Rặng tre xanh bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Ðăng
Ngày ngày, những đoàn người vẫn nối nhau đi trong cảm xúc thiêng liêng. Hàng triệu trái tim cùng tụ hướng về đây, nơi yên nghỉ cuối cùng của Bác. Ở trên Lăng mặt trời đi qua, cả quảng trường rạo rực một sức sống vĩnh cửu. Bác sống mãi nghìn đời trong lòng đất Việt, giữa hương sắc của hoa lá, cỏ cây và tiếng hót của các loài chim. Mùa thu lại về, để cho tôi cảm xúc theo những câu thơ của người con miền nam lần đầu ra viếng Bác: “Ðã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam...” (Viễn Phương).
Thật tình cờ, tôi được gặp người phụ trách công việc thi công trồng cây tạo không gian xanh bên Lăng Bác gần năm mươi năm trước. Ông là Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Khôi, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Sinh học Ðà Lạt thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ngày đầu thu này, tôi đã được nhà khoa học, nay đã ở tuổi 85, tái hiện những câu chuyện đầy xúc động về những tháng ngày mà ông mãi mãi khắc ghi vào tâm khảm như một ký ức thiêng liêng, vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời mình…
Lăng Bác không thể là một đền đài tĩnh lặng
Ðến những ngày trước lúc đi xa, Bác vẫn không đồng ý việc cho xây dựng Lăng Người. Nhưng duy nhất một lý do mà Bác chấp nhận đề nghị của Bộ Chính trị là xin Bác cho được ướp thi hài để đến ngày nước nhà thống nhất, đồng bào miền nam được nhìn thấy Bác. Sau đó, Quốc khánh năm 1973, Bộ Chính trị chính thức phát lệnh khởi công Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày thống nhất gần kề. Có nhiều đề án được đưa ra triển lãm lấy ý kiến nhân dân. Cuối cùng, Lăng Bác được thiết kế theo phong cách Việt Nam, hình khối kiến trúc giống như một ngôi nhà năm gian, nhiều cột trụ và có bậc tam cấp. Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Xây dựng Ðỗ Mười được giao trọng trách Trưởng ban phụ trách xây dựng Lăng Bác…
- Thưa ông! Theo chúng tôi được biết thì hồi đó các bạn Liên Xô (trước đây) đã giúp đỡ chúng ta thiết kế, vật liệu xây dựng, trang thiết bị kỹ thuật và cử đoàn chuyên gia qua hỗ trợ. Vậy sáng kiến “không gian xanh Lăng Bác” là do ai đề ra?
- Không ai đề ra cả mà chính chúng ta đã thực hiện theo tư tưởng, phong cách của Người. Sinh thời, Bác yêu thiên nhiên, yêu cỏ cây, hoa lá, chim muông. Lúc quy tiên, hãy để Bác được sống giữa mùa Xuân vĩnh cửu Việt Nam. Không gian nơi yên nghỉ của Người không thể là một đền đài tĩnh lặng…
Tiểu ban cây xanh được thành lập với sự tham gia của nhiều ban, ngành. TS. Nguyễn Ðăng Khôi hồi đó là cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Việt Nam, được giao nhiệm vụ phụ trách tiểu ban này.
- Ðể thiết kế thành công, chúng tôi đã về quê Bác, vào nhà sàn làm việc của Người để nghiên cứu, với mong muốn làm sao cho những loài cây Việt Nam thân quen từ thuở thiếu thời đến ngày Bác đi xa đều có mặt ở nơi yên nghỉ cuối cùng của Người. Không gian xanh phải thể hiện được sở thích, tâm hồn của Bác, bảo đảm phù hợp với tổng quan kiến trúc, điều kiện sinh thái và tôn thêm vẻ đẹp thiêng liêng của Lăng. Hoàn tất thiết kế, tiểu ban chúng tôi đã báo cáo trước lãnh đạo cấp trên với sự có mặt của đoàn kiến trúc sư, hội mỹ thuật và các nhà khoa học…
Nơi hội tụ hương sắc Việt Nam
Trong không gian ấy là sự góp mặt của đại diện hương sắc miền ngược, miền xuôi, miền nam, miền bắc. Hoa lá là tinh túy mang tính đặc thù của thiên nhiên ở mỗi vùng đất, hoa lá thay tấm lòng của muôn dân Việt Nam cùng tỏa hương, khoe sắc vĩnh hằng bên hương linh vị Cha già Dân tộc.
- Chúng tôi muốn thể hiện không gian nơi Bác yên nghỉ là một khu vườn đặc sắc theo phong cách Việt Nam. Không có loài hoa lá nào xa lạ với Người và không xa lạ với miền quê nào cả. Chung quanh Lăng là những hàng cổ thụ thể hiện sự vĩnh cửu, trường tồn. Hai cây đại thụ trước cửa Lăng mang dáng dấp những ngôi chùa cổ. Bên trái, phải cửa Lăng là hai hàng vạn tuế như hai hàng tiêu binh đứng gác. Xa xa hơn là một số cây đa, nhân giống từ cây đa Tân Trào lịch sử, mang biểu trưng của làng Việt nghìn đời. Kết thúc không gian hai bên lễ đài, chúng tôi cho trồng hai khối tre luồng Thanh Hóa, vừa mang hồn dân tộc, vừa phù hợp với tổng thể kiến trúc. Trên đường Hùng Vương, con đường lớn dành cho các ngày đại lễ là hai hàng chò, chò nâu của đất Tổ Hùng Vương và chò nước Nam Bộ. Trên đường Bắc Sơn, đường chính vào Lăng là hai hàng cây ban Tây Bắc, loài hoa thể hiện sự thủy chung. Ðiểm quanh quảng trường là phượng vĩ, hoa đào mầu đỏ. Rồi những cây dừa miền nam, tre ngà Bắc Bộ, bưởi Ðoan Hùng, cam Xã Ðoài, mạn hảo và râm bụt làng Sen. Vườn hoa sau Lăng Bác cũng được điểm tô bằng hàng rào râm bụt, hoa nhài, hoa đào nhân giống từ cây đào của đồng chí Tô Hiệu trồng tại nhà tù Sơn La, rồi đào bạch Lạng Sơn, mẫu đơn, ngọc bút, mộc, mai vàng Nam Bộ… trên tấm phông xanh mát của hàng ngọc lan.
- Thưa ông, được biết theo thiết kế ban đầu thì quảng trường trước Lăng Bác là sân bê-tông với hệ thống phun nước?
- Ðúng thế. Nhưng chúng tôi đã bỏ ý đồ xây dựng sân bê-tông bởi cảm giác nặng nề và thay bằng một thảm cỏ xanh. Nhưng khó khăn là trồng bãi cỏ đó phải có một loại đất phù hợp, có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh và làm sao cho 20-30 vạn người có mặt trong các ngày đại lễ sẽ không làm hỏng cỏ. Thảm cỏ trên quảng trường là thảm hỗn hợp của cỏ gà và cỏ mật.
- Qua thuyết minh của ông đủ thấy một khối lượng công việc không nhỏ, từ việc lựa chọn các loài cây, đưa cây từ các địa phương về trong hoàn cảnh mặt bằng công trình còn dở dang. Làm cách nào để vừa trồng cây bảo đảm sống lại vừa kịp tiến độ thi công?
- Có thiết kế rồi phải thi công ngay. Chúng tôi đến từng địa phương cùng nhân dân chọn cây mang về vườn ươm tại Hà Nội. Mặt bằng giải phóng đến đâu trồng cây đến đó. Các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đã đặt những bầu cây đầu tiên trong nỗi nhớ thương Người và lan tỏa niềm xúc động mênh mang…
Ðồng bào cả nước cùng hướng về nơi Bác yên nghỉ
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sắp thành công, Lăng Bác phải hoàn thành trước ngày Quốc khánh Việt Nam thống nhất. Tiến độ thi công khẩn trương quên cả ngày đêm. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Ban phụ trách xây dựng Lăng đều chú tâm cho công việc sớm được hoàn thành. Nhưng điều đáng nói nhất là tấm lòng đồng bào cả nước cùng hướng về công trình Lăng Bác. Cây mọi miền tụ hội về nơi Người yên nghỉ. Ðặc biệt, thật cảm động, đồng bào miền nam trong lửa đạn vẫn hướng về Thủ đô. Gỗ ở Khu 5 và Tây Nguyên vượt Trường Sơn ra bắc. Năm xe ô-tô tải chở những cây mai vàng, mai tứ quý, sứ, dừa… ngày nghỉ, đêm đi. Ðồng bào Ðà Lạt chọn cây hoa hồng và cây ùm ụp từ cao nguyên gửi ra dâng Bác…
Nguyễn Ðăng Khôi kể nhiều câu chuyện cảm động mà chúng tôi khó lòng ghi hết. Ông nói:
- Hồi đó, mỗi khi chúng tôi đến các tỉnh chọn cây thì địa phương coi dịp này là một đại lễ. Hầu như tất cả mọi người, từ già đến trẻ đều tham gia công việc thiêng liêng này. Ngày lên Sơn La rước hoa đào, hoa ban cũng thật cảm động. Lúc đầu, chúng tôi lo là làm sao chở cây với hành trình xa như thế mà cây không bị chết. Có ý kiến đề xuất đan bầu tre đựng cây. Nhưng tre đâu? Ðan sao kịp? Lãnh đạo địa phương chỉ hô một tiếng, trong một buổi có hàng trăm người tự nguyện chặt tre nhà vác đến rồi đan bầu, đặt cây. Ngày rước cây như một ngày hội của lòng dân. Trên đường đoàn xe về Hà Nội, dân các bản làng ven đường cây đi qua bày hương án bên đường và tề tựu rước cây như một nghi lễ thiêng liêng. Hoặc chuyện lấy đất phù sa sông Hồng để làm nền trồng cỏ trước quảng trường Ba Ðình. Ðất bảo đảm tiêu chuẩn chỉ có ở xã Lĩnh Nam (Thanh Trì, Hà Nội), có nghĩa là lấy từ diện tích mà dân đang canh tác. Chúng tôi bỏ qua các thủ tục hành chính, xuống cùng ban chủ nhiệm hợp tác xã họp dân. Bốn ngày sau, công trường được mở. Nông dân xã Lĩnh Nam tự hào vì được góp đất quê mình vào công trình nơi an nghỉ cuối cùng của vị lãnh tụ kính yêu. Họ từ chối nhận đền bù hoa màu. Một khó khăn nữa là phải làm sạch cỏ dại trên đất phù sa trước khi đưa về Lăng Bác. Ngày 8/3/1975, phụ nữ xã Lĩnh Nam đã bỏ phiên chợ Mơ để làm sạch cỏ dại cho công trình Lăng. Họ tự nguyện đến tổ chức mít tinh và đặt tên buổi làm sạch cỏ là “lễ Âu Cơ”…
Nguyễn Ðăng Khôi trầm ngâm giây lát và nói với tôi như một lời tâm sự thốt lên tự đáy lòng: “Thật khó có vị lãnh tụ nào mà hợp với lòng dân, được dân kính, dân yêu như Bác của chúng ta! Chỉ riêng trong công việc trồng cây làm đẹp không gian nơi an nghỉ cuối cùng của Người mà chúng tôi cũng được cảm nhận sâu sắc tình cảm thiêng liêng của nhân dân với Bác…”
Ghi chép của Uông Thái Biểu
Theo Báo Nhân Dân
Minh Đức (st)