Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 24/01/2025

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin ngừa COVID-19 phục vụ công tác phòng chống đại dịch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua vắc xin phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vắc xin của Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

2. Chính phủ: Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 do Chính phủ ban hành

Theo đó, Chính phủ quyết nghị thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 với các nội dung như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 88/TTr-BTC ngày 24/5/2021.

Chính phủ giao Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành trong ngày 26 tháng 5 năm 2021.

- Phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, chuyển ngay số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 còn lại vào thu của Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 sau khi Quỹ được thành lập.

- Khẩn trương ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý sử dụng Quỹ và hướng dẫn về chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ sau khi Quỹ được thành lập.

3. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 về việc xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Bộ Y tế để phòng, chống dịch COVID-19

Cụ thể, Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 15 tấn Chloramine B từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Bộ Y tế để cấp cho các đơn vị phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

- Tỉnh Bắc Giang: 05 tấn Chloramine B.

- Tỉnh Bắc Ninh: 03 tấn Chloramine B.

- Bộ Y tế: 07 tấn Chloramine B để cấp cho các cơ sở y tế phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Bộ Y tế tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hóa chất khử khuẩn nêu trên theo quy định hiện hành.

P 54
Ảnh minh họa/Internet

4. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quỹ) để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân.

Quỹ do Bộ Tài chính quản lý. Tên giao dịch tiếng Anh của Quỹ: Vietnam Fund for Vacination Prevention of Coronavirus Disease 2019 (viết tắt là VFVC).

Bộ Tài chính ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ, công khai, minh bạch.

Địa vị pháp lý của Quỹ:

- Quỹ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Quỹ có tư cách pháp nhân; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

Chức năng của Quỹ: Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.

Tổ chức bộ máy và nguyên tắc hoạt động của Quỹ:

- Bộ máy quản lý Quỹ sử dụng cán bộ, công chức của Bộ Tài chính, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ do ngân sách nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ.

- Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

- Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

- Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ nhưng phải đảm bảo an toàn.

Nhiệm vụ của Quỹ:

- Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ để hỗ trợ, tài trợ hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 theo quy định.

Nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ:

- Nguồn thu của Quỹ, bao gồm:

+ Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin, các loại hình vật chất khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ;

+ Các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Nhiệm vụ chi của Quỹ: Sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.

- Thẩm quyền quyết định chi của Quỹ:

+ Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi từ Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 theo quy định.

+ Bộ Tài chính xuất Quỹ để chi theo nội dung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ hồ sơ đề nghị của Bộ Y tế.

Chế độ báo cáo, kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ:

- Quỹ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai, minh bạch tài chính Quỹ theo quy định của Luật Kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Quỹ có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện thu, chi, quyết toán tài chính Quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có).

5. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 27/5/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh về phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:

- Tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, số lượng các ca mắc tăng nhanh trong các khu vực giãn cách, phong tỏa. Vi rút chủng mới lần này được hình thành từ môi trường điều kiện khác nên rất mạnh, rất nhanh, rất khó kiểm soát và rất nguy hiểm. Bắc Ninh và Bắc Giang là hai tỉnh liền kề, cộng đồng dân cư và công nhân tại các khu công nghiệp có sự gắn kết, giao lưu rất lớn, tạo môi trường thuận lợi cho lây nhiễm dịch bệnh giữa hai tỉnh, từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp và ngược lại.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương cấp ủy, chính quyền. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trong thời gian qua đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, đoàn kết, chung sức chung lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, lao động ngày đêm cùng nhân dân khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và Ban chỉ đạo các cấp, các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đã chủ động, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng, chống dịch tại 2 tỉnh.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn phòng, chống dịch vừa qua để rút ra bài học, kinh nghiệm và sớm có giải pháp khắc phục: (i) Kết quả truy vết cho thấy nguồn bệnh xâm nhập vào Bắc Giang, Bắc Ninh xuất phát từ 2 bệnh viện tuyến trung ương - 02 “pháo đài” phòng chống dịch bị “thủng”, để dịch bệnh lây nhiễm. Đây là bài học lớn cần được kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc, không để lặp lại; (ii) Việc lây nhiễm dịch chậm được phát hiện do đối tượng trở về từ ổ dịch mà không tuân thủ quy định về khai báo y tế kịp thời gây hậu quả cho xã hội và cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; (iii) Một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, chưa tích cực, chưa hiệu quả trong phối hợp xử lý các vấn đề liên quan.

- Theo dự báo, trong các ngày tới, dịch bệnh trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn sẽ diễn biến phức tạp; sẽ tiếp tục gia tăng các ca mắc mới trong các khu cách ly, khu vực đã phong tỏa và nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng (ngoài khu vực đã được phong tỏa) rất cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả không được duy trì liên tục. Việc gia tăng số người mắc sẽ làm gia tăng các yêu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết về xét nghiệm, cách ly, điều trị, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh... và nhiều khó khăn, thách thức mới về quản lý phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Mục tiêu cao nhất hiện nay trong phòng chống dịch là phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh ở 02 tỉnh. Do đó cả Bắc Giang và Bắc Ninh với sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ tích cực của các Bộ ngành liên quan và của các địa phương liền kề, tiếp tục tập trung cao độ, chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao hơn và thực hiện có hiệu quả hơn các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng ban chỉ đạo quốc gia nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất có thể, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời phải có biện pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm giữ vững, không để đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất lớn.

- Một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong phòng, chống dịch trên địa bàn 2 tỉnh:

+ Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh: Phân công rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thống nhất tư tưởng chỉ đạo, cách làm, cách tổ chức thực hiện, giải pháp phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tiễn tại 2 tỉnh, Bộ Y tế cử một đồng chí Thứ trưởng, chủ trì Tổ công tác tại mỗi tỉnh; các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng... chủ động phối hợp, cử cán bộ tham gia Tổ công tác của Bộ Y tế thường trực tại 02 tỉnh.

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

+ Tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác phòng ngừa, coi phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ khi chưa có dịch bằng các biện pháp đã chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế là cơ bản, chiến lược, quyết định trong phòng, chống dịch.

Lãnh đạo địa phương phải bám sát, đánh giá thấu đáo tình hình, huy động trí tuệ của tập thể cấp ủy và của hệ thống chính trị trong đánh giá tình hình để chủ động, sáng tạo, quyết định theo thẩm quyền việc lựa chọn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, chủ động, hiệu quả theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đúng thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên (nhất là các giải pháp liên quan đến phong tỏa, giãn cách), phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn, từng khu vực cụ thể; trong đó lưu ý tránh cho được cả 2 khuynh hướng hoặc chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi có dịch dẫn đến việc đưa ra các quyết định không chính xác, kém hiệu quả.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong phòng, chống dịch: không vì yêu cầu tập trung chống dịch mà không kịp thời xử lý các trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm hoặc có vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Tăng cường năng lực, huy động tối đa các nguồn lực để xét nghiệm, tập trung xét nghiệm nhanh, thần tốc sàng lọc các trường hợp nghi mắc bệnh.

+ Tiếp tục thực hiện phương châm lấy tấn công là chủ yếu và theo tinh thần thần tốc hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, trong đó:

Thực hiện xét nghiệm nhanh, xét nghiệm chủ động tích cực hơn nữa nhằm phát hiện sớm nguồn bệnh, nhất là ở những địa bàn, khu vực đã khoanh vùng; kế thừa và phát huy kinh nghiệm xét nghiệm sàng lọc nhanh đã thực hiện có hiệu quả ở nhiều nơi.

Thực hiện áp dụng bắt buộc các giải pháp công nghệ phục vụ kiểm soát dịch bệnh. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ để chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế quy định triển khai trên toàn quốc, trước hết áp dụng ngay tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Giải pháp 5K, trong đó đeo khẩu trang vẫn là giải pháp dễ làm, dễ kiểm tra nhưng hiệu quả hàng đầu. Yêu cầu quán triệt, nghiêm túc thực hiện và xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang theo quy định. Thành lập các Tổ phòng chống dịch Covid cộng đồng, trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ quan, đơn vị... để tăng cường kiểm tra giám sát tại cơ sở.

Đẩy mạnh kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh, cư trú trái phép; đối với 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cần phải làm mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng chủ động phối hợp 2 tỉnh tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm "phòng ngừa chủ động, tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình".

Bộ Y tế khẩn trương có văn bản hướng dẫn địa phương thí điểm áp dụng các mô hình mới, phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch và đặc điểm của địa phương, trong đó có phương án cách ly tại nhà, phương án cách ly tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đối với các trường hợp đáp ứng điều kiện, yêu cầu.

Triển khai mạnh mẽ chiến lược mua, sản xuất và tiêm vắc xin, Giao Bộ Y tế khẩn trương rà soát để bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin, bổ sung Bắc Ninh và Bắc Giang, trong đó lập Danh mục các đối tượng được tiêm theo thứ tự ưu tiên.

- Tiếp tục thông tin, truyền thông kịp thời, trung thực, toàn diện, sát thực tế, khách quan về dịch bệnh; chú trọng đánh giá, giải thích, hướng dẫn theo tinh thần truyền thông là để "dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng thành quả", góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, kêu gọi sự ủng hộ và tham gia tự giác, tích cực, trách nhiệm của nhân dân đối với công cuộc phòng, chống dịch của cộng đồng và của cả nước; đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh đang phải vượt qua.

- Về tổ chức thực hiện:

+ Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện chặt chẽ và chịu trách nhiệm các yêu cầu về chuyên môn phòng, chống dịch và nguồn lực con người phải đáp ứng đủ, có chất lượng theo quy định.

+ Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao tăng cường công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh; chủ động tham gia, hỗ trợ Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp cận các nguồn vắc xin trên thế giới với đề xuất, hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả, tránh hình thức, chung chung.

Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với đại sứ các nước ở Việt Nam, yêu cầu các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài chủ động làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan để hỗ trợ Bộ Y tế tiếp cận với các nguồn vắc xin nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể.

+ Bộ Công thương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ hàng hóa, cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ hàng nông sản.

+ Bộ Giao thông vận tải cử 01 đồng chí Thứ trưởng tập trung chỉ đạo, điều hành hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, vận chuyển công nhân qua lại giữa 2 tỉnh và các địa phương lân cận.

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động và trực tiếp làm việc với 2 tỉnh để thực hiện các chính sách, cơ chế cụ thể hỗ trợ nhân dân, công nhân, người lao động, người có điều kiện khó khăn, người yếu thế và cả doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh trên địa bàn 2 tỉnh.

+ Bộ Tài chính chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc, quy định về thủ tục hành chính liên quan đến công tác phòng chống dịch.

Hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hiện là tuyến đầu, pháo đài phòng, chống dịch. Các bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành và địa phương liên quan (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang ,..) chủ động, phối hợp, hỗ trợ tích cực 2 tỉnh với tinh thần “Bắc Ninh, Bắc Giang đang nỗ lực phòng chống dịch vì cả nước; cả nước đang quan tâm, hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh”.

6. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 131/TB-VPCP ngày 28/5/2021 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 02 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành

Trong Thông báo, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:

- Đối với Bắc Ninh: (i) Đồng ý chủ trương Bắc Ninh tổ chức cho người lao động ở trong doanh nghiệp vừa để cách ly, vừa tham gia sản xuất, tránh lây dịch, nhưng phải bảo đảm nghiêm ngặt các điều kiện phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm; (ii) Dịch bệnh đã bắt đầu lây lan vào cụm công nghiệp Khắc Niệm; Bắc Ninh cần thực hiện ngay các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn, không để lây sang khu vực khác.

- Đối với Bắc Giang, yêu cầu tỉnh: (i) Chủ động hướng dẫn thực hiện phương án tự lấy mẫu phẩm xét nghiệm để đẩy nhanh tiến độ trong trường hợp số người được xét nghiệm tăng nhanh; (ii) Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở các huyện chưa thực hiện giãn cách xã hội, kịp thời phát hiện các ca dương tính trong cộng đồng.

- Đối với Thành phố Hồ Chí Minh: (i) Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, chủ động quyết định áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp vượt thẩm quyền; (ii) Các Bộ, ngành, địa phương lân cận sẵn sàng tham gia, hỗ trợ Thành phố khi có yêu cầu; (iii) Tạm dừng chuyến bay giải cứu về Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 1 tuần; (iv) Giao Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đại học Y Dược Hồ Chí Minh tổ chức bệnh viện ở Bà Rịa - Vũng Tàu để sẵn sàng đón người bệnh nhập cảnh đường thủy.

- Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an tiếp tục chủ động hỗ trợ các địa phương trong việc tiếp nhận bệnh nhân (F0) nhưng không có triệu chứng nặng. Bộ Y tế khẩn trương rà soát lại phác đồ điều trị đối với các bệnh nhân (F0), hướng dẫn xử lý trong mọi tình huống có thể xảy ra.

- Các địa phương khẩn trương kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hoạt động tụ tập đông người không đúng quy định.

7. Bộ Y tế: Công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021 về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19

Theo đó,  Bộ Y tế hướng dẫn việc thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 như sau:

Về thanh toán BHYT đối với xét nghiệm COVID-19:

-Thời điểm và đối tượng thanh toán BHYT: Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

- Mức giá thanh toán:

Bộ Y tế đã có công văn 4068/BYT-KH-TC ngày 30/7/2020 gửi các Sở Y tế và cơ sở khám chữa bệnh; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có công văn số 2418/BHXH-CSYT ngày 30/7/2020 chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện thanh toán theo mức giá dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

- Thanh toán đối với trường hợp mẫu đơn:

+ Tiếp tục áp dụng mức giá dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

Trong trường hợp đơn vị lấy mẫu phải gửi mẫu xét nghiệm cho đơn vị khác thực hiện: Căn cứ Quyết định 1436/QĐ-BYT ngày 04/3/2021 của Bộ Y tế về định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn) và phương án giá của một số đơn vị; Bộ Y tế đề xuất tạm tính và đề nghị thanh toán BHYT theo cơ cấu như sau:

+ Mức giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm: 117.800 đồng/mẫu;

+ Mức giá thực hiện xét nghiệm: 616.200 đồng/mẫu.

- Thanh toán đối với mẫu gộp: Căn cứ hướng dẫn gộp mẫu bằng hình thức gộp que và gộp dung dịch quy định tại Quyết định 1817/QĐ-BYT ngày 07/4/2021 của Bộ Y tế; trong khi Bộ Y tế chưa ban hành được định mức KTKT làm cơ sở để xây dựng giá dịch vụ áp dụng trong trường hợp gộp mẫu, Bộ Y tế tạm thời hướng dẫn như sau:

+ Mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu

+ Mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia (:) cho số mẫu gộp. (ví dụ nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10...).

+ Trường hợp gộp mẫu phát hiện dương tính, phải tiếp tục làm các xét nghiệm mẫu đơn thì chi phí thực hiện xét nghiệm được tính tiếp theo trường hợp mẫu đơn.

Đối với đối tượng không thanh toán BHYT:

- Trường hợp mẫu đơn: Bộ Y tế đã có công văn số 5834/BYT-KHTC ngày 27/10/2020 gửi các Sở Y tế và cơ sở khám chữa bệnh căn cứ mức giá dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề thực hiện thu và thanh toán với người sử dụng dịch vụ theo quy định.

Theo đó, mức giá tối đa của dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn) là 734.000 đồng/ 1mẫu xét nghiệm; trong đó:

+ Mức giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm: tối đa 117.800 đồng/mẫu;

+ Mức giá xét nghiệm: tối đa 616.200 đồng/mẫu.

- Trường hợp gộp mẫu:

+ Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định mức giá cụ thể của dịch vụ 1735 nêu trên có định mức kinh tế kỹ thuật thì xác định chi phí lấy mẫu, chi phí xét nghiệm theo định mức; trường hợp không có định mức thì xác định chi phí lấy mẫu và chi phí xét nghiệm tương đương với tỷ lệ cơ cấu chi phí nêu trên.

+ Trường hợp không có quyết định phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời chi phí thực hiện xét nghiệm như sau: Mức giá tối đa của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu; Mức tối đa của việc thực hiện xét nghiệm với mẫu gộp là 634.000 đồng chia (:) cho số mẫu gộp.

Ví dụ, đơn vị được cấp có thẩm quyền quyết định mức giá của dịch vụ là 734.000 đồng (theo mức giá tối đa của dịch vụ số 1735 nên trên) thì: Chi phí lấy mẫu: 100.000 đồng; Chi phí xét nghiệm: bằng 634.000 đồng chia (:) cho số mẫu gộp để thực hiện xét nghiệm; nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10....

- Trường hợp mẫu gộp phát hiện dương tính, phải tiếp tục làm các xét nghiệm mẫu đơn thì chi phí thực hiện xét nghiệm được tính tiếp theo trường hợp mẫu đơn.

Về việc đặt hàng xét nghiệm COVID-19:

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1587/QĐ-TTg ngày 14/10/2020 về việc đặt hàng xét nghiệm COVID-19; theo đó tại điều 1 của Quyết định có nêu cụ thể việc đặt hàng xét nghiệm như sau:

+ Điều kiện đặt hàng: Cơ sở y tế công lập được giao nhiệm vụ lấy mẫu, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 được đặt hàng tại các cơ sở y tế công lập khác, cơ sở y tế tư nhân có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR do Bộ Y tế công nhận hoặc thông báo.

+ Thời gian thực hiện và đơn giá đặt hàng: thực hiện theo Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020:

Về mức giá đặt hàng: Giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành mức giá dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 theo quy định của pháp luật về giá để thanh toán, quyết toán việc đặt hàng từ ngân sách nhà nước. UBND cấp tỉnh căn cứ quyết định ban hành mức giá của Bộ Y tế để quyết định mức giá đặt hàng từ ngân sách địa phương theo quy định.”

Về thời gian áp dụng giao nhiệm vụ đặt hàng: từ khi Thủ tướng công bố dịch đến khi công bố hết dịch.

Thẩm quyền quyết định đặt hàng, hình thức đặt hàng, nội dung đặt hàng, phân bổ và giao dự toán, điều chỉnh kinh phí đặt hàng, thanh toán, quyết toán kinh phí đặt hàng và các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Nguồn kinh phí đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định “Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đặt hàng: Phương pháp định giá, cơ quan có thẩm quyền định giá và trình tự định giá, đơn giá theo quy định của pháp luật về giá và các pháp luật khác có liên quan”.

+ Căn cứ các quy định trên, Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định hoặc giao cho cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp trực thuộc đặt hàng xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định.

- Về mức giá xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đặt hàng:

+ Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1436/QĐ-BYT ngày 04/3/2021 về định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm SARS- CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn), chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho trường hợp gộp mẫu. Căn cứ phương pháp, trình tự định giá theo quy định của pháp luật về giá và các pháp luật khác có liên quan, đề nghị UBND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 được địa phương đặt hàng thanh toán từ ngân sách địa phương theo quy định.

+ Trong trường hợp chưa ban hành được mức giá để đặt hàng xét nghiệm; các đơn vị, địa phương được tạm thời áp dụng mức giá quy định tại mục III nêu trên để làm cơ sở ký hợp đồng và tạm thanh toán chi phí đặt hàng xét nghiệm. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mức giá đặt hàng thì thực hiện việc thanh quyết toán theo quy định.

Thanh toán trong trường hợp đi lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm được cấp test, kit và vật tư: Trong trường hợp đi lấy mẫu hoặc Labo thực hiện xét nghiệm được cấp không thu tiền test, kít, vật tư từ nguồn phòng, chống dịch; nguồn hỗ trợ của Bộ Y tế và các tổ chức, cá nhân thì phải trừ chi phí kết cấu của test, kit, vật tư lấy mẫu, xét nghiệm khi thanh toán.

Riêng đối với sinh phẩm chẩn đoán Realtime RT-PCR mức trừ tối đa là 349.300 đồng/1 xét nghiệm tính theo mẫu đơn (trừ theo nguyên tắc tính bình quân chi phí sinh phẩm cho phản ứng Realtime RT-PCR của các loại sinh phẩm đang kết cấu trong phương án giá dịch vụ).

Đối với xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh: Hiện nay, một số công ty trong nước đã sản xuất và được cấp số lưu hành test xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể và kháng nguyên virut, một số công ty cũng đã được cấp phép nhập khẩu các loại test xét nghiệm này. Do mức giá của các loại test hiện đang rất khác nhau. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị trước mắt thực hiện thanh toán thực thanh, thực chi đối với các trường hợp xét nghiệm bằng test nhanh. Thời điểm áp dụng kể từ ngày 01/7/2021.

8. Bộ Y tế: Công văn số 4351/BYT-MT ngày 28/5/2021 về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa

Trong Công văn này, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các nội dung sau để lưu thông vận tải hàng hóa:

- Tiếp tục thực hiện các hướng dẫn tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07/02/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa và Công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 01/3/2021 của Bộ Công Thương về hướng dẫn thu mua, tiêu thụ và vận chuyển hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch.

- Thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đến, đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đến, đi ra và khi quay về).

9. Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ: Công văn số 624/TGCP-TL ngày 28/5/2021 về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành

Theo đó, để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, Ban Tôn giáo Chính phủ kính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện một số công tác sau:

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Nội vụ.

- Chỉ đạo rà soát từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của các tổ chức chưa được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo) có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; phân công lực lượng đến từng địa bàn trọng điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, gặp gỡ chức sắc lãnh đạo từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung để tuyên truyền, vận động tạm dừng các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo, thông tin về việc này trước cửa cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Đối với địa bàn đã có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng hoặc nguy cơ lây nhiễm cao, yêu cầu tạm dừng mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và an toàn cho người tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo tích cực tham gia ủng hộ “Quỹ vắc-xin phòng COVID-19” của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; kịp thời động viên, khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng gương mẫu, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với mọi tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng có hành vi không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

- Tiếp tục phối hợp rà soát, truy vết các tổ chức, cá nhân, điểm nhóm tôn giáo tại địa phương có liên quan đến các ca bệnh từ ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo phục hưng và chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch.

10. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Công văn số 2059/TLĐ ngày 28/5/2021 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Công văn nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, với tinh thần Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn:

- Đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao dộng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công doàn đến ngày 31/12/2021.

- Giao Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn.

11. Cục Hàng không Việt Nam: Công văn 2241/CHK-VTHK ngày 27/5/2021 về dừng nhập cảnh hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hàng không Việt Nam thông báo:

- Tạm dừng nhập cảnh hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất;

- Thời gian áp dụng: từ ngày 27/5/2021 đến hết ngày 04/6/2021 (theo giờ Việt Nam);

- Đối tượng áp dụng: toàn bộ các đối tượng hành khách.

12. UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 1647/UBND-KGVX ngày 29/5/2021 về việc về mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố

Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử trên trang: https://tokhaiyte.vn của Bộ Y tế hoặc cài đặt sử dụng thông qua một trong các phần mềm ứng dụng: Tờ khai y tế (Vietnam Health Declaration); Bluezone đối với tất cả những người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; những người đang trong ổ dịch; những người cách ly tập trung; những người đi qua vùng dịch hoặc đi từ vùng dịch trở về; những công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh có dịch và các tỉnh lân cận; những người đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; những người đi tầu bay, tầu hỏa, tầu thủy, xe buýt tuyến đường dài.

 Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, các khu chung cư, khu công nghiệp, nhà máy trên không gian mạng; các hình thức tuyên truyền lưu động và phát động phong trào, kêu gọi mọi người dân hưởng ứng, tự nguyện khai báo toàn dân, theo dõi tình hình sức khỏe, khi có biểu hiện ho, sốt phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, liên hệ ngay với cơ quan y tế để được hướng dẫn khám, xét nghiệm.

 Căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp thuộc diện bắt buộc phải khai báo y tế nhưng cố tình vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

13. UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 1645/UBND-NC ngày 28/5/2021 về việc yêu cầu đối với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố trong thời gian thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó,  trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội, xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp. Đáng chú ý, ngày 27/5, tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện các ca nhiễm mới cùng sinh hoạt tôn giáo tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp).

 Để quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đề nghị các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động tại Hà Nội chung tay cùng thành phố nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tham gia chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:

Các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, quý vị chức sắc, chức việc, người đại diện đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung trên địa bàn Thủ đô yêu cầu chức sắc, chức việc, tín đồ trong phạm vi quản lý dừng tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung; thời gian thực hiện từ 0h ngày 29/5/2021, cho đến khi có văn bản hướng dẫn, thông báo mới.

 Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Ban Tôn giáo Chính phủ, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 5/5/2021 của UBND thành phố về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

 Nhắc nhở chức sắc, chức việc, tín đồ kịp thời phát hiện, thông tin với chính quyền, cơ sở y tế về các trường hợp có nguy cơ lây bệnh để kịp thời khoanh vùng, cách ly khi có dịch. Đồng thời, tuyên truyền, vận động tín đồ, nhân dân thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” của Bộ Y tế; thực hiện khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng ứng dụng công nghệ thông tin, khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 UBND thành phố đề nghị các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, người hoạt động tín ngưỡng tăng cường các hình thức sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, giảng lễ, thuyết pháp trực tuyến qua công nghệ thông tin, truyền hình...

 Đồng thời, không mời người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là những người đến hoặc đi qua vùng dịch; không thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế như cử chức sắc, chức việc đi nước ngoài hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cho đến khi có thông báo được phép.

 Người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật trước UBND thành phố nếu việc không chấp hành, thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19, làm phát sinh dịch bệnh tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lây nhiễm trong chức sắc, chức việc, tín đồ và cộng đồng.

14. UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 1639/UBND-KGVX ngày 28/5/2021 về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn Thành phố

Công văn nêu rõ, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời điểm hiện nay, tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm:

 - Quán triệt sâu sắc nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tuyệt đối không hoang mang, lo lắng thái quá, đặc biệt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân với quan điểm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, truy vết thần tốc, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, xét nghiệm nhanh, dập dịch triệt để.

 - Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

 - Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sức khỏe Nhân dân được an toàn, đồng thời tập trung quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố.

 - Người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn và đơn vị; chủ động rà soát, xây dựng bổ sung các kịch bản, phương án phòng chống dịch theo nguyên tắc “3 lớp”, “3 trước” (nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “4 tại chỗ” trong mọi cấp độ, tình huống của dịch bệnh, kể cả mức cao nhất; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các phương án, kịch bản, diễn tập sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch tại chỗ và chi viện các đơn vị, địa phương khi có yêu cầu của Thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố.

 Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19:

- Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

 - Thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại hộ gia đình, khu chung cư, khu nhà ở của công nhân, ký túc xá sinh viên, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

 - Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin; các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc luân phiên (trừ các lực lượng vũ trang, y tế và các lực lượng khác theo quy định) nhưng không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Phòng họp phải thông thoáng và khử khuẩn trước khi tổ chức, hạn chế dùng điều hòa trung tâm, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách.

 - UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát lại Tổ Covid cộng đồng và phối hợp Công an Thành phố kiện toàn lại Tổ Covid cộng đồng như sau: 01 Tổ Covid cộng đồng thành lập từ 10 - 20 nhóm Covid cộng đồng tùy theo tình hình thực tế của địa phương do người đứng đầu địa phương quyết định, phải đảm bảo các thành phần: Công an cơ sở làm Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng; Tổ trưởng Tổ dân phố/Trưởng Ban công tác Mặt trận/Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ/Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh/Bí thư Chi đoàn/Trưởng Ban Quản trị tòa nhà làm Trưởng nhóm; lực lượng bảo vệ dân phố/dân phòng và các đoàn thể chính trị - xã hội làm thành viên nhóm Covid cộng đồng. Tổ Covid cộng đồng ứng trực 24/24/7 để thực hiện rà soát, nhắc nhở, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tới từng khu chung cư, từng hộ gia đình nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế đảm bảo thật hiệu quả.

 - Người đứng đầu chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng và chịu trách nhiệm về việc kiểm soát các khu cách ly tập trung trên địa bàn, giám sát tất cả những trường hợp nhập cảnh hết thời gian cách ly tập trung và đang được giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà; những người đi qua vùng dịch hoặc đi từ vùng dịch trở về; những công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh có dịch và các tỉnh lân cận theo thông báo của cơ quan y tế; rà soát các địa điểm để thành lập các khu cách ly tập trung (lưu ý mở rộng tại các huyện ngoại thành của Thành phố), tham mưu đề xuất, báo cáo UBND Thành phố…

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: