Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 24/01/2025

Về một số hoạt động trong thời gian Người ở nhà số 9, ngõ Compoint

Đầu tháng 6 năm 1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba xin làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latuoche Treville. Ngày 05/6/1911, con tàu rời bến cảng Nhà Rồng đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước. Hành trình ấy kéo dài 30 năm, đưa Người đặt chân đến các quốc gia thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. 30 năm hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở nước ngoài là khoảng thời gian Người làm việc không mệt mỏi để tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Trong đó, quãng thời gian Người hoạt động ở Pháp đóng vai trò quyết định cho việc chuyển từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản.

Ngày 06/7/1911, tàu cập cảng Marseille, Văn Ba đặt chân đến nước Pháp. Vì muốn tìm hiểu thêm các nước khác, năm 1912 anh tiếp tục xin làm thuê cho một tàu hàng của hãng Chargeurs Reunis, đi qua các nước khai phá thuộc địa Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các thuộc địa ở châu Phi, châu Mỹ La tinh và đến nước Mỹ, nơi có bức tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng.

Đến năm 1917, Nguyễn Tất Thành quay trở lại Pháp để liên hệ với những nhà yêu nước và cộng đồng Việt kiều. Năm 1919, anh Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Thời gian này, thay mặt Hội những người Việt Nam tại Pháp, anh Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị các nước đế quốc thắng trận họp tại Véc-xây bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm, đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Anh Nguyễn đã chính thức trở thành linh hồn của phong trào yêu nước từ đó. Đến tháng 12/1920, anh Nguyễn quyết định bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng để anh Nguyễn từ một người yêu nước tiến bộ trở thành một chiến sĩ cộng sản.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở nhà số 9 ngõ Compoint, thuộc quận 17. Đó là một ngôi nhà cũ kỹ với những gian phòng nhỏ nằm trong ngõ cụt thuộc một khu phố nghèo ở Paris, trong những năm này việc thắp sáng vẫn phải bằng đèn dầu. Gian phòng của Nguyễn Ái Quốc với giá thuê 40 phrăng một tháng trả tiền trước ở tầng 2, chỉ rộng 9m2. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc làm nghề vẽ thuê trên quạt giấy, chụp đèn và vẽ đồ giả cổ Trung Hoa. Cuộc sống tuy cực nhọc, thiếu thốn nhưng anh vẫn hăng say nghiên cứu, học tập, viết nhiều bài báo đăng ở các báo tiến bộ của Pháp như: La Vie Ourviere (Đời sống thợ thuyền); L’humanite’ (Nhân đạo); Le Populaire (Dân chúng). Anh cũng tham gia các buổi sinh hoạt chính trị, ngoại khóa trong các hiệp hội văn hóa và câu lạc bộ rất đều đặn để có điều kiện thâm nhập thực tế đời sống thợ thuyền, tăng cường hiểu biết. Tại đây, sau khi tập hợp các bạn cùng chí hướng thống nhất thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, tháng 4/1922, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí chủ trương xuất bản tờ báo của Hội mang tên La Paria (Người cùng khổ). Báo Người cùng khổ lên án chủ nghĩa đế quốc bằng những lập luận vững chắc, chứng cứ cụ thể dưới nhiều hình thức và có tiếng vang trong đời sống chính trị ở Paris lúc bấy giờ. Trước ảnh hưởng của những hoạt động tuyên truyền hiệu quả của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp là Albert Sarraut đã mời anh đến gặp mặt, vừa đe dọa, vừa dụ dỗ nhưng anh Nguyễn đã khảng khái trả lời: “Cám ơn ngài, cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.

Việc tham gia các hoạt động lên án chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp được Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao. Uy  tín và vai trò của người cộng sản Đông Dương đã được Quốc tế Cộng sản biết đến và Nguyễn Ái Quốc đã được mời tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản. Đây là sự kiện đánh dấu một hành trình vĩ đại của Người, dẫn dắt cách mạng ở Việt Nam tới thắng lợi hoàn toàn.

Những kỷ vật gắn với hoạt động cách mạng của Người được lưu giữ tại Cộng hòa Pháp

Tháng 4 năm 2012, để lấy tư liệu phục vụ nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu các giải pháp phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Đoàn công tác do đồng chí Thiếu tướng Đặng Nam Điền (nay là Trung tướng), nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Chủ nhiệm Đề tài làm Trưởng đoàn đi nghiên cứu, tìm tư liệu lịch sử gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động tại nước Pháp.

 tuong Bac tai phap 1
Đoàn công tác do đồng chí Thiếu tướng Đặng Nam Điền (nay là Trung tướng), nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng bên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris

Đoàn công tác đến Thủ đô Paris vào tháng 4 năm 2012, sau một thế kỷ từ khi Bác Hồ đặt chân đến nước Pháp (tháng 7/1911). Những hoạt động trên đất Pháp của Người còn in đậm dấu ấn bởi sự hiện hữu của các di tích lịch sử, trong đó phải kể đến căn gác nhỏ trong ngôi nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17- Paris. Đây chính là nơi mà Người đã sống và hoạt động lâu nhất, từ 14/7/1921 đến 14/3/1923.

Đã lâu, chính quyền Thủ đô Paris xóa bỏ những khu phố nhỏ, mở rộng địa bàn và xây dựng mới. Chúng tôi băn khoăn không biết, trải qua gần một thế kỷ, những kỷ vật của Người ở đấy liệu còn thứ gì, được giữ lại như thế nào? Những băn khoăn của chúng tôi hóa ra là thừa bởi tới nơi, được chứng kiến những gì mà nhân dân Pháp và chính quyền nơi đây chăm chút lưu giữ những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sống ở đây thật sự chu đáo và kỹ lưỡng. Căn phòng trọ nhỏ chật hẹp ở căn gác trọ số 9 ngõ Compoint nay đã được các bạn Pháp chuyển về đặt trong Bảo tàng Lịch sử sống ở thành phố Montreuil, ngoại ô thủ đô Paris.

tuong Bac tai phap 2
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên Bảo tàng
Lịch sử sống Montreuil.

Được biết, cuối năm 1986, thành phố Paris có kế hoạch phá bỏ những tòanhà cũ kỹ để xây dựng lại, trong đó có ngôi nhà số 9 ngõ Compoint. Lúc đó, Đảng Cộng sản Pháp đã cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp bàn cách giữ gìn di tích quan trọng này. Cuối cùng, hai bên quyết định căn phòng lưu niệm sẽ phục chế tại Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil với những chi tiết nguyên bản (hiện vật gốc) tháo dỡ từ căn phòng trong Ngôi nhà số 9 Compoint. Việc phục dựng căn phòng được tiến hành khẩn trương đồng thời với việc cải tạo Bảo tàng, đến tháng 9/1988 thì hoàn thành.

Nơi đây có tên “Không gian Hồ Chí Minh” dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nơi lưu giữ nguyên vẹn kỷ vật của Người ở đấy. Bao gồm: một gác trọ rộng 9m2, chỉ vừa đủ kê chiếc giường cá nhân, một bàn nhỏ và một chiếc ghế, đồ trang trí, quần áo, cánh cửa bằng gỗ, bệ cửa sổ, tay cầu thang, giường nằm, bàn làm việc, bút viết, tờ báo, sách vở, bồn nước rửa tay dưới chân cầu thang. Tất cả được trưng bày theo đúng hiện trạng xưa kia để khách tham quan có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc như thế nào khi ở Pháp. Các phòng bên cạnh là những tư liệu lấy từ Kho tàng thư Sở Cảnh sát và Kho tàng thư Bộ Hải ngoại Pháp, bổ sung thêm một số sách vở thời hiện đại. Những lưu trữ về Người còn được làm phong phú hơn nhờ các tư liệu hình ảnh, phim tài liệu, nhằm giúp người xem có thể theo dõi từng chặng đường chi tiết từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành cho đến lúc Người trở thành Chủ tịch nước.

Theo giới thiệu của nhân viên bảo tàng, chúng tôi đã tới thăm Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ngay cạnh Bảo tàng Lịch sử sống. Ngay từ khi bước ra sảnh chính của Bảo tàng, chúng tôi đã nhận ra bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trang trọng trong khuôn viên của Bảo tàng, giữa cây và hoa rự rỡ sắc thắm. Tượng Bác nổi bật giữa không gian yên bình của Bảo tàng, phía trước là khoảng sân nhỏ lát đá để tiến hành các nghi thức nghi lễ, phía sau là hai cây hoa đỏ tươi và hai cây tùng cổ thụ đổ bóng mát quanh năm, xung quanh là những bông hoa màu sắc sặc sỡ và thảm cỏ mượt như nhung. Dưới tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm biển đồng ghi dòng chữ:

“Président HỒ CHÍ MINH 1890 - 1969 Héros de la libération nationale et eminent homme de culture du Vietnam

 (Résolution de L'UNESCO 1987)”

Tạm  dịch:  “Chủ tịch HỒ CHÍ MINH 1890 - 1969 Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá của Việt Nam 

(Nghị quyết của UNESCO năm 1987)”

Chị hướng dẫn viên cho biết, lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công viên Montreuil, bên cạnh Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil đã được tổ chức trọng thể vào hồi 14 giờ 30 ngày 19/5/2005, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 115 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong các chuyến thăm và làm việc tại nước Pháp cũng đã tới thăm không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil. Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tới thăm và trồng cây sồi lưu niệm cạnh bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tặng bức tượng toàn thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi đọc báo Nhân Dân cho Bảo tàng.

“Không gian Hồ Chí Minh” ở Paris được xem như một bảo tàng duy nhất trên thế giới về Bác Hồ do một người nước ngoài tổ chức và chăm sóc. Đây chính là một địa chỉ tìm đến nếu chúng ta có dịp đến thăm thủ đô của nước Pháp. Được biết, hàng năm vào Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng đại diện chính quyền, nhân dân địa phương và Hội Hữu nghị Pháp - Việt đều tới đặt lẵng hoa trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên của Bảo tàng. Theo con số thống kê của Bảo tàng, mỗi năm Bảo tàng đón hàng nghìn khách tới tham quan, trong đó cũng có rất nhiều khách đến từ Việt Nam.

Rời không gian Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil, Đoàn chúng tôi tiếp tục tới thăm địa danh số 9 ngõ Congpoint. Ngõ Compoint nằm trên phố Guy Môquet là một ngõ nhỏ, ngắn, hai bên là hai dãy chung cư. Con phố khá vắng vẻ, chúng tôi không cần hỏi thăm đã nhận ra nhà số 9 nằm ở phía bên trái, gần cuối ngõ, nay được chia ra thành số 9 và số 9 bis. Bên ngoài số 9 bis, có tấm biển bằng đồng, kích thước 40 x 60 (cm) với nội dung như sau:

“ICI, DE 1921 A 1923 A VECU ET MILITE POUR L'INDEPENDANCE ET LA LIBERTE DU PEUPLE VIETNAMIEN ET DES AUTRES PEUPLES OPPRIMES NGUYỄN ÁI QUỐC CONNU SOUS LE NOM DE HỒ CHÍ MINH

JANVIER 1983”

Tạm dịch: “Tại đây, từ năm 1921 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc được biết đến dưới tên gọi Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác

Tháng 01 năm 1983”

Đây chính là tấm biển của ngôi nhà cũ, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Hội Việt kiều tại Pháp gắn biển lưu niệm vào ngày 15/01/1983 để ghi nhớ và giữ gìn những kỷ niệm sâu sắc về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại đây.

Đến thăm căn gác nhỏ mà Người đã từng sống tại nhà số 9, ngõ Congpoint giúp chúng ta hình dung ra những khó khăn, thiếu thốn, vất vả cùng cực mà Bác Hồ đã trải qua trong 30 năm hành trình tìm đường cứu nước. Cuộc sống không tiện nghi, rất đơn sơ giản dị, thiếu thốn trăm bề nhưng không làm nguội đi tinh thần yêu nước, mà nó càng hun đúc trong tâm trí, hoài bão của người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước. Trong ngôi nhà tồi tàn, lạnh lẽo, thiếu thốn tiện nghi ấy lại che chở, chứa đựng một con người có trái tim cháy bỏng, luôn nung nấu ý chí và lòng quyết tâm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giúp đồng bào mình thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than. Căn phòng nhỏ cùng những kỷ vật vô giá ở ngôi nhà số 9, ngõ Congpoint là minh chứng rõ nét nhất về hành trình tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam.

Trần Duy Hưng (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

- Sách Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975.

- Ngôi nhà số 9, Ngõ Congpoint - Nơi Bác từng sống tại Paris. Website Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ngày 31/5/2017.

- Một cuộc hành trình của thời đại - tác giả Đỗ Hoàng Linh. Đặc san Thông tin tư liệu, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tháng 5/2021.

Bài viết khác: