Đại hội XIII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”1. Vì thế, trong thời gian tới, cần nghiêm túc quán triệt và thực hiện tốt quan điểm này.

Nghiên cứu sâu hệ thống Văn kiện các kỳ Đại hội thấy rõ tính nhất quán trong quan điểm của Đảng ta về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, luôn có sự bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, tại Đại hội lần này có nhiều điểm mới ở cả nội dung, giải pháp thực hiện. Thứ nhất, cùng với việc tiếp tục khẳng định những nội dung lớn, cơ bản được nêu trong Văn kiện Đại hội XII, như: xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, Nghị quyết Đại hội XIII đã bổ sung nội dung mới là “Phát huy thế trận lòng dân”2. Về xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân xác định rõ lộ trình, mục tiêu đạt được đến năm 2025, 2030. Thứ hai, về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, Nghị quyết Đại hội XIII nêu một nội dung mới quan trọng, đó là nguồn lực và thể chế hóa nguồn lực bảo đảm cho quốc phòng, an ninh. Trong đó, nhấn mạnh nguồn lực con người: có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ. Thứ ba, về phương hướng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Nghị quyết Đại hội XIII xác định theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, “thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”3. Như vậy, ở đây có sự phát triển, với tiêu chí rất cao: tự chủ, tự cường, hiện đại và là một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Điều đó là cần thiết, sát với thực tiễn tình hình mới. Bởi, chỉ khi nào nền công nghiệp quốc phòng, an ninh: tự chủ, tự cường, hiện đại, thì khi đó mới có sự chủ động trong việc bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang còn nếu không đạt được yêu cầu đó mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài thì tất nhiên sẽ bị động và như thế sẽ cực kỳ nguy hiểm, nhất là khi đất nước có chiến tranh. Thứ tư, Đại hội XIII xác định: “Thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”4. Hệ thống chiến lược trên rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì thế được Đảng ta định hướng xây dựng từ Đại hội X, nhưng phải sau hơn 10 năm (đến giữa nhiệm kỳ Đại hội XII) mới hoàn thành. Cho nên việc chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược đó với yêu cầu toàn diện, đồng bộ là rất cần thiết trong tình hình mới.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần đoàn kết, nỗ lực thực hiện sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tập trung vào những nội dung lớn, cơ bản sau:

1. Đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là những động thái liên quan, tác động trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống. Quốc phòng, an ninh là một lĩnh vực đặc thù, nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để hoàn thành nhiệm vụ đó, yêu cầu trước hết là phải thường xuyên nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình mọi mặt, nhất là những yếu tố tác động trực tiếp đến quốc phòng, an ninh nước ta. Trong bối cảnh tình hình phức tạp, thay đổi nhanh, khó lường, cùng lúc phải đối phó quyết liệt với thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như hiện nay vấn đề này lại càng quan trọng, nhưng thực hiện cũng không dễ. Vì thế, cần phải có sự phối hợp thường xuyên chặt chẽ của các lực lượng, bộ, ngành liên quan, nhất là giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại, để chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương và đối sách giải quyết tốt mọi tình huống về quốc phòng, an ninh và các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Chủ động ngăn chặn, triệt tiêu những yếu tố có thể gây đột biến, tác động xấu đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, hiện nay nước ta và các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với mối thảm họa toàn cầu, đó là đại dịch Covid-19. Trong cuộc chiến ác liệt này, không một quốc gia nào có thể “độc lập tác chiến” mà giành thắng lợi, vì thế càng phải cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, v.v. Đó là cách thức duy nhất đúng để đẩy lùi dịch bệnh. Phải chủ động trong các phương án dập dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa chống dịch vừa tranh thủ mọi cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, hoàn thành mục tiêu kép. Điều đó cũng là thiết thực quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng được xác định tại Đại hội XIII: “giữ vững an ninh quốc gia, an ninh con người”5.

2. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp được hợp thành từ nhiều yếu tố, trong đó tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh giữ vai trò cốt yếu, trực tiếp. Để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, vấn đề cơ bản là phải chăm lo xây dựng lực lượng và thế trận. Về lực lượng, phải xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, toàn diện, có chất lượng tổng hợp cao, trọng tâm là xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo lộ trình, mục tiêu đến năm 2025, 2030 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Về xây dựng thế trận, coi trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân”. Thế trận tổng hợp đó phải có sự gắn kết chặt chẽ ở mọi cấp, mọi địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh và vững chắc ngay từ cơ sở. Mặc dù, nước ta hiện còn nhiều khó khăn, nhưng đang có sự phát triển đáng mừng, theo đó nguồn lực bảo đảm cho quốc phòng, an ninh cũng ngày càng dồi dào hơn. Điều quan trọng là, phải khai thác, huy động được nguồn lực đó khi cần, còn nếu không sẽ không có tác dụng. Muốn thế phải khẩn trương có cơ chế huy động nguồn lực bảo đảm quốc phòng, an ninh sao cho phù hợp, hiệu quả. Cơ chế đó phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp quy và phải sát thực tiễn, cụ thể để có thể khai thác được tối đa mọi nguồn lực, gồm cả nội lực và ngoại lực, nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần, nguồn lực con người, nguồn lực nhà nước, nguồn lực địa phương và nguồn lực trong xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh.

3. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng. Mục đích của phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là nhằm đảm bảo vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Nhưng phát triển theo hướng nào, mức độ đến đâu còn phụ thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, điều kiện, khả năng của đất nước,… tức là phải có cơ sở khoa học. Tại Đại hội XIII, nhận thấy đã hội tụ đủ yếu tố cần thiết thì Đảng ta xác định rõ: xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, “thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”. Điểm khác ở đây không thuần túy là “câu chữ” mà ở nội hàm vấn đề, là sự phát triển về chất đối với năng lực công nghiệp quốc phòng, an ninh, sự chuyển hướng quan trọng trong việc đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang từ chỗ trước đây nguồn cung cấp phần lớn là từ bên ngoài thì hiện nay và tới đây sẽ từng bước tự đảm bảo; tức là lấy tự sản xuất là chính và chỉ mua sắm từ bên ngoài những loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng, hiện đại mà ta chưa đủ khả năng sản xuất. Thực tế cho thấy, khi nền công nghiệp quốc phòng, an ninh đã đạt được yêu cầu: tự chủ, tự cường, hiện đại, nghĩa là có sự chủ động trong việc đảm bảo vũ khí, trang bị, thì tất nhiên sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sự phụ thuộc từ bên ngoài, điều này hết sức quan trọng. Để phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh theo phương hướng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra cần phải có sự đầu tư lớn cả nhân lực, vật lực, công nghệ, v.v. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đầu tư thích đáng, nền công nghiệp quốc phòng, an ninh của đất nước sẽ phát triển đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng kịp thời, đầy đủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết cho lực lượng vũ trang nhân dân.

4. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả hệ thống chiến lược quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước đây, khi ta chưa xây dựng được hệ thống chiến lược quốc gia về bảo vệ Tổ quốc, việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta có nhiều khó khăn, hạn chế, chưa theo kế hoạch, phương án cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, hệ thống chiến lược quốc gia đó và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành đã và đang được hoàn thiện là thuận lợi rất cơ bản đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói riêng. Do đó, việc triển khai thực hiện chặt chẽ với yêu cầu toàn diện, đồng bộ, hiệu quả là hết sức quan trọng. Cần thấy trách nhiệm thực hiện là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhưng trong mỗi chiến lược cụ thể đều có lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm chính. Ví như lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm chính trong thực hiện Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự là Quân đội nhân dân, đối với Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia là Công an nhân dân, với các chiến lược khác cũng tương tự như vậy. Hệ thống chiến lược đó là một thể hoàn chỉnh, mỗi chiến lược là một mắt xích gắn bó chặt chẽ và tác động đến nhau, vì thế phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ, toàn diện mới có hiệu quả, còn nếu không sẽ ít có tác dụng. Quá trình thực hiện, các lực lượng, bộ, ngành cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, đặc biệt với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân - lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc - ngoài việc thực hiện tốt chiến lược được giao và các chiến lược chuyên ngành, còn phải tham gia tích cực vào các chiến lược khác. Có như vậy, việc triển khai thực hiện mới đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội, v.v.

Trên đây là một số nội dung, giải pháp cơ bản tăng cường quốc phòng, an ninh theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng. Với sự quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng
Đại tá, ThS. Nguyễn Đức Thanh
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)

_______

1. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 56.
2. Sđd, tr. 157.
3. Sđd, tr. 245.
4. Sđd, tr. 160.
5. Sđd, tr. 156.

Bài viết khác: