Vấn đề “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong Văn kiện Đại hội XIII rất phong phú và toàn diện, bổ sung nhiều điểm mới so với các kỳ đại hội trước, cần nhận thức đúng để thực hiện có hiệu quả.

Đại hội XIII đánh giá: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”1; nội dung, phương thức xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”2. Từ đó, Đại hội XIII khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) dành dung lượng đáng kể đề cập đến nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới. Bên cạnh mục XIII của Báo cáo Chính trị và nội dung thứ 10, mục V của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tập trung đề cập nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Báo cáo Chính trị còn đề cập vấn đề này ngay từ chủ đề của Đại hội và trong các mục: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; Quan điểm chỉ đạo thứ 5; Định hướng phát triển đất nước thứ (10) và (12); Nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất và thứ năm; Đột phá chiến lược thứ nhất. Điều đó cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời gian tới.

Từ đó, Đại hội XIII xác định vị trí của nhiệm vụ, đến các nội dung, biện pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện tư duy mới và những bước phát triển mới về chất so với các kỳ đại hội trước. Về vị trí của nhiệm vụ, Văn kiện xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”3. Đây là sự cụ thể hóa thành tố đầu tiên của chủ đề Đại hội “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Bởi, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thành phần cơ bản của hệ thống chính trị Việt Nam, lực lượng chính trị có vai trò quyết định trong việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nghị quyết của Đảng thành thực tiễn sinh động. Do vậy, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng ta dành sự quan tâm đặc biệt, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Về nội dung, biện pháp xây dựng, được Đại hội XIII đề cập rất toàn diện, phong phú; không chỉ xây dựng Nhà nước có tính chuyên nghiệp, hiện đại, mà còn coi trọng việc xây dựng Nhà nước về bản chất chính trị; không chỉ quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp mà còn coi trọng khía cạnh chấp hành luật pháp; không chỉ quan tâm đến yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; không chỉ quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế của bộ máy nhà nước: Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp, mà còn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước, v.v.

XDNN phao quyen
Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công của Đảng đoàn Quốc hội thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Để tăng cường xây dựng bản chất chính trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội XIII nhấn mạnh ngay từ thành tố đầu tiên của chủ đề Đại hội; đồng thời, khẳng định Nhà nước đó phải là nhà nước “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo”. Nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phù hợp với Điều 4, Hiến pháp năm 2013, đảm bảo cho việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đúng với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng; để Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cụ thể hóa vấn đề xây dựng Nhà nước về bản chất chính trị, Văn kiện xác định việc ban hành luật pháp phải “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo”; quy trình làm luật của Quốc hội phải “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”; phải tập trung “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân”; xây dựng nền tư pháp “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ: công lý, quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”; “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”.

Điểm nổi bật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII là sự nhất quán tư tưởng “thượng tôn pháp luật”. Đây là tư tưởng chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Đại hội chỉ ra: “Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”4. Chính tinh thần “thượng tôn pháp luật” được đề cao cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất sẽ là động lực mạnh mẽ để xây dựng xã hội lành mạnh, kỷ cương và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mới được hiện thực hóa. Tinh thần “thượng tôn pháp luật” được Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh ở nhiều nội dung. Trong định hướng phát triển đất nước (thứ 12), so với Đại hội XII, Đại hội XIII đã bổ sung thêm mối quan hệ lớn thứ 10 cần nắm vững và xử lý tốt là “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”5. Bên cạnh đó, tại mục XIII, Văn kiện nhấn mạnh đến “nguyên tắc pháp quyền” trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của các cơ quan nhà nước và trong xây dựng nền hành chính nhà nước.

Đối với nội dung xây dựng các thiết chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội XIII nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng: tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền trong tổ chức và hoạt động, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Điểm mới trong tổ chức Quốc hội là: “tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp”6. Điều đó sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp hơn, nhất là trong thực hiện quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện luật pháp. Đối với thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội, Văn kiện xác định việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, “xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế”7. Đề cập đến “sức cạnh tranh quốc tế” của hệ thống pháp luật là một nét rất mới của Văn kiện lần này, phù hợp với bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Theo đó, cần xây dựng các văn bản pháp luật và các thiết chế bảo vệ nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế; nội luật hóa những điều ước quốc tế, nhất là các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Đại hội XIII chủ trương: tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; tập trung xây dựng Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”. Trong nhiệm kỳ này, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước là thống nhất. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; nâng cao chất lượng dịch vụ công; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh, gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử để đáp ứng xu hướng phát triển xã hội số, nền kinh tế số.

Đối với cơ quan tư pháp, Đại hội XIII chủ trương: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; coi đó là nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. So với Nghị quyết số 49-NQ/TW, của Bộ Chính trị (khóa IX), Văn kiện đã có sự phát triển mới, nhất là nhấn mạnh yếu tố chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính.

Về chính quyền địa phương, Đại hội XIII bổ sung, làm rõ hơn nội dung: tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng phân định rõ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương.

Để có đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển. Đồng thời, yêu cầu có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quá trình nhận thức, phát triển tư duy của Đảng ta ngày càng hoàn thiện hơn; đồng thời, là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm của Đại hội XIII là thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hồi

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Tâm Trang (st)

____________________

1. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 71.
2. Sđd, Tập I, tr. 89.
3. Sđd, Tập I, tr. 174.
4. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 89.
5. Sđd, Tập I, tr. 119.
6. Sđd, Tập I, tr. 176.
7. ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 285.

Bài viết khác: