Ngoài việc đối mặt với vi-rút SAR-CoV 2 đang hoành hành, chúng ta đang phải đối mặt với loại vi-rút nguy hiểm không kém, chính là "vi-rút tin giả", "vi-rút tin xấu, độc".
Đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu và trở thành một thảm họa an ninh phi truyền thống điển hình, tác động, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và thế giới. Cũng xuất phát từ “sự kiện thế kỷ” này mà các quốc gia có nhận thức đầy đủ hơn về mức độ hệ trọng của các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh đe dọa không chỉ sức khỏe, tính mạng con người mà còn tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội mang tính toàn cầu.
Những nỗi lo mùa dịch
Ngày 23-2-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho rằng, con số thống kê hơn 500.000 người Mỹ chết trên tổng số 28,1 triệu người Mỹ mắc bệnh sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát hơn một năm là “một con số nghiệt ngã”. Con số người chết đã cao hơn tổng số lính Mỹ chết trong các cuộc Chiến tranh thế giới lần I, lần II và Chiến tranh Việt Nam cộng lại. Những con số về số ca mắc, số người chết được thống kê và thông báo hằng ngày của các quốc gia trên thế giới; những câu chuyện về thảm họa từ đại dịch của các nước như Ấn Độ, Bra-xin, In-đô-nê-xi-a, Mỹ, châu Phi… thực sự đã tạo ra những cú sốc nặng nề, mang đến một tâm trạng lo lắng, bất an khắp toàn cầu.
Trong cuộc đua ngăn chặn một đại dịch chưa từng có này, thế giới cũng đã nhanh chóng gặt hái được những thành công ban đầu, mặc dù còn phải đối mặt với những phức tạp khó lường từ đại dịch nhưng những thành công đó đã mang lại niềm hi vọng lớn lao ở phía trước. Hàng loạt các loại vắc-xin ngừa COVID-19 đã được công bố và được phê duyệt khẩn cấp đưa vào sử dụng, bước đầu đã khẳng định được tính hiệu quả. Nhiều phác đồ điều trị cũng như việc nghiên cứu ra các loại thuốc đặc trị đang được ráo riết nghiên cứu ở nhiều nước. Những tín hiệu tích cực từ vắc-xin, thuốc điều trị đã và đang mang lại niềm hi vọng lớn về việc đại dịch sớm được ngăn chặn, đẩy lùi. Tuy nhiên, những hậu quả khủng khiếp do đại dịch gây ra cho nhân loại như mọi người đã thấy sẽ còn tiếp tục và nhân loại còn phải chứng kiến nhiều yếu tố khó lường khác từ đại dịch này.
Những thành công của Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh trong thời gian qua đã được người dân trong nước và dư luận quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với dịch bệnh ở Việt Nam đã được ngăn chặn, đẩy lùi. Và, thực tiễn việc bùng phát đợt thứ tư của dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng trên phạm vi cả nước đã cho thấy rõ điều đó.
Những con số được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về phòng, chống dịch bệnh tăng lên nhanh chóng mỗi ngày về số người mắc, số người nhập viện, số người tử vong cũng như số địa phương có các ca mắc bệnh mới COVID-19 khiến ai cũng phải quan tâm lo lắng. Trước đây, các đợt dịch trước chỉ có vài chục ca hoặc như đợt dịch bùng phát ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh cũng chỉ mấy trăm ca mỗi ngày và được tập trung khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, kịp thời. Nhưng đợt bùng phát lần thứ tư, với tâm điểm là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh khu vực phía Nam cho thấy tính phức tạp, nguy hiểm và sự lan nhanh của dịch bệnh, đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống và nền kinh tế đất nước. Mỗi ngày cả nước có hàng nghìn ca mắc bệnh mới, hàng chục ca tử vong. Kịch bản về số ca mắc bệnh trên một địa bàn cũng như cả nước liên tục phải điều chỉnh, cập nhật, khi mà mỗi ngày có gần 10.000 người mắc mới và hàng nghìn người phải nhập viện trong tình trạng đe dọa đến tính mạng cận kề. Dịch bệnh bùng phát mạnh đã tạo sức ép khủng khiếp lên nền kinh tế, các yếu tố bảo đảm an ninh xã hội như sự chống chịu của hệ thống y tế; công tác bảo đảm đời sống an sinh xã hội tại các khu vực bị giãn cách, phong tỏa, cách ly; căng thẳng về lao động, việc làm, thu nhập của người dân; tâm lý xã hội, an ninh trật tự…
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra rất nghiêm trọng, cùng với sự lo lắng của đại đa số người dân thì các thông tin lan truyền trên in-tơ-nét, các mạng xã hội và bằng nhiều cách thức lan truyền khác cũng đã xuất hiện với tần suất, cách thức và nội dung rất đa dạng, đa chiều, nhiều góc nhìn và tâm trạng khác nhau. Đó là sự phản ứng xã hội tự nhiên, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển của khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, để sự phản ứng đó mang tính tích cực, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội lại là câu chuyện không dễ dàng, thậm chí, nếu không kiểm soát tốt những thông tin được lan truyền cũng sự tiếp nhận thông tin sai lệch có thể dẫn đến những bất ổn trong xã hội.
“Ma trận” thông tin
Bên cạnh những thông tin chính thức được các cơ quan có trách nhiệm chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân thì trong những ngày cả nước căng mình chống dịch, chúng ta thấy rất nhiều các dạng thông tin khác nhau, cách tiếp cận khác nhau đang len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống.
Trước hết, đó là những thông tin phản ánh tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ cũng như của từng địa phương. Luồng thông tin này cơ bản đã phản ánh một cách kịp thời, trung thực, có trách nhiệm để mọi người đều nắm bắt được tình hình dịch bệnh, các chủ trương, chính sách, biện pháp để chấp hành. Cùng đó là các thông tin, hình ảnh lan tỏa những nét đẹp, sự hi sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các cấp, các ngành và của mỗi người dân; khơi dậy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, tương thân, tương ái… vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Song, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu đó, đã xuất hiện rất nhiều những thông tin xấu độc, gây hoang mang trong dư luận, cản trở những nỗ lực phòng, chống dịch của Nhà nước, các cơ quan, các địa phương và từng người dân. Một trong những vấn đề xuất hiện trên mạng in-tơ-nét, các mạng xã hội và lan truyền trong xã hội thời gian qua là nạn tin giả.
Với mục đích câu view, câu like để bán hàng online, để được “nổi tiếng”, để “thể hiện” bản thân, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã đưa ra các thông tin sai sự thật một cách cố ý. Họ tự nghĩ ra những câu chuyện, cắt ghép các hình ảnh hoặc dựa trên các vụ việc xảy ra nhưng chưa được kiểm chứng để thêm bớt, xào xáo tăng tính hấp dẫn, thu hút người đọc. Họ lan truyền, xuyên tạc, bịa đặt về những con số nhiễm bệnh, về số người chết, về các ca mắc bệnh ở địa phương hoặc tình hình cung ứng nhu yếu phẩm cho vùng giãn cách, phong tỏa; đưa các thông tin, hình ảnh không đúng sự thật về các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch… Những tin tức, hình ảnh giả tạo, xuyên tạc này xuất hiện ở nhiều tài khoản mạng xã hội, nhiều hội nhóm, gây hoang mang, lo lắng hoặc bức xúc trong dư luận về tình hình dịch bệnh cũng như cố tình phá hoại những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng.
Một dạng thông tin rất được đáng chú ý là những thông tin, bài viết của một số người “nổi tiếng” hoặc nhiều người biết đến trong giới nghệ sĩ, trí thức, nhà báo. Nhiều bài viết mang tính chia rẽ, miệt thị, kích động, thậm chí có những phát ngôn phản cảm, phản văn hóa; một số người thường xuyên đưa ra các chỉ trích vô căn cứ, bình luận ác ý. Giữa lúc cả nước đang dồn sức chống dịch, những lời lẽ bàn tán, xuyên tạc, phát ngôn vô trách nhiệm, cài đặt ý kiến chủ quan, lập lờ… của những người này thực sự đã có tác động rất tiêu cực đến tâm lý, nhận thức, tình cảm của nhiều người trong xã hội. Những người này đưa ra những thông tin thiếu căn cứ tin cậy, tư duy một chiều, cảm tính hoặc tự huyễn cho mình có quyền phán xét; cũng có những trường hợp thể hiện tư tưởng bất mãn, tiêu cực cá nhân trong các bài viết, bình luận hay phát ngôn.
Cũng trong những ngày căng thẳng chống dịch này, hiển nhiên các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không bỏ lỡ cơ hội tăng cường các luận điệu tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta. Hiển nhiên, các đối tượng này chưa bao giờ và không khi nào từ bỏ âm mưu chống phá; không bao giờ mong muốn đất nước ổn định và phát triển. Trong những ngày chống dịch bệnh vô cùng khó khăn, qua các kênh truyền thông, chúng tập trung tán phát tin giả, dựng chuyện, xuyên tạc, đả kích… công tác phòng, chống dịch của Nhà nước, Chính phủ, của các lực lượng, chính quyền các địa phương với mục tiêu gây khó khăn cho các nỗ lực chống dịch của Nhà nước và làm cho người dân lo lắng, hoang mang.
Vững tâm thế giữa vòng xoáy đại dịch
Những ngày này, cùng với việc đối mặt với đại dịch do chủng vi-rút SAR-CoV 2 gây ra, chúng ta cũng đang phải chống lại một loại “vi-rút” mà truyền thông gọi là thứ "vi-rút xấu, độc", “vi-rút tin giả” đang lan rất nhanh, rất mạnh và len lỏi vào mỗi gia đình, mỗi ngóc ngách của cuộc sống mà việc phân biệt đúng - sai, thật - giả, xấu - tốt không hề dễ dàng. Để có thể cùng nhau vượt qua đại dịch đòi hỏi ở mỗi người khi tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin cần có một tâm thế vững vàng, đúng đắn, tích cực và trách nhiệm.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã và đang tập trung mọi nỗ lực trong việc ngăn chặn dịch bệnh với quan điểm rõ ràng, nhất quán “tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”. Hàng loạt các chủ trương, biện pháp quyết liệt đã được ban hành, được triển khai, trong đó có những biện pháp đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng, rất khó khăn khi phải quyết định thực hiện vì nó tác động trực tiếp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, tư tưởng, tâm lý của người dân, đến sự ổn định của toàn xã hội. Cho đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ bản những chủ trương, giải pháp đó đã được khẳng định là đúng hướng và có hiệu quả.
Trong lúc này, mỗi người cần đề cao ý thức công dân, ý thức tôn trọng và chấp hành luật pháp; tin tưởng vào các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và của các địa phương; cổ vũ, lan tỏa những yếu tố tích cực, chung tay, góp sức phòng, chống dịch; lên án, đấu tranh, tẩy chay với những thông tin tiêu cực gây hoang mang trong dư luận xã hội hoặc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Đây chính là cách thể hiện tinh thần yêu nước, bản lĩnh và tâm thế của con người Việt Nam trước những khó khăn, thách thức.
Trong những ngày căng thẳng khi cả nước đã chung sức, đồng lòng chống đại dịch COVID-19, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không bỏ lỡ cơ hội tăng cường các luận điệu tuyên truyền chống phá. Cùng với việc đưa các thông tin giả mạo, xuyên tạc, triệt để thực hiện các “thuyết âm mưu” để đưa ra các vụ việc gây nghi ngờ trong dư luận, các đối tượng này không hề che giấu âm mưu chống Đảng, chống Nhà nước và chế độ ta. Đây chính là loại vi-rút độc hại, nguy hiểm không kém vi-rút gây dịch bệnh khi đang lây lan trên không gian mạng, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
PGS, TS. Đỗ Cảnh Thìn
Phó Giám đốc Trung tâm An ninh phi truyền thống,
Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Tâm Trang (st)