Hướng tới kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những cái Nhất của phụ nữ dân tộc mình để tự hào và trân trọng.

Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm là ngày truyền thống của tổ chức đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".

***

Người phụ nữ đầu tiên làm vua ở Việt Nam là: Bà Trưng Trắc, bà là con gái một Lạc tướng ở Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Năm 40 của thế kỷ thứ nhất, bà Trưng Trắc đã cùng em gái là Trưng Nhị lãnh đạo nhân dân chống lại sự xâm lược của nhà Hán, thu giang sơn về một mối. Bà xưng Vương và giữ ngôi trong 3 năm. Trong lịch sử, bà Trưng Trắc vẫn được gọi là "Vua bà".

Nữ tướng duy nhất ở Việt Nam thế kỷ 20 là: Bà Nguyễn Thị Định, sinh năm 1920, tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre. Năm 1974, bà là Thiếu tướng, Phó Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, bà là nữ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước) đầu tiên của Việt Nam và là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

tuong Dinh
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định

Nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam: Anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Anh hùng Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 tại xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, bà đã xây dựng và chỉ huy Đội Nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình). Hoạt động hiệu quả, táo bạo dũng cảm, nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”, bà được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương chiến công và năm 1952 được phong là nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang trẻ nhất là: Chị Võ Thị Sáu (1933 - 1952) xứng đáng với danh hiệu này. Ngay từ năm 15 tuổi, chị đã hăng hái tham gia cách mạng, lập nhiều chiến công vang dội. Tháng 5/1950, bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và hành quyết. Năm 1993, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

chi Sau
Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu. Tên tuổi của chị sáng mãi trong lịch sử dân tộc cùng những câu thơ "Giặc mang ra bãi bắn, vẫn ung dung mỉm cười, đầu ngẩng cao bất khuất..."

Người phụ nữ vác đạn nặng nhất trong chiến tranh Việt Nam là: Anh hùng Ngô Thị Tuyển. Anh hùng Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946 tại Nam Ngạn, Hàm Rồng, Thanh Hóa. Chị là nữ dân quân mưu trí, dũng cảm. Ngày 4-4-1965, chị đã vác 2 hòm đạn nặng 98kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng Thanh Hóa.

Bí thư Thành ủy trẻ tuổi nhất Việt Nam là: Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, chị sinh năm 1910 tại Vinh, năm 16 tuổi thoát ly gia đình hoạt động cách mạng. Năm 30 tuổi trở thành Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ lớn. Năm 31 tuổi bị Thực dân Pháp bắt tra tấn và đã anh dũng hy sinh.

Minh Khai
Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai

Người phụ nữ biên soạn cuốn từ điển Hán Nôm cổ nhất Việt Nam là: Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc, bà đã biên soạn cuốn từ điển Hán Nôm “Ngọc âm chí Nam giải nghĩa” ở thế kỷ 16.

Người phụ nữ sáng tác nhiều thơ bằng chữ Nôm nhất Việt Nam là: Nữ thi sỹ Hồ Xuân Hương, bà sinh ra ở thế kỷ thứ 18, được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đầu tiên là: Bà Lê Thị Xuyến, bà sinh năm 1909 tại Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam, là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1946-1956.

Người phụ nữ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lâu nhất là: Bà Nguyễn Thị Thập, sinh năm 1908 tại Long Hưng, Châu Thành, Bến Tre. Có 18 năm là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1956-1974). Bà cũng là nữ đại biểu Quốc hội nhiều khóa nhất (khóa I đến khóa VI) 36 năm làm đại biểu quốc hội, nữ Phó Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam.

Người phụ nữ có nụ cười nổi tiếng nhất Việt Nam là: Chị Võ Thị Thắng, chị sinh năm 1945 tại Tiền Bửu, Bến Lức, Long An. Năm 1968 bị giặc bắt, tuyên án 20 năm tù khổ sai. Trước bản án chị tươi cười và nói: “Tôi sợ chính quyền các ông không đủ thời gian tồn tại để thi hành án của tôi’’. Thực tế đã chứng minh lời nói của chị. Năm 1973, hiệp định hòa bình về Việt Nam được ký kết tại Paris, chị được trao trả tự do. Và là Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch Việt Nam.

chi THang
Chị Võ Thị Thắng và "Nụ cười chiến thắng" lịch sử. Một nụ cười dịu dàng có thể làm rung chuyển cả chế độ cầm quyền của quân xâm lược.

 Người nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên Việt Nam là: Bà Nguyễn Thị Bình. Sinh năm 1927 tại xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ lâm thời tại Hội nghị Paris năm 1973.

Bà mẹ anh hùng chịu đựng nỗi đau lớn nhất trong lịch sử: Mẹ Nguyễn Thị Thứ. Sinh năm 1904, tại xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam. Mẹ có 10 người con (9 con trai, 1 con rể) và hai cháu nội hy sinh trong chiến tranh.

Người phụ nữ Việt nam đầu tiên được tặng danh hiệu Viện sỹ Thông tấn của Hàn Lâm Viện văn chương khoa học và nghệ thuật toàn Châu Âu là: Bà Điềm Phùng Thị, sinh năm 1920 tại Huế. Bà có 36 tượng đài và nhiều tác phẩm điêu khắc. Năm 1993 bà được phong danh hiệu: “Nữ Viện sỹ Thông tấn của Hàn lâm Viện Văn chương khoa học và nghệ thuật toàn châu Âu”.

Lê Xuân Nhương sưu tầm

(Khối 2, Thị trấn Yên Thành – Nghệ An)

Theo http://dantri.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: