, ngày 21-12-1941

 Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người phân tích: Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Người khen ngợi phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước. Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH. Người phê bình: Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền. Người căn dặn: Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật. Người luôn khuyến khích chị em tự mình cố gắng vươn lên khẳng định mình. Điều đó thể hiện sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn theo sát, cổ vũ các phong trào của phụ nữ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Nói chuyện tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm Tốt” vào ngày 30-4-1964, Bác Hồ đã giúp phụ nữ nhận thức rõ: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”.

Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 - Quê hương của chị Hai Năm tấn, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Bác nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”.

Bác không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong mọi quan hệ xã hội mà còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng, khuyên giới nữ ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Trong dịp gặp gỡ với cán bộ tỉnh Hà Tây vào ngày 10-2-1967, Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.

 Tại buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18-1-1967, Bác đã nghiêm khắc phê phán những thành kiến hẹp hòi ở một số cán bộ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”.

 Bác đã chỉ ra cho chúng ta thấy, phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước”.

Bác đã biểu dương những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm: “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”. Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Phụ nữ nước ta còn được Bác khen tặng bởi những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trong mọi lĩnh vực... “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo... Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan... Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng...”.

Bác khuyên giới nữ phải tự đấu tranh với bản thân mình, tự mình phải biết tôn trọng mình mới làm nên mọi việc. Bác đã nói: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”.

Bác đã nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến công tác phụ nữ. Di chúc thiêng liêng của Người ghi rõ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Thực hiện lời Di chúc thiêng liêng của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang đặc biệt dành sự quan tâm ưu tiên phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới…

Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Để mỗi phụ nữ không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng có những cương vị cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, xứng đáng với sự quan tâm và tin tưởng của Bác Hồ kính yêu./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: