Đại hội XIII của Đảng là Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển nhưng cũng đánh dấu một năm vượt khó thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau 35 năm đổi mới đất nước sẽ đặt nền móng, tiền đề để Đảng tiếp tục thực hiện trong 5 năm tới. Đây cũng chính là kỳ vọng rất lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân luôn trăn trở với vận mệnh của đất nước, của Đảng, với hạnh phúc của nhân dân.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng trong 5 năm 2021 - 2025, trong mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp có những nhận thức mới. Trong đó, việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng là một trong những nội dung quan trọng và cần thiết.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân". Nhân dân là lực lượng vô tận của cách mạng và là nhân tố tạo nên thắng lợi của cách mạng. Người cũng đã khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ các giá trị trong truyền thống dân tộc: “Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Nhân dân trong tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam cụ thể, cả hai đều là chủ thể của đại đoàn kết dân tộc. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đã nói: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Do đó, "trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân".

Bởi vậy "Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân", "dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân", "chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của Nhân dân và do Nhân dân tự xây dựng lấy" bởi dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Người chỉ rõ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Điều này đã được Đảng và Nhà nước ta phát triển, cụ thể hóa trong Hiến pháp và các quan điểm “lấy dân làm gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hay lấy “con người là mục tiêu và động lực chính của sự phát triển kinh tế - xã hội”, thực hiện một “chiến lược vì dân và do dân”.

Một quan điểm quan trọng gắn liền với lợi ích là: “Quyền hạn đều của dân”. Theo Hồ Chí Minh, tất cả mọi quyền hành, quyền lực đều thuộc về Nhân dân, do Nhân dân quyết định. Mọi công việc của chính quyền là do nhân dân ủy thác cho nên Nhân dân phải biết được những công việc của chính quyền, phải kiểm tra, kiểm soát được những việc làm của chính quyền. Vì thế việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng là yêu cầu tất yếu khách quan để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi mặt đời sống xã hội.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta hết sức quan tâm đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất quán quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Điều này được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, giữa các vùng, địa phương; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”1.

Về nhận thức, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.

Để thực hiện mục tiêu, phương châm đó, Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Có thể nói, tinh thần chung tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện để Đảng luôn là lực lượng tiên phong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và của cả dân tộc. Đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm khắc, dứt điểm các vụ việc tham nhũng, nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, tăng cường cung cấp các thông tin chính thống từ phía các cơ quan Đảng để nhân dân năm bắt thông tin kịp thời, chính xác và trách nhiệm tiếp thu, trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ trước nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tăng cường quy định về dân chủ trong Đảng và chế độ trách nhiệm đối với nhân dân; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Ba là, thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, để nhân dân phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Việc nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với các hình thức phù hợp; giám sát, góp ý kiến từ khâu xây dựng chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện và sử dụng kết quả là điều kiện quan trọng để tăng cường mối quan hệ giữa dân với Đảng.

Đồng thời, phải thực hiện tốt phong cách dân vận Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “nói đi đôi với làm”, sâu sát cơ sở nhằm thu thập thông tin, giải tỏa những bức xúc, băn khoăn, tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội.Chỉ có như vậy mới củng cố, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, gắn ý Đảng với lòng dân, mới phát huy được sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, phải kiên quyết làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các biểu hiện sa sút, thoái hóa về phẩm chất, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cựccủa cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt" để thấy rõ hơn vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đối với từng cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng là vừa phải nắm vững chủ trương của Đảng, vừa phải thể hiện quyết tâm cao, ra sức nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thực sự đem nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Năm là, lấy dân làm gốc nghĩa là phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Phải tuyệt đối tôn trọng nhân dân, không được quan cách, ra lệnh với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ rằng phải yêu dân, kính dân, phải có ý thức tôn trọng nhân dân, phải thấy được vai trò và vị trí của nhân dân trong xây dựng chính quyền. Muốn tôn trọng dân thì đầu tiên phải gần dân, lắng nghe dân, từ đó hiểu dân, yêu dân và kính dân. Mọi cán bộ phải rèn luyện và không có hành vi hoặc lời nói khiến người dân hiểu lầm rằng cán bộ thiếu tôn trọng dân. Đồng thời, luôn quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", trong tất cả các chủ trương, chính sách lớn đều nêu bật vai trò của nhân dân trong quá trình đấu tranh cách mạng. Sức mạnh đoàn kết toàn dân là sức mạnh Đảng và Nhà nước ta.

Thực tiễn đã làm sáng rõ, ở đâu và khi nào nhân dân thực sự được coi là nguồn động lực, là mục tiêu trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì ở đó, khi đó tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ổn định và phát triển thuận lợi; ngược lại, tình hình sẽ khó khăn, thậm chí rơi vào khủng hoảng, bất ổn. Và trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng ta quán triệt vận dụng và phát triển. Nhân dân là động lực, là trung tâm trong “chiến lược phát triển toàn diện”, trong công cuộc xây dựng xã hội mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bởi vậy, việc xác định nhiệm vụ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng là một trong những chủ trương, biện pháp quan trọng hàng đầu của Đảng góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.191 - 192

Bài viết khác: