Nhìn lại lịch sử từ khi có Đảng đã cho chúng ta bài học: Để vượt qua chông gai, thử thách, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên phải có những nhà lãnh đạo, cán bộ, đảng viên có tư duy và hành động đột phá, sáng tạo, đi trước, mở đường. Họ sẵn sàng hy sinh quên mình, vì dân, vì nước, vì lợi ích chung.

Hai “khác thường” của một con người phi thường

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng “đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về nghị lực phi thường, tư duy độc lập, sáng tạo. Nhiều quyết định của Người không theo lẽ thường, thậm chí trái với quy tắc hiện tại nhưng lại có tính chất bước ngoặt, khai thông bế tắc, mở đường cho cách mạng đi lên. Có thể kể hai ví dụ tiêu biểu trong các quyết định lịch sử của Người: Đó là quyết định hướng đi tìm đường cứu nước và những sáng tạo trong thành lập chính đảng kiểu mới.

Trải qua nhiều năm gian khổ, lăn lộn nơi đất khách quê người, được tiếp cận với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nhận ra con đường tất yếu mà cách mạng Việt Nam phải đi, đó là tiến hành cách mạng vô sản giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là kết quả quan trọng của tư duy sáng tạo cách mạng của Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn con đường cách mạng. Nó vượt ra khỏi tư duy chính trị của người Việt Nam đương thời và đến với ánh sáng của thời đại mới.

cach mang thanh cong 2
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Mùa xuân năm 1930, sau quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng của Người về Đảng và xây dựng Đảng được nêu lên đầy mới mẻ và sáng tạo. Với một đất nước thuộc địa nửa phong kiến, nông dân chiếm đa số dân cư như Việt Nam, Người đã xác định quy luật hình thành của Đảng là “kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước”.

Các văn kiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người đề xuất và được hội nghị thông qua thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo và nhãn quan nhạy bén của lãnh tụ. Sau hội nghị, mặc dù bị chỉ trích dữ dội, thậm chí bị thẩm tra, quy kết nặng nề nhưng Người vẫn vững vàng và thực tiễn đã chứng minh những quyết định tại hội nghị thành lập Đảng là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo.

Cuộc họp trắng đêm và quyết định lịch sử của Hà Nội

Chỉ mới 15 tuổi và 5 nghìn đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân làm cuộc tổng khởi nghĩa “long trời lở đất”, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong đó, cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đường cho cả nước, được đánh dấu bởi quyết định lịch sử của những cán bộ quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã kể cho chúng tôi về cuộc họp trắng đêm của Thành ủy Hà Nội, quyết định tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh, nội bộ địch bị phân hóa, tinh thần cực kỳ dao động. Bài toán lúc ấy đặt ra là, có tiến hành Tổng khởi nghĩa ngay hay không khi chưa có lệnh của Trung ương và tiến hành bằng phương thức nào? “Tối ngày 17-8, tôi chủ trì cuộc họp của thành ủy mở rộng với các đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa. Bàn rất căng và cuộc họp kéo dài đến hết đêm. Một số ý kiến băn khoăn nếu ta tiến hành Tổng khởi nghĩa thì liệu có giải quyết được không khi lực lượng địch còn rất mạnh với hơn một vạn quân Nhật và trên một nghìn Bảo an binh, quân Nhật còn có cả xe tăng, đại bác? Để chắc chắn, nên chờ ý kiến của Trung ương và lực lượng giải phóng quân về tăng cường. Nhiều ý kiến không nhất trí như vậy mà đề nghị cần nhanh chóng tiến hành Tổng khởi nghĩa vì thời cơ đã chín muồi. Kết luận cuộc họp, chúng tôi cho rằng, nếu ta không chớp thời cơ lúc này thì bọn ngụy quân, ngụy quyền sẽ phô trương thanh thế để tranh thủ lôi kéo quần chúng. Từ cơ sở đó, hội nghị quyết định: Sử dụng lực lượng chính trị, vũ trang của ta nhanh chóng giành chính quyền”, Đại tướng Nguyễn Quyết kể lại.

Quyết định lịch sử từ cuộc họp trắng đêm hôm đó đã đem đến thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa của Hà Nội. Thắng lợi đó thể hiện thành công độc đáo của Hà Nội, đó là tinh thần sáng tạo, không máy móc, giáo điều, kịp thời và táo bạo.

Dám “làm khác” vì xương máu bộ đội

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có biết bao tấm gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp bằng trách nhiệm cao cả với xương máu của bộ đội, đã dám “làm khác”, quyết định khác với quy tắc thông thường, với số đông.

Một trong những quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử là quyết định của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại cuộc họp Đảng ủy mặt trận, mặc dù nhiều ý kiến chưa thông suốt nhưng Đại tướng vẫn quyết định chuyển đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc và chắc thắng, hoãn nổ súng, kéo pháo ra. Thực tế lịch sử đã cho thấy quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định sáng suốt và đầy trách nhiệm của Bộ tư lệnh chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng còn sống, chúng tôi đã có nhiều cuộc phỏng vấn và trò chuyện với ông. Nhớ nhất là hai câu chuyện mà ông kể: Lần quyết định lệnh cho các đơn vị của Khu 9 đánh địch sau khi Hiệp định Paris được ký kết và quyết định sáng tạo trong thực hiện cơ chế 07 khi ở chiến trường Campuchia.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Trung ương chủ trương tạm ngừng bắn, thậm chí thực hiện “5 cấm”: Cấm tấn công vũ trang, cấm bao vây đồn bốt, cấm đánh địch bung ra, cấm pháo kích, cấm làm xã ấp chiến đấu. Thế nhưng ở Khu 9 (do đồng chí Lê Đức Anh làm Tư lệnh), địch vẫn phản kích, tấn công ta, âm mưu “tràn ngập lãnh thổ”. Tư lệnh Lê Đức Anh đã điện chỉ thị các địa phương, đơn vị: “Phải chủ động đánh địch hành quân lấn chiếm. Nếu để địch lấn chiếm hết đi thì tình hình sẽ khó khăn thêm, mà chúng ta có khôi phục lại được phải đổ nhiều xương máu, thậm chí phải kéo dài chiến tranh thêm 10 hay 20 năm nữa”.

Chỉ ít tháng sau, từ thực tiễn cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên các chiến trường, Trung ương, Quân ủy Trung ương nhìn nhận rõ: Không bao giờ được ảo tưởng, trông chờ “thiện chí hòa bình” của kẻ thù. Từ kinh nghiệm chiến đấu của Khu 9 là yếu tố quan trọng để Hội nghị Trung ương vào cuối tháng 6-1973 đề ra Nghị quyết 21 với con đường duy nhất đúng là dùng bạo lực cách mạng đè bẹp bạo lực phản cách mạng.

Ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị (khóa V) ra Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó chủ trương không để hệ thống cấp ủy từ Quân ủy Trung ương đến cấp trên trực tiếp cơ sở; tổ chức cơ sở đảng không ra nghị quyết về quyết tâm chiến đấu, các chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của đơn vị... Khi triển khai thực hiện vấn đề này, trên cương vị Tư lệnh Mặt trận 719, đồng chí Lê Đức Anh đã có chính kiến khác. Ông kiên quyết đề xuất: Riêng ở chiến trường Campuchia, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vẫn duy trì chế độ đảng ủy. Thực tiễn đã chứng minh đây là một đề xuất đúng đắn, bảo đảm cho sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và phù hợp với thực tế nhiệm vụ của các đơn vị ở Mặt trận 719 vào thời điểm đó, góp phần vào những thắng lợi to lớn của chúng ta khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

“Xé rào” đổi mới

Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra Nghị quyết cho phép nông dân tự cấy cày trên đất đai của hợp tác xã và đến cuối vụ được phép giữ lại sản phẩm vượt định mức. Đây là một nghị quyết táo bạo, gây xôn xao dư luận khi ấy. Bởi lúc đó, tư duy và quyết định áp dụng khoán là điều cấm kỵ, là đi ngược với đường lối kinh tế tập thể của Đảng. Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc thậm chí còn bị phê bình, kiểm điểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người nông dân đã rất phấn chấn, lao động hăng say trên mảnh ruộng của mình. Nhờ đó, năng suất tăng vọt. Cơ chế này trở thành viên gạch đầu tiên để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, khoán 100, rồi khoán 10, trong cả nước.

“Đêm trước” đổi mới còn ghi nhận hàng loạt gương mặt “mở lối” với các mô hình “xé rào” để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành và mô hình “khoán sản”; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính với mô hình bù giá vào lương; bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP Hồ Chí Minh với mô hình Tổ thu mua lúa gạo; một số mô hình khoán khác như: Khoán ở Xí nghiệp đánh cá Côn Đảo, Vũng Tàu; khoán ở Công ty xe khách miền Đông Nam Bộ...

Sự trăn trở, “xé rào” của nhiều mô hình trong thực tiễn là cơ sở để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp thu, nghiên cứu, hoạch định các quyết sách đổi mới. Tiêu biểu là Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhận cương vị là người đứng đầu Đảng khi thời gian khai mạc Đại hội VI của Đảng chỉ còn khoảng 5 tháng, ông đã đưa ra một quyết định đầy bản lĩnh và chưa từng có: Viết lại toàn bộ Báo cáo chính trị theo quan điểm: Quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối đổi mới. Quyết định này đã mở ra bước ngoặt mới cho đất nước.

Chính kiến + sáng tạo = Đột phá

Trải qua các giai đoạn của lịch sử, nhất là thời điểm khó khăn, thử thách, những bước ngoặt của cách mạng đều đặt ra những yêu cầu khách quan cần có người cầm lái, những cán bộ có tư duy và hành động đột phá để đi đầu, khai thông bế tắc, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng tiến lên. Quyết định của họ xuất phát từ động cơ trong sáng, đã tạo ra các bước ngoặt, chuyển dịch trong thực tiễn. Thực tiễn đã chứng minh, để tạo ra đột phá thì cần những người có chính kiến, thậm chí khác biệt, cộng với các ý tưởng, giải pháp sáng tạo, có khi là táo bạo, chưa có tiền lệ.

Ví như trong sự nghiệp đổi mới, đường dây 500 KV Bắc-Nam được Chính phủ quyết chủ trương xây dựng năm 1992 nhưng đã gặp không ít rào cản, với những nghi ngờ dự án thất bại, gây lãng phí ngân sách. Tuy nhiên, lúc đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tầm nhìn xa, dám chịu trách nhiệm đã từng nói: "Nếu đóng điện không thành công thì xin từ chức". Và rồi, công trình lịch sử ấy thành công, góp phần quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhìn lại có thể thấy rất nhiều mô hình "xé rào" thành công và được ghi nhận. Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng không ít kẻ lợi dụng đổi mới, sáng tạo vì lợi ích cá nhân, thậm chí là lợi ích nhóm để trục lợi cá nhân, vi phạm pháp luật. Và trong bối cảnh của giai đoạn phát triển mới, với rất nhiều biến cố khó lường, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung lại càng trở thành phẩm chất quan trọng để đánh giá cán bộ.

Những thử nghiệm, nhất là những quyết định “vượt rào”, không theo quy tắc thông thường có thể thành công hay thất bại, có thể mang đến những kết quả, hậu quả và đánh giá khác nhau nhưng cần được nhìn nhận đúng bản chất, động cơ để đánh giá, khuyến khích, bảo vệ.

(còn nữa)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: