Tịnh xá Ngọc Phương (phường 1, quận Gò Vấp) là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, gắn liền với vị nữ tu sĩ yêu nước Ni sư trưởng Huỳnh Liên trong thời kỳ đấu tranh chống Mỹ. Không đành lòng yên phận sau cánh cổng nhà chùa khi đất nước bị chia cắt, đồng bào bị đàn áp dưới chế độ Mỹ, ngụy, Ni sư trưởng Huỳnh Liên đã tích cực tham gia và vận động tăng ni đấu tranh dưới nhiều hình thức.
Tịnh xá Ngọc Phương trở thành nơi che dấu cán bộ, tiếp tế nhiều vật dụng, thuốc men, lương thực cho các cơ sở cách mạng. Nơi đây cũng là điểm thường xuất phát các cuộc xuống đường của phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, phong trào Dân tộc tự quyết; làm căn cứ cho phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh. Từ năm 1970 đến 1975, các ni giới khất sĩ thường xuyên biểu tình đòi thả tù chính trị, chống bắt lính, đòi tự do dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Paris…
Sư cô Liên Minh - người đoạt giải Nhất bài viết cuộc thi kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở quận Gò Vấp.
Trong đại sảnh của tịnh xá Ngọc Phương, tấm ảnh Bác Hồ được treo trang trọng giữa một bên là Huân chương Kháng chiến và một bên là Huân chương Lao động của Tịnh xá do Chủ tịch nước trao tặng. Trong không gian yên lặng của ngôi tịnh xá trong buổi chiều tà, các nữ tu xúc động nói về cuộc vận động và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ni sư trưởng Ngoạt Liên, người từng kề vai sát cánh với Ni sư trưởng Huỳnh Liên (nay đã viên tịch) trong chuỗi ngày đấu tranh anh dũng, năm nay đã bước sang tuổi 85 tâm sự: “Ngoài đường lối tu học, chiêm bái đức Phật, chúng tôi luôn một mực kính trọng, cảm phục và ngưỡng mộ Bác Hồ như một vị thánh vì những cống hiến, hy sinh quên mình lo cho đồng bào, cho dân tộc của Người”.
Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tịnh xá Ngọc Phương đã phối hợp cùng Ban tuyên giáo Quận ủy tổ chức lớp học cho toàn bộ 145 sư cô. Ông Nguyễn Kim Hiếu, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Gò Vấp cho biết: “Qua các buổi nói chuyện về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh tại Tịnh xá Ngọc Phương, chúng tôi nhận thấy các sư bà, sư cô ở đây thấm nhuần đạo đức của Bác Hồ một cách rất tự nhiên. Có lẽ là vì tư tưởng của Bác rất gần gũi với những giá trị đạo đức trong kinh Phật mà các ni sư hằng hướng tới mỗi ngày”.
Ni sư trưởng Ngoạt Liên kể lại: Năm 1969, khi Bác Hồ mới mất, các tăng ni Phật tử đã tổ chức lễ cầu siêu cho Bác, mặc cho quân địch bao vây, bố ráp bốn bề. Chính cuộc đời hoạt động, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lay động trái tim của mọi tầng lớp, giai cấp, tôn giáo hòa quyện trong tình yêu nước, không gì có thể ngăn cách nổi.
Các sư cô luôn tâm niệm một điều, tu hành là một lẽ, là công dân của nước Việt phải có lòng yêu nước và có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, nếu không như thế thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Ở Gò Vấp, tịnh xá Ngọc Phương là một điểm sáng trong các hoạt động từ thiện, khuyến học. Hàng năm, tịnh xá nhiều lần tổ chức các chuyến xe trực tiếp chở hàng đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt; các chuyến đi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong viện dưỡng lão, trẻ mồ côi, trại phong…
Trong bài viết đạt giải Nhất cuộc thi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp quận, sư cô Liên Minh thuộc Tịnh xá Ngọc Phương bày tỏ: “Là một tu sĩ Phật giáo và cũng là một công dân của đất nước, tôi nhận thức được những quan điểm đúng đắn, chuẩn xác về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng tôi học tập trước nhất ở Bác Hồ là tấm gương đạo đức, vì đạo đức là nền tảng của mỗi con người. Chúng tôi quy ngưỡng Đức Phật, cũng như vô cùng quý kính Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Quý Lâm
Theo Báo Sài Gòn mới
Kim Yến (s)