Việt Nam là một đất nước bước vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế với “hành trang” là một nền sản xuất lạc hậu, khép kín. Dẫu vậy, sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Những thành tựu kinh tế nổi bật
Trong suốt quá trình chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, với sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, biểu hiện ở việc tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức 6,8%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% đến 7% của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, GDP đạt khoảng 262 tỷ USD vào năm 2019, tăng 18 lần so với năm đầu đổi mới, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.800 USD/người và thuộc các nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 đến 35%).
Kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, các thị trường vận hành thông suốt tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) tập trung sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ lạm phát dần được kiểm soát từ mức ba chữ số những năm đầu của thời kỳ đổi mới xuống mức mục tiêu 4% trong suốt giai đoạn 2016 - 2020. Các thị trường vốn và tiền tệ có bước phát triển mạnh mẽ, hoạt động thông suốt và dần ổn định hơn. Tín dụng tăng trưởng tốt, là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường ngoại tệ được quản lý linh hoạt, tình trạng đô-la hóa giảm dần qua các năm, quỹ dự trữ ngoại hối tăng cao, niềm tin của người dân vào đồng nội tệ được củng cố vững chắc.
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp hơn với mô hình tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống. Không chỉ cơ cấu kinh tế thay đổi mà cơ cấu nội ngành cũng dịch chuyển phù hợp trình độ phát triển của nền kinh tế.
Nhiều động lực tăng trưởng mới được xây dựng bên cạnh khu vực DN nhà nước và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, số DN thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa rộng với nhiều mô hình kinh doanh độc đáo, có hiệu quả. Nguồn nhân lực có kỹ năng, được đào tạo bài bản, có khả năng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh được chú trọng phát triển, tạo tiềm lực phát triển kinh tế hiện đại trên nền tảng khoa học - công nghệ. Hệ thống hạ tầng quốc gia được tập trung nguồn lực xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Bộ máy Chính phủ thực hiện tốt vai trò Chính phủ kiến tạo, nỗ lực xóa bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để tập trung, chuyển hóa nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tiêu dùng nội địa và đầu tư tiếp tục trở thành hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng liên tục, riêng giai đoạn 2011 - 2019 tăng trung bình khoảng 12,8%. Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, thị trường bán lẻ thay đổi dần từ kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng hiện đại, các DN linh hoạt thích ứng sự thay đổi về hành vi mua sắm và thị hiếu của người tiêu dùng, trong đó hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 15 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 10,6%/năm. Vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đạt 20,8% tổng đầu tư xã hội, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh từ 36% năm 2010 lên 46% năm 2020. Nhiều tập đoàn, DN tư nhân đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình có ý nghĩa to lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đem lại nhiều cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ cho khu vực kinh tế trong nước.
Môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng cao. Quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, tiếp cận cơ hội kinh doanh được cải thiện. Chính phủ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng từ hạng 88 năm 2010 lên hạng 70 năm 2019. Môi trường cạnh tranh trong nước từng bước được cải thiện, pháp luật về tố tụng cạnh tranh cũng có những bước tiến, tạo tiền đề giải quyết cho nhiều vụ việc. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 (The Global Competitiveness Report 2019), thì năm 2019, Việt Nam đứng vị trí thứ 67 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng, tăng 10 bậc so với năm trước, ở vị trí 77 trong số 135 với hầu hết các chỉ số được cải thiện.
Tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc
Với tinh thần Việt Nam là bạn và đối tác với mọi quốc gia trên thế giới, nước ta đã đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế, hội nhập kinh tế thế giới với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và tới nay, Việt Nam đã tích cực đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương. Gần đây nhất, Việt Nam đã ký hai hiệp định với tiềm năng rất lớn là EVFTA và RCEP về cả thị trường và sản phẩm xuất khẩu, hứa hẹn duy trì xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu. Việc có quan hệ FTA với các nền kinh tế lớn và phát triển tại các khu vực địa lý khác nhau đã giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại và có được cơ cấu thị trường hợp lý hơn, không quá phụ thuộc vào một khu vực thị trường nào. Trong 10 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ động từng bước chuyển dịch sang các nước có trình độ phát triển cao và cơ cấu hàng hóa nhập khẩu có tính bổ sung cho cơ cấu hàng hóa trong nước. Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019). Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục lên tới 20,1 tỷ USD.
Trong đầu thế kỷ 21, bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội trên bình diện quốc tế đã có nhiều thay đổi, biến động nhanh, không ổn định, mối quan hệ ngày càng phức tạp và không rõ ràng. Tình hình đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thiên tai nghiêm trọng diễn ra trong năm 2020 càng củng cố thêm xu hướng nêu trên. Với tính bất quy luật như vậy, không có một hệ thống giải pháp nào có tính khuôn mẫu và cứng nhắc có thể mang lại hiệu quả đối với công tác điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức được đặc điểm này, Đảng và Nhà nước ta đã xác định cần có các cơ chế tốt hơn để tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc, tạo điều kiện chia sẻ những hệ lụy do cú sốc tạo ra cho nền kinh tế. Việt Nam đã chủ động xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, tạo dựng nền tảng và dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô, từng bước làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, cải thiện vị trí của DN và nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa các thị trường và đối tác thương mại. Có thể nhận thấy, mỗi lần đối mặt với thử thách là một lần nền kinh tế Việt Nam tự học hỏi, kiểm chứng những chính sách và cuộc sống, giữa lý luận và thực tiễn để rút ra được những bài học cho giai đoạn tiếp theo. Văn hóa học tập từ quá trình điều hành chính sách vĩ mô này giúp cho đất nước luôn tránh được sự bị động trước những tình hình mới khó lường.
Giai đoạn 35 năm thực hiện đổi mới có thể được đúc kết lại qua bốn định hướng chiến lược, gồm: Lựa chọn mô hình phát triển; chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ; khai thác hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ; khả năng ứng phó những bất định, khó lường tác động đến quá trình phát triển đất nước.
Nguyễn Đức Kiên
Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Theo Báo Nhân Dân
Đức Lâm (st)