Thứ bảy, 04/05/2024

HN dien hong 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì “Hội nghị Diên Hồng” năm 1964. Ảnh tư liệu

Tháng 3/1964, sau nhiều thất bại tại miền nam nước ta, đế quốc Mỹ thông qua kế hoạch do Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara hoạch định, mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị họp trong hai ngày 27 và 28/3/1964 tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 300 đại biểu gồm cán bộ lão thành, nhà hoạt động chính trị - văn hóa - xã hội được nhân dân quý mến, đại biểu các giới, các ngành, anh hùng và chiến sĩ thi đua, trí thức tiến bộ và nhân sĩ yêu nước. Tham gia hội nghị còn có thêm 500 đại biểu ở thủ đô.

Hội nghị nghe và thảo luận Báo cáo chính trị do Chủ tịch nước trình bày, điểm lại những thành tích nhân dân ta đạt được trong mười năm qua tính từ ngày lập lại hòa bình tại Việt Nam năm 1954, tình hình hiện tại và những nhiệm vụ trước mắt, đường lối đối nội và đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta trước tình thế mới. Tại Hội nghị, Bác Hồ kêu gọi mọi người hãy thi đua mỗi người làm việc bằng hai nhằm đền đáp tấm lòng, hoan hô các chiến công và chia sẻ đau khổ của đồng bào miền nam ruột thịt. Tình hình ở miền nam chứng tỏ thất bại không thể nào tránh khỏi trong cuộc “chiến tranh đặc biệt” do Mỹ thí nghiệm ở Việt Nam, đập tan mưu đồ bọn hiếu chiến Mỹ và tay sai đang lu loa hô hào “Bắc tiến”. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ những đòi hỏi đúng đắn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam đòi chấm dứt sự can thiệp của Mỹ ở miền nam, để công việc nội bộ của Việt Nam do nhân dân Việt Nam tự giải quyết. “Bây giờ đã đến lúc nhân dân Mỹ phải kiên quyết đấu tranh hơn nữa để chấm dứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu này, để cứu vãn danh dự của nước Mỹ và xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta” - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.

Sau khi nêu lên năm việc trước mắt cần phải làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc: “Trên đây là một vài thiển kiến. Mong các cụ và các đồng chí thảo luận và góp ý kiến thêm”1.

Báo cáo chính trị Chủ tịch nước đọc tại Hội nghị chính trị đặc biệt sáng 28/3/1964 khá dài. Khi nói đến những chiến công to lớn của chúng ta tại miền nam và những khổ đau cùng cực người dân phải gánh chịu dưới bom đạn đế quốc Mỹ, Bác Hồ bật khóc. Lần ấy, tôi được tham gia Hội nghị, cùng một số nhà báo và văn nghệ sĩ ngồi ở mấy hàng ghế phía bên phải Hội trường Ba Ðình, khá gần Ðoàn Chủ tịch. Tôi nhìn thấy rõ hai hàng nước mắt chảy ròng ròng xuống má Bác Hồ. Người rút chiếc khăn tay trong túi áo ra lau và nghẹn ngào hồi lâu không sao nói tiếp được. Cả hội trường đầy ắp người cùng im phăng phắc, mọi người cố nén xúc động.

Giáo sư Nguyễn Xiển, Tổng Thư ký Ðảng Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người điều hành phiên họp sáng hôm ấy đứng lên thay mặt Ðoàn Chủ tịch xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề nghị toàn thể hội nghị nghỉ giải lao tại chỗ vài phút. Giáo sư chúc Chủ tịch nước mạnh khỏe. Sau mấy phút xúc động, nét mặt Bác trở lại thanh thản như phong cách thường lệ của Người. Bác cảm ơn Ðoàn Chủ tịch Hội nghị nhưng vẫn đứng tại chỗ. Bác xin kể một mẩu chuyện vui. Người nói cách đây hơn mười năm, khi còn sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, nhân kỷ niệm sinh nhật Người, anh em trong cơ quan tổ chức buổi sinh hoạt nội bộ chúc mừng Chủ tịch nước. Hôm ấy Bác Hồ đã làm một bài thơ tứ tuyệt nguyên văn chữ Hán, nhan đề “Thất cửu”. Và Bác đọc luôn:

Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,

Ngã kim thất cửu chính khang cường.

Tự cung thanh đạm tinh thần sảng,

Tố sự thung dung nhật nguyệt trường.

Ðồng chí Xuân Thủy dịch:

Chưa năm mươi đã kêu già,

Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.

Sống quen thanh đạm nhẹ người,

Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.

Cả hội trường chưa hết bồi hồi xúc động bỗng rào rào rộ lên tiếng vỗ tay, xen lẫn tiếng cười nói các đại biểu trao đổi riêng với nhau. Nhà thơ Nông Quốc Chấn, Thứ trưởng Văn hóa ngồi sát bên cạnh tôi trên cùng hàng ghế đứng phắt dậy, giơ cao tay xin phát biểu. Không đợi Ðoàn Chủ tịch Hội nghị đồng ý, ông đọc luôn mấy câu thơ ứng khẩu:

Bác ơi mãi mãi Bác không già

Bác hằng lo nghĩ cháu em xa…

Bài thơ làm tại chỗ, hai câu cuối chưa thật hoàn chỉnh, tôi không còn nhớ. Khi ghi lại mẩu ký ức này giữa những ngày giãn cách xã hội không có điều kiện kiểm tra tư liệu xem nhà thơ có hoàn chỉnh bài đọc sáng hôm ấy tại Hội trường Ba Ðình hay không, tuy nhiên bầu không khí hào hứng của tất cả mọi người tham dự hội nghị, già cũng như trẻ, đến nay qua 57 năm vẫn tươi rói trong ký ức tôi.

Hội nghị chính trị đặc biệt năm 1964, mà từ hồi ấy nhiều người đã gọi, đã viết trên sách báo là Hội nghị Diên Hồng chống quân xâm lược Mỹ, liên tưởng Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần khi nước ta đoàn kết gồng mình chống giặc Nguyên - Mông binh lực mạnh hơn ta gấp nhiều lần, đã thành công tốt đẹp. Chiều hôm sau, 28/3/1964, tại Lời kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong hai ngày, đã có 40 cụ và đồng chí đã phát biểu ý kiến, mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười… Tôi đề nghị các cụ và các đồng chí sẽ đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng quyết tâm của tất cả chúng ta ở Hội nghị này đến nhân dân cả nước ta, biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới, hăng hái tiến lên!”2.

Sau Hội nghị chính trị đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị và Hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mỗi người làm việc bằng hai, xây dựng và bảo vệ miền bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền nam”. Các phong trào thi đua đã có từ đầu năm 1961 như “Ðại Phong” trong nông nghiệp, “Duyên Hải” trong công nghiệp, “Ba nhất” trong lực lượng vũ trang… càng thêm sôi nổi. Xuất hiện tiếp các phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Xe chưa qua nhà không tiếc” trong giao thông vận tải, v.v.

Ðúng như dự đoán của Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mấy tháng sau, ngày 2 và 5/8/1964, Mỹ sử dụng hải quân và không quân đánh phá miền bắc. Do đã chuẩn bị sẵn sàng, với ý chí và quyết tâm được khơi dậy từ Hội nghị Diên Hồng, quân dân ta đã bắn rơi tám máy bay Mỹ, bắt sống một phi công Mỹ. Cả nước chung tay góp sức dẫn đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông liền một dải.

Hiện nay đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, dẫn tới gần hai triệu rưởi người tử vong vì SARS-CoV-2 bởi các biến thể khó lường của nó. Cả nước ta gồng mình, toàn dân góp sức dập bốn đợt dịch, bảo vệ cuộc sống người dân, đồng thời cố giữ đà tăng trưởng kinh tế. Cả nước hướng về một số tỉnh, thành phố phía nam, nơi có nhiều người dân nhiễm bệnh. Các chiến sĩ áo trắng tình nguyện lên các tuyến đầu chung sức dập dịch. Tấm lòng vị tha, ý chí kiên cường của người Việt Nam một lần nữa bừng sáng. Dư luận nhiều nước bày tỏ lòng khâm phục người dân Việt Nam chống dịch. Không ít quốc gia chia sẻ khó khăn với ta, nơi ít, nơi nhiều góp phần hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến gian nan. Nhiều người bỗng nghĩ tới Hội nghị Diên Hồng thời chống giặc Nguyên - Mông do Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập tại kinh thành Thăng Long năm 1284, và “Hội nghị Diên Hồng” chống quân xâm lược Mỹ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì tại Thủ đô Hà Nội năm 1964. Hai sự kiện lịch sử cách nhau gần 700 năm mà cùng nói lên ý chí kiên cường bất khuất, truyền thống nhân văn, người người đồng lòng vì nước vì dân trên hết, trước hết.

(19/8/2021)

Phan Quang

Theo Báo Nhân Dân

Tâm Trang (st)

---------------

1. Báo cáo đăng toàn văn trên Báo Nhân Dân số 3651 ra ngày 28/8/1964, in lại trong Hồ Chí Minh toàn tập.
2. Toàn văn đăng Báo Nhân Dân số 3652 ra ngày 29/3/1964, in lại trong Hồ Chí Minh toàn tập.

Bài viết khác: