Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là một khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ. Là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật… công chức, viên chức.

Hiện nay, đánh giá, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 và Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ. Theo đó, một số nội dung mới về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như sau:

1. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Về cơ bản nguyên tắc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức được kế thừa quy định của Nghị định 56/2015/NĐ-CP, tuy nhiên có bổ sung một số nguyên tắc mới như:

- Việc đánh giá phải thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể;

- Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.

+ Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

+ Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.

2. Về tiêu chí chung đánh giá, xếp loại công chức, viên chức

- Quy định trước đây gồm 03 nhóm tiêu chí để làm căn cứ đánh giá cán bộ, công chức như về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; tiêu chuẩn chức vụ, chức danh; chương trình, kế hoạch… còn tiêu chí đánh giá cụ thể thì quy định ở biểu mẫu đánh giá cán bộ, công chức.

- Quy định hiện hành gồm 05 tiêu chí chung để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức gồm: Chính trị tư tưởng; Đạo đức, lối sống; Tác phong, lề lối làm việc; Ý thức tổ chức kỷ luật; Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Và trong mỗi tiêu chí quy định rõ các nội dung để làm cơ sở đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

3. Thời điểm đánh giá, phân loại công chức, viên chức

- Theo quy định trước đây: Thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm; không quy định ngày nào nên không thống nhất trong việc thực hiện.

- Quy định hiện hành: Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Tiêu chí đánh giá công chức viên chức

4.1. Tiêu chí đánh giá cán bộ

- Tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Kế thừa Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, Nghị định 88/2017/NĐ-CP về tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, quy định hiện hành bổ sung một số nội dung sau:

+ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định: Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực phụ trách hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Quy định hiện hành chỉ cần hoàn thành 100% nhiệm vụ và trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

+ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao phụ trách hoàn thành 100% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột xuất.

Quy định hiện hành kế thừa Nghị định số 56/2015/NĐ-CP nhưng quy định rõ trong 100% hoàn thành nhiệm vụ, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ ở mức hoàn thành nhiệm vụ

+ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Quy định hiện hành đã bỏ hạn chế về năng lực, chỉ quy định hoàn thành nhiệm vụ và bổ sung, làm rõ một số trường hợp cán bộ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ:

+ Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành, trong đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp.

  • Tiêu chí phân loại đánh giá cán bộ ở mức không hoàn thành nhiệm vụ

Quy định hiện hành đã bổ sung:

+ Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền (Tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức).

+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ (Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định dưới 70%).

4.2. Tiêu chí đánh giá công chức

- Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 

 + Về tiêu chí Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, quy định hiện hành bổ sung trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

+ Đối với công chức lãnh đạo, bổ sung quy định trong lãnh đạo, điều hành cơ quan đơn vị hoành thành tất cả nhiệm vụ đề ra còn phải  ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;  Đối với các cơ quan phụ trách phải hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Đối với tiêu chí hoàn thành tốt nhiệm vụ: Bổ sung thêm quy định đối với công chức lãnh đạo ngoài hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong đó ít nhất 80% hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

- Đối với tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ: Quy định cụ thể giới hạn kết quả hoàn thành và không hoàn thành so với kế hoạch.

4.3. Về tiêu chí đánh giá xếp loại viên chức:

Đã bổ sung, làm rõ các tiêu chí cũng như giới hạn số lượng công việc hoàn thành, chưa hoàn thành tương ứng với từng mức độ đánh giá tương tự như công chức, cán bộ.

5. Thông báo kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

- Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định rõ sau 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của người hoặc cấp có thẩm quyền đánh giá thì phải thông báo kết quả đánh giá cho cán bộ, công chức, viên chức. Và chỉ quy định thông báo bằng văn bản cho người được đánh giá.

- Quy định hiện hành yêu cầu: Thông báo bằng văn bản cho công chức và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng. Không quy định thời gian thông báo kết quả.

Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá và căn cứ điều kiện cụ thể của đơn vị, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức, viên chức phải xây dựng và ban hành Quy chế đánh giá phù hợp xong trước ngày 01/12/2020. Nội dung Quy chế đánh giá phải xác định rõ:

+ Sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm;

+ Tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh gái theo quý, tháng...;

+ Căn cứ để xác định tỷ lệ % mức độ hoàn thành công việc;

+ Các tiêu chí thành phần để đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của đơn vị.

Như vậy, hệ thống các văn bản về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ngày càng hoàn thiện là một bước tiến quan trọng trong thể chế quản lý nói chung và công tác cán bộ nói riêng, góp phần cụ thể hóa quan điểm đổi mới công tác cán bộ của Đảng. Tuy nhiên, đây cũng là công việc phức tạp, nhạy cảm và hiện vẫn là khâu yếu, do đó, cần thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức một cách nghiêm túc, chính xác, khách quan và công bằng để xây dựng được đội ngũ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ./.

Bùi Hảo (tổng hợp)

Bài viết khác: