Ðại hội XIII của Ðảng xác định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”1. Đây là chủ trương mới cần thấu triệt để thực hiện có hiệu quả cao.

Các kỳ đại hội trước, Đảng đề cập: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội”; “kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại”, nhưng chưa thật rõ kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với đối ngoại và đối ngoại với kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc”2. Đến Đại hội XIII, Đảng đã “Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”3. Đây là sự phát triển tư duy mới của Đảng về nội dung giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đảng tiếp tục bổ sung làm rõ hơn về nội hàm sự kết hợp không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, đối ngoại với kinh tế, văn hóa, xã hội và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Để thực hiện thắng lợi chủ trương trên cần nhận thức rõ một số nội dung sau:

Một là, củng cố quốc phòng, an ninh, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với mục tiêu là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”4. Trước hết, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác làm ăn lâu dài. Điều này chỉ có thể đạt được dựa trên các kết quả củng cố quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với bảo vệ, phát triển bền vững có hiệu quả ở các khu, vùng kinh tế trọng điểm, địa bàn chiến lược, vùng biên giới, biển, đảo. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia trong các mối quan hệ quốc tế, bảo đảm cho kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển với tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, chú trọng hợp tác kinh tế biển với các nước có thế mạnh, tạo đan xen lợi ích.

Hai là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Trong đó, cần củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết hợp xây dựng, củng cố tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành. Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh gắn với công nghiệp quốc gia theo hướng tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; kết hợp quốc phòng - kinh tế ở vùng, khu kinh tế trọng điểm, địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo,… bảo vệ chủ quyền biển, đảo với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại mở rộng kinh tế biển, đảo nhất là ở quần đảo Trường Sa, DK1. Cùng với đó, “Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo”5. Tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ quốc phòng, an ninh với ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ của nền kinh tế vào lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trong nghiên cứu, ứng dụng sửa chữa, cải tiến, làm chủ công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, trước hết là lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Ba là, củng cố lực lượng quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Kết hợp trong xây dựng lực lượng vũ trang với lực lượng nghiên cứu khoa học, nhân lực chất lượng cao, lưỡng dụng cho cả mục tiêu quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức của nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, nâng cao dân trí, kiến thức pháp luật, chất lượng lực lượng của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân với chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Củng cố, xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh, trọng tâm xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đồng thời, củng cố dân quân tự vệ ở các khu, vùng kinh tế trọng điểm, biên giới, biển, đảo vững mạnh. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu chất lượng cao, chú trọng lực lượng dân quân biển…; lực lượng Công an cơ sở đáp ứng nhiệm vụ an ninh, trật tự ở cơ sở; củng cố các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược với bố trí các cụm dân cư ổn định, giúp dân sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.

Bốn là, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Muốn thế cần gắn với quy hoạch của quốc gia, vùng, từng địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, phòng thủ quân khu với xây dựng các công trình phòng thủ dân sự; bố trí lực lượng vũ trang gắn với các cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng trên các tuyến đảo gần bờ và xa bờ để tiếp tục đưa người dân ra làm ăn và cư trú ổn định lâu dài, tạo tiền đề xây dựng các căn cứ hậu cần - kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật đóng và sửa tàu biển, hậu cần nghề cá vùng biển, đảo. Bảo vệ, hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp hoạt động dài ngày trên biển, đảo. Củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực phòng thủ luôn gắn với thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế. Kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ biển, đảo, biên giới, bảo vệ đường biên cột mốc, xây dựng căn cứ hậu phương với quy hoạch, bố trí lại các điểm, cụm dân cư, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Xây dựng công trình phòng thủ quân sự với dân sự ở các tỉnh, thành phố, địa bàn trọng điểm, chiến lược, bảo đảm trong thời bình có khả năng tự lực giải quyết những tình huống ở địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; khi xảy ra chiến tranh chủ động đánh địch ngay từ đầu, theo phương châm cấp nào giữ cấp đó.

Năm là, tăng cường quốc phòng, an ninh với mở rộng hợp tác quốc tế, đấu tranh quốc phòng gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Hợp tác về quốc phòng, an ninh tạo thời cơ thuận lợi cho hợp tác quốc tế ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, thu hút nguồn lực, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ tiên tiến. Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, mở rộng xuất nhập khẩu sản phẩm quốc phòng và kinh tế, viễn thông,… làm cho thị trường hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế ngày càng phong phú hơn, có điều kiện đầu tư, đổi mới công nghệ, từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, đẩy nhanh hiện đại hóa Quân đội và Công an. Lựa chọn đối tác có tiềm năng về khoa học - công nghệ tiên tiến, vận dụng linh hoạt hình thức hợp tác đa phương và song phương toàn diện, song cần tập trung vào các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; quân y; phòng, chống dịch bệnh; đào tạo; nghiên cứu khoa học; công nghiệp quốc phòng, an ninh; an ninh biển; hợp tác huấn luyện, diễn tập, tuần tra chung trên biển. Đấu tranh phòng, chống các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Tăng cường hợp tác với các đối tác có thế mạnh, giàu tiềm năng về phát triển kinh tế biển. Đối ngoại quốc phòng và phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên một số lĩnh vực: công binh, quân y, thông tin…, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”, nâng cao vị thế của Quân đội, đất nước. Tăng cường hợp tác với đấu tranh kinh tế nhằm bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng trong nước, cũng như hàng hóa của nước ta trên trường quốc tế; đảm bảo cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước; bảo vệ tài nguyên, môi trường phát triển kinh tế biển bền vững; an ninh nguồn nước, nhất là sông Mê Công. Tăng cường quốc phòng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại là vấn đề rộng, cần nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về mối quan hệ hữu cơ của các thành tố này, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

Đại tá  Nguyễn Đình Hoàn

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Tâm Trang (st)

____________

1. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157.
2. Báo Nhân Dân - Tăng cường quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc, ngày 16/3/2021.
3. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII , Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157.
4. Sđd, Tập I, tr. 155 - 156.

Bài viết khác: