phát huy
Ảnh Tư liệu

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như của thế giới. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”…

Trong hành trình tìm đường cứu nước, cũng như đấu tranh đòi quyền được sống, quyền được tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc cho tầng lớp nô lệ lầm than trên thế gian này, Người luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tình cảm cho “nửa còn lại của thế giới”. Bởi theo Người, phụ nữ là lớp người khổ nhất trong những người cùng khổ và bất kỳ một dân tộc, một quốc gia nào muốn giải phóng mình, muốn thoát khỏi “xiềng xích nô lệ” thì phải giải phóng cho phụ nữ. Dẫn lời C.Mác: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào? và V.I.Lênin “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”, Bác khẳng định:“Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”. Và, “những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”.

            Không chỉ là lời nói mà bằng những hành động, việc làm cụ thể đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ và đề cao vai trò của người phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Đó là trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới là: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Tiếp đó tại Sắc lệnh số 14 ngày 18 tháng 9 năm 1945, đã công nhận quyền bình đẳng của người phụ nữ là: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử…”

Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946“… tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của phụ nữ đối với cách mạng và Bác cũng là người tiếp thêm sức mạnh cho chị em vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc. Bác nêu ra nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh của phụ nữ vì Tổ quốc như Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ buổi bình minh của lịch sử và kêu gọi chị em: Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh. Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại! Từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc. Nào giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất. Nào chống nạn mù chữ, tham gia tuyển cử, Tuần lễ vàng, Đời sống mới…, việc gì phụ nữ cũng hăng hái.

Người luôn đề cao vai trò của người phụ nữ, đề cao những vất vả, hy sinh mà phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ thế giới nói chung đã hy sinh cho sự tiến bộ của xã hội.

Nhân dịp 8-3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, như cô Nguyễn Thị Cúc và nhiều người khác.

Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ.

Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng.

Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu.

Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và sǎn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình.

Nói chung là phụ nữ ở vùng tạm bị chiếm, nói riêng là các nữ du kích, không quản khó nhọc nguy hiểm, ra sức giúp đỡ chiến sĩ và cán bộ, hǎng hái đấu tranh chống quân thù.

Hàng vạn phụ nữ Kinh, Thổ, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ǎn gió nằm sương.Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan hǎng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông.

Trong phong trào phát triển bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một phần lớn trong số người dạy cũng như trong số người học.

Nhiều chị em tiểu tư sản, trước kia quen đời sống phong lưu, nay cũng chịu khó làm lụng, tǎng gia sản xuất. Đó là một sự cải tạo lớn, một tiến bộ lớn về tư tưởng và tinh thần.

Tôi rất vui lòng thấy rằng trong mọi ngành hoạt động, các cháu nữ thanh niên đều xung phong, đều có thành tích khá.

Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.

Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa”

Trích thư gửi Phụ nữ nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ ngày 8-3-1952

            Người không chỉ nêu lên vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội mà còn là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Người chỉ rõ: Công tác phụ nữ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. Người nhắc nhở các cấp, các ngành… phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới.

            Người cũng luôn động viên, khuyến khích chị em phụ nữ phải biết phấn đấu vươn lên tự khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống cũng như công tác xã hội. Bác khuyên phụ nữ phải biết mạnh dạn, tự tin, không nên rụt rè, nhút nhát tự ti như thời đại phong kiến mà cần phải có ý kiến của mình và mạnh dạn bảo vệ những ý kiến đó, có như vậy thì mới phát huy được hết khả năng, trí tuệ của mình. Chị em phụ nữ phải biết đấu tranh, tự mình bảo vệ mình chứ không nên chỉ ngồi chờ đợi chính sách từ Đảng và Nhà nước.  

               

Đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ vẫn có giá trị thời sự, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm bằng các việc làm, hành động cụ thể như thông qua các khung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đồng thời luật hóa các quy định liên quan trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (tiêu biểu là CEDAW-Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) qua các văn bản pháp luật tiêu biểu như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân…Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 đánh dấu bước ngoặt và có tính đột phá trong sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây là văn bản luật quy định tập trung nhất các nội dung về bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Điểm nổi bật của Luật này là: Lần đầu tiên hình thành nên cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở Việt Nam; quy định bắt buộc quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới…

Chính phủ đã xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch đặc thù riêng cho phụ nữ như: Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001-2010; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chiến lược, kế hoạch, các chương trình chung của quốc gia như: Chiến lược toàn diện tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010...

Bộ máy tổ chức thực thi bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Nếu cách đây 10 năm, Việt Nam mới chỉ có một tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ được thành lập từ Trung ương tới địa phương, thì đến nay, sau khi Luật Bình đẳng giới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đã được hình thành và đi vào hoạt động. Hiện nay, bộ máy quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam gồm có: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện công tác này.

 Luôn ghi nhớ công ơn, sự quan tâm của Bác cũng như của Đảng và Nhà nước dành cho phụ nữ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã luôn cố gắng hết mình phấn đấu đóng góp công sức vào sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Trong giai đoan hiện nay, với sự phát triển chung của xã hội, phụ nữ ta lại càng phải phấn đấu hết mình để vượt qua khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại. Hiện nay, phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Trong hơn thập kỷ qua Phó Chủ tịch nước luôn là nữ. Nhiệm kỳ 2004-2009, lần đầu tiên Quốc hội có một Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ. Trong Quốc hội, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 25%. Số đại biểu nữ giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Quốc hội đã tăng lên. Trong khối cơ quan Đảng, ở cấp Trung ương, nhiệm kỳ 2005-2011, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng (kể cả ủy viên dự khuyết) là 10%, tăng so với nhiệm kỳ 2001-2005 (8,6%), tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng là 20% (2/10 đồng chí). Ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 đạt 23,9%, cấp huyện là 23,01% và cấp xã là 19,5%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng tăng nhẹ: Ở cấp tỉnh, tỷ lệ nữ ủy viên chiếm 11,75% so với tỷ lệ 11,3% của nhiệm kỳ trước, nữ Uỷ viên Ban thường vụ chiếm 7%, có 5 nữ bí thư Tỉnh uỷ. Ở cấp huyện và xã, tỷ lệ này lần lượt đạt 14,7% (so với 12,9%) và đạt 15,1% (so với 11,9%). Trong khối cơ quan hành chính nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức nữ tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong nhiệm kỳ 2007-2011, tỷ lệ nữ Bộ trưởng và tương đương là 4,5%, Thứ trưởng và tương đương là 8,4%.

Ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của người phụ nữ như giáo dục, dệt, may mặc, dịch vụ. Phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên từng chặng đường phát triển. Với sự nỗ lực phấn đấu của mình, đồng thời được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhất định phụ nữ nước ta sẽ phát huy được truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và ngày càng đóng góp xứng đáng hơn vào sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, xứng đáng với công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

                                                                                                Kim Yến

Bài viết khác: