Đường Hồ Chí Minh trên biển là nơi hội tụ sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sức mạnh ấy thể hiện ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội; tình cảm của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam, tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số.
Những chuyến vượt biển là những chuyến đi của tình đồng chí, đồng đội, sự yêu thương gắn bó như anh em ruột thịt, đồng cam cộng khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi, sự sống cho đồng đội; tinh thần đoàn kết, kề vai sát cánh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân; tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh của người chiến sĩ hải quân. Có thể nói, sức mạnh chính trị-tinh thần trên tuyến đường chiến lược vận tải biển là một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sức mạnh ấy được bắt nguồn từ những nhân tố cơ bản sau:
Một là, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin, quan điểm chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vào điều kiện cụ thể ở nước ta; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của dân tộc, Đảng ta đã đề ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo. Đó là đường lối chính trị lãnh đạo toàn dân hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đồng thời tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời ra sức tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đó là quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị, của Tổng Quân ủy về tổ chức đường vận tải chiến lược trên biển đưa lực lượng, vũ khí, trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện quyết tâm đánh thắng các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, ngụy. Đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta là ngọn cờ tập hợp lực lượng, động viên, cổ vũ quân và dân ta nói chung, cán bộ, chiến sĩ hải quân nói riêng phát huy tinh thần yêu nước, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 (năm 1972). Ảnh tư liệu
Hai là, sự quan tâm chỉ đạo, động viên, cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) hướng vào Cà Mau. Ra tiễn đoàn thủy thủ có các đồng chí: Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà. Thay mặt Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng căn dặn và đặt niềm tin vào các thủy thủ. Đại diện thủy thủ đoàn, Chính trị viên Bông Văn Dĩa hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ, quyết không phụ lòng mong mỏi của Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ. Và khi tin vui thắng lợi của chuyến vũ khí đầu tiên vào Cà Mau được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bác Hồ có điện biểu dương cán bộ, chiến sĩ và chỉ thị: “Nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí hơn nữa cho đồng bào miền Nam đánh giặc, để cho Nam-Bắc sớm sum họp một nhà”.
Ba là, sự quan tâm giúp đỡ của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến và tinh thần, ý chí quyết tâm của đồng bào, đồng chí miền Nam trong thực hiện quyết tâm vận chuyển lực lượng và vũ khí.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hậu phương miền Bắc là nơi chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam chiến đấu và chiến thắng. Sức mạnh chính trị - tinh thần trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển bắt nguồn từ sự quan tâm giúp đỡ, cổ vũ to lớn của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Trong khi chờ phương thức vận chuyển vũ khí từ miền Bắc bằng đường biển vào miền Nam, dưới dự chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh Nam Bộ đã tích cực, chủ động chuẩn bị bến, bãi; đồng thời cho thuyền ra miền Bắc vừa thăm dò, mở đường, vừa nghiên cứu phương tiện vận chuyển trên biển và nếu có điều kiện thì chở vũ khí về miền Nam.
Từ giữa năm 1961 đến đầu năm 1962, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng 5 con thuyền của Nam Bộ đã ra tới miền Bắc và những người con của thành đồng Tổ quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đón tiếp ân cần.
Bốn là, thường xuyên tiến hành tốt công tác Đảng, công tác chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đường chiến lược vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tiến hành tốt công tác Đảng, công tác chính trị là một trong những biện pháp quan trọng để củng cố và phát triển tinh thần chiến đấu của quân đội. Để phát huy sức mạnh tổng hợp, trước hết là sức mạnh chính trị - tinh thần trong thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) đã tiến hành nhiều biện pháp, hình thức hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị. Ngay sau khi được thành lập, cùng với công tác tập luyện kéo lưới, rèn luyện khả năng chịu đựng sóng gió, xác định phương án hành quân thì công tác bồi dưỡng chính trị và xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ được đặc biệt quan tâm. Tập đoàn đánh cá Sông Gianh đã tổ chức nhiều đợt học tập để nâng cao trình độ chính trị, xây dựng lập trường giai cấp, tinh thần căm thù giặc sâu sắc; bồi đắp tinh thần người chiến sĩ cách mạng, lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, những bức thư, điện động viên của Bác Hồ, của Quân ủy Trung ương và Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân là nguồn cổ vũ lớn lao giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, luôn quyết chiến, quyết thắng trong mọi tình huống
Sức mạnh chính trị - tinh thần ấy là kết tinh của sức mạnh tinh thần dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, được nâng lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh đó bắt nguồn từ đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào về sức mạnh chính trị - tinh thần vô địch của quân đội và nhân dân ta nói chung, của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số nói riêng, lực lượng vận tải hải quân nguyện nối tiếp truyền thống hào hùng, xây dựng Quân chủng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, cùng toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng,
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)