Đại hội XIII của Đảng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những khái niệm như: Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số lần đầu tiên được đề cập. Nội hàm của những khái niệm này cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển và các đột phá chiến lược. Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những quan điểm thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước đó. Đây chính là mục tiêu, ý nghĩa của việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở nước ta; là lý do để Đại hội XIII của Đảng vừa qua đặc biệt nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các văn kiện Đại hội.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, cũng như đời sống văn hóa - xã hội. Do đó, chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, cũng là những thách thức, yêu cầu mới. Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng, trong đó có việc tiếp cận một cách nhanh nhất, bình đẳng nhất với tất cả các dịch vụ của xã hội, tạo dựng một cuộc sống, môi trường sống hiện đại, văn minh và linh hoạt.

Có thể điểm một số dấu ấn của quá trình chuyển đổi số như: Trong lĩnh vực cải cách hành chính, sau khi trục liên thông văn bản quốc gia và cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành hơn một năm qua đã góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động. Gần 3.000 dịch vụ công được tích hợp trên hệ thống này đã tạo ra một sự thay đổi chưa từng có nếu so sánh với việc phải đến các cơ quan hành chính như trước. Trong lĩnh vực y tế, mạng lưới Telehealth với 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa mới được kết nối đã xóa nhòa khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến trung ương và địa phương. Nhờ đó tỉ lệ chuyển tuyến giảm xuống dưới 10% so với tỷ lệ trước đây là 30%, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và giảm tải cho hệ thống y tế. Ngành giáo dục trong những năm qua cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường dạy học qua internet, trên truyền hình; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các học sinh, giáo viên trong quá trình dạy học qua internet; ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản chương trình giáo dục phổ thông để các địa phương kịp thời thực hiện. Các nhà trường đã chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến, dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.

Những kết quả đạt được đã khẳng định Việt Nam có thể áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số vào trong nền kinh tế và hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới đây. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, định hướng thứ hai xác định: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”1. Định hướng thứ ba xác định: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”2.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đưa ra 5 quan điểm phát triển. Trong đó, có 2 quan điểm nhấn mạnh về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Cụ thể là: Quan điểm thứ nhất xác định “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”3. Quan điểm thứ hai về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa yêu cầu “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới”4.

Cùng với quan điểm và định hướng phát triển, kinh tế số còn được Đại hội đưa thành một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới. Các văn kiện Đại hội xác định: đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội phải đạt bình quân trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng phải đạt khoảng 45%. Đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt 50%. Đồng thời, Đại hội chủ trương trong quá trình thực hiện, quyết tâm phấn đấu đạt các mục tiêu và chỉ tiêu ở mức cao nhất5.

Để thực hiện có kết quả chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số theo quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung:

Chuyển đổi và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng, về nội dung chuyển đổi số để tạo được sự chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi số trong mọi thành viên xã hội. Sự thiếu hiểu biết, thiếu chuẩn bị, thiếu sẵn sàng của các thành viên, các tổ chức xã hội sẽ là trở ngại cho chuyển đổi số, phát triển cách tế số. Bởi vậy, việc chuyển đổi nhận thức, nâng cao nhận thức, hiểu biết về công nghệ số, chuyển đổi số trong các thành viên xã hội để mỗi thành viên xã hội có sự chuẩn bị về tâm lý, về điều kiện, kỹ năng cần thiết để có thể chủ động, tích cực tham gia, có thể thích ứng với chuyển đổi số là yêu cầu đầu tiên, rất quan trọng để thực hiện thắng lợi việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của đất nước. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp phải xem đây là trách nhiệm của mình để thực hiện có kết quả nhiệm vụ này.

 

 Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo điều kiện thuận lợi, động lực đẩy mạnh việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy định pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông, về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh theo hướng khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, Internet và không gian mạng. Hoàn thiện luật pháp, chính sách bảo đảm an toàn, an ninh các hoạt động kinh tế trên không gian mạng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, bảo vệ bí mật thông tin của doanh nghiệp, của khách hàng...

Cùng với xây dựng, hoàn thiện thể chế luật pháp, chính sách, cần đặc biệt chú trọng chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở từng doanh nghiệp, từng ngành, lĩnh vực tới cả nền kinh tế một cách đồng bộ, chủ động, tích cực, với quyết tâm cao, đồng thời, có căn cứ khoa học, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tiễn, không chủ quan, viển vông, thiếu căn cứ. Tập trung xây dựng một số doanh nghiệp công nghệ mạnh về tiềm lực, quy mô, có trình độ cao về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ số làm đầu tàu hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp khác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Thực hiện chuyển đổi số kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo và phát huy nội lực, hướng đến phát triển ổn định, bền vững đất nước. Quá trình chuyển đổi số cần khuyến khích, khơi nguồn sáng tạo cho tất cả người dân trong xã hội, nhất là doanh nhân, những người tài năng truyền đạt kinh nghiệm, phương pháp chuyển đổi số; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với các doanh nghiệp để gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình chuyển đổi số; có cơ chế, chính sách hợp lý, kịp thời để khai thác, sử dụng nguồn nội lực trong nước kết hợp với ngoại lực để các cá nhân, tổ chức yên tâm trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số; đặc biệt, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hành chuyển đổi số, đó sẽ là những “bệ phóng”quan trọng để chúng ta kết nối với bên ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong khu vực và thế giới.

Chủ trương, quan điểm của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII sẽ mở đường cho định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Sự xác lập, nhận thức rõ tầm quan trọng chuyển đổi số sẽ là tiền đề căn bản để xây dựng các giải pháp, khởi phát những đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số trong tương lai. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trọng tâm chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số đã tạo ra một cơ hội bình đẳng như nhau để bứt phá đi lên đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Và nếu nắm bắt được cơ hội này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự phát triển của một đất nước giàu mạnh./.

Kim Anh

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, HN, 2021, tập 1, tr.114
2. Sđd, tr. 115
3. Sđd, tr.214
4. Sđd, tr.215.
5. Sđd, tr.113, 114

Bài viết khác: