Vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống, nhất là nhận thức và thực hành chữ “Liêm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong việc phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Tham nhũng trở thành một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị. Nó được coi là một căn bệnh nguy hiểm, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau trong có yếu tố rất quan trọng là do sự bất liêm, bất chính. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm chính là tất yếu khách quan, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, trách nhiệm và uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước Tổ quốc và Nhân dân.

chu liem hang dau 2

Năm 1949, trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Liêm” của ngày xưa để chỉ “những người làm quan không đục khoét dân… Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải Liêm”1. Đồng thời, Người cũng cho rằng, “Liêm” cần đi đôi với “Kiệm” bởi vì “có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm”2. Như vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Liêm” là “trong sạch, không tham lam”; “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Liêm” là thước đo đạo đức và cũng là thước đo bản lĩnh con người, nhất là khi được giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý. Có “Liêm”, sẽ không làm điều gì mờ ám, khuất tất, giấu giếm; biết phân biệt đúng sai, xấu tốt, biết tự răn mình tránh điều xấu xa; tạo ra uy tín và sự kính trọng đối với mọi người. Đức “Liêm” của cán bộ, đảng viên sẽ tạo lòng tin đối với Nhân dân, nếu không có hoặc thiếu “Liêm” “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”4. Người cũng đưa ra những phương pháp để thực hiện chữ “Liêm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện được “Liêm”, cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Để thực hiện “Liêm”, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, mỗi cán bộ, đảng viên phải thi đua thực hành liêm khiết để làm tấm gương cho quần chúng noi theo. Bên cạnh đó, cần phải không ngừng nâng cao dân trí, để người dân biết quyền hạn của mình, biết kiểm soát cán bộ, để “giúp” cán bộ thực hiện chữ “Liêm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ rõ ràng, công minh trước công và tội của từng cá nhân. Người viết nhiều bài báo giáo dục, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên không được phép làm “quan cách mạng”, phòng tránh những cám dỗ đời thường để không bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên có chức, có quyền. Người chỉ ra hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức mà các hành vi vi phạm của những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất gây ra, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào luật pháp, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Không chỉ đưa ra quan điểm về đức tính “Liêm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn là tấm gương sáng về sự giản dị, liêm khiết, trong sáng. Cả cuộc đời Người chỉ lo cho dân, cho nước; là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, giữ liêm khiết, trong sạch ở mọi lúc, mọi nơi. Người còn là hiện thân cho sự đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, chống lại những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị.

Trong tư tưởng đạo đức cũng như cuộc đời của Người, chữ “Liêm” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự trong sáng không có gì có thể làm lu mờ tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là do sự tuyệt đối liêm khiết của Người mà ra. Sinh thời, Người cũng đặt ra yêu cầu rất cao về chữ “Liêm” đối với cán bộ, đảng viên, nhưng điều đó không có nghĩa là Người quan niệm nghèo khổ mới là liêm khiết; làm cách mạng là để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để được sung sướng. Người yêu cầu cán bộ cách mạng phải biết: “Khổ thì khổ trước dân, sướng thì sướng sau dân”. Như vậy, đạo đức Hồ Chí Minh không phải là thứ đạo đức khổ hạnh, mà là đạo đức của sự giải phóng con người, sự hoàn thiện con người, đưa con người tới hạnh phúc chân chính, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nhất định của đất nước và thời đại, với nguyên lý cơ bản rằng, mỗi người chỉ hưởng thụ một cách xứng đáng với công sức mình bỏ ra, cống hiến. Ngược lại, những trường hợp hưởng thụ những thứ cướp đoạt của người khác, bất cứ bằng hình thức nào, đều bị coi là tàn bạo, trái với lương tâm, đạo đức con người. Đó chính là nội dung quan trọng nhất của chữ “Liêm”.

Với cương vị là người đứng đầu một đảng cầm quyền và người đứng đầu Nhà nước, Người sớm nhận rõ được mối nguy hại của các tệ nạn gắn với Nhà nước, với người có chức có quyền. Vì vậy, trong các bài nói và viết của mình, ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền cho đến sau này, Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống các bệnh quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí…Những căn bệnh này được Hồ Chí Minh diễn đạt trong thuật ngữ “bất liêm”, mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng. Nghiên cứu các tác phẩm của Bác, chúng ta có thể thấy rằng Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã vạch rõ nguồn gốc, bản chất, các hình thức biểu hiện, các phương pháp phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí trong khu vực công và trong cả khu vực tư.

Thông qua định nghĩa chữ “Liêm”, Người đưa ra quan niệm về tham nhũng. Người chỉ ra 2 biểu hiện trong 10 hành vi bất liêm của cán bộ đó là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên; Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã coi trọng lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực Nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù hết sức nguy hiểm, Người đã chỉ rõ:“Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong long”, nó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”. Theo Người, nguồn gốc của tham nhũng là do tha hóa quyền lực Nhà nước, do thiếu dân chủ. Thiếu dân chủ, được Hồ Chí Minh xem xét từ hai phía. Thứ nhất, là từ phía cán bộ, công chức Nhà nước mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Nguyên nhân là do: “Xa nhân dân...khinh nhân dân...Sợ nhân dân... Không tin cậy nhân dân... Không hiểu biết nhân dân... Không yêu thương nhân dân… Thậm chí còn lừa phỉnh dân và dọa nạt dân”. Thứ hai, “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra liêm. Vì vậy “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ thực hiện chữ liêm”.

 Đồng thời, chỉ ra biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời Xtalin về cách thức phòng, chống lãng phí và coi đây như một “nghệ thuật”, nhưng “nghệ thuật” đó không phải dễ: “Đồng chí Xtalin dạy chúng ta: “Phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta. Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân. Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý - Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ”.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo quyết liệt cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng liên quan đến vấn đề liêm chính. Trước những đòi hỏi ngày một phức tạp của thực tế phát triển đất nước, việc xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, vừa có đức, vừa có tài đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Cùng với hành trình phát triển, đội ngũ cán bộ đã trưởng thành nhiều mặt, góp phần quan trọng để đất nước giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Song một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Những thói hư, tật xấu của một bộ phận cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các đơn vị nói riêng bị tha hóa và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ xâm hại tới lợi ích chung mà còn gây tác động xấu, làm phân liệt ý chí và tan rã sức mạnh đoàn kết, thống nhất nội bộ; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, trở thành một trong những nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Theo thống kê, giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên; trong đó, có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan tham nhũng; thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Số liệu mới đây nhất, trong chín tháng năm 2021, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 126 tổ chức đảng và hơn 9.300 đảng viên.

Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; điểm mới là chỉ đạo cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên công chức, viên chức. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý đất nước phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước. Muốn đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả phải sử dụng những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp và chính sách; các giải pháp vừa có tính chiến đấu cao, vừa khoa học, vừa kiên quyết và mạnh mẽ.

Trước hết, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo dục liêm chính trong xã hội, tạo dư luận lên án, phê phán mạnh mẽ những biểu hiện bất liêm, bất chính. Tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân thực hành chữ “Liêm”. Chú trọng giáo dục, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau”, “cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”; bởi vì, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. 

Thứ ba, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân, tạo cơ chế pháp lý để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền lực được Đảng, Nhà nước trao để mưu cầu lợi ích cá nhân, làm lũng đoạn xã hội. 

Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo hướng cụ thể, thiết thực, gắn liền với các tiêu chí thi đua, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. Phát huy tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hành chữ “Liêm”. Sự tự giác thực hành chữ “Liêm” của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc sống và trên mọi cương vị được giao là điều vô cùng quan trọng.

Thứ năm, khẩn trương và thường xuyên hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp chặt chẽ, đồng bộ để phòng, chống tham nhũng lâu dài. siết chặt kỷ luật Đảng, tăng cường kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ “Liêm” là vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Thực hành tốt chữ “Liêm” theo quan điểm của Người là chúng ta đã góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Quán triệt và vận dụng thực hiện tư tưởng của Người, trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và đề ra những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, cùng với sự tự vươn lên không ngừng của từng người, đất nước sẽ có đội ngũ cán bộ liêm chính, hết lòng vì nước vì dân./.

Kim Anh

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.126
2. Sđd, tr.262
3. Sđd, tr.292
4. Sđd, tr.240

Bài viết khác: