Tư tưởng chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận và công tác dân vận đã được khẳng định và minh chứng bằng những thắng lợi của các cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam qua những giai đoạn cách mạng khác nhau. Và đến nay, những quan điểm, tư tưởng đó của Người vẫn luôn là kim chỉ nam soi sáng cho con đường cách mạng Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, là động lực giúp cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giành chiến thắng trên tất cả các mặt trận, đặc biệt là cuộc chiến chống COVID-19 đang hoành hành hiện nay.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những trang vàng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, với những chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nông nghiệp lạc hậu, nay đã vững bước phát triển đi lên để sánh vai với các cường quốc năm châu tiến vào thời kỳ hội nhập toàn cầu. Những thành quả của hiện tại chính là những điều có được từ mất mát, đau thương và dựa một nền móng vững chắc đó chính là sự lãnh đạo của Đảng,vai trò của quần chúng nhân dân, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và sự định hướng trong tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt và soi đường. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, dễ vạn lần dân liệu cũng xong” hay “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1. Sức mạnh của quần chúng nhân dân luôn là một sức mạnh vô địch mà không thế lực nào có thể chống lại. Dù là thời chiến, hay thời bình thì sức mạnh đó vẫn luôn tồn tại và phát triển.

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận và công tác dân vận được thể hiện qua rất nhiều tác phẩm, rất nhiều câu nói của người qua mỗi thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào Người cũng đề cao vai trò của quần chúng nhân dân đối với tất cả các hoạt động của cách mạng, nhân dân có mặt trên tất cả các mặt trận, ở đâu cũng có nhân dân và ở đâu cũng cần có sự trợ giúp của nhân dân, dân là chủ và dân làm chủ.

Nhưng làm thế nào để nhân dân thể hiện được vai trò và trách nhiệm của mình, làm thế nào để khích lệ, động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào các công việc của Đảng, của Nhà nước và làm như thế nào để tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân thành một khối. Điều đó muốn làm tốt, trước hết phải làm tốt công tác dân vận.

Người chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”2.

Như vậy, muốn làm tốt công tác dân vận, dân vận sao cho khéo thì cán bộ làm công tác dân vận phải đi sâu, đi sát với quần chúng nhân dân, phải hiểu dân và bàn bạc với dân, học dân và hỏi ý kiến, kinh nghiệm của dân… Chỉ khi nào nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân,được nhân dân tin yêu thì lúc đó mới làm được công tác dân vận. Chính vì thế, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay, nhận thức được vai trò của quần chúng nhân dân, nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận, Đảng ta đã luôn luôn đề cao cách thức và phương pháp tiến hành dân vận, vận dụng linh hoạt và sáng tạo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận vào hoạt động thực tiễn, vì thế đã mang lại rất nhiều thắng lợi vĩ đại trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Trong dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp đổi mới, trước bao diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, với những khó khăn ở trong nước, Đảng ta đã kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”3. Hay tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta cũng đã khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “lấy dân làm gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân được củng cố, tăng cường..”4.

Có thể thấy, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận và công tác dân vận đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo và linh hoạt trong những phong trào cách mạng cụ thể, dù là thời chiến hay thời bình thì những tư tưởng của Người luôn luôn định hướng, soi đường cho Đảng ta, nhân dân ta đi đến thắng lợi. Và trong mỗi phong trào cách mạng đó, vai trò của quần chúng nhân dân luôn giữ vai trò trung tâm, là động lực của cách mạng. Mỗi khi quốc gia, dân tộc có giặc ngoại xâm hay mỗi khi quốc gia dân tộc có những sự kiện trọng đại thì tinh thần của quần chúng nhân dân, tinh thần dân tộc lại được trỗi dậy.

Trước đại dịch COVID-19, Việt Nam lại là cái tên được cả thế giới ngưỡng mộ vì sự chung tay chống dịch của cả nước. Bất cứ một chủ trương, chính sách nào của Đảng, Nhà nước đề ra, nhất tề cả nước, tất cả quần chúng nhân dân đều tin tưởng và ủng hộ. Với sự tham gia hết mình của cả hệ thống chính trị trên phạm vi cả nước, sự chung tay ủng hộ của quần chúng nhân dân, mọi đường lối, chủ trương chống dịch đều được nhân dân ủng hộ và chấp hành tốt.

Hiện nay, diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, dịch bệnh đã xâm nhập vào hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam, với số lượng người nhiễm bệnh ngày càng tăng, khiến cho hệ thống chính trị tại cơ sở, hệ thống ý tế khó lòng đáp ứng được trước số lượng thực tế bệnh nhân ngày càng tăng cao theo giờ. Với sự nhất quán thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ trong thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài, chung tay chống dịch”. Các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã và đang thực hiện tốt công tác phòng, chống và chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, với sự chung tay của cả nước, của cả hệ thống chính trị, sự trợ giúp của tất cả các lực lượng trong đó điển hình là hệ thống y tế, đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước, lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trên cả nước đã chi viện tiếp sức cho miền Nam trong cuộc chiến trong dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra vô cùng gay go và quyết liệt này.

Để có được tinh thần chung tay chống dịch của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân tin tưởng và ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh không thể không kể đến vai trò của đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp làm việc gần gũi với quần chúng nhân dân đã và đang hàng ngày hàng giờ động viên, ủng hộ và chăm lo cho nhân dân cả về vật chất và tinh thần; cả nước hướng về trợ giúp nơi tâm dịch. Điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc vô cùng lớn lao và cao cả.

Qua công tác chống dịch COVID-19 đã và đang diễn ra trên phạm vi cả nước, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong quá trình thực thi các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận của Đảng và Nhà nước ta trong tiến hành và hiện thực hóa các chủ trương, chính sách đó, như sau:

Thứ nhất, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc, đưa công an chính quy về xã. Đây chính là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước để thiết lập hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đủ sức thực hiện được các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đồng thời, đây cũng chính là cơ sở, là nòng cốt để thực hiện tốt nhất công tác dân vận đối với quần chúng nhân dân các giai tầng, tốt từ cấp cơ sở trở lên, vì cấp cơ sở, tuy là cấp thấp nhất trong hệ thống chính trị, nhưng lại giữ vai trò quan trọng nhất, và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là đội ngũ trực tiếp tiếp xúc và giải quyết tất cả những nhu cầu, mong muốn hay bức xúc của quần chúng nhân dân.

Thứ hai, luôn coi trọng nhân dân và đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Đây chính là một nội dung trọng tâm luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng và đưa lên hàng đầu khi xây dựng các chủ trương, chính sách. Phải làm sao để những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với ý chí, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, đảm bảo tất cả lợi ích cả vật chất, tinh thần của nhân dân. Chính vì thế mà khi đất nước có các biến cố xảy ra, khi Đảng và Nhà nước đưa ra các chủ trương, chính sách thì nhất tề toàn dân đều ủng hộ và chấp hành. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt rất sâu sắc phương châm làm việc của Bác Hồ “gần dân và trọng dân”, hay “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Thứ ba, luôn quy tụ được tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân. Điều này có thể thấy trong đại dịch COVID-19, với mục tiêu “vì nhân dân”, Đảng ta đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn dân, của đồng bào ở xa Tổ quốc. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch thể hiện ở sự đồng tâm, đồng lòng từ trên xuống dưới, ở sự vào cuộc chia sẻ của cả hệ thống chính trị, với sự tận tâm, tận lực của các lực lượng tham gia chống dịch, ở sự ủng hộ của nhân dân trước các biện pháp của Chính phủ, ở sự ủng hộ tài lực, vật lực của các tầng lớp nhân dân, từ cụ già, cháu bé đến các tập đoàn hàng đầu quốc gia. Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam chưa phải là nước phát triển, tiềm lực vừa phải, nhưng đã có được “lực lượng vĩ đại” để chiến thắng đại dịch.

Tóm lại, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 dù còn kéo dài, nhưng với sự đồng tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ủng hộ, chấp hành tốt của toàn thể quần chúng nhân dân, tin tưởng rằng, bằng sức mạnh của thời đại, tinh thần đoàn kết dân tộc, sức mạnh của quần chúng, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch. Và hơn hết nữa, con đường cách mạng còn dài, nhưng dưới ánh sáng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin chắc rằng sự nghiệp của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng sẽ luôn giành chiến thắng./.

Quốc Thành

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 698-700.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.232-233.
3.https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-le-ky-niem-130-nam-ngay-sinh-bac-ho-1491865309
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 201-202

Bài viết khác: